Nền ngoại giao của Đức Phanxicô đối diện với “Thế chiến Thứ ba”
(Giuse Nguyễn Tùng Lâm - 08.07.2015)
Ngài đi Sarajevo, ngài
tiếp Putin, ngài đến Cuba… Giáo hoàng Phanxicô trải rộng nền ngoại giao Vatican
trên khắp địa bàn thế giới.
Đức Phanxicô ở Nghị viện Châu Âu.
Sau chiến tranh, nền
ngoại giao Vatican tập trung nhiều nhất vào Chiến tranh lạnh và việc giải trừ
vũ khí hạt nhân. Nền ngoại giao này triển khai trong các vụ chạm trán quân sự
và ý thức hệ “toàn bộ”, kêu gọi các cường quốc thiết lập hòa bình, hòa giải và đối
thoại. Các nền ngoại giao cũ của giáo hoàng Gioan XXIII (1958-1963) và Phaolô
VI (1963-1978) đặt nặng trên thông tin đại chúng. Năm 1965, trước Hội đồng Liên
Hiệp Quốc, Giáo hoàng Phaolô VI đã kêu lên: “Không bao giờ được có chiến tranh
nữa!” Trước ngài, Thông điệp “Hòa bình dưới thế” (Paix sur la terre) của Giáo
hoàng Gioan XXIII yêu cầu có một cách quản trị thế giới mới, hoàn toàn giải trừ
vũ khí, bất bạo động đơn phương và “mang tính ngôn sứ”. Sau đó, nhờ Giáo hoàng
Gioan-Phaolô II và các nhà ngoại giao ngoại hạng như các hồng y Ý Agostino
Casaroli và Achille Silvestrini, Vatican đã có phần tích cực hơn sau khi chế độ
cộng sản sụp đổ
Ngày nay bản đồ của các
mâu thuẫn thế giới bị đảo lộn. Đức Phanxicô, giáo hoàng không phải là người Âu
Châu đầu tiên phải đối diện trước một “Thế chiến Thứ ba từng phần”, một thành
ngữ lạ ngài nói trong chuyến đi thăm Sarajevo chớp nhoáng ngày 6 tháng 6 vừa
qua. Theo ngài, đặc nét của “Thế chiến Thứ ba” này là do mâu thuẫn toàn cầu
giữa Phương Tây và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, làn sóng di cư càng ngày càng
mạnh của những người dân bị đuổi ra khỏi đất nước họ do nội chiến và do nạn
nghèo đói, nạn buôn vũ khí, buôn người dưới đủ mọi hình thức và không bao giờ
ngưng.
Vatican và Giáo hội (1,2
tỷ người) buộc lòng phải xem lại tiêu chuẩn thế nào là mâu thuẫn và can thiệp
của mình. “Toàn bộ” của ngày xưa không còn nữa. Không còn loại chiến tranh cổ
điển chống thực dân. Cũng không còn “thánh chiến” chống “trục của sự dữ” của
những người tân-bảo thủ Mỹ bị mất uy tín vì chiến tranh Irak. Chiến tranh không
còn là tai họa mà người ta có thể giải quyết bằng các cuộc thương thuyết giữa
hai bên tham chiến và với phương pháp ngoại giao cổ điển. “Tình huynh đệ phổ
quát,” giấc mơ của các giáo hoàng vào thời chiến tranh lạnh ngày nay nhường chỗ
cho các cú sốc của các nền văn minh, cho cuộc chạy đua lợi nhuận trên toàn cầu,
cho sự phân mảnh các lợi ích của quốc gia và của châu lục và với sự “toàn
cầu hóa” của những bất công, của nạn buôn người, của sự dửng dưng mà Đức Giáo
hoàng vẫn còn tố cáo trong thông điệp cuối cùng của ngài.
Vậy cần phải xem lại
phác thảo nền ngoại giao Tòa Thánh dưới cái nhìn của Đức Phanxicô và Quốc vụ
khanh của ngài, nhân vật số hai của Giáo triều, hồng y người Ý Pietro Parolin,
một nhà ngoại giao tầm vóc và chuyên nghiệp. Nền ngoại giao này đặt chỉ thị
trên ba trục.
1- Giải tỏa các hệ quả
của Chiến tranh lạnh
Đó là ý nghĩa hành động
của họ ở Cuba, nơi Giáo hoàng sẽ đến vào tháng 9 sắp tới, để với sức mạnh của
mình chấm dứt ngăn cách giữa chế độ Castro và Mỹ. Một hành động quyết liệt đã
được Raul Castro và Barack Obama công nhận. Năm 1998, lần đầu tiên Đức
Gioan-Phaolô II đã đến đảo quốc này, nhân danh “tự do tôn giáo”, trụ này là trụ
chống chế độ cộng sản ở Đông Âu và chống sự bách hại các tín hữu Kitô ở Trung
Quốc.
Nhưng Giáo hoàng
Phanxicô đã nâng giá trị các con bài phụ, như bảo vệ những người dân nghèo
nhất, nạn nhân của nạn cấm vận và đặt một “nền ngoại giao trung gian hòa giải”
trong số này có hồng y bạn người Cuba Jaime Ortega, một Tổng giám mục năng động
và là hồng y của La Havane. “Trong thế giới toàn cầu hóa, với tất cả sự phức
tạp của nó, chúng ta thiếu những người trung gian hòa giải, những người tìm
cách kết hợp và hóa giải hận thù”, ông Andrea Riccardi, cựu bộ trưởng người Ý,
sáng lập viên Cộng đoàn Sant’Egidio phát biểu.
Nhưng sự hòa hoãn theo
cách của Đức Phanxicô thì không được mọi người đồng ý. Những người còn hoài
niệm các cuộc chiến đấu ngày xưa chống sự bức hại của chế độ cộng sản cho rằng
Đức Giáo hoàng không nói một câu nào vinh danh các người “tử đạo” dưới chế độ
Castro hay hàng ngàn người Cuba đã bỏ nước ra đi hoặc hàng trăm người vô tội
vẫn còn bị giam giữ trong các nhà tù. Nhà báo Ý Sandro Magister, chuyên gia đặc
biệt hay chỉ trích Đức Phanxicô, nhắc lại sự thất vọng của các tín hữu Kitô
Trung Quốc (trong đó có hồng y Zen, được biết đến nhiều ở Rôma) đứng trước
“chính trị thực tiễn” của Vatican, trong hy vọng thiết lập bang giao với Trung
Quốc đã giữ im lặng đối với các giám mục bị mất tích trong nhà tù, các cây thập
giá bị hạ xuống, các tự do bị vứt bỏ.
Đức Phanxicô với tổng thống Nga, Putin.
Người Ukraina chờ Tòa
Thánh cương quyết hơn, giáo sư Antoine Arjakovsky khẳng định
Trong cuộc chiến tranh
với Ukraina mà Đức Phanxicô nói chuyện với Tổng thống Vladimir Putin ngày 10
tháng 6 vừa qua ở Vatican, ngài có một thái độ trung lập rất lớn. Đức Giáo
hoàng Gioan-Phaolô II rất nhiệt thành bảo vệ “láng giềng” Ukraina của Giáo hội Hy
lạp Công giáo, gọi đây là Giáo hội hiệp nhất với Châu Mỹ La Tinh. Thái độ đứng
về phe này đã cắt đứt liên lạc với Giáo hội Chính thống Nga và đã bị cấm –
trong một thời gian dài – mọi triển vọng cho một chuyến tông du của giáo hoàng
qua Nga và gặp thượng phụ của “tất cả mọi người Nga”.
Đức Phanxicô không bao
giờ nêu vai trò làm mất ổn định của Nga ở Donbass và vì thế ngài làm cho hàng
triệu người công giáo Ukraina (phần lớn ở Phía Tây) thất vọng, họ là những
người nhiệt thành ủng hộ thể chế chính trị ở Kiev nhất. Họ cảm thấy mình bị tổn
thương vì chữ “chiến tranh huynh đệ” mà Đức Phanxicô nói về cuộc chiến của họ
đối với các tấn công khiêu khích của người Nga. “Người Ukraina chờ Tòa Thánh
cương quyết hơn,” giáo sư Antoine Arjakovsky khẳng định.
Đầu óc “thực tế” của
Vatican đối với Ukraina là do Vatican xác quyết một giải pháp cho mâu thuẫn
giữa Syria và Irak buộc phải đi qua con đường Nga xô. Là người ủng hộ Tổng
thống Bachar el-Assad, lo lắng cho sự vỡ bờ của lực lượng Hồi giáo trong vùng
đất Caucasien của mình, Vladimir Putin trở thành lá bài chủ chốt ở Trung Đông.
Ông không ngừng nhắc lại vai trò lịch sử mà Nga đã đóng vào thế kỷ 19 như “quốc
gia bảo vệ” cho tín hữu Kitô ở Đông phương (đa số là chính thống như người
Nga). Những Kitô hữu khốn khổ ngày nay đang ở trong rọ giữa chế độ độc tài ở
Damas, tự cho mình bảo vệ được họ khỏi sự khủng bố của người Hồi giáo, và nỗi
ám ảnh của một Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Tất cả đều tận tụy với Vladimir
Putin, thượng phụ chính thống của Matxcơva muốn gần với Vatican hơn để hợp tác
chặt chẽ cho một “nền văn minh” của các tín hữu Kitô ở Trung Đông.
2- Tháo gọng kềm
Israel-Palestin
Đức Phanxicô chuyện trò với hai tổng thống của Israel và
Palestine.
Đức Phanxicô đòi hỏi một
“giải pháp chính trị” rõ ràng ở Trung Đông.
Chính ở Trung Đông mà
nền ngoại giao của Vatican cho thấy sự chuyển hướng đáng kể nhất. Vào tháng 4
năm 2014, trong cố gắng làm trung gian giải hòa, Đức Phanxicô đã hội Tổng thống
Israel Shimon Peres và Tổng thống Palestin Mahmoud Abbas ở Rôma, ngài đã gây
ngạc nhiên nhưng cố gắng này đã mau chóng bị lu mờ vì xung đột dữ dội ở dãi
Gaza vào mùa hè. Từ đó Đức Phanxicô không những nhắc lại những nguyên tắc đạo
đức chính cho một nền hòa bình, cho giải hòa, cho đối thoại mà ngài còn đòi hỏi
một “giải pháp chính trị” rõ ràng ở Trung Đông, với một lựa chọn giải pháp quân
sự, cho các xung đột ở Trung Đông, bắt đầu bằng cuộc xung đột giữa Israel và
Palestin. Đi từ “chủ nghĩa đạo đức” qua “luân lý quốc tế”.
Vì thế một hiệp định
quan trọng chấp nhận Quốc gia Palestin đã được ký kết giữa Vatican và Quốc gia
Palestin ngày 26 tháng 6 vừa qua. Trong hiệp định này, cái mới không phải
là việc dùng từ “Quốc gia Palestin”, một từ dễ gây tranh luận và đã từng có
trong các tài liệu của Tòa Thánh. Nhưng đúng hơn là qua hiệp định này, nhà cầm
quyền Palestin công nhận “tự do tôn giáo và tín ngưỡng” trên vùng đất của họ,
quyền của các cộng đoàn Kitô có được nơi thờ phượng, trải rộng các công việc từ
thiện và xã hội, giáo dục, các phương tiện truyền thông trong tất cả đời sống
công cộng của dân chúng.
Một chấp nhận như vậy ở
một nước Hồi giáo là một điều chưa từng có ở Trung Đông. Nó có thể mở đường cho
các quan hệ tương tự ở những nước khác ngoài Palestin. Vì thế tháng 6 vừa qua,
hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin đã đến Abu Dhabi để khánh thành một ngôi
nhà thờ mới, với sự hiện diện của các nhà chức trách cao cấp nhất của Vương
quốc Ả Rập thống nhất. Đó là một sứ điệp hùng hồn cho cả vùng Trung Đông, đặc
biệt là với quốc gia Ả Rập Xauđi, một nước mà chỉ đơn giản có quyển Thánh Kinh
đã là một tội nặng. Có phải đó là một hừng đông mới cho tự do ở vùng Cận Đông
không?
3- Trừ tiệt sự khiếp sợ
Hồi giáo
Đức Phanxicô được hoàng thân Jordan Ghazi bin Mohammed tiếp đón
tại Amman.
Cách đây không lâu, Đức
Phanxicô đã dám mạo hiểm đề cập đến một mâu thuẫn lịch sử với một xứ chủ chốt
như Thổ Nhĩ Kỳ, nơi tất cả các vị tiền nhiệm của ngài – Đức Phaolô VI, Đức
Gioan-Phaolô II, Đức Bênêđictô XVI-, xem Istanbul là đầu mối của một cuộc đối
thoại chưa từng có giữa các Giáo hội và Hồi giáo. Trong một buổi tưởng niệm
long trọng ở Rôma ngày 12 tháng 4 vừa qua, lần đầu tiên từ miệng của một giáo
hoàng, Đức Phanxicô đã tố cáo sự “diệt chủng” của người Armênia.
Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào cuộc
tranh luận trên mãnh đất đầy mìn này, Đức Giáo hoàng không theo cùng đường
hướng với họ. Đối với ngài, đây là một bổn phận đạo đức, vượt lên vấn đề riêng
của cộng đồng Armênia để bao gồm “toàn cả gia đình nhân loại”, ngài cố ý đem vụ
diệt chủng Armênia về gần với các vụ “diệt chủng” hiện nay đang xảy ra từ nhiều
năm nay ở Syria, Irak, Xuđăng, Kenya, Pakistan. Đó là “diệt chủng tạo ra do sự
dửng dưng toàn cầu và tập thể”, Đức Phanxicô đã khẳng định trong câu nói đã lan
truyền ra trên khắp thế giới:
“Chúng ta nghe tiếng kêu
bị bóp nghẹt và bị coi thường của rất nhiều anh chị em chúng ta, những người
không có gì trong tay để bảo vệ cho đức tin vào Chúa Kitô của họ, hoặc bảo vệ
sắc tộc của họ, những người bị giết công khai và một cách tàn bạo, chặt đầu,
đóng đinh, thiêu sống hoặc bị bắt buộc phải bỏ xứ ra đi.”
Nạn khủng bố của Hồi
giáo buộc giáo hoàng phải uốn lại giáo huấn xưa cổ của Kitô, cái gọi là “chiến
tranh chính đáng”, cho phép dùng đến vũ lực với cuộc tấn công trước, với điều
kiện là các phương tiện dùng phải “cân xứng” và khi đã cố gắng bằng mọi cách để
thương thuyết mà không được.
Cách đây một năm, trên
chuyến bay từ Hàn Quốc về Rôma, lần đầu tiên ngài đã chấp nhận sự “hợp pháp”
cho sự can thiệp quân sự vào Irak để chống lại người “gây hấn bất chính” (ngài
không nói thẳng đó là những người khủng bố Hồi giáo). Chính xác ngài đã nói:
“Trong trường hợp bị tấn
công bất chính, điều hợp pháp là phải ngừng người tấn công bất chính này. Nhưng
tôi xin nhấn mạnh danh từ “ngừng”! Tôi không nói “bỏ bom” hay phải “gây chiến
tranh”… Tôi nói “ngưng!” Các phương tiện để biết làm thế nào ngưng phải được
xem xét. Nhưng ngưng người tấn công bất chính là điều hợp pháp.”
Các anh chị em của chúng
ta không được bảo vệ, bị giết một cách công khai và tàn bạo, bị chặt đầu, đóng
đinh, thiêu sống…
Bài diễn văn của Đức
Giáo hoàng
Lời kêu gọi dùng vũ khí
này thì hơi lạ khi được nhà lãnh đạo tối cao của Giáo hội công giáo tuyên bố.
Đứng trước các tội ác tàn bạo của tổ chức khủng bố Hồi giáo, ngài muốn cắt đứt
với thái độ hòa hoãn đã có từ thời của hai cuộc chiến tranh Vùng Vịnh. Từ Công
đồng Vatican II (1962-1965), giáo huấn “chiến tranh chính đáng” đã dần triển
khai qua các thay đổi của luật quốc tế và của nhân quyền. Nhưng ngày nay một
nấc khác vừa được Đức Phanxicô bước qua, ngài thường xuyên nhắc lại cho cộng
đồng quốc tế phải “làm tất cả” để trừ tiệt chế độ Hồi giáo cực đoan. Một lời
kêu gọi ngài sẽ nhắc lại ở diễn đàn Liên Hiệp Quốc trong chuyến đi Mỹ tháng 9
sắp tới của ngài.
Chắc chắn điểm ngoặc này
giải thích qua sự kiện các Kitô hữu ở Irak đã là những nạn nhân đầu tiên của
Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Nhưng cũng liên hệ đến một biên bản được làm ra ở
Rôma về các giới hạn của nền ngoại giao cũ của Vatican.
“Đường hướng” của Đức
Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI dựa trên quyền – gần như chỉ có như thế –
can thiệp “nhân đạo” (Đức Gioan-Phaolô II trong cuộc chiến Bosnia và trên “đối
thoại liên tôn”. Khi hội họp (ba lần) các nhà lãnh đạo tôn giáo toàn cầu ở
thành phố Axixi, Đức Gioan-Phaolô II đã đưa ra con đường hòa bình bằng đối
thoại và cầu nguyện. Đức Bênêđictô XVI thêm vào sự cần thiết đầu tiên phải
thiết lập là “lý lẽ” để vướt lên các bạo lực nhân danh tôn giáo (bài diễn văn
nổi tiếng ở Ratisbonne tháng 9 năm 2006).
Nhưng các tố cáo ngây
ngô và có tính thoát tục này từ nay chỉ nhắm đến các “đại lễ” liên tôn của
Rôma, Ai Cập, Rabat hay Ryad. Dù họ có thiện chí, các “đối thoại” chính thức
này chưa mang đủ sắc thái chính trị, xã hội, tính không đồng nhất của một Hồi
giáo chưa được tôi luyện. Họ chưa bao giờ ngăn chận bạo lực. Ý thức thực tế của
các giới hạn này, bây giờ Giáo triều đã có lời nói nghiêm khắc và thực tế hơn.
Cách đây vài tháng, Hồng y Jean-Louis Tauran, chủ tịch Hội đồng giáo hoàng đối
thoại liên tôn đã viết cho các thành viên của mình như sau:
“Tình trạng bi đát của
các tín hữu Kitô, tín hữu Yézidi và các cộng đồng thiểu số khác ở Irak đòi hỏi
chúng ta phải có một thái độ rõ ràng và can đảm của những người có trách nhiệm
tôn giáo, nhất là giữa người Hồi giáo và những người dấn thân trong đối thoại
liên tôn. Tất cả phải đồng nhất lên án – không có một chút mập mờ nào – về
những tội ác này và và phải tố cáo việc nhân danh tôn giáo để chứng minh cho
việc làm của mình. Nói một cách khác, uy tín nào mà các tôn giáo, các tín đồ,
các nhà lãnh đạo của họ sẽ có đây? Uy tín nào các cuộc đối thoại liên tôn sẽ
còn sau bao nhiêu năm kiên nhẫn đeo đuổi những cuộc đối thoại này trong những
năm vừa qua đây?
Sự thay đổi giọng điệu
của nền ngoại giao Vatican liên hệ chặt chẽ đến ý muốn của Đức Giáo hoàng Châu
Mỹ La Tinh mà ngài đã cho thấy từ khi được bầu chọn cách đây hai năm, phải nói
một cách cụ thể hơn, gần với thực tế hơn. Rõ ràng, đối với ngài, từ nay những
chủ đề về phong tục như tương lai của gia đình, của ly dị hay của những cặp
đồng tính, cũng như các vấn đề chiến tranh và hòa bình, chúng ta không còn được
lên án chung chung, chỉ nhắc lại các nguyên tắc tổng quát và hão huyền.
Giuse
Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch từ Slate.fr
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét