Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2015

Jul 19, 2015 - Chúa nhật 16 thường nên năm B

Jul  19,  2015  -  Chúa  nht  16  thường nên năm  B

Tấm  Lòng  Của  Vị  Mục  Tử





Các Bạn thân mến,
Những hoạt động trong chuyến công tác đầu tiên của mười hai tông đồ được Đức Giesu sai đi, đã gặt được nhiều thành qủa to lớn và gây hoảng sợ cho Herode. Dân chúng vừa kinh ngạc vừa bị thu hút. Sức quyến rũ của Lời Chúa đã thôi thúc lòng mọi người, họ chạy theo các môn đệ đến độ khi các ông về Caphanaum để chuẩn bị báo cáo cho Đức Giesu, cũng bị họ vây quanh làm các ông bận rộn không còn có cả giờ ăn uống nghi ngơi. Đức Giesu nhắc nhở các môn đệ:"Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghi ngơi đôi chút."
Chuyện kể ngắn gọn, đơn giản nhưng làm chúng ta xúc động vì sự quan tâm chu đáo của Đức Giesu đối với môn đệ phải không? Đọan Tin Mừng này không những nói về người Mục Tử Nhân Lành, nhưng còn họa lên chân dung một Đức Giesu sắc xảo, vô cùng tinh ý, vô cùng nhạy bén, nhạy cảm, với một tấm lòng nhân hậu trước những nhu cầu của con người, còn biết rất rõ điều gì cần nhất đối với những người đến với Ngài. Hiển nhiên chúng ta đã nghe đọan Tin Mừng này không biết bao nhiêu lần trong cuộc đời, riêng mình, cách đây mười mấy năm, khi đọc được nội dung phân tích đoạn Tin Mừng này của một linh mục, mình đã bị đánh động đến độ không thể ngừng, liền can đảm ngồi vào bàn vi tính để mạnh dạn viết lên những lời chia sẻ đầu tiên gởi đến các Bạn trong gia đình Catarina. Và từ đó, mình đã mạo muội dùng tài liệu của vị linh mục ấy để liện tục chia xẻ Tin Mừng chúa nhật hàng tuần đến các Bạn với mong muốn chúng ta hiểu rõ hơn về Tin Mừng của Đức Giesu. Việc làm đã trở nên quen thuộc trong suốt thời gian qua. Xin cảm tạ Người Mục Tử nhân lành, cả đàn chiên gia đình Catarina, cùng xin Ngài mãi mãi quan tâm chăm sóc chúng con.

1. Chúa quan tâm đến sự nghỉ ngơi của các môn đệ:
-    Con người nhỏ bé mỏng dòn có giới hạn mọi mặt, nên ai cũng cần được nghỉ ngơi dưỡng sức sau thời gian làm việc mệt nhọc.
-    Biết như vậy nên chính Chúa đã bảo các môn đệ phải nghỉ ngơi, và Ngài đã chọn nơi thanh vắng để cùng nghỉ với các ông.
-    Làm việc rồi nghỉ ngơi, nghỉ ngơi rồi lại làm việc, đó là nhịp điệu của đời sống, đặc biệt Kito hữu, nó còn là một hành trình liên tục, đi từ chỗ gặp loài người đến gặp gỡ Thiên Chúa, để rồi từ nơi gặp gỡ Thiên Chúa trở về gặp lại loài người.
-    Cũng tương tự như nhịp điệu của giấc ngủ và công việc.
-    Thật vậy, chúng ta không thể tiếp tục làm việc nếu không có đủ thời gian nghỉ ngơi thích hợp, và cũng khó thể ngủ yên nếu chưa làm việc cho đến khi mệt mỏi.
-    Nhưng thực tế trong nếp sống hằng ngày có hai nguy cơ:
    a)  Làm việc quá sức:
        .  đó là làm việc liên tục, không nghỉ ngơi; điều này trái với tính nhân bản, tâm sinh lý của con người.
        .  cũng như chẳng ai có thể sống đời Kito hữu mà không dành thời gian sống với Thiên Chúa.
        .  tất cả mọi rắc rối của đời sống thuộc linh cũng như thể chất là do sự bất quân bình này.
        .  làm việc quá sức còn dẫn đến tình trạng không còn thời gian bồi dưỡng năng lực hồn, xác.
        .  làm sao có thể đương đầu với gánh nặng của đời sống, làm sao có thể thành công nếu không trực tiếp với Thiên Chúa, Người đã sai chúng ta đi?
        .  và làm sao chúng ta có thể đón nhận sức lực nếu không yên tịnh tìm cầu Ngài?
     b)   Thoái thác quá nhiều:
        .  sự tin kính mà không tạo ra được hành động thì không phải là sự tin kính đích thực.
        .  đừng bao giờ đi tìm sự thông công với Chúa để trốn tránh sự thông công với con người; nhưng phải nhắm tự thích ứng chúng ta với việc làm ấy cách tốt hơn. 
      .  nhịp điệu của đời sống Kito Hữu là luân phiên gặp gỡ Chúa trong nơi kín đáo, phục vụ người ta ngoài phố chợ.
       .  lại nữa, những giờ phút nghỉ ngơi yên tĩnh khi chúng ta ở một mình với Chúa hay nhóm bạn thân được lựa chọn, thường giúp chúng ta rất nhiều để phục vụ có kết quả hơn.
-    Chúa đã muốn các môn đệ của Ngài không rơi vào những trường hợp đáng tiếc như trên, nên nhắc các ông cần tìm nơi thanh vắng, yên tĩnh, nơi tràn đầy hương vị ngọt ngào để trong tâm hồn có được những ý hướng cao thượng, những nhận định sáng suốt, những sức mạnh mới khích lệ.
-    Ngày nay chúng ta có thể tìm sự yên tĩnh trong bầu khí trầm mặc ở nhà thờ, trong những giây phút cầu nguyện, đặc biệt là ngay trong chính tâm hồn mình.
-    Nếu muốn hoạt động tông đồ hiệu quả, cần tịnh dưỡng, để rút kinh nghiệm, lấy sức mạnh.
-    Mặt khác, những điều tốt lành, những cơ hội thường khởi đầu từ những giây phút yên tịnh của tâm hồn.
-    Nên Đức Giesu đã quan tâm đến con người hơn công việc, ngay cả trong khi rao truyền Lời Chúa, Ngài cũng muốn các môn đệ dành chút thời gian cho thân xác nghỉ ngơi, cho tâm hồn lắng đọng, cho tình Thầy trò tương giao mật thiết.
-    Bởi thời nào cũng vậy, phần lớn người ta coi trọng công việc hơn con người, càng ngày người ta càng không lo cơm ăn áo mặc no ấm nữa, mà lo làm việc để ăn ngon mặc đẹp, để giầu sang tiện nghi hơn.
-    Có ai đó đã nói một ý rất thực tế nhưng phũ phàng rằng: ban đầu người ta lo kiếm tiền để có sức khỏe tốt, vì thế mà sức khỏe giảm sút, sau đó người ta lại lo lấy tiền để mua lại sự bảo đảm cho sức khỏe!

2. Chúa quan tâm đến nhu cầu của quần chúng:
-    Tin Mừng nói rõ khi Thầy trò vừa xuống thuyền để đi đến nơi hoang vắng, thì dân chúng đã nhìn thấy hướng đi, biết ngay các Ngài muốn đi đâu, và họ liền cùng nhau theo đường bộ, chạy vòng bờ hồ, và đến nơi trước cả các Ngài.
-    Họ như đang nóng lòng đón nghe những điều Đức Giesu sẽ ban cho họ.
-    Nhìn đám đông như đòan chiên không người chăm sóc, đang khao khát muốn nghe Lời Chúa, Ngài cảm động xót thương, vì họ quá nhiệt tình, cũng đã quá mệt mỏi, nhưng vẫn mong muốn điều Ngài ban cho họ:"Đức Giesu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ cho họ."
-    Bởi Ngài không bao giờ xem ai, điều gì là mối phiền hà cho Ngài, dù lúc Ngài mỏi mệt, cần ăn uống nghỉ ngơi.
-    Trong hoàn cảnh ấy, dưới mắt Ngài, dân chúng bơ vơ như những con chiên không có người chăn: đây là hình ảnh đáng thương của dân Israel thời bấy giờ. Những người đầu mục là các tư tế và các kinh sư, lẽ ra phải dạy dỗ dân thì lại lười biếng và chỉ lo tìm kiếm tư lợi, thống trị dân chúng một cách tàn bạo, hà khắc. Chiên vì thiếu mục tử chăn dắt nên biến thành mồi ngon cho dã thú, chúng chạy toán loạn tản mác trên các ngọn núi, đỉnh đồi, trên khắp mặt đất, thế mà chẳng ai chăm sóc, chẳng ai kiếm tìm.
     a) sẽ không tìm được đường đi:
        . chiên lạc lõng, loanh quanh không biết tìm đường lối theo bầy, tránh thú dữ, về chuồng, về nhà của mình.
        . chúng ta cũng thế, nếu bị bỏ một mình, sẽ bối rối, lạc lõng trong cuộc đời phức tạp, tội, ác lẫn lộn, không biết đường ngay nẻo chính, gian tà, mưu mẹo.
        . có gặp được lối đi, cũng băn khoăn chẳng biết đi đâu, rẽ ngỏ nào, đúng hay sai…
        . khi có người hướng dẫn, chỉ bảo đúng đắn, chắc chắn chúng ta sẽ có thể tìm ra lối đi và an tâm tiến bước.
      b)   sẽ không tìm được cỏ ăn, nước uống:
        . chiên sẽ chẳng biết nơi nào có cỏ non xanh tươi, nơi nào có nước uống trong sạch mát mẻ.
        . chúng ta cũng thế, cuộc sống luôn phải tìm kế mưu sinh, tồn tại, phát triển càng ngày càng cao, càng khó khăn, nên phải vượt ra và vượt lên trên chính mình. . nếu không được định hướng, chúng ta sẽ phải vất vả, khó khăn, mò mẫm, thất bại… có được chút gì thì nhiều khi cũng không trọn vẹn.
        . tuy nhiên chúng ta sẽ tìm được sức lực của đời sống từ nơi Đấng ban Bánh Hằng Sống là Đức Giesu, nếu biết đi theo Ngài.
      c)   không được bảo vệ:
        . khó chống lại những nguy hiểm đang đe dọa, như thú rừng, trộm cướp, kẻ xấu, hay khí hậu thời tiết khắc nghiệt, địa hình lởm chởm...
        . cuộc đời đã dạy khôn chúng ta rằng không thể sống một mình, không thể tự mình mà sống.
        . càng không thể tự vệ đối với những cám dỗ tấn công ngày đêm, với điều ác luôn bao vây kèm hãm chúng ta.
        . chỉ khi nào cùng đi với Đức Giesu, chúng ta mới có thể bước đi trong thế gian mà vẫn giữ được hồn xác an toàn, khỏi bị ô uế, rách nát.
-    Đức Giesu đã tự ví sánh mình như người chăn chiên tốt lành, nên tín hữu chúng ta cũng được coi như những con chiên của Ngài.
-   Thật hạnh phúc vui sướng vì được là một con chiên đang hoàn toàn an sống dưới sự chăm sóc của một vị Mục Tử nhân lành, giầu tình thương. Ngài biết chúng ta cần gì, đã lo liệu sẵn, trước cả khi chúng ta cảm thấy điều cần đó.
-   Vậy hãy là những con chiên ngoan hiền, biết nghe tiếng chủ chăn của mình.
-   Và noi gương Chúa, xin Ngài ban cho chúng ta có một trái tim giống như Ngài, biết xúc động đúng lúc, đúng điều, và luôn luôn mở rộng tâm lòng trước nhu cầu của anh em. 

3. Thực tế ngày nay: chúng ta cùng suy nghĩ với Cha Mark Link, S.J. nhé:
-   Ngày nay vẫn không thiếu những cách xử sự cứng ngắc câu nệ lề luật, thiếu thông cảm và thiếu bác ái của một ít mục tử, trái với thái độ“chạnh lòng xót thương” của Đức Giêsu trong Tin Mừng hôm nay.
-  Thật đáng tiếc khi chỉ vì cách xử sự thiếu khôn ngoan mềm dẻo và tế nhị của người có trách nhiệm trong Giáo hội mà một cơ hội thuận lợi cho việc truyền giáo đã bị bỏ qua! Chính do thái độ câu nệ hình thức và quan liêu của một số mục tử nên đã biến những con người có thiện chí muốn giao hảo trở thành kẻ thù nguy hiểm cho Hội thánh sau này.
-    Người có tên tuổi lẫy lừng nhất trong việc đấu tranh cho dân quyền vào thập niên 50 và 60 là Martin Luther King. Ông là nhà lãnh đạo được hành triệu dân Mỹ Châu da đen ủng hộ. Họ xem ông như vị anh hùng, người xướng ngôn đồng thời cũng là mục tử của họ. Nếu không có ông, vào những năm ấy đám dân da đen có lẽ chả khác gì đám dân bơ vơ lạc lõng được nhắc đến trong Phúc Âm hôm nay. Ðám dân này được ví như bầy cừu không ai chăn dắt. Cũng giống như Đức Giêsu và các môn đệ Ngài thuở xưa, King và các đồng sự ông thường khó được yên thân đi tìm cho mình một chốn an bình vắng vẻ để nghỉ ngơi.
-   Một trong những lời cầu nguyện nổi bật nhất của Tiến sĩ King là:"Lạy Chúa, con đang đảm nhận sứ vụ mà con nghĩ rằng chính đáng, nhưng giờ đây con vô cùng sợ hãi. Dân chúng đang mong chờ con lãnh đạo, và nếu con tỏ ra khiếp nhược thì chính họ cũng sẽ trở nên yếu hèn nhát đảm. Nhưng con đang ở nẻo đường cùng và chẳng biết phải làm sao đây. Con không thể nào một mình đương đầu nổi trách nhiệm này nữa". 
-  Tất cả các cha sở cha phó, các giáo sư, các bậc cha mẹ đều có thể dùng những lời cầu nguyện trên của tiến sĩ King để áp dụng cho chính mình. Thực thế, có nhiều lúc trong đời, chúng ta cảm thấy sợ hãi trước trách nhiệm lãnh đạo của mình. Có nhiều lúc trong đời, chúng ta cảm thấy không thể nào vác nổi gánh nặng đè trên chúng ta. Có nhiều lúc trong đời chúng ta cảm thấy như muốn kêu lên giống Đức Giêsu trong vườn Giêtsimani:"Cha ơi, nếu có thể được xin cất chén đắng này xa con" (Mt 26: 39)-  Trong những cơn khủng hoảng như thế, chúng ta nên làm gì? Chúng ta nên làm điều Đức Giêsu đã làm. Chúng ta nên làm điều Martin Luther King đã làm. Chúng ta nên làm điều các Kitô hữu luôn luôn làm, đó là cầu nguyện cùng Thiên Chúa.
-  Vì ngay sau khi Đức Giêsu cầu nguyện với Cha Ngài trong vườn Giêtsêmani, thì theo lời kể của thánh Luca:"Một thiên sứ từ trời hiện đến an ủi đỡ nâng Người" (Lc 22: 43). Và ngay sau khi Tiến sĩ King cầu khấn cùng Chúa vào cái đêm đáng ghi nhớ ở Montgomery đó, ông nói rằng ông đã cảm nhận được"sự hiện diện nâng đỡ của Chúa mà trước đó ông chưa hề cảm thấy".
-   Khi cảm thấy trách nhiệm đè nặng trên mình, cả bốn vị lãnh đạo: Đức Giêsu, Abraham Lincoln, Harry Truman, Martin Luther King đều đã làm cùng một hành vi, đó là cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Và cả bốn vị đều được Chúa ban lòng can đảm và sức mạnh để tiếp tục bổn phận hướng đạo dân chúng. Đó là một sứ điệp thực tiễn đối với chúng ta. Có thể tóm tắt như sau: khi nào cảm thấy gánh nặng đè xuống trên mình, chúng ta cũng phải biết cầu nguyện cùng Chúa. Và Chúa sẽ ban sức mạnh cho chúng ta như Ngài đã từng nâng đỡ bốn vị mục tử nói trên.
-    Chúng ta hãy xin Chúa ban thêm nhiều vị mục tử khôn ngoan nhân hậu bao dung, hiền lành và khiêm nhường trong lòng, sẵn sàng chấp nhận những phiền hà do tha nhân đem lại, luôn nở nụ cười đón tiếp và mau chóng đáp ứng nhu cầu cho những ai cần đến sự trợ giúp của mình. 
-   Chúng ta hãy lập lại Thánh vịnh đáp ca ngày hôm nay: Chúa là mục tử tôi, tôi nào thiếu thốn chi. Ngài hướng dẫn tôi qua đường chính nẻo ngay vì danh Ngài. Dù bước đi trong thung lũng tối tăm, tôi chẳng hề lo sợ. Dù bị đè bẹp dưới muôn gánh nặng, tôi cũng không nao núng. Vì Chúa bước đi cạnh tôi. Ngài củng cố và tăng sức mạnh cho tôi. Khi đời tôi bước vào buổi xế chiều như mặt trời xế bóng, Ngài sẽ mang tôi vào nhà Ngài, để tôi được sống với Ngài muôn đời muôn kiếp.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con luôn biết lạc quan trước những biến cố vui buồn của cuộc đời, giúp chúng con nghĩ đến hạnh phúc của người khác, tránh cho người khác phải bận tâm đến chúng con, cho chúng con rộng lòng phục vụ, ngọt ngào mềm dịu, không cứng cỏi cay đắng, độc đóan kiêu kỳ.Cũng xin đừng để ai bị sút kém lòng cao thượng, sự chân thành, thanh khiết vì chịu ảnh hưởng, hay làm bạn với chúng con.Khi chúng con loay hoay bối rối với những nỗi lo âu, mệt mỏi, xin cho chúng con biết thì thầm chia sẻ với Chúa yêu thương.  Xin cho chúng con luôn tràn trề sức mạnh để kiên quyết sống cách siêu nhiên, làm những việc thiện hảo để đạt lý tưởng nên thánh của mình. Vì Chua Giesu Kito Chúa chúng con. Amen (mượn ý) 
Than men,
duyenky

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét