Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

Chết Êm Hợp Pháp Hay Không?

Chết  Êm
Hợp  Pháp  Hay  Không?

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

Ðặt Vấn Ðề:
Người Công Giáo tin rằng sự sống sự chết là do Thiên Chúa, Ðấng tạo thành trời đất, cầm nắm mọi sự trong quyền phép Người. Người không cho ai làm chủ sự việc này. Nhưng trong thực tế, đã có những người đòi làm chủ việc sinh sản và giết chết trước thời gian Thiên Chúa định đoạt. Ðó là những cái chết không tự nhiên như "phá thai và chết êm", vì trong cả hai trường hợp nạn nhân bị coi như gánh nặng về kinh tế cho gia đình, xã hội theo ý nghĩ của một số người.
Xét về phương diện đạo đức, phá thai do người mẹ hay chết êm do người nhà chỉ vì gia đình không chấp nhận thuộc lãnh vực đạo đức. Chết êm, tiếng Anh Mỹ gọi là Euthanasia, dịch sang tiếng Việt có thể là để cho chết êm, cho chết êm, làm cho êm ái, hay gọi qua danh từ Hán Việt là Trợ Tử. Trong bài này tôi dùng chữ "Chết êm" nghe cũng dễ hiểu, và không cầu kỳ nho nhe. Dưới đây, chúng ta sẽ tìm hiểu Chết êm là thế nào?
Ðối với độc giả người Việt, nghe tới việc Chết êm như một vấn đề mới, xa lạ, không cần bàn tới. Thực ra, trong thời buổi này, không thể không nên biết.
Nhiều người đã biết tới bác sĩ Jack Kevorkian, viên bác sĩ giúp chết êm tại tiểu bang Michigan hiện giờ đang ngồi tù từ 10 tới 25 năm.
Hiện nay Tiểu bang Oregon có luật cho phép bác sĩ tiêm thuốc giúp cho bệnh nhân chết êm. Nhiều nơi cũng tranh đấu nhưng chưa được. Nhiều người đòi quyền được chết. Họ cho đó là quyền của họ chứ không phải của ai cả mà phải cấm đoán.
Ta sẽ tìm hiểu những điểm sau:
(1) Chết êm là gì?
(2) Người bênh, người chống Chết êm?
(3) Giáo hội Công giáo với vấn đề Chết êm.
(4) Nguyên tắc thực hành theo Giáo lý Công giáo.
(5) Mục vụ săn sóc bệnh nhân.

1. Chết êm là gì?
Danh từ Chết êm (Euthanasia hay mercy killing) phát xuất từ tiếng Hy lạp: "Eu" là khỏe, tốt, êm ái, ngay; "thanatos" là chết, chết ngay, chết dễ dàng, chết không đau đớn.
Chết êm là khi bệnh tình của bệnh nhân không còn hy vọng chữa trị, nếu để sống lâu thì đau đớn cho người bệnh, tốn kém cho người nhà, cho xã hội, nên với sự đồng ý của bệnh nhân hoặc người thay mặt hợp pháp của bệnh nhân, hoặc cả khi không có sự đồng ý của họ, bác sĩ, y tá, hoặc ai đó làm cho họ chết sớm hơn cái chết tự nhiên của họ.
Chết êm cũng phân biệt trực tiếp hay gián tiếp, chủ động hay thụ động.
Chết êm có thể là trực tiếp nếu được tiêm thuốc (lethal injection) vào làm cho chết mau lẹ. Chết êm là gián tiếp nếu bị rút ống tiếp tế khí thở, đồ ăn, thuốc chữa...
Chết êm có thể là chủ động do đương sự hay người thay mặt hợp pháp xin, hoặc thụ động khi cưỡng ép, khi bắt buộc phải chết.

2. Người bênh, người chống Chết êm.
Nhiều người trong xã hội, nhất là xã hội Mỹ ngày nay, viện cớ "tự do". Họ nói rằng "sự sống của tôi là của tôi", và họ cũng nói rằng "sự chết của tôi là của tôi", tôi có quyền lựa chọn, định đoạt, không ai có quyền ngăn cản sự tự do của tôi.
Ngày 8-9 tháng 4 năm 1988, hơn 300 người thuộc Liên Hội Thế Giới dành quyền được chết đã tham dự cuộc hội thảo bàn về vấn đề chết êm hợp pháp do Tiểu bang California và Hòa Lan đề xướng. Hầu hết các tham dự viên thuộc Hoa Kỳ, số còn lại thuộc 16 quốc gia khác. Có tới 2 phần 3 tham dự viên đã ủng hộ cái "Chết êm trực tiếp". Chủ tịch Dereck Humphrey tuyên bố: "Ðây là nguyên tắc, là luật của phong trào chúng tôi: Ý kiến ủng hộ cái chết êm cách chủ động hay thụ động cũng đều là ý kiến của hội viên cả, không nên chỉ trích nhau". Hội Hemlock và hội Người Mỹ Chống đau khổ đều ủng hộ vấn đề chết êm.
Cũng vào tháng Tư năm 1988, Hội trên đã xin được 256 ngàn chữ ký trong tổng số ít nhất phải có vào hạn chót (ngày 9 tháng Năm năm 1988) là 372 ngàn chữ ký đã ủng hộ để được hợp pháp. Họ nói, nếu năm nay không xin đủ chữ ký, họ sẽ tiếp tục xin thêm nữa cho tới đủ mới thôi. Người dân Hoa Kỳ nói chung, theo một bản thăm dò, có tới 60 phần trăm ủng hộ chết êm (Tài liệu Ethics and Medics, April 1990).
Hiện nay số người ủng hộ chết êm đã lên cao.
Gọi là chết êm, nhưng thực ra chết không êm. Theo cuộc khảo cứu mới đây của tạp chí New England Journal of Medicine cho biết các vụ giúp Chết êm thường đưa đến đau đớn cho bệnh nhân nhiều hơn. Tại Hòa Lan, có tới 16% giúp Chết êm theo toa bác sĩ cho, đã không có kết quả tốt. Bác sĩ Sherwin Nuland của đại học Y Khoa Yale cho biết: Nhiều người không bao giờ nghĩ rằng giúp Chết êm lại làm cho bệnh nhân đau đớn hơn.

3. Giáo hội Công giáo với vấn đề Chết êm.
Giáo hội Công giáo được Thiên Chúa trao quyền gìn giữ kho tàng đức tin và phong hóa luôn luôn tôn trọng nguyên tắc hợp với tự nhiên, nghĩa là Giáo hội chủ trương:
"From the womb to the tomb":Từ lòng mẹ tới lòng đất", nói cách khác: Giáo hội chủ trương tôn trọng mạng sống con người từ khi thành thai trong lòng mẹ cho tới khi chết tự nhiên được đem chôn trong lòng đất. Giáo hội không chấp nhận ngừa thai, ngược tự nhiên, phá thai, giao hợp tránh sinh con, mang thai mướn,... và bắt chết hay để cho chết khi chưa đến giờ Chúa gọi ra khỏi đời này.
Thánh Phaolô quả quyết: "Nếu ta sống, ta có trách nhiệm với Chúa, nếu ta chết, ta cũng có trách nhiệm với Chúa. Cả khi ta sống, cả khi ta chết, ta thuộc về Chúa" (Thư Roma 14,18).
Tôn trọng Thiên Chúa là Ðấng định đoạt sự sống và sự chết của con người, Giáo hội Công giáo luôn luôn và mạnh mẽ chống lại mọi hình thức chết êm dù trực tiếp hay gián tiếp, chủ động hay thụ động, dù bệnh nhân xin hay không xin.
Các Hội đồng Giám mục trên thế giới đều nhất loạt chủ trương tôn trọng tiến trình thiên nhiên của mạng sống:
- Năm 1943, từ lâu trước Công đồng Vatican II, Ðức Thánh Cha Piô XII đã viết như sau:
"Tất cả những gì đi ngược với chính sự sống, như giết người dưới bất cứ hình thức nào, diệt chủng, phá thai, giết chết cách êm dịu, hoặc tự tử trực tiếp... Tất cả những điều nói trên và những điều tương tự, đều thực sự ô nhục, làm thối nát nền văn minh nhân loại, bôi nhọ những kẻ chủ động, xúc phạm nặng nề đến danh dự Ðấng Tạo Hóa..." (Hiến chế Mục vụ số 27)
- Tháng 5 năm 1980, Tuyên Ngôn của Bộ Ðức Tin cũng lặp lại lập trường tương tự như Ðức Thánh Cha Piô XII trên.
- Ngày 22 tháng Tư năm 1988, các Ðức Giám mục California đã tuyên bố chống lại đề nghị xin hợp pháp cái chết êm của một vài tổ chức. Các Giám Mục nói: "Giết người vô tội, dù theo lời họ xin đi nữa, cũng là cướp mất quyền tự do của con người ngày nay và mai này trên trần thế".
- Ngày 8 tháng Chín năm 1988, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã lưu ý các nhân viên thuộc Hiệp Hội Ðánh Thuốc Mê (Anesthetist) Âu Châu về họp tại Rôma như sau:
"Một số người đương thời chúng ta đang cổ võ chấm dứt mạng sống con người bằng cái Chết êm như là giải pháp thông cảm sự đau khổ nhân loại, nhưng: Chết êm là một hành động sát nhân luôn luôn đáng phải loại bỏ. Phải loại bỏ ngay cả khi bệnh nhân yêu cầu được chết cách đó."
"Ðôi khi lời kêu van của bệnh nhân xin được chết, phải được hiểu rằng, họ không có ý xin Chết êm cho bằng xin được Giúp Ðỡ và Yêu Thương họ trong nỗi thống khổ." Ngài nói tiếp:
"Khổ sở và đau đớn là phần không thể tránh được của kinh nghiệm con người. Những người có nhiệm vụ về thuốc cần phải từ bỏ lời biện hộ của những ai coi Chết êm như một giải pháp thông cảm."

Cuối cùng Ðức Thánh Cha nhấn mạnh:
"Không bác sĩ, không y tá, không chuyên viên thuốc, không bất cứ ai là trọng tài cuối cùng của sự sống con người, kể cả sự sống của mình và sự sống người khác."
"Thiên Chúa là Ðấng Chăn Chiên lành, trong chương trình của Ngài, khi bắt buộc phải gửi đau khổ để thanh luyện con cái, Ngài cho phép được chữa trị, Ngài cũng ban ơn để con cái chịu đựng, lập công, đền tội. Sống chết lúc nào là tùy quyền Ngài."
"Sự sống con người, là quà tặng Chúa ban, là thiêng liêng và không thể xâm phạm. Vì vậy, không thể chấp nhận phá thai và làm cho Chết êm. Không những không được cất mạng sống, mà còn phải quan tâm cách yêu thương để bảo vệ nó. Xã hội phải tôn trọng, bảo vệ, và đề cao nhân phẩm của mọi người, mọi lúc, và mọi điều kiện của đời sống con người."

Nguyên tắc luân lý đạo đức:
"Luân lý Công giáo không chấp nhận trực tiếp hay gián tiếp để chết êm, do chính bệnh nhân xin hay do người hữu trách xin để chấm dứt đau khổ cho bệnh nhân."

4. Nguyên tắc thực hành theo Giáo lý Công giáo về vấn đề Chết êm:
Sách Giáo lý Công giáo 1992 (năm ban hành) viết:

GLCG số 2276:
"Những người có sự sống bị suy giảm hoặc bị yếu đi, đòi hỏi một sự tôn trọng đặc biệt. Những bệnh nhân và những người bị khuyết tật cần phải được nâng đỡ để có thể sống một cuộc đời bình thường theo mức độ có thể".

GLCG số 2277 viết:
"Dù với lý do nào và với phương tiện nào mặc lòng, sự trực tiếp làm cho chết êm ái cũng chỉ là chấm dứt cuộc đời của những người bị khuyết tật, đau yếu hoặc đang chết dần chết mòn. Về luân lý, cách làm này không thể chấp nhận được."
"Bởi vậy, một hành động hoặc sự bỏ qua một hành động, tự nó hoặc do chủ ý của ta, mang lại cái chết cho một người hầu chấm dứt đau khổ, sẽ là một tội sát nhân, nghịch lại cách trầm trọng với phẩm giá con người và với sự tôn kính mà ta phải có đối với Thiên Chúa hằng sống, Ðấng Tạo Thành con người. Sự người ta có thể phán đoán sai lầm vì lòng ngay, sẽ thay đổi tính chất của hành vi sát nhân này, một hành vi cần phải luôn bài trừ và cấm chỉ."

GLCG số 2278 viết:
"Còn như ngưng những phương thuốc y khoa quá tốn kém, nguy hiểm, dị thường hoặc không xứng với những kết quả mong muốn, thì là một việc làm hợp pháp. Ðây là sự từ chối "những sự trị liệu kịch liệt": như vậy, đây không phải là muốn làm cho chết, nhưng chỉ là chấp nhận rằng không thể cản ngăn cái chết. Nhưng quyết định phải do chính bệnh nhân làm lấy, nếu người đó có thẩm quyền và có khả năng, nếu không sẽ phải do những người hưởng quyền trước pháp luật, nhưng bao giờ cũng phải tôn trọng ý muốn hợp lý và những lợi ích hợp pháp của bệnh nhân."

GLCG số 2279 viết:
"Dù cái chết được coi là đã gần kề, những sự săn sóc thường dành cho một bệnh nhân, sẽ không được ngưng cách chính đáng. Việc sử dụng các thuốc tê để giảm đau cho bệnh nhân đã hấp hối, dù có nguy cơ giảm ngày sống của người đó, thì có thể được coi là phù hợp với phẩm giá con người về phương diện luân lý, nếu người ta không chủ ý tìm cái chết, dù như là mục đích, dù như là phương tiện, nhưng cái chết chỉ được tiên liệu và được chấp nhận như là không thể tránh được. Những thứ giảm đau là một hình thức rất tốt của đức bác ái vô vị lợi: theo danh nghĩa này, chúng ta phải được khuyến khích".

5. Mục vụ săn sóc bệnh nhân:
Từ những nguyên tắc hướng dẫn của Giáo lý Công giáo, ta rút ra được những thực hành sau:
(1) Trong đức ái, cần phải tôn trọng và nâng đỡ những người già cả, người bệnh tật kinh niên, người khuyết tật cách đặc biệt.
(2) Không thể chấp nhận với bất cứ lý do nào, phương tiện nào, việc cho Chết êm trực tiếp hay gián tiếp những người nói trên.

Lm. Ðoàn Quang, CMC 
(Trích dẫn từ nguyệt San Trái Tim Ðức Mẹ số 269 tháng 5 năm 2000)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét