Chạnh Lòng
(Chúa Nhật XVI T N, năm B)
Một danh
nhân đã nhận định: “Chỉ có những người biết yêu thương thì mới xứng đáng
nhận danh hiệu con người”. Một câu nói khá nhẹ nhàng mà lại khiến lòng
người “nhức nhối” lắm.
Trong
những ngày vừa qua, các phương tiện truyền thông “nóng lên” về chuyện những
người có “máu lạnh” – tài xế cho xe ủi đất cán chết một phụ nữ trong vụ tranh
chấp đất đai ở Hải Dương, hoặc sát thủ Nguyễn Hải Dương ra tay hạ sát 6 nạn
nhân tại Bình Phước. Họ là ai? Họ là con người nhưng không hề biết chạnh lòng
thương người khác.
Ai cũng
phải yêu thương vì đã được Thiên Chúa xót thương. Không yêu thương là ích kỷ,
là chống lại chính Thiên Chúa. Mà dám chống lại Thiên Chúa thì số phận học sẽ
như thế nào? Chắc hẳn ai cũng biết. Người đời cũng vẫn nói: “Không sợ người
hại, mà chỉ sợ Trời hại”. Chắc chắn “chạy trời không khỏi nắng”.
Bất cứ ai
không biết chạnh lòng trước cảnh khổ của người khác thì đều là kẻ bất hạnh.
Càng bất hạnh hơn nếu người đó là người lãnh trọng trách chăm lo cho người
khác. Thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã tuyên phán qua miệng ngôn sứ Giêrêmia: “Khốn
thay những mục tử làm cho đoàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác” (Gr
23:1). Là mục tử thì PHẢI chăm lo cho đoàn chiên. Đã không chăm lo cho
chiên mà lại cứ tìm cách “vỗ béo” mình, bằng cách này hay cách nọ, thì không
chỉ bất xứng mà chỉ là “thợ chiên” (người chăn thuê), thật đáng nguyền rủa! Và
còn đáng nguyền rủa hơn nếu mục tử đó lại còn làm cho đoàn chiên tản mác!
Thật đáng
giật mình với lời chia sẻ của ĐGM G.B. Bùi Tuần: “Kinh nghiệm cho tôi thấy
những gì Chúa phán đều đã xảy ra nhiều cách khác nhau. Có một số ít
người được lãnh nhận chức thánh, do tranh đấu, do vận động, do mưu lược. Có
nghĩa là đã có sự lừa dối trong việc trở thành mục tử. Mục
tử giả bị Chúa gọi là kẻ trộm, kẻ cướp. Cũng có một số ít người vào chuồng
chiên một cách đàng hoàng, nhưng không hy sinh cho đoàn chiên thì bị Chúa gọi
là kẻ làm thuê (x. Ga 10:12). Nghĩa là họ cũng có sự lừa dối trong
trách nhiệm, một trách nhiệm đòi nhiều từ bỏ chính mình, vác thánh giá mà
theo Chúa” (Cầu Nguyện với Chúa về Tình Hình Quỷ Dữ Lộng Hành Ngày Nay). Sự
thật vẫn thường hay phũ phàng như thế đấy! Ai sẽ là người dám thay đổi, dám
chấn chỉnh, dám nói thẳng nói thật? Chắc chắn phải thực sự can đảm lắm lắm!
Thánh GH
Grêgôriô (540?-604) thẳng thắn và cương quyết cách chức các linh mục bất
xứng, CẤM lấy tiền từ nhiều loại lễ, nhưng ngài lại lấy tiền của
Tòa Thánh để giúp các tù nhân của Lombard, chăm sóc những người Do Thái
bị hành hạ, giúp đỡ các nạn nhân bị dịch bệnh và nạn đói.
Ngài nổi tiếng là nhà cải cách phụng vụ và củng cố tín lý. Khi
Rôma bị tấn công, chính ngài đã dám đi đối chất với vua Lombard. Ngài đúng là
vị mục tử đích thực!
Thánh
Phaolô cũng xác nhận: “Chính Satan cũng đội lốt thiên thần sáng láng!
Vậy có gì là khác thường khi kẻ phục vụ đội lốt người phục vụ sự công chính”
(2 Cr 11:14-15). Chúng ta lại tiếp tục giật mình nữa!
Vì thế, để
lên án các mục tử – những người chăn dắt dân Chúa, Thiên Chúa đã tuyên phán
rạch ròi: “Chính các ngươi đã làm cho đoàn chiên của Ta phải tan tác; các
ngươi đã xua đuổi và chẳng lưu tâm gì đến chúng. Này Ta sẽ để ý
đến các hành vi gian ác của các ngươi mà trừng phạt các ngươi.
Chính Ta sẽ quy tụ đoàn chiên Ta còn sót lại từ khắp mọi miền Ta đã xua chúng
đến. Ta sẽ đưa chúng về đồng cỏ của chúng; chúng sẽ sinh sôi nảy nở thật nhiều.
Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng; họ sẽ chăn dắt chúng. Chúng
sẽ không còn phải hãi hùng, kinh khiếp và bị bỏ rơi nữa” (Gr 23:2-4).
Vâng, Thiên Chúa luôn thích những chữ T kỳ diệu: Thật Thà, Thanh Thản, Từ Từ
Truy Tìm, Thẳng Thắn Trách Tới Tấp, Triệt Tiêu Tụi Tà Tâm,...
Người dám
nói thẳng sẽ khiến người nghe rát tai, thế nên người chói tai sẽ ghét người nói
thật và tìm cách xa lánh, trù dập. Thường thì người ta thích “che chắn” cho
nhau bằng nhiều kiểu tinh vi lắm – gọi là phe cánh, vây cánh, đồng bọn. Thật
khó mà phát hiện. Thời nay, những cái giả nhìn còn đẹp hơn cái thật – từ hàng
hóa đến con người, chuyên gia còn khó phân biệt, huống chi người không chuyên.
Nhưng rồi điều gì đến cũng đến, công lý mãi là công lý, sự thật mãi là sự thật:
“Này, sẽ tới những ngày Ta làm nẩy sinh cho nhà Đa-vít một chồi non chính
trực. Vị vua lên ngôi trị vì sẽ là người khôn ngoan tài giỏi trong xứ sở, vua
sẽ thi hành điều chính trực công minh. Thời bấy giờ, Giu-đa sẽ được cứu thoát,
Ít-ra-en được sống yên hàn. Danh hiệu người ta tặng vua ấy sẽ là: “Đức Chúa, sự
công chính của chúng ta” (Gr 23:5-6).
Miệng nói
là một chuyện, tay có làm hay không lại là chuyện khác. Vì thế, chúng ta rất
cần ơn khôn ngoan để tỉnh táo và có thể “xem quả mà biết cây” (Mt 12:33).
Cuộc sống quá nhiêu khê, cả xã hội và Giáo Hội, chúng ta chỉ còn biết tín thác
vào Thiên Chúa: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong
đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong
lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của
Người” (Tv 23:1-3).
Chân thành
tín thác vào Thiên Chúa thì chúng ta sẽ an tâm, lỡ có gặp “hàng giả” cũng không
lo bị tác hại: “Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa
ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm. Chúa dọn sẵn cho con bữa
tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy
tràn chan chứa. Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và
tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên” (Tv 23:4-6).
Có được Chúa không phải dễ, vì phải từ bỏ chính mình, từ bỏ những gì phù phiếm,
xa hoa, vinh thân phì da.
Phải thực
sự can đảm mới có thể từ bỏ mọi thứ. Từ bỏ mình để có Chúa, được là thân nhân
của Ngài. Thánh Phaolô phân tích: “Trước kia anh em là những người ở
xa, nhưng nay, trong Đức Kitô Giêsu, nhờ máu Đức Kitô đổ ra, anh em đã trở
nên những người ở gần” (Ep 2:13). Thật vậy, Thánh Phaolô xác nhận
“chính Người là bình an của chúng ta” và giải thích chi tiết: “Người đã liên
kết đôi bên, dân Do-thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân
mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét; Người đã huỷ bỏ
Luật cũ gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập hoà bình, Người
đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân
Người” (Ep 2:14-15).
Chúa Giêsu
là mối liên kết, là “dấu cộng” nối lại những gì tách rời: “Nhờ thập giá,
Người đã làm cho đôi bên được hoà giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy
nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét. Người đã đến loan Tin
Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho
những kẻ ở gần. Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết
trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha” (Ep 2:16-18). Đó là sự no
thỏa tâm linh, no thỏa để tâm linh phát triển và trưởng thành, cũng như thân
xác cần được no thỏa để duy trì sự sống thể lý.
Trình
thuật Tin Mừng Mc 6:30-44 (tương đương Mt 14:13-21; Lc 9:10-17; Ga 6:1-13)
tường trình phép lạ “bánh hoá nhiều” lần thứ nhất mà Chúa Giêsu đã làm vì chạnh
lòng thương dân chúng, những người vì mê say Ngài “nói chuyện” mà bỏ ăn quên
uống. Và Ngài biết họ đang đói lắm.
Chiều hôm
đó, các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giêsu, và kể lại cho Người biết mọi việc
các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. Nhưng Ngài bảo các ông: “Chính
anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Ngài
biết công việc mục vụ vất vả lắm, vất vả thì phải mệt, Ngài thương các ông lắm,
vì công việc cần làm mà không có giờ ăn lót dạ. Thế nên Ngài bảo các ông cứ
nghỉ ngơi cho lại sức rồi “chiến đấu” tiếp.
Quả thế,
kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa, dù đó
là nhu cầu thiết yếu nhất. Nhưng vì Chúa và vì tha nhân mà họ chấp nhận hy
sinh. Sau đó, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. Nhưng
thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên người ta từ khắp các thành cùng
nhau theo đường bộ chạy đến nơi, thậm chí còn đến trước cả các ngài. Thế mới
chắc cú! Điều đó cho thấy sức hút của Chúa Giêsu rất mạnh, dù nhìn bề ngoài
Ngài rất “bụi”, chẳng có gì “nổi bật”.
Ra khỏi
thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì
họ như bầy chiên không người chăn dắt. Chạnh lòng thương là điều kiện tiên
quyết để có thể dẫn tới hành động cụ thể. Rồi Ngài bắt đầu dạy dỗ họ nhiều
điều. Ngài dạy họ cách sống vì thương xót họ, thương xót vô điều kiện.
Nói đến
chuyện chăm sóc mục vụ, chúng ta không thể không liên tưởng tới cuộc đời Thánh
LM Gioan Maria Vianney (1786-1859, Pháp quốc). Cuộc đời ngài thể hiện rõ nét
một mục tử đích thực, vì ngài đã thực sự hành động theo đúng Thánh Ý Chúa,
chính xác như lời Thầy Chí Thánh Giêsu đã xác định: “Con Người đến không
phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến
mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20:28; Mc 10:45). Thánh
Gioan Vianney lo mục vụ giải tội mà bỏ cả ăn uống, ngủ ít, hy sinh cả những thứ
cơ bản nhất của mình, đói thì chỉ ăn mấy củ khoai lót dạ mà thôi. Suốt đời linh
mục, ngài rất coi trọng việc giải tội vì ngài muốn mọi tội nhân được
giải hòa với Thiên Chúa. Và Ngài không hề nghĩ tới chuyện nghỉ hưu. Thật đáng
khâm phục biết bao!
Có quy-trình-trao-đổi
thế này: Nếu linh mục là vị Thánh, giáo dân sẽ thánh thiện; nếu
linh mục thánh thiện, giáo dân sẽ tốt lành; nếu linh mục tốt lành,
giáo dân sẽ tử tế; nếu linh mục tử tế, giáo dân sẽ vô tín ngưỡng.
Thánh Gioan Vianney đã và đang nhắc nhở chúng ta nhiều điều lắm. Hãy tự đấm
ngực chứ đừng vỗ ngực, tự nhận lỗi mình chứ đừng biện hộ bằng những cái NẾU,
VÌ, BỞI, TẠI, GIÁ MÀ,...
Lúc sinh
thời, Thánh GH Piô X (1835-1914) đã xác định: “Tôi sinh ra nghèo hèn, tôi
sống nghèo hèn, tôi sẽ chết nghèo hèn”. Ngài đã tỏ ra lúng túng vì một số
nghi thức long trọng dành cho ngài trong lễ đăng quang giáo hoàng. Ngài nói
trong nước mắt: “Nhìn kìa! Người ta cho tôi mặc đẹp biết bao!”. Rồi ngài
nói thêm: “Phải chấp nhận như thế là việc đền tội. Họ dẫn tôi đi với lính
tráng vây quanh như Chúa Giêsu khi Ngài bị bắt trong vườn Gếtsimani vậy”.
Hay quá! Tuyệt quá! Nhân đức quá!
Hình ảnh
vị Giáo hoàng Phanxicô đang cho chúng ta thấy rõ nét chân dung Đức Kitô: Nghèo
khó, khiêm nhường, giản dị, hòa nhã, tươi cười,… nhưng vẫn cương trực, thẳng
thắn và dứt khoát.
Lo cho
thân xác được no ấm thì cũng phải lo cho linh hồn no thỏa. Muốn như vậy thì
phải can đảm và dứt khoát – nghĩa là không sợ gì hoặc sợ ai. Trong Kinh Thánh,
Thiên Chúa đã động viên chúng ta 365 lần: “Đừng sợ!”. Con số “kỷ
lục” này chia đủ cho số ngày của một năm, điều đó cho chúng ta thấy rằng ngày
nào Thiên Chúa cũng động viên chúng ta can đảm sống hiền như chiên giữa bầy
sói, hiền lành nhưng vẫn cương quyết bảo vệ sự thật để làm chứng nhân của Thiên
Chúa.
Trong Tông
thư Laudato Si (Chúc Tụng Thiên Chúa), ĐGH Phanxicô có đề cập một cách sống độc
đáo theo tinh thần của Đức Giêsu Kitô: “Hãy sống khôn ngoan, hãy suy nghĩ
sâu sắc, hãy yêu thương rộng lòng”. Ước gì mỗi chúng ta đều biết thể hiện
lòng thương xót đối với mọi người, nhất là đối với những người hèn mọn, những
người bị xã hội ruồng bỏ, có làm vậy thì chúng ta mới xứng đáng nói được như
tác giả Thánh Vịnh: “Lòng Chúa Thương Xót, đời đời con ca tụng –
Misericordias Domini in aeternum cantabo” (Tv 89:1).
Lạy Thiên
Chúa giàu lòng xót thương, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới
tinh thần cho con nên chung thuỷ (Tv 51:12) để con biết thương xót tha nhân như
chính mình. Xin cho các Kitô hữu luôn cố gắng sống xứng đáng kiếp người trong
mọi hoàn cảnh. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ duy nhất của
nhân loại. Amen.
TRẦM
THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét