Hai Thế Hệ, Một Tấm Lòng
(Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC)
Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách. Huống
chi chúng mình cũng là người có đôi chút chữ nghĩa Thánh Hiền.
Cho nên có vài hàng tâm sự.
Thấm thoát mà đã 40 năm, từ khi cha mẹ tay bế
tay bồng mang bầy con chạy trốn trước nguy cơ trả thù của những người thắng
cuộc. Bây giờ, các bậc cha mẹ này đều ở tuổi trên dưới “cổ lai hy”. Nghĩ lại mà thấy kinh hoàng. Vì so với thời gian “Tôi xa Hà nợi năm lên mười tám khi vừa biết yêu”, rồi 20 năm “Bắc Kỳ Di Cư”, thì thời gian lưu vong
xa xứ quá dài. Những 40 năm!.Và họ đã nghĩ đến trách nhiệm của các con trong nối
tiếp công việc gia đình, xã hội.
Di tản tới một môi trường hoàn toàn mới lạ,
cha mẹ đã phải vất vả cực nhọc lắm để gây dựng lại cho con cái.
Với tuổi đời trung bình từ 35 tới 40, họ phải
bắt đầu lại từ số không với rất nhiều khó khăn.
Anh ngữ là trở ngại đầu tiên. Chỉ có một số
nhỏ có tiếp xúc với nhân viên các quốc gia đồng minh là nói được chút đỉnh
tiếng Anh. Còn hầu hết không nói được ngôn ngữ này. Mà không có ngôn ngữ thì
rất khó hội nhập vào quốc gia mới. Có nhiều giai thoại rất vui về sự “đàm thoại bằng tay” này. Một lão bà, đi máy bay, mót tiểu, cứ ôm lấy cô chiêu
đãi viên hàng không mà la “Rét Run! Rét
Run!”. Cô ta không hiểu mô tê ất giáp gì. Nhưng khi bà cụ chỉ tay xuống
bụng dưới , nhăn mặt là cô ta biết ý đưa bà cụ vào cầu tiêu...
Kiếm việc là trở ngại kế tiếp. Đa số các bậc
làm cha mẹ khi đó là quân cán chính cũ ở Miền Nam, làm việc văn phòng hoặc đánh
trận. Cho nên vào Mỹ là không có một nghề nào có thể xin việc được ngay. Ở xứ
này, nghề nào cũng cần giấy phép hành nghề. Ngoại trừ nghề rửa chén, lau nhà.
Do đó đa số bắt đầu với các công việc tương tự. Để có tiền cấp bách nuôi dưỡng
con cái đi học rồi mới nghĩ tới việc học tiếng Anh, học nghề cho mình.
Rồi thích nghi với nếp sống văn hóa Mỹ quốc.
Văn hóa mình vốn kín đáo, dè dặt, ít nói người
Mỹ thì cởi mở, nghĩ sao nói vậy và nói thật nhiều. Họ sẵn sàng tranh luận, phê
bình để làm tỏ vấn đề thì ta “ chín bỏ
làm mười”, “ai sao tôi vậy”. Nhưng về nhà thì ấm ức, không vui nếu ý kiến
của mình bị bác bỏ.
Họ hướng ngoại, quan tâm tới sự việc chung
quanh, còn các cụ ta phần nhiều chỉ nhìn về phía mình, làm một mình.... Vì thế
trong những giao tiếp, họ thấy mình quá thụ động và bị hiểu nhầm là bất hợp
tác. Cho nên khoảng cách hiểu nhau lại càng xa ra.
Ngay cả với con cái, dân Mỹ cũng có đối xử
khác với mình. Họ coi con cái vừa là con vừa là bạn. Đôi bên có sự thảo
luận, tìm hiểu rất cởi mở để đi đến hành động.
Còn khá đông các bậc làm cha mẹ Việt thì
vẫn ôm lấy mớ kinh nghiệm hơi xưa của mình mà không chấp nhận lối suy tư, hành
động của con trẻ. Các vị vẫn theo tập tục cũ, có nhiều ra lệnh, cưỡng bách mà
không có đối thoại, chia xẻ. Các cụ không hiểu, không đánh giá đúng khả năng
của con cháu. Và khi gặp sự đối kháng thì các vị lại hờn dỗi, tủi thân, cho là
hết quyền lực với con cái...
Và nhiều vất vả khác nữa để vươn lên.
Nhưng chỉ với những kiên nhẫn, cần cù, chung
lưng đấu cật với nhau mà các gia đình tỵ nạn Việt đã tạo ra một thế đứng vững
vàng trên đất Mỹ. Họ đã có những cơ sở thương mại tương đối thỏa đáng; đã có
những việc làm ở hạng trung, không đến nỗi “
chân lấm tay bùn”. Con cái họ đã đạt được nhiều thành tích sáng chói tại
học đường. Nhiều cháu đã tham dự vào việc tham mưu, điều hành chính quyền từ
liên bang tới địa phương, đại diện dân cử cũng như trong các lãnh vực y tế, khoa
học, giáo dục và ngay cả trong quân đội. Và cũng đóng góp nhiều vào sự “dễ thở
hơn” cho đồng bào nghèo khó ở quê hương.
Sự thành công của người Việt tỵ nạn đã làm
ngạc nhiên không ít cho dân bản xứ. Và đôi khi họ cũng nhìn mình với con mắt
ghen tỵ. Và nhiều người đã ví von rằng Nữ Thần Tự Do còn quay lưng về phía châu
Á, hướng về trời tây, đón mừng dân da trắng châu Âu cơ mà.
Sau gần 35 năm xa xứ, nhiều bậc làm cha mẹ xưa
kia bây giờ cũng đã “ mỏi gối, chùn
chân”.Tuổi đời chồng chất. Sức khỏe không còn hùng dũng như xưa. Thị lực
giảm, thính giác khi nghe khi không. Bước chân đi đã bắt đầu nghiêng ngả. Vì
mấy chục năm chiến tranh, tù đầy hành hạ. Cộng với 40 năm vất vả lập nghiệp từ
hai bàn tay trắng..
Họ đã nghĩ tới việc bàn giao trách nhiệm cho
các con. Trách nhiệm nối dõi tông đường. Trách nhiệm với cộng đồng mình, với
đất tạm dung. Và nhất là trách nhiệm với quê hương xứ sở.
Với gia đình, họ kiêu hãnh nhìn bầy con trưởng
thành, thịnh vượng, dâu rể, cháu chắt đoàn tụ. Như vậy là họ yên lòng. Chúng có
phận của chúng. Vợ chồng già bây giờ “ An
hưởng Tuổi Vàng” với nhau. Mọi sự chắc sẽ an lành cho tới ngày ra đi.
Với cộng đồng mình thì còn nhiều điều cần để
tâm.
Làm sao cộng đồng đoàn tụ, nương nhau mà tiến
tới, mà hội nhập với dòng chính bản xứ. Tranh đấu cho các quyền lợi y tế xã hội
cũng như giáo dục cho nhóm thiểu số mình. Hướng dẫn đồng hương về các quyền lợi
cũng như trách nhiệm với đất tạm dung. Quyền của người công dân Hiệp Chủng
Quốc, tự do ngôn luận, tự do cư trú, tự do tôn giáo...Những thứ mà đồng bào
mình rất thiếu ở quê hương.
Nhưng mình cũng có những trách nhiệm phải làm.
Đóng góp xây dựng, bảo vệ lãnh thổ và quyền lợi Hoa Kỳ, nhiệm vụ bầu cử ( và
quyền ứng cử nữa chứ) và các nhiệm vụ khác. Đa số chúng ta đã là người Mỹ gốc
Việt rồi mà.
Rồi bảo vệ văn hóa, truyền thống Việt
Nam.
Mỹ quốc là những trộn lẫn của nhiều văn
hóa khác nhau. Các sắc dân khác duy trì văn hóa của họ được thì ta cũng có thể
làm được. Nếu chúng ta ngồi lại với nhau. Tương nhượng, khoan dung nhau để đi
tới mục đích, dù đường lối có thể khác nhau. “ Mọi con đường đều đưa tới cổ thành La Mã. Hơn nữa, chúng ta còn có cả
“ Bốn Ngàn Năm Văn hiến” hỗ trợ
cơ mà.
Đó là trách nhiệm cộng đồng mà thế hệ đi
sau có bổn phận phải gánh vác. Với sự khích lệ, góp ý của thế hệ đi trước và
với một chút nền móng mà thế hệ này trao lại.
Với quê hương, đất nước thì công việc dường
như phức tạp hơn.
Có người nghĩ là nó hơi ở ngoài tầm tay của
chúng ta. Chúng ta đã cố gắng. Chúng ta đã xử dụng rất nhiều nhiệt tâm. Mà kết
quả dường như khiêm nhường. Và đã có người trông cậy ở giới trẻ. Giới trẻ trong
và ngoài nước.Vì thường thường giới trẻ thực tiễn và cởi mở hơn. Họ có nhiều
sáng tạo, hoài bão ước mơ. Họ dám làm, dám thử lửa.
Trong nước, giới trẻ quan tâm tới các nhu cầu
canh cải điều hành, phát triển kinh tế, thay đổi giáo dục, bảo vệ lãnh thổ. Họ
đang tích cực nhìn ra bên ngoài, để học hỏi, cầu tiến. Như các tiền nhân ta
trong phong trào Đông Du thuở trước. Đóng cửa, bế quan tỏa cảng chỉ đưa tới
diệt vong, hậu tiến.
Bạn trẻ mình ở nước ngoài thì kiến thức rộng,
kỹ thuật cao, sẵn sàng đóng góp tiếp tay với lớp cùng lứa tuổi trong nước. Khi
hoàn cảnh thuận tiện. Hy vọng là giữa họ, có một tương quan tốt về tâm tư, ý
chí và rất ít tị hiềm, phe đảng.
Đất nước quê hương là của mọi con dân,
dù viễn cư hay tại xứ. Chia nhau công việc hỗ trợ nhau mà làm chứ chẳng nên
chuyên chính, tập trung cũng như không theo phương thức của ta là chao đảo, tay
sai.
Trong nước cũng như ngoài nước, lớp người sinh
trước, thì lần lượt cũng hai tay buông xuôi. Cũng trao lại bó đuốc cho
lớp đến sau. Hy vọng là những bó đuốc được sửa soạn chu đáo và mang nhiều nhiệt
tình, tốt ý.
Một điều mừng là lớp trẻ trong ngoài đều sẵn
sàng lãnh đuốc. Nhiều người sốt ruột đợi chờ. Họ đã từng tâm sự: “Chúng cháu chỉ đợi các bác, các chú giao
cho là chúng cháu sẵn sàng”.
Và nhiều người lạc quan nghĩ là họ sẽ thành
công.
Để làm đẹp cho quê hương cũng như cộng đồng.
Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét