CHỌN LỰA
(Chúa Nhật XXV TN, năm C)
Đệ nhất phu nhân Eleanor
Roosevel (1884 – 1962), cũng là nhà nhân đạo kiêm nhà hoạt động xã hội Mỹ, đã
nhận định: “Triết lý của một người không được thể hiện tốt nhất bằng ngôn từ,
mà được thể hiện trong cách chọn lựa. Cách chọn lựa của chúng ta chính là trách
nhiệm của chúng ta”. Chọn lựa rồi thì phải sống điều đó, chứ không thể chọn lựa
cho xong lần rồi thôi.
Thiên Chúa cho con người
có quyền tự do chọn lựa, đó là niềm vui mừng và hãnh diện – vì chúng ta được
Thiên Chúa tôn trọng cả nhân phẩm, nhân vị và nhân quyền; nhưng đó cũng là nỗi
lo sợ – vì chúng ta hoàn toàn chịu trách nhiệm về những gì chúng ta chọn lựa.
Muốn chọn lựa phải có ít
nhất hai cái – cái này hoặc cái kia, cách này hoặc cách nọ. Có một thứ thì
không thể có sự chọn lựa. Tư tưởng dẫn tới hành động, đó là sự chọn lựa. Cách
chúng ta chọn lựa có thể trở nên “số phận” của chúng ta – an vui hạnh phúc hoặc
nghiệt ngã khổ đau. Đó là điều tất yếu từ sự tự do của chúng ta!
Ngôn sứ A-mốt đã có thị
kiến thứ tư, Thiên Chúa hỏi ông thấy gì, ông nói ông thấy “giỏ trái cây mùa hạ”.
Thiên Chúa cho ông biết rằng Ngài sẽ không tha thứ cho dân Ít-ra-en nữa, vì họ
gian tham, tội lỗi. Dân Ít-ra-en đã bất tuân, bất tín và bất trung với Thiên
Chúa mà quyết định chọn lối gian tà. Họ không nhận được Lòng Thương Xót của
Thiên Chúa là điều tất yếu. Chúng ta cũng vậy mà thôi!
Ngôn sứ A-mốt truyền lại
lời của Thiên Chúa: “Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp người cùng khổ và tiêu
diệt kẻ nghèo hèn trong xứ” (Am 8:4). Có lời cảnh báo đó vì họ đã thầm nghĩ:
“Bao giờ ngày mồng một qua đi, cho ta còn bán lúa; bao giờ mới hết ngày sa-bát,
để ta bày thóc ra? Ta sẽ làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm; Ta sẽ
làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ. Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần, đem
đôi dép đổi lấy tên cùng khổ; cả lúa nát gạo mục, ta cũng đem ra bán” (Am
8:5-6).
Người ta nói “buôn gian,
bán lận”, nghề nào cũng có mánh lới của nghề đó, càng ngày càng tinh vi hơn: thợ
may ăn vải, thợ vẽ ăn hồ. Ngày nay, giai cấp nào hoặc ngành nghề nào cũng có
cách gian lận ranh mãnh, ngay cả một số “ông trùm” của xứ đạo cũng “lóm lém”
như thường, nói chi đến người ngoại đạo. Thảo nào, một nữ kế toán về chương
trình cứu trợ của nhà nước ở Bình Phước mà mưu mô chiếm đoạt đến hơn 3 tỷ đồng.
Quả thật, “thường nhân” chúng ta không thể nào tưởng tượng nổi sự lươn lẹo của
các “siêu nhân” theo phe ma quỷ!
Và rồi ngôn sứ A-mốt đã
xác định rằng “Đức Chúa đã lấy Thánh Danh là niềm hãnh diện của Gia-cóp mà thề:
Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng” (Am 8:7). Ai tốt hay xấu
thì Thiên Chúa đều tỏ tường, vì Ngài thấu suốt mọi sự (Sbn 28:9; Gđt 8:14; Et
5:1; 2 Mcb 7:35; 2 Mcb 9:5; 2 Mcb 12:22; 2 Mcb 15:2; G 28:27; Tv 139:2; Cn
16:2; Cn 21:2; Cn 24:12; Kn 1:6; Kn 7:23; Hc 23:19; Hc 42:20; Gr 11:20; Gr
20:12; 1 Cr 12:4-6). Ngài im lặng chứ đừng tưởng Ngài không biết mà… làm tới,
hoặc dám lấy vải thưa che mắt thánh!
Kinh Thánh cũng đã cảnh
cáo thẳng thắn: “Này kẻ gian, chớ rình rập nhà người công chính, cũng đừng phá
phách nơi họ ở. Vì chính nhân có ngã bảy lần cũng đứng lên được, còn kẻ ác cứ lảo
đảo hoài trong cảnh tai ương” (Cn 24:15-16). Kẻ mê muội càng ngày càng lú lẫn
vì miệt mài đi trên con đường tối tăm, tự làm mình mù lòa nên không thích ánh
sáng và cũng chẳng thấy được ánh sáng.
Còn những người công
chính, dù có những lúc đã trượt té – thậm chí là “té đau”, nhưng họ quyết tâm đứng
dậy, không nằm lì, thế nên họ được Thiên Chúa thương xót độ trì. Vấn đề không
phải trượt té mà là đứng dậy ngay hay không. Cảm nghiệm được điều này, tác giả
Thánh Vịnh mời gọi: “Hỡi tôi tớ Chúa, hãy dâng lời ca ngợi, nào ca ngợi danh
thánh Chúa đi! Chúc tụng danh thánh Chúa, tự giờ đây cho đến mãi muôn đời!” (Tv
113:1-2).
Thiên Chúa vô cùng nhân từ,
nhưng Ngài cũng rất mực công minh. Ai có công được thưởng, ai có tội bị phạt.
Chúng ta chỉ là như những “bức tượng” được Điêu khắc gia Thiên Chúa tạo nên. Bức
tượng không thể biết nhà điêu khắc thế nào. Tượng tự, cũng chẳng ai có thể hiểu
được đường lối của Ngài: “Chúa siêu việt trên hết mọi dân, vinh quang Người vượt
xa trời cao thẳm. Ai sánh tày Thượng Đế Chúa ta, Đấng ngự chốn cao vời, cúi xuống
để nhìn xem bầu trời trái đất?” (Tv 113:4-6).
Chỉ là thụ tạo, là bụi
cát, nhưng chúng ta được Thiên Chúa hết lòng yêu thương đến cùng, dù chúng ta
đã từng trái lệnh Ngài. Không chỉ được Ngài xót thương, chúng ta còn được Ngài
phong chức tước và ban ân lộc, như tác giả Thánh Vịnh đã minh định: “Kẻ mọn
hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi, ai nghèo túng, Người cất nhắc từ đống phân
tro, đặt ngồi chung với hàng quyền quý, hàng quyền quý dân Người” (Tv 113:7-8).
Quả thật, điều đó tưởng chừng là “không tưởng”, nhưng đó lại là sự thật minh
nhiên. Chúng ta cần phải nhận biết mà tạ ơn Ngài suốt đời.
Thánh Phaolô nói về việc
cầu nguyện và tạ ơn: “Tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van,
tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để
chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh. Đó là điều
tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được
cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2:1-4). Cầu nguyện không chỉ là cầu xin,
nhưng chúng ta thường chỉ cầu xin, và thích xin theo ý mình chứ không xin theo
ý Chúa.
Có lẽ vì vậy mà khi cầu
xin không đúng ý mình, đức tin của chúng ta bị lung lay, thậm chí có người còn
mất đức tin. Thật vậy, đã thấy có người vì “nguyên nhân tế nhị” nào đó mà họ
theo Phật giáo. Mỗi năm, phụ nữ này vẫn về khu phố cũ nhờ người quen xin lễ cho
thân nhân, còn chính chị ta lại tỏ ra sùng đạo Phật. Không thể hiểu nổi!
Nếu có một lý trí bình
thường và không cố ý phủ nhận sự thật khi nhìn vào thiên nhiên – đơn giản nhất
là mối quan hệ giữa không khí và sự sống, chúng ta dễ dàng nhận biết Đấng Tạo
Hóa duy nhất. Đó chính là Đấng làm chủ vũ trụ – theo phàm ngôn, chúng ta gọi
Ngài là Thiên Chúa, là Đức Chúa Trời, là Deus, là Dieu, là Dios, là Dio, là
God, là Gott,... (theo ngôn ngữ của dân tộc mình). Thật vậy, Thánh Phaolô phân
tích và trần tình: “Chỉ có một Thiên Chúa, CHỈ CÓ MỘT Đấng trung gian giữa
Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Kitô Giêsu, Đấng đã tự hiến
làm giá chuộc mọi người. Điều này đã được chứng thực vào đúng thời, đúng buổi. Và
để làm chứng về điều này, tôi được đặt làm người rao giảng và làm Tông Đồ – tôi
nói thật chứ không nói dối – nghĩa là làm thầy dạy các dân ngoại về đức tin và
chân lý” (1 Tm 2:5-7).
Các chuỗi DNA “liên kết”
sự sống trong các sinh vật thật kỳ diệu – từ sinh vật bé nhỏ nhất tới sinh vật
to lớn nhất, con người không thể nào hiểu hết. Tế bào thế nào thì khỏe hoặc yếu,
tốt hay xấu,… Chữa được bệnh này thì sinh bệnh khác. Y học không ngừng tìm tòi
xưa nay mà vẫn không ngăn cản được sự chết, không thể làm cho con người bất tử
hoặc trường sinh. Thế mà người ta vẫn muốn chối bỏ Đấng làm chủ Sự Sống. Kiêu
ngạo quá đỗi!
Thiên Chúa đã ra quy luật
đời đời dành cho phàm nhân: “Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St
3:19). Thực tế đã chứng minh chân lý đó: Socrates chết, Sigmund Freud chết, Khổng
Tử chết, Lão Tử chết, Thích Ca Mâu Ni chết,... kể cả những người tự nhận mình
là “sống mãi trong lòng mọi người”. Nói chung, AI CŨNG PHẢI CHẾT và KHÔNG THỂ TỰ
TÁI SINH. Sự thật minh nhiên đó đã được Thánh Phaolô xác định: “Phận con người
là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét” (Dt 9:27).
Chỉ có một Đấng bị người
ta ghen ghét mà giết chết nhưng Ngài lại phục sinh khải hoàn: Đức Giêsu Kitô.
Thật là hạnh phúc và cũng thật là “may mắn” vì chúng ta nhận biết Ngài, tôn thờ
Ngài là Thiên Chúa thật duy nhất. Vì thế, chúng ta luôn cần Ngài. Nếu cần Ngài
thì phải cầu nguyện như Thánh Phaolô ước mong: “Tôi muốn rằng người đàn ông hãy
cầu nguyện ở bất cứ nơi nào, tay giơ lên trời, tâm hồn thánh thiện, không giận
hờn, không xung khắc” (1 Tm 2:8). Nói như vậy không có nghĩa là đàn ông mới cần
cầu nguyện, mà bất cứ ai cũng cần cầu nguyện – cầu nguyện liên lỉ.
Cầu nguyện là “hơi thở” của
con người, cầu nguyện là NÓI VỚI CHÚA, điều này quan trọng hơn là NÓI VỀ CHÚA.
Cầu nguyện cũng quan trọng hơn các hoạt động khác. Cầu nguyện liên quan đức
tin, vì có tin tưởng mới cầu xin. Thật vậy, học giả Antoine-Frédéric Ozanam
(1813-1853, người Pháp) đã xác định: “Chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện”.
Bác học Louis Pasteur (1822-1895, người Pháp) vẫn miệt mài cầu nguyện bằng Kinh
Mai Côi bất cứ ở đâu hoặc lúc nào. Hai con người giỏi giang này đáng để chúng
ta xem lại đức tin của mình lắm đấy!
Trình thuật Lc 16:1-13
nói về dụ ngôn “người quản gia bất lương” và cách sử dụng vật chất – cụ thể là
tiền bạc. Tiền chỉ là những tờ giấy vô tri vô giác được ghi giá trị bằng những
con số do con người quy ước. Cũng 100 đồng, đơn vị hoàn toàn bằng nhau, nhưng
giá trị tiền mỗi nước khác nhau xa. Chúng ta phải làm chủ nó, nếu nó làm chủ
chúng ta thì sinh nhiều “phiền toái”.
Tiền bạc là thứ cần thiết
nhưng đừng để lòng “dính líu” tới nó. Nhóm Pharisêu vì mê tiền bạc mà sống giả
nhân giả nghĩa. Thánh Phaolô xác định: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham
muốn tiền bạc” (1 Tm 6:10).
Người Việt có câu: “Đồng
tiền liền khúc ruột”. Đó là thứ “quyền lợi” bất khả xâm phạm. Vì tiền bạc hoặc
vật chất mà người ta dám làm mọi thứ, bất chấp tất cả, ngay cả thâm tình huyết
thống cũng không đủ sức làm cho người ta “chùng tay” mà nghĩ lại. Thực tế cho
thấy đã có những vụ án mạng giữa tình mẹ con, cha con, anh chị em ruột, họ
hàng, xóm giềng,…
Thật là đáng sợ! Rõ ràng
tiền bạc có mãnh lực làm lệch lạc lý trí của con người, ngay cả các giáo sĩ
cũng bị tiền bạc làm nao núng, điên đảo, nếu họ mù quáng trước đồng tiền. Thực
tế đã và đang cho chúng ta thấy sự thật phũ phàng như vậy. Có một số linh mục coi
xứ chỉ “quen” với những ai cung phụng cho họ. Thiên Chúa rất đau lòng!
Qua ngôn sứ Isaia, Thiên
Chúa đã nghiêm túc và thẳng thắn nói về các mục tử bất xứng: “Những người canh
gác Ít-ra-en đui mù hết, chẳng hiểu biết gì; cả bọn chúng là lũ chó câm, không
biết sủa, chỉ mơ mộng, nằm dài và thích ngủ thôi. Chúng còn là lũ chó đói, ăn
chẳng biết no. Thế mà chúng lại là mục tử, thứ mục tử chẳng biết phân biệt gì”
(Is 56:10-11). Các câu Kinh Thánh đại loại như vậy khiến người ta khó chịu,
tránh né, và họ ghét ai đề cập.
Mục tử mê tiền thì chỉ lo
nhàn thân, bỏ mặc đoàn chiên, thậm chí còn “bòn rút” chiên như đỉa hút máu vậy.
Người tông đồ đầu tiên vì mê tiền mà hóa đốn hèn là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt. Đó là tấm
gương “mờ” nhưng vẫn cần soi vào để có thể nhận biết mình có nhòa nhạt hay
không. Ngày nay cũng không thiếu loại mục tử như thế, có khi họ ở ngay bên
chúng ta! Loại mục tử này cũng tìm cách tạo “vây cánh” cho mình. Người ta nói
ông này hay ông nọ có “gốc gác” TO lắm, MẠNH lắm. Khốn khổ thay cho đoàn chiên
nào “bị gặp” loại mục tử dỏm như thế!
Đó là quyền tự do chọn lựa
của mỗi người đối với tiền bạc. Thiên Chúa vẫn tôn trọng quyền tự do của họ. Hệ
quả tất yếu là điều không thể tránh khỏi! Chúa Giêsu “phục vụ” mà họ “được phục
vụ” – ngược với Ngài (Mt 20:28).
Đức Giêsu nói về nhà phú
hộ kia có người quản gia lươn lẹo, mánh khóe, qua mặt chủ. Người ta tố cáo với
ông chủ về việc anh ta phung phí của cải nhà ông. Ông gọi anh ta đến mà bảo anh
ta tính sổ và sa thải anh ta. Vốn tính giao xảo, anh ta tìm mưu kế, vì anh ta
nghĩ mình cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi.
Anh ta liền cho gọi từng
con nợ của chủ đến. Anh ta hỏi người thứ nhất về món nợ với chủ, người ấy nói
là “một trăm thùng dầu ô-liu”. Anh ta bảo người ấy cầm lấy biên lai và viết năm
chục. Rồi anh ta hỏi người khác về số nợ, người ấy nói là “một ngàn giạ lúa”.
Anh ta cũng bảo người ấy viết lại giấy sợ là “tám trăm giạ lúa”. Biết được thâm
kế của tên quản gia bất lương, ông chủ khen anh ta đã hành động khôn khéo. Chúa
Giêsu nói rõ: “Con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người
đồng loại”.
Ngày nay, người ta giả dối
tinh vi lắm. Các công trình vừa được khánh thành chưa được bao lâu đã hư hỏng,
tình trạng này người ta gọi là “rút ruột công trình”. Thật không thể tưởng tượng
được khi người ta đành lòng làm những cột điện rỗng, vỏ xi-măng mỏng và lót bao
ni-lông,… Ông to cắn miếng lớn, ông vừa cắn miếng vừa, chú kia mút cái, chú nọ
liếm cái, thế thì tiêu! Ngay cả tiền và đồ cứu trợ còn bị “ăn” thì còn gì để
nói nữa chứ? Có bị lộ thì kẻ này đổ lỗi cho kẻ khác: cục đường ăn cả, cục muối
chia đôi, quả lựu đạn đùn đẩy cho nhau. Thật khốn nạn!
Nói là vì công ích nhưng
thật ra chỉ vì tư lợi. Nhiều cơ sở tôn giáo hoặc nơi tu trì đều bị người ta tìm
cách chiếm giữ: Đan viện Thiên An (Huế), Nữ tu viện Phaolô (Hà Nội), Nữ tu viện
MTG Thủ Thiêm (Q.2, Saigon),... và mới nhất là Chùa Liên Trì (Q.2, Saigon).
Đáng quan ngại hơn là vấn đề môi trường, người ta dám coi rẻ sự sinh tồn của
hàng triệu người mà làm ngơ trước cách làm ô nhiễm môi trường của Formosa, và rồi
chấp nhận sự bồi thường rẻ mạt: 500 triệu USD. Mà dân nghèo có được đồng bạc lẻ
nào không? Người ta thích cách chọn lựa như thế. Tội ác!
Ai cũng phải cố gắng
trung tín trong việc sử dụng Tiền Của – cả vật chất và tâm linh. Chúa Giêsu đã
khuyến cáo: “Hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền
hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu”. Đó là cách chọn lựa khôn
ngoan. Và rồi Ngài lý luận rất cụ thể: “Ai trung tín trong việc rất nhỏ thì
cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ thì cũng bất
lương trong việc lớn”. Đó là hệ lụy tất yếu vậy!
Tại sao? Chúa Giêsu giải
thích bằng cách đặt vấn đề: “Nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền
Của bất chính thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? Và
nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác thì ai sẽ
ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?”.
Lời Chúa luôn cụ thể, ngắn
gọn mà súc tích, nhẹ nhàng mà nhức buốt, dễ hiểu mà cũng khó hiểu – vì người ta
cố ý tránh né và không muốn hiểu: “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ,
vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể
chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được”.
Ngày nay người ta coi trọng
bề ngoài, đề cao vật chất, đó là dấu hiệu nhắc nhở chúng ta về điều vô cùng
quan trọng: Thời Cuối Cùng, Thời Cánh Chung, Ngày Tận Thế. Ngoài vấn đề mê tiền
ham của, Thánh Phaolô cho biết thêm nhiều dấu hiệu khác: “Người ta sẽ ra ích kỷ,
ham tiền bạc, khoác lác, kiêu ngạo, nói lộng ngôn, không vâng lời cha mẹ, vô ân
bạc nghĩa, phạm thượng, vô tâm vô tình, tàn nhẫn, nói xấu, thiếu tiết độ, hung
dữ, ghét điều thiện, phản trắc, nông nổi, lên mặt kiêu căng, yêu khoái lạc hơn
yêu Thiên Chúa; hình thức của đạo thánh thì họ còn giữ, nhưng cái chính yếu thì
đã chối bỏ” (2 Tm 3:2-5).
Lạy Thiên
Chúa, xin giúp con biết chấp nhận và biết cách quản lý những gì con được sở hữu
từ cách làm việc lương thiện. Con cầu xin Ngài tha thứ những khi lòng con hướng
về vật chất, xin thương cho con được hóa đá và được nằm trong Núi Đá Ngài mãi
mãi. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét