HUYỀN NHIỆM YÊU THƯƠNG
(Chúa Nhật XXIV TN, năm C)
Tình yêu của con người
(tình mẫu tữ, tình phụ tử, tình phu thê, tình bạn, tình láng giềng,…) chỉ là
tình yêu phàm tục, thế mà chúng ta còn khó lý giải xác đáng, huống chi là tình
yêu của Thiên Chúa, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.
“Tình yêu thương con người
là tài sản quý giá nhất” (tục ngữ Ả Rập). Tình yêu chân chính không xói mòn
theo thời gian và cũng chẳng biến đổi theo hoàn cảnh. Tình yêu luôn huyền diệu,
tính túy và thuần khiết, không biến động theo ý muốn của chúng ta. Có thể ví
tình yêu như chiếc đồng hồ cát có hai ngăn, ngăn lý trí và ngăn trái tim, ngăn
này đầy thì ngăn kia trống.
Mẹ Thánh Teresa Calcutta
(1910-1997) nói về tình yêu với những lời giản dị mà sâu sắc: “Bạn có thể làm
gì để xây dựng hòa bình thế giới? Hãy về nhà và yêu thương gia đình của mình.
Chúng ta hãy luôn gặp nhau với nụ cười, bởi nụ cười là điểm bắt đầu của yêu
thương. Nếu bạn phán xét người khác, bạn chẳng còn thời gian để yêu thương họ nữa.
Những lời tử tế có thể ngắn và dễ nói, nhưng tiếng vọng của chúng thực sự vĩnh
cửu. Điều chúng ta cần là yêu mà không mệt mỏi. Việc tốt là những mắt xích tạo
nên sợi xích tình yêu”.
Giáo hội Công giáo đã
long trọng tuyên thánh cho Mẹ Teresa ngày 4-9-2016. Mẹ là một phụ nữ có vóc
dáng nhỏ nhắn nhưng lại có trái tim vĩ đại khả dĩ chứa đựng cả thế giới. Ngay
khi còn sinh thời, Mẹ đã nổi tiếng khắp thế giới về lòng nhân hậu, đến nỗi
Australia tỏ lòng kính phục Mẹ nên đã làm tem in hình Mẹ Teresa, sản xuất tháng
10-2015, ghi nhớ dịp Mẹ được chính phủ tặng Huân Chương năm 1982. Mẹ Teresa đã đến
Australia 12 lần, Việt Nam cũng được diễm phúc đón Mẹ 3 lần (tháng 9/1991,
tháng 11/1993, tháng 4/1994). Mẹ đã đến nhà thờ Thanh Đa – TGP Saigon, nhà thờ
Thái Hà – Bắc Việt, và một số nơi khác).
Tình yêu thương là một
huyền nhiệm – huyền bí và mầu nhiệm, nghĩa là chúng ta không tài nào hiểu thấu
với trí tuệ phàm nhân. Tuy không hiểu thấu và không thể có một định nghĩa trọn
vẹn, nhưng ai cũng khả dĩ thể hiện và cảm nhận. Thật là kỳ diệu biết bao!
Từ ngàn xưa, Thiên Chúa
đã chứng tỏ Lòng Thương Xót với dân Ít-ra-en, nhưng họ luôn cứng đầu cứng cổ.
Thiên Chúa phải nói thẳng với ông Môsê: “Hãy đi xuống, vì dân ngươi đã hư hỏng
rồi, dân mà ngươi đã đưa lên từ đất Ai Cập. Chúng đã vội đi ra ngoài con đường
Ta truyền cho chúng đi. Chúng đã đúc một con bê, rồi sụp xuống lạy nó, tế nó và
nói: ‘Hỡi Ít-ra-en, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai Cập’. Đức
Chúa lại phán với ông Môsê: “Ta đã thấy dân này rồi, đó là một dân cứng đầu cứng
cổ. Bây giờ cứ để mặc Ta, cứ để cơn thịnh nộ của Ta bừng lên phạt chúng, và Ta
sẽ tiêu diệt chúng. Nhưng Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn” (Xh 32:7-11).
Thương mới cho roi vọt,
thương mới sửa trị, thương mới nói tới, nhưng người ta thường cảm thấy khó chịu.
Đó là cứu vớt, đó là thương xót. Ngược lại, không thương thì mặc kệ, không cần
quan tâm, muốn ra sao thì sao, nhưng người ta không biết rằng như vậy mới đáng
sợ. Đó là lòng thương xót bị làm ngơ, không được đáp lại.
Tuy nhiên, ông Môsê thân
thưa: “Xin Ngài nhớ đến các tôi tớ Ngài là Áp-ra-ham, I-xa-ác và Ít-ra-en; Ngài
đã lấy chính danh Ngài mà thề với các vị ấy rằng: Ta sẽ làm cho dòng dõi các
ngươi đông đúc như sao trên trời, và sẽ ban cho dòng dõi các ngươi tất cả miền
đất ấy, là miền đất Ta đã hứa; chúng sẽ được thừa hưởng miền đất ấy đến muôn đời”
(Xh 32:13). Quả thật, “Đức Chúa đã thương, không giáng phạt dân Người như Người
đã đe” (Xh 32:14). Điều này chứng tỏ rằng lời cầu nguyện của người khác là điều
cần thiết đối với chúng ta, và việc cầu nguyện cho người khác rất hiệu quả.
Trước khi được Trời cứu
thì phải tự cứu mình, trước khi được người khác cầu thay nguyện giúp thì phải
biết chân thành cầu nguyện: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương
con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi
con, xin Ngài thanh tẩy” (Tv 51:3-4).
Ai cũng là tội nhân,
không ai là người công chính trước mặt Thiên Chúa. Vì thế, cầu nguyện liên lỉ,
sám hối không ngừng, ăn năn không ngớt luôn là điều cấp bách và cần phải kiên
trì: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần
cho con nên chung thuỷ. Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng cất
khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài” (Tv 51:12-13).
Cầu nguyện liên lỉ là cầu
nguyện mọi nơi và mọi lúc, ngay khi mở mắt thức dậy và khi nhắm mắt nghỉ ngơi:
“Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài” (Tv 51:17).
Có nhiều cách ca tụng Thiên Chúa, không nhất thiết phải nói ra bằng lời. Càng tội
lỗi càng phải tín thác vào Thiên Chúa, vì tội nhân là “đối tượng” số một của
Lòng Chúa Thương Xót. Vả lại, “ở đâu tội lỗi đã tràn lan thì ở đó ân sủng càng
chan chứa gấp bội” (Rm 5:20). Vấn đề quan trọng là ĐỪNG NẢN CHÍ hoặc TUYỆT VỌNG.
Hãy tin tưởng vào sự thật minh nhiên này: “Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là
tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê” (Tv
51:19).
Mỗi người có một ơn gọi
riêng, tất cả là để vinh danh Thiên Chúa mà thôi. Trong thư gởi cho ông Timôthê
(1 Tm 1:12-17), ông Phaolô cho biết cách suy nghĩ của ông về ơn gọi của mình, đồng
thời cũng là lời tự thú của ông:
“Tôi tạ ơn Đức Kitô
Giêsu, Chúa chúng ta, Đấng đã ban sức mạnh cho tôi, vì Người đã tín nhiệm mà gọi
tôi đến phục vụ Người. Trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược,
nhưng tôi đã được Người thương xót, vì tôi đã hành động một cách vô ý thức,
trong lúc chưa có lòng tin. Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta, đã ban cho tôi đầy
tràn ân sủng, cùng với đức tin và đức mến của một kẻ được kết hợp với Người.
Đây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: Đức Kitô Giêsu đã đến thế
gian để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi. Sở dĩ tôi được thương
xót vì Đức Giêsu Kitô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ
đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người để được sống muôn
đời”.
Rất chân thành, và cũng rất
can đảm. Chúng ta cũng phải can đảm thú nhận, đừng tránh né, đừng bao che, đừng
giấu giếm, đừng biện hộ. Càng chân thành thì càng được giải án tuyên công. Đó
là huyền nhiệm của tình yêu thương, là huyền nhiệm của Lòng Chúa Thương Xót,
hãy giữ vững niềm tín thác vào Thiên Chúa! Tại sao? Bởi vì Ngài tuyệt đối từ bi
và nhân hậu: “Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng
nỡ tắt đi” (Mt 12:20). Kinh Thánh cho thấy Lòng Thương Xót của Thiên Chúa vô
cùng huyền nhiệm!
Trình thuật Lc 15:1-32 trình
bày ba dụ ngôn về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa: “Con Chiên Bị Mất” (tương
đương Mt 18:12-14), “Đồng Bạc Bị Đánh Mất” và “Người Cha Nhân Hậu”.
Các người thu thuế và các
người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng. Nhóm Pha-ri-sêu và
các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với
chúng”. Đúng là lắm chuyện!
Đức Giêsu đặt vấn đề với
họ: “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không
để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị
mất?”. Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai, về nhà rồi mời thân hữu đến
chung vui vì ông đã tìm được con chiên thất lạc. Ngài nói với họ: “Tôi nói cho
các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn
sám hối hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn
năn”.
Ngài nói với họ dụ ngôn
khác về một phụ nữ có mười đồng quan và đánh mất một đồng. Bà thắp đèn, quét
nhà, moi móc tìm cho kỳ được. Tìm được rồi, bà mời thân hữu cùng chia vui vì bà
tìm được đồng quan đã mất. Rồi Ngài xác định rằng, giữa triều thần Thiên Chúa,
ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.
Hai con số đối lập: một đối
với chín hoặc chín mươi chín – nhỏ và lớn, ít và nhiều. Tuy nhiên, số ít lại
quan trọng hơn số nhiều. Cuối cùng là dụ ngôn đặc biệt: Người Cha Nhân Hậu và Đứa
Con Hoang Đàng (Lc 15:11-32), một dụ ngôn thâm thúy và rất quen thuộc. Đứa con
hoang đàng là ai? Chắc chắn không ai xa lạ, đó là chính mỗi chúng ta. Chính Con
Thiên Chúa đã chuộc chúng ta về bằng giá máu của Ngài (x. Kh 5:9).
Chúng ta vừa là đứa con
thứ, vừa là đứa con trưởng. Là đứa con thứ thì dễ hiểu, vì ai trong chúng ta
cũng là tội nhân, là kẻ hoang đàng. Nhưng có lẽ chúng ta ít thấy mình là đứa
con trưởng. Thật ra đứa con trưởng cũng chẳng tốt lành gì: so đo với người cha,
ghen tỵ với đứa em, và kiêu căng – tự nhận mình là đứa con ngoan. Một lúc phạm
cả ba tội, thế mà vẫn mạo nhận là công chính. Quá ảo tưởng!
Mẹ Thánh Teresa
(1910-1997) đặt vấn đề về cách yêu thương hiệu quả: “Nếu bạn phán xét người
khác, bạn chẳng còn thời gian để yêu thương họ nữa”. Người con trưởng đã phán
xét người khác nên khó thể hiện lòng yêu thương với chính đứa em ruột của mình,
thậm chí kể cả với người cha.
Yêu thương người yêu
thương mình, hợp ý mình, cùng phe với mình thì quá dễ dàng, nhưng yêu thương
người đối lập với mình thì thật khó biết bao! Nhưng phải yêu thương tới mức đó
mới đúng là Kitô hữu. Người cha nhân hậu giải thích với người con trưởng:
“Chúng ta PHẢI ăn mừng, PHẢI vui vẻ, vì em con đây đã CHẾT mà nay lại SỐNG, đã
MẤT mà nay lại TÌM THẤY”. Ước mong mỗi chúng ta có thể “sáng mắt” khi được giải
thích như vậy.
Lạy Thiên Chúa, xin giúp
con biết yêu thương vô điều kiện, không mệt mỏi. Xin giúp con gặp được Ngài khi
con giao tiếp với tha nhân, và xin cho mọi người cũng gặp được Ngài khi họ giao
tiếp với con, mọi nơi và mọi lúc. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu
độ nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét