Thứ Hai, 5 tháng 9, 2016

Ltx, yếu tính của TM và chìa khóa dẫn vào đs Kitô hữu (33, hết)


Lòng  thương  xót,
yếu  tính  của  Tin  Mừng  và  chìa  khóa  dẫn  vào  đời  sống  Kitô  hữu  (33, hết)

Mon, 22/08/2016 - Vũ Văn An

IX. Đức Maria, Mẹ của lòng thương xót(tiếp theo và hết)
 3. Đức Maria như nguyên mẫu của lòng thương xót
 Nền thần học của Thánh Ambrôsiô đã phát biểu những điều đã trở thành hiển hiện trong nhiều kinh nguyện và mô tả bằng hình ảnh trên đây. Trong cuốn chú giải của ngài về Tin Mừng Luca, ngài mô tả Đức Maria như nguyên mẫu (loại hình) của Giáo Hội (23). Công Đồng Vatican II đã minh nhiên tiếp nhận lời quả quyết này (24). Với tư cách người thứ nhất trong số những người được cứu chuộc, Đức Maria là loại hình, nghĩa là nguyên mẫu của mọi người được cứu chuộc. Trong trật tự ơn thánh, Đức Maria là mẹ chúng ta (25). Công Đồng Vatican II diễn tả xác tín này, một xác tín được man vàn Kitô hữu tin nhận, như sau: “với lòng bác ái mẫu thân, ngài chăm sóc anh chị em của Con mình, những người vẫn đang lữ hành trên trần gian vây quanh bởi nhiều nguy hiểm và khó khăn, cho tới lúc được dẫn vào quê hương diễm phúc của họ” (26).

Suốt dòng lịch sử, Giáo Hội đã học hỏi để hiểu Đức Maria không những như một chứng tá và nguyên mẫu, mà còn như môt tạo vật đặc biệt của lòng Chúa thương xót. Đức Maria được cứu chuộc như mọi người được cứu chuộc khác, nhưng khác với họ, ngài không mắc bất cứ tì vết nào của tội lỗi ngay từ giây phút hiện hữu đầu tiên của ngài (27). Vì lý do này, Giáo Hội Đông Phương mọi Đức Maria là Đấng Hoàn Toàn Thánh Thiện (Παναγία). Trong ngài và trong trọn cuộc sống ngài, lòng Chúa thương xót, vốn chống lại tội lỗi, trấn áp nó, và dành chỗ cho sự sống, đã vẻ vang chiến thắng. Như thế, ngài là dấu hiệu chỉ rằng quyền lực tội lỗi, từ căn bản, không thể làm hỏng kế hoạch cứu rỗi nguyên thủy của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Đồng thời, ngài là con tầu an toàn trong hồng thủy, số sót (remnant) thánh thiêng của nhân loại và cũng là bình minh của sáng thế mới. Vẻ đẹp nguyên thủy và vẻ đẹp tối hậu, hoàn hảo của tạo vật sáng ngời trong vẻ đẹp của ngài, một vẻ đẹp được ca ngợi trong văn chương và nghệ thuật tôn giáo mọi thế kỷ. Ngài là tạo vật hoàn hảo. “Nơi Đức Maria, có thể nói ta nhìn thấy kế hoạch nguyên thủy và, đồng thời, cả mục tiêu của Đấng Tạo Dựng nữa: đó là con người được cứu rỗi (28).

Những lời phát biểu như thế xem ra kỳ cục đối với lối suy nghĩ duy tục hóa, một lối suy nghĩ chỉ hiểu thực tại một cách còi cọc, nghèo nàn, vì đối với nó, nghịch lý thay, chẳng có gì thánh thiêng bằng thực tại phàm tục. Tuy nhiên, chỉ cần nhìn vào nền văn chương trong đó Đức Maria là chủ đề thường hằng cho tới tận ngày nay đủ giúp ta khỏi bị lạm dụng bởi thứ ấn tượng này. Người ta có thể nghĩ tới Gretchen trong Faust của Goethe: “Ôi hãy cúi xuống, đấng đầy sầu bi, xin cúi mặt nhân từ xuống nỗi khốn khổ của con!” Chủ đề này lại tái xuất hiện thời Lãng Mạn, trong các công trình của Brentano và Eichendorff. Hӧlderlin và Rilke cũng đã sử dụng các tư liệu truyền thống này, dù không hẳn theo nghĩa Giáo Hội hay thiêng liêng, nhưng, dù sao, họ vẫn cho thấy Đức Maria tiếp tục gây hiệu quả ra sao như một hình ảnh lý tưởng, gương mẫu hiển dung của nhân loại. Các yếu tố truyền thống không những được tiếp nối nơi Hymnen an die Kirche của Gertrud von Le Fort, mà còn được làm cho hiện diện trong ngôn ngữ thi ca mạnh mẽ nữa (29).

Việc nói tới Đức Maria như tấm gương cụ thể và như thể hiện đặc biệt của lòng Chúa thương xót vẫn chưa kết thúc tính sinh ích của nó, ngay trong thế giới hiện đại. Việc nói tới này còn cho chúng ta ngày nay thấy rằng sứ điệp Kitô Giáo về lòng thương xót đã mặc lấy hình thức trần thế và nhân bản cụ thể, để chúng ta nắm được sức mạnh biến đổi của lòng Chúa thương xót không chỉ bằng đầu óc mà còn bằng trái tim nữa.

Trong mọi tạo vật, Đức Maria hiện thân cho tin mừng về lòng Chúa thương xót một cách tinh ròng và đẹp đẽ nhất. Ngài là tạo vật tinh ròng nhất mô tả lòng thương xót của Thiên Chúa và là tấm gương phản chiếu chính tâm điểm và bản tóm lược của Tin Mừng. Ngài rạng rỡ chiếu sáng tính tương đắc hoàn toàn của lòng Chúa thương xót và biểu lộ sự sáng láng và vẻ đẹp biến đổi mọi sự vốn được ban cho thế giới từ lòng thương xót nhân từ của Thiên Chúa. Chính lúc phải đối diện với những điều kiện sống thường rất khắc nghiệt của thời nay và lối hiểu thường nhàm chán và vô vị về cuộc sống, Đức Maria quả là một nguyên mẫu và mẫu mực sáng ngời của nền văn hóa thương xót mới. Ngài là như thế đối với cuộc sống của mọi Kitô hữu, đối với Giáo Hội và việc canh tân của Giáo Hội dựa trên ý niệm thương xót, và, cuối cùng, đối với việc xây dựng nền văn hóa thương xót trong xã hội chúng ta. Do đó, ta có thể mô tả Đức Maria một cách rất chính xác như là nguyên mẫu và mẫu gương của nền văn hóa và linh đạo thương xót Kitô Giáo đổi mới.

Giáo Hội Công Giáo còn đi thêm một bước xa hơn nữa. Đức Maria không những là nguyên mẫu và mẫu gương, ngài còn là đấng bào chữa đầy thương xót của Giáo Hội và của các Kitô hữu nữa. Do đó, kể từ thế kỷ 15, lời xin sau đây đã được thêm vào Kinh Kính Mừng, vốn là lời kinh Thánh Mẫu nổi tiếng nhất và phổ biến nhất, bắt nguồn từ chính lời chào kính của thiên thần và của Thánh Nữ Êlisabét (Lc 1:28, 42): “Cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử” (30). Cầu nguyện cách này cũng không xa lạ gì đối với Martin Luther lúc còn trẻ. Trong lời giải thích của ông về Kinh Ngợi Khen (Magnificat), ông thấy trong đó có niềm hy vọng vào hành động của Thiên Chúa qua sư trung gian của một tạo vật (31). Do đó, ông kết luận lời giải thích của mình như sau: “Ước chi Chúa Kitô ban cho chúng ta điều này nhờ lời chuyển cầu và vì Mẹ Maria thân yêu của Người” (32).

Các Kitô hữu Tin Lành ngày nay thường lo lắng điều này: khi chúng ta quá trông cậy vào lời chuyển cầu, tính duy nhất của vai trò làm đấng trung gian của Chúa Kitô sẽ gặp nguy hiểm. Đây là một hiểu lầm hiển nhiên. Dĩ nhiên, chúng ta không đặt Đức Maria ngang hàng với Chúa Kitô hay đặt ngài cạnh tranh với Người. Thực vậy, Đức Maria sống thực lòng Chúa thương xót một cách hoàn toàn và bất phân chia. Ngài hướng về lòng Chúa thương xót được mạc khải trong Chúa Giêsu Kitô và làm chứng cho nó. Vậy thì Giáo Hội nên dành cho Đức Maria một vai trò độc lập song song với Chúa Kitô hay một vai trò bổ túc cho vai trò của Chúa Kitô? Đức Maria không lấy khỏi Chúa Kitô bất cứ điều gì mà cũng không thêm cho Người bất cứ điều gì, vì Người là đấng trung gian cứu rỗi duy nhất (33). Đúng hơn, trong lời chuyển cầu của ngài, Đức Maria chỉ hiện thực hóa, theo cách đặc biệt và độc đáo, việc làm đại biểu bênh vực cho người khác, một điều mà giả thiết bất cứ Kitô hữu nào cũng phải có như một đặc điểm để phân biệt họ với người khác. Nếu muốn phát biểu ý nghĩa của điều này bằng thuật ngữ Kinh Viện, thì ta có thể nói: Đức Maria sống và làm việc hoàn toàn nhờ sức mạnh từ đệ nhất nguyên nhân của sự cứu rỗi; nhờ sức mạnh và tùy thuộc vào đệ nhất nguyên nhân này, ngài tham dự vào đó như một đệ nhị nguyên nhân.

Cho nên, chúng ta không thờ phượng Đức Maria. Thờ phượng chỉ dành cho và độc hữu dành cho Thiên Chúa mà thôi. Nhưng chúng ta tôn kính Đức Maria trên mọi loài thụ tạo khác; tôn kính ngài như thụ tạo hoàn hảo nhất của Thiên Chúa và như một dụng cụ trong tay Thiên Chúa (34). Vì Thiên Chúa là vị Thiên Chúa của những con người nhân bản và Người muốn thể hiện việc cứu rỗi của Người cho họ qua các con người nhân bản. Điều này cũng là một dấu hiệu chỉ lòng nhân hậu và thương xót của Người, vốn là những điều ngời sáng trong Đức Maria, ngời sáng một cách điển hình và độc đáo.

Như thế, Đức Maria quả đã tóm lược nơi ngài các mầu nhiệm vĩ đại nhất của đức tin và rạng chiếu chúng ra bên ngoài (35). Nơi ngài, sáng lên hình ảnh con người mới, được cứu chuộc và hòa giải và thế giới mới, đã biến đổi, một hình ảnh làm say sưa chúng ta trong vẻ đẹp không tài nào mô phỏng được của nó và nên kéo chúng ta ra khỏi mọi bần cùng uể oải. Đức Maria nói với chúng ta và tỏ cho chúng ta thấy: tin mừng về lòng thương xót của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô là điều tốt đẹp nhất từng được ngỏ với chúng ta xưa nay và là điều tốt đẹp nhất chúng ta từng được nghe xưa nay. Đồng thời, nó là điều đẹp đẽ nhất vì nó có sức biến đổi chúng ta và thế giới chúng ta nhờ vinh quang Thiên Chúa, vốn được lòng thương xót nhân hậu của Người biểu lộ. Lòng thương xót này là hồng ân của Thiên Chúa và, đồng thời, là trách vụ của Kitô hữu chúng ta. Chúng ta giả thiết phải thi hành lòng thương xót. Chúng ta nên sống lòng thương xót bằng lời nói và việc làm và làm chứng cho nó. Nhờ cách này, thế giới thường đen tối và lạnh lẽo của chúng ta phần nào trở nên ấm áp hơn, nhẹ nhàng hơn, đáng yêu hơn và đáng sống hơn vì tia sáng thương xót. Thương xót là phản ảnh vinh quang Thiên Chúa trong thế giới này và là bản tóm lược sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô, vốn được ban cho ta như một hồng phúc, một hồng phúc mà ta phải chuyển ban cho người khác.

_____________________________________________________________________________
(23) Thánh Ambrôsiô, Chú Giải Tin Mừng Luca, II, 7.
(24) Lumen Gentium, 63.
(25) Đã dẫn, 61.
(26) Đã dẫn, 62, từng được Đức Gioan Phaolô II trích dẫn trong Dives in Misericordia (1980), 9.
(27) Denzinger, Enchiridion, 280. Xem Gerhard Lohfink và Ludwig Weimer, Maria-Nicht ohne Israel: Eine neue Sicht der lehre von der Unbefleckten Empfängnis (Freiburg i. Br.: Herder, 2008).
(28) Schӧnborn, We Have Found Mercy, 125.
(29) Ulrich Schacht, “Meerstern, wir dich grüẞen…’ Eine literarisch-theologische Exkursion in die duetsche Marien-Dichtung”, trong Seidel và Schacht, Maria, Evangelisch, 117-36.
(30) A. Heinz, “Ave Maria”, Lexikon für Theologie und Kirche, ấn bản 3, do Walter Kasper và nhiều người khác chủ biên (Freiburg: Herder, 1993-2001), 1:1306tt.
(31) Luther, “The Magnificat”, 329.
(32) Đã dẫn, 355.
(33) Lumen Gentium, 62.
(34) Đã dẫn, 66.

(35) Đã dẫn, 65.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét