Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình:
Tập Hướng Dẫn Giáo Dục Sinh Lý
Giữa khung cảnh náo nhiệt
của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Krakow, Ba Lan, vừa qua, Hội Đồng Giáo Hoàng
về Gia Đình mà đứng đầu là Đức Tổng Giám Mục Vicenzo Paglia, đã phát động một
trang mạng với một tài liệu dành cho cả học sinh và các nhà giáo dục tựa bằng
tiếng Anh là The Meeting Point, project for affective and sexual formation, nhằm
mục tiêu tránh hai thiếu sót hiện nay trong các chương trình giáo dục sinh lý
cho tuổi trẻ Công Giáo: dạy quá nhiều và dạy quá ít về sinh lý cho một tuổi trẻ
dễ bị gây ấn tượng.
Trong Lời Dẫn Nhập, Đức Tổng
Giám Mục Paglia viết rằng: “Các dự án văn hóa, luật lệ và giáo dục đang trực tiếp
hay gián tiếp thách thức viễn kiến Kitô Giáo về thân xác, sự dị biệt và tính bổ
túc giữa đàn ông và đàn bà, việc thực hành tính dục, hôn nhân và gia đình”.
Theo ngài, các dự án trên
muốn hợp pháp hóa các cung cách khác nhau của việc sống tính dục trong xã hội
“bằng cách đề xuất các viễn kiến nhằm tạo nên sự thay đổi nhân học thực sự, một
thay đổi làm trở ngại việc khẳng nhận căn tính tính dục, các nhân đức, các giá
trị và thái độ vốn tích hợp thân xác và các cảm xúc vào ơn gọi yêu thương, vốn
là căn bản của toàn bộ dự án về sự sống con người và đời sống tốt đẹp phù hợp với
Tin Mừng”.
Tài Liệu này hưởng ứng lời
kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương: “Không
dễ gì tiếp cận vấn đề giáo dục tính dục trong một thời đại tính dục thường bị tầm
thường hóa và làm cho nghèo nàn. Nó chỉ nên được xem xét trong khuôn khổ lớn
hơn của nền giáo dục tình yêu, hiến thân cho nhau mà thôi”. Tài liệu vì thế nhằm
trình bầy “một con đường giáo dục tình yêu giúp người trẻ khám phá ra vẻ đẹp của
việc hiến thân cho nhau và của việc mưu cầu hạnh phúc qua việc cho đi thân xác
và tinh thần mình”.
Dự án được hình thành với
sự hợp tác của Đại Học Công Giáo San Antonio ở Murcia, Tây Ban Nha. Bản văn được
viết bằng các thứ tiếng Anh, Tây Ban Nha, Ý, Pháp và Bồ Đào Nha, có sẵn tại
trang mạng http://www.educazioneaffettiva.org/. Tài liệu gồm các sách dành cho
thầy giáo, học sinh, sách sinh hoạt và phim ảnh, chia thành 6 đơn vị nhằm các học
sinh trung học và được giới thiệu như là “bổ túc và giúp đỡ trách vụ các cha mẹ”.
Trong mấy năm gần đây,
nhiều nhà lãnh đạo Công Giáo, trong đó có Đức Giáo Hoàng Phanxicô, than phiền rằng
ở một số nơi, quyền của cha mẹ trong việc giáo dục con cái họ về tính dục đã
không được tôn trọng. Trong một buổi yết kiến chung vào Thứ Tư hàng tuần, Đức
Phanxicô cho rằng “sự hợp tác về giáo dục” giữa cha mẹ và nhà trường đã bị phá
vỡ.
Ngày 20 tháng Năm, 2015,
ngài chỉ trích “các nhà phê bình trí thức” đã bắt các cha mẹ “phải im lặng”
trong vấn đề bảo vệ chúng khỏi các tai hại có thể có. Ngài cũng lấy làm tiếc
khi thấy nhà trường đôi khi có nhiều ảnh hưởng hơn gia đình trong việc lên
khuôn việc suy nghĩ và các giá trị của các em, cha mẹ gần như không có lời nói
nào về điều nhà trường dạy các em.
Ngài nói: “nếu giáo dục
gia đình lấy lại được sự trổi vượt của nó, nhiều sự việc sẽ thay đổi tốt hơn.
Đã tới lúc các người cha và các người mẹ cần được trở về từ cảnh lưu đầy - họ
đã tự phát vãng mình khỏi việc giáo dục con cái - và từ từ đảm nhiệm lại vai
trò giáo dục của họ”.
Đức Phanxicô cũng ta thán
việc các chương trình của nhà trường đôi lúc áp đặt thứ ngài gọi là “thực dân
hóa ý thức hệ” bằng cách nhồi sọ người trẻ về “lý thuyết phái tính” (gender
theory). Ngài cũng năng nói tới thiếu sót của Giáo Hội Công Giáo trong việc chuẩn
bị hôn nhân cho người trẻ đến nỗi có lúc ngài còn mạnh miệng cho rằng hầu hết
các cuộc hôn nhân của người trẻ ngày nay không thành hiệu.
Tài liệu của Hội Đồng
Giáo Hoàng về Gia Đình không có ý định thay thế vai trò của cha mẹ, cho rằng
chính “trong gia đình, nơi các mối liên hệ bản thân và cảm xúc quan trọng nhất
được phát triển, người ta được kêu gọi thông truyền các ý nghĩa nền tảng của tính
dục”.
Theo trang mạng, các tài
liệu này nhằm tạo ra “một nền giáo dục tích cực và khôn ngoan về tính dục”, xem
xét tới các tiến bộ của khoa tâm lý, sư phạm và giảng dậy, “trong bối cảnh giáo
dục tình yêu, hiến thân cho nhau. Nhờ cách này, ngôn ngữ tính dục không bị coi
là nghèo nàn đáng buồn nhưng được soi sáng”.
Tài liệu nhấn mạnh rằng
việc giáo dục tính dục phải lưu ý tới các giai đoạn khác nhau “trong việc xây dựng
nhân cách con người trong tương quan với việc đồng hình đồng dạng hóa ‘căn tính
tính dục’ của họ hay việc họ trưởng thành nhìn nhận tính dục của mình, với những
giây phút được dị biệt hóa theo giới tính của họ”.
Các tài liệu trên năng
trích dẫn Tông Huấn Amoris Laetitia (Niềm Vui Yêu Thương) của Đức Phanxicô,
cũng như thần học thân xác của Đức Gioan Phaolô II và lời phê phán chủ nghĩa
duy tương đối của Đức Bênêđíctô XVI. Trong số các văn kiện khác của Giáo Hội,
chúng trích dẫn khá nhiều Tông Huấn Familiaris Consortio về gia đình của Thánh
Gioan Phaolô II, Humanae Vitae của Đức Phaolô VI, tài liệu Hướng Dẫn Giáo Dục về
Tình Yêu Con Người của Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo; và thông điệp Deus caritas
est của Đức Bênêđíctô XVI.
Các đơn vị của tài liệu lấy
hình ảnh con người nhân bản như chiếc lều làm sợi chỉ xuyên suốt. Tài liệu cho
rằng, trong cuộc hành trình của mình, người trẻ sẽ khám phá ra các yếu tố khác
nhau của chiếc lều: tấm vải, dây thừng, cọc buộc, cọc lều, mái lều như là các
chiều kích khác nhau của con người: thân xác, tính dục, xúc cảm, tự do, ý chí
và chiều kích luân lý của họ. Mỗi yếu tố của chiến lều tương ứng với một chiều
kích của con người.
Kế hoạch chi tiết của
khóa học được trình bầy dưới tựa đề khái quát “Khám phá ra Kế Hoạch củ Thiên
Chúa dành cho Hôn Nhân và Gia Đình” và đặt căn bản trên giáo huấn của Giáo Hội
về hôn nhân: sự kết hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà, bất khả
tiêu, và sẵn sàng chào đón sự sống. Giáo dục tính dục được định nghĩa “không là
gì khác hơn là việc giáo dục nhân đức trong sạch”.
Tài liệu còn cần được
hoàn chỉnh
Vừa công bố, tài liệu
trên bị một số cơ quan Hoa Kỳ phản đối. Liên Minh Truyền Thông Công Giáo ở Hoa
Kỳ cho rằng đây là một “chương trình giáo dục tính dục gợi dục, quá lộ liễu”.
Liên Đoàn Sự Sống Hoa Kỳ, thậm chí, còn cho rằng Tòa Thánh đi cùng một toa tầu
với Planned Parenthood để “đẩy mạnh các hình thức giáo dục tính dục sa đoạ vào
các trường học của ta” và cho rằng “một ai đó đang ngủ gục ở tay lái”. Hai nhóm
này kể ra một số “hình ảnh gợi dục rõ ràng” như một nhóm đi cắm trại trong đó một
thanh niên để tay lên mông một thiếu nữ; một cặp vợ chồng mỉm cười trước một bức
tượng diễn tả cảnh làm tình; và hình trái cây vẽ giống như cặp nhũ hoa trong phần
quảng cáo.
Thực ra, phải nhìn những
bức hình ấy trong bối cảnh của bài học mới có được một phán đoán đúng đắn. Vả lại,
theo Đức Cha Simon, tài liệu này là “thành quả của một công trình lâu dài, được
kiên nhẫn hoàn thành trong nhiều thời gian… (Thực vậy), một nhóm các cặp vợ chồng
ở Tây Ban Nha đã làm việc nhiều năm để xây dựng dự án này. Trong kỳ viếng Mộ
Thánh Phêrô (Ad Limina) của các giám mục Tây Ban Nha năm 2014, vấn đề này đã được
thảo luận rất lâu tại một phiên họp của các vị tại Hội Đồng Giáo Hoàng”.
Tại cuộc Gặp Mặt Các Gia
Đình Thế Giới lần thứ 8 ở Philadelphia năm 2015, dự án này đã được đem ra trình
bầy. Và nó đã được Đại Hội Thần Học-Mục Vụ gồm hơn 20,000 người ở đó chấp nhận.
Theo Đức Cha Simon, “dự
án này… khởi đầu cho một hành trình. Nó không phải là một khóa trình đã đóng và
hoàn tất, nhưng, thay vào đó, nó là một cơ hội để triệu tập một cộng đồng lớn gồm
nhiều người cộng tác, cùng làm việc, trao đổi kinh nghiệm và kiến thức trong
lãnh vực giáo dục đặc biệt này”. Chính vì thế, Hội Đồng sẽ vận hành một địa chỉ
e-mail để tiếp nhận các gợi ý, các mách nước, các trợ cụ giúp bổ túc và phong
phú hóa dự án này bằng các kinh nghiệm thích đáng.
Tưởng cũng nên biết, kể từ
ngày 1 tháng 9 này, Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia đình sẽ được sát nhập vào Bộ
Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống do Đức Cha Kevin Farrell làm tổng trưởng. Nhưng Đức
Tổng Giám Mục Paglia vẫn đóng một vai trò quan trọng trong lãnh vực Gia Đình,
trong tư cách cầm đầu Hàn Lâm Viên Giáo Hoàng về Sự Sống, và Viện Giáo Hoàng
Gioan Phaolô II Nghiên Cứu về Hôn Nhân và Gia Đình. Tính liên tục của giáo huấn
này, vì thế, chắc chắn được tôn trọng.
Khái lược nội dung
1. Đơn Vị Một:
Thiên Chúa, nguồn gốc và đích điểm của nhân loại.
Đây là bước đầu tiên của cuộc hành trình mà người trẻ của chúng ta sẽ hoàn tất.
Các em sẽ được học để nhìn vào chính các em, và tự định nghĩa các em như những
con người, dựa trên quan sát, chiêm ngưỡng và cảm nghiệm chính các em. Các em sẽ
tiến tới chỗ biết và điều hướng trí hiểu, ý chí, các ước muốn, các cảm xúc, và
linh đạo của các em. Các em sẽ chấp nhận thân xác của các em và nhìn nhận nó
như là biểu thức làm người của các em, trong đó, nguồn gốc và đích điểm của mọi
người đàn ông và của mọi người đàn bà đã được khắc ghi. Các nội dung sau đây sẽ
được bàn tới:
• Các câu hỏi quan trọng
nhất về ý nghĩa của tình yêu và về chính con người của ta.
• Thân phận tạo vật so với
Thiên Chúa.
• Thân phận trẻ em như
thân phận nền tảng của mọi con người nhân bản.
• Mọi con người nhân bản
đều độc đáo và không thể nào lặp lại được.
• Con người nhân bản, gồm
linh hồn thiêng liêng và thân xác vật chất.
• Sự lớn lên và trưởng
thành của thân xác.
• Thân phận kép của thân
xác con người: chúng ta có thân xác và chúng ta là thân xác.
• Thân xác như biểu thức
của con người tôi: khám phá ra ý nghĩa đời tôi qua thân xác.
• Khám phá ra ngôn ngữ
khách quan nội tại ngay trong thân xác con người.
• Khám phá ra thân xác
con người như thân xác của một ngôi vị, chủ yếu hướng tới tình yêu.
• Thân xác, yếu tố không
thể thiếu của tình yêu nhân bản.
• Thân xác như là nơi để
lồng vào và nói lên bản sắc của ta.
• Tuổi dậy thì như nẻo đường
để trưởng thành về bản thân và xã hội, hướng tới sự viên mãn bản thân. Sự viên
mãn bản thân hệ ở việc tiến tới chỗ biết phải làm thế nào để yêu thương và được
yêu thương.
2. Đơn Vị Hai
Việc gặp gỡ người
khác, với “ANH/EM”, giúp người trẻ tiến tới chỗ biết mình tốt hơn và làm vững ổn
bản sắc của các em.
Các em sẽ học để nhận ra
rằng tính dục muốn nói tới sự khác nhau: đàn ông và đàn bà; sự khác nhau này điều
kiện hóa toàn bộ con người chúng ta.
Tính dục cũng xác định ra
chiều kích xúc cảm của ta. Các em sẽ học để nhận ra các xúc cảm của các em và
hướng chúng vào trật tự yêu thương. Các nội dung sau sẽ được bàn tới:
• Đồ án tạo dựng của
Thiên Chúa: “Người dựng nên họ có nam có nữ”.
• Việc thể hiện kép con
người nhân bản: đàn ông và đàn bà. Tính đôi của dục giới.
• Các khác nhau giữa đàn
ông và đàn bà trong mọi chiều kích lên hình tượng cho họ. Sự giống nhau và sự khác nhau giữa đàn ông và đàn bà. Một sự
khác nhau được hiểu như bổ túc cho nhau.
• Các quan niệm nhân học
tách biệt tính dục khỏi con người.
• Bản chất của thèm muốn
trong tính dục. Phân tích sự lôi cuốn về tính dục của con người. Cảm tính và dục
tính. Sự khác nhau về tính dục hiểu như sự phong phú chứ không phải sự cô lập.
• Xu hướng nền tảng của
con người nhân bản hướng về tình yêu, trong đó có dục tính của họ.
• Các vấn đề của tình
yêu: các thuyết duy cá nhân, duy khoái lạc, duy vật chất, duy nhị nguyên, duy
tình cảm.
• Các đặc điểm của tình
yêu: nhẫn nại, trưởng thành, khôn ngoan, thích thông đạt, độc chiếm, hướng về
vĩnh cửu.
• Phân tích và định nghĩa
cảm tính. Bản chất tốt từ trong căn bản của đam mê. Tầm quan trọng của cảm xúc
trong đời ta.
• Vai trò của tự do trong
cảm tính và dục tính: tự do để hoàn thiện hóa khả năng yêu thương, để gia tăng
phẩm giá và duy trì sự thân mật. Biết cách nói “không”.
• Sự cần thiết phải phục
hồi nết na.
• Tích nhập dục tính và cảm
tính vào dự án đời ta. Phân tích các hoàn cảnh nguy cơ.
• Những mối tình đầu.
3. Đơn Vị Ba:
Bước thứ ba là cùng giới trẻ suy tư về tự do.
TÔI và EM/ANH, khi bước
vào mối liên hệ, có thể thực hiện nó nhiều cách khác nhau nhờ sự kiện này:
chúng ta được phú bẩm tự do. Lịch sử mỗi con người luôn mãi cần được viết lên.
Sự tự do này được ban cho
chúng ta như một quà phúc. Nó cần được nuôi dưỡng, đào luyện và chín mùi, để,
khi chúng ta đem nó vào cuộc chơi, chúng ta có thể biết cách làm cho đời mình
và đời các người khác tươi đẹp hơn, vì chính trong Tình Yêu, chính trong hình ảnh
Đấng Dựng Nên ta, ta tìm được ‘Tự Do Đích Thực’. Các nội dung sau đây sẽ được
bàn tới:
• Tự do của con người, đồ
án của Thiên Chúa Tạo Dưng.
• Tự do như khả năng tự bố
trí chính mình và quyết định số phận mình qua các hành động của mình.
• Tự do hướng tới sự viên
mãn hiệp thông yêu thương với Thiên Chúa.
• Tự do luân lý: tự do có
khả năng lớn lên. Càng được sử dụng để thoả mãn các ước muốn chân thật nhất, nó
càng lớn lên; càng nghiêng chiều về việc thoả mãn đến chán ngấy các thèm muốn
không thể quy hướng về sự thiện luân lý, nó càng nhỏ đi.
• Tự do hướng tới việc hiệp
thông với những con người. Hủ hóa ý niệm tự do: khi Thiên Chúa và người khác được
hiểu như hạn chế tự do của tôi.
• Tự do bố trí để hiến
thân cho người khác, như điều kiện làm cho tình yêu có thể có.
• Ý chí, được xếp đặt qui
hướng về việc đạt tới sự thiện. Thiên Chúa, Sự Thiện tuyệt đối.
• Các yếu tố chủ chốt để
sử dụng tốt tự do của ta: tính quả quyết, tinh thần tốt, biết dự liệu, lời
khuyên của những người có kinh nghiệm, hy vọng khi chiến đấu
• Gia đình, nơi ta dùng tự
do để phục vụ sự hiến thân và tình yêu.
4. Đơn Vị Bốn
Trong bước này, điều quan trọng là người trẻ nhận ra tính siêu
việt của các chọn lựa tốt.
Chúng ta sẽ giúp các em
tìm hiểu sâu xa sự khó khăn trong việc chọn lựa điều tốt nhất đối với các em,
và thảo luận xem tội lỗi gây ra những thương tích nào cho tâm hồn các em.
Các em sẽ học cách nhận
ra các thương tích ấy và học các phương thế để ngăn ngừa chúng, tức ơn thánh và
các nhân đức.
Tin vui là các thương
tích trên không phải vô phương cứu chữa. Thiên Chúa, nơi Chúa Giêsu Kitô, Con của
Người, là thầy thuốc có khả năng chữa lành các vết thương của chúng ta bằng
phương thuốc tuyệt hảo, đó là tình yêu. Các nội dung sau đây sẽ được nói tới:
• Trật tự và giá trị nền
tảng của Sáng Thế. Tính cứu cánh nền tảng của Sáng Thế và của các con người
nhân bản.
• Nỗi bất hạnh hay sự suy
sụp tính cứu cánh nội tại của Sáng Thế và của con người nhân bản là hậu quả của
vô trật tự và bất tích hợp (disintegration). Tự do bị nô dịch (enslaved
freedom) là nhân tố nền tảng gây ra vô trật tự và bất tích hợp.
• Việc phục hồi trật tự đời
sống và ý nghĩa sâu xa của nó. Sự bất cập của ánh sáng và lý lẽ riêng của ta
không thể phục hồi trật tự và ý nghĩa đời sống.
• Sự tích hợp dục tính
tùy thuộc việc khám phá ra ánh sáng đích thực, có khả năng soi sáng đời sống
tôi. Bóng tối như là việc thiếu khả năng tích hợp dục tính của tôi, là điều vốn
tạo nên một phần con người tôi. Hiệu quả tức khắc của bóng tối đang hiện diện
trong tôi là không nhìn con người một cách toàn diện, và việc này có thể dẫn tới
các viễn kiến có tính giản lược về con người: các thuyết phiếm dục, duy khoái lạc,
dẹp bỏ nết na, tách biệt giữa tình yêu và dục tính hay giữa tình yêu và sinh sản.
• Đức trong sạch hiểu như
ánh sáng có khả năng giúp tôi yêu thương một cách toàn diện.
• Các lý do đối với các
các hậu quả phá hoại của việc thiếu tình yêu: tình yêu, cùng đích tối hậu của mọi
năng lực của tôi. Các nguy hiểm của việc cứng lòng. Các hình thức yêu thương
không được điều hướng thích đáng: tự yêu mình thái quá (narcissism), tính đa
dâm tự động (auto-eroticism), thủ dâm.
• Phân tích kinh nghiệm
yêu thương của riêng tôi: tôi đặt tình yêu của tôi ở nơi đâu? Điều gì kết cục hủy
hoại tôi?
• Các phương thuốc chữa bệnh
thiếu tình yêu: trong trắng, nết na, thân mật.
• Hạnh phúc như là sự
viên mãn tình yêu trong linh hồn. Tình yêu nhân bản được sự sống Thiên Chúa lên
khuôn: đức ái. Phúc thay người có trái tim trong trắng. Chúa Kitô: thầy thuốc tốt,
thầy giáo tốt.
• Các nhân đức, các động
cơ đời sống hướng về sự thành toàn. Sự phân biệt giữa các giá trị và các nhân đức.
Định nghĩa nhân đức. Các nhân đức như phương thế để khỏi vấp phạm. Các hiệu quả
của nhân đức.
• Các nhân đức chính, các
nhân đức đối thần.
• Cần ơn thánh để sở đắc
các nhân đức.
• Tội lỗi như là từ khước
ơn phúc của Thiên Chúa. Các hậu quả của tội đối với sự thánh thiện và tự tự do
riêng của ta.
5. Đơn Vị Năm
Đơn vị này đào sâu chiều kích luân lý của
con người. Nó trình bầy luân lý với người trẻ như là một giúp đỡ
để tiến lên chứ không phải một gánh nặng.
Các em sẽ tiến tới chỗ nhận
ra chiều kích luân lý như là một thành phần cấu tạo ra các em, và thừa nhận việc
các hành động của các em mang lại nhiều hậu quả cho chính các em và nhiều người
khác, vì các hành động này có thể tốt hay xấu về phương diện luân lý.
Các em sẽ bước theo nẻo
đường giá trị của sự sống và nhân phẩm. Các nội dung sau đây sẽ được nói tới:
• Thế giới đem lại cho
tôi những gì? Phân tích não trạng và cung cách sống đang thịnh hành trong xã hội
ngày nay.
• Luân lý tính trong trái
tim tôi: sự kiện luân lý trong tôi.
• Các nguồn gốc của luân
lý tính: phân tích các yếu tố cấu thành hành vi luân lý: đối tượng, cùng đích,
ý hướng và các hoàn cảnh. Hành vi luân lý tốt. Tại sao cùng đích không biện
minh cho phương tiện?
• Tôi tìm được sự thiện tốt
hơn ở đâu? Chúa Giêsu, Đường, Sự Thật và Sự Sống, nguồn gốc sự sống dư tràn.
• Đánh mất phẩm giá và sự
sống của riêng ta.
• Cùng đích không biện
minh cho phương tiện.
• Tôi tìm kiếm điều gì với
các hành động của mình?
• Các hành động của tôi
có gây hậu quả hay không?
• Tôi là một đứa trẻ: quyền
lợi hay ơn phúc?
• Tôi có thể đánh mất phẩm
giá của tôi hay không? đánh mất đời tôi hay không?
• “Con đến để chúng có sự
sống và có một cách dư tràn hơn” (Ga 10:10).
• Phẩm giá con người nhân
bản. Phân tích và định nghĩa. Các đe dọa hiện nay đối với nhân phẩm: văn hóa sự
chết đối nghịch với văn hóa sự sống. Cần cảm nhận được Thiên Chúa để phục hồi
phẩm giá đã đánh mất.
• Gia đình, cung thánh sự
sống.
6. Đơn Vị Sáu
Bước sau cùng của cuộc hành trình này là bước khám phá ra tình
yêu như một ơn gọi bản thân, như lời đáp trả ơn gọi.
Người trẻ sẽ tiến tới chỗ
nhận ra tình yêu như một nẻo đường gồm nhiều giai đoạn khác nhau, và ý thức được
rằng không cần vội vàng tiến tới điểm cuối cùng. Điều quan trọng là tới đó mà
không bỏ sót bất cứ phần nào của nẻo đường, và nhận ra khi nào tình yêu là chân
thực.
Tình yêu, vốn có tính bản
vị, trở thành cụ thể trong hôn nhân, và vì lý do này, thời gian hẹn hò tán tỉnh
là cây cầu trên đường yêu thương dẫn ta tới việc hiến thân cho nhau trong hôn
nhân. Chức linh mục và đời sống thánh hiến cũng là lời đáp trả của bản thân đối
với mối tình ban đầu này. Các nội dung sau đây sẽ được nói tới:
• Cần học cách biết yêu
thương. Ơn gọi nền tảng của con người là yêu thương.
• Khám phá ra tình yêu
tiên phong: các tạo vật của Thiên Chúa, Đấng vốn là tình yêu, Đấng yêu thương,
vì yêu thương mà tạo dựng, và mời gọi các tạo vật của Người tiến tới yêu
thương.
• Các nẻo đường dẫn đến
tình yêu đích thực: yêu mình; gia đình, trường dạy yêu thương; cuộc gặp gỡ yêu
thương với Thiên Chúa.
• Hai cách tự hiến: khiết
trinh và hôn nhân.
• Bản chất chuyên biệt của
tình bạn, của sự lôi cuốn, của việc si tình và tình yêu đích thực. Biết cách dị
biệt hóa và nhận ra chúng.
• Hẹn hò tán tỉnh: ý
nghĩa và cứu cánh tính của nó. Trong sạch trong thời gian hẹn hò. Phân tích các
mối liên hệ trước hôn nhân.
• Bản chất riêng của kết
hợp vợ chồng: hành vi bản thân, bao hàm hành động của hai con người cùng hành động
trong một hỗ tương động viên nhau và có ý hướng, được điểm tô bằng một khoái cảm
hỗ tương độc đáo.
• Hai ý nghĩa của hành vi
vợ chồng: kết hợp và sinh sản.
• Hôn nhân: tình yêu vợ
chồng là tình yêu cam kết. Hôn nhân như ơn gọi yêu thương và như một bí tích.
• Sự nên một trong thân
xác và linh hồn.
• Sự nối kết chiều kích
thân xác và chiều kích cảm xúc trong các biểu thức tính dục.
Còn một kỳ:
Một đơn vị tiêu biểu của Tập Hướng Dẫn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét