Thứ Năm, 15 tháng 9, 2016

Tản mạn về cái “TÔI”


Tâm  lý  đạo  đức: Tản  mạn  về  cái  “TÔI”!
Trần Mỹ Duyệt



Mỗi lần suy nghĩ về “cái tôi”, tôi lại nhớ lời của một vị thánh nhân: “Muốn làm thánh phải làm người trước đã” (St. Gioan Boscô). Tôi rất tâm đắc với tư tưởng này, đặc biệt trong cái nhìn của tâm lý giáo dục và tâm lý đạo đức.

Một tư tưởng mà nếu suy nghĩ một cách chín chắn ta sẽ thấy nó hiện ra con người thực của mình, hoặc nói một cách nôm na là “cái tôi” của  mỗi người.

Ở đây ta hãy gác chuyện làm thánh nhân, vì theo Gioan Boscô, muốn được như vậy, trước hết ta phải làm “người” cái đã. Nhưng người ở đây là gì? Phải chăng là trở thành “cái tôi’ như chính tôi phải có và muốn có. Bởi vì không ai có thể là người được, nếu thiếu đi cái tôi thật sự của chính mình. Vậy làm người là làm gì? Làm sao? Và làm như thế nào? Tại sao cần phải là người trước khi là bất cứ cái gì kể cả việc trở thành một thánh nhân.

Nếu nhìn vào thực tế, ta sẽ thấy được điều này là có nhiều người nếu cho họ không phải là người thì tội nghiệp cho “cái người” của họ. Xem ra như họ bị kinh bỉ, coi thường, và bị coi nhẹ. Nhưng nếu bảo họ là người thì lại tội cho “cái người” của chung chúng ta. Thật sự, để tìm được một từ ngữ thích hợp cho những con người ấy theo như cái nhìn của Gioan Boscô quả thật là khó khăn. Gọi họ là người cũng không đúng, mà gọi họ là cái gì khác với người cũng không được. Bởi một lẽ rất dễ hiểu vì họ là người nhưng tư tưởng, lời nói và hành động không lột tả được hình ảnh và thực chất cao quí của “con người”.

Bạn gọi một người xách dao, súng vào nhà người khác đâm, chém, và bắn chết chủ nhà để lấy tiền là gì? Là đứa ăn cướp hay quân ăn cướp phải không?! Bởi vì không một con người nào có lương tri, hiểu biết, và ý thức là người lại làm chuyện rồ rại, gây đau khổ cho người khác như vậy.

Bạn gọi những cô gái, những thiếu nữ xinh xắn nhưng khiêu gợi trong các quán bar, các phòng trà, hay tại những xó xỉnh đâu đó chào mời và mua bán dục vọng với khách qua đường là gì? Nhẹ nhàng thì bạn gọi là các cô gái ăn sương, phường buôn hương bán phấn. Nặng nề hơn là bọn đĩ điếm.

Bạn gọi một người con để có mấy trăm đồng đi nhậu với bạn bè, hút sách, hoặc cờ bạc đem dao đâm bố chết là gì? Chắc chắn cái từ “con” dễ thương và đầy cảm xúc sẽ không bao giờ được dùng cho hạng con này, ngược lại, bạn sẽ gọi đó là “thằng bất hiếu”. Đứa con trời đánh.

Bạn gọi một người dùng quyền bính, dùng bằng cấp, dùng địa vị của mình để ăn chặn, ăn cướp tài sản và đất đai người khác là gì? Chắc chắn không gọi họ là những bộ trưởng, chủ tịch, hay chánh án…, mà bạn dùng một từ chung là phường ăn cướp. Những kẻ hối mại quyền thế. Bọ bất nhân và vô lương tâm.

Bạn gọi một người mê man cờ bạc đến bán nhà, bán đất, bán xe. Hoặc một người rượu chè, nghiện hút đến tán gia bại sản, bỏ bê con cái lây lất, vợ con nheo nhóc là gì? Là những bợm nhậu, bọn ma men, và phường đỏ đen.

Còn nhiều và nhiều nữa những hình ảnh của một người nhưng không phải là người như trên.

Đó cũng là lý do tại sao có những người được người đời kính nể và yêu mến. Và tại sao có những người mà chỉ nghe đến cái tên của họ nhiều người đã phải dội lại và nhổ nước bọt. Người ta ngại không dám thốt ra những tên tuổi đó vì “dơ” miệng của mỉnh. Và người ta sợ không dám nghĩ đến những tên tuổi đó, vì sợ “phiền” đến trí nhớ của mình. Và điều làm cho có sự cách biệt ấy là gì? Dĩ nhiên, như Gioan Boscô đã nói, đó là “làm người” hay “không làm người”.

Bạn có thể không đồng ý và cho rằng sao mà cay đắng, gay gắt, và khó khăn thế? Bộ ai mà không có lỗi lầm sao?! Việc gì phải lên án kẻ này, kẻ khác. Thật ra, mọi người nếu có một suy nghĩ và lối sống bình thường sẽ không có quyền, và không nên phê phán, chê trách ai. Chỉ là nêu lên một trong những nét tương phản, và những dữ kiện rõ ràng giữa con người biết suy nghĩ, biết nói năng, và biết sống như một người, với những con người mà lương tri và hành động của họ không có sự kiểm soát, không tự chế và không biết kìm hãm.  Tóm lại, bề ngoài tuy họ là những người nắm giữ các chức vụ cao trong xã hội, những người có những bằng cấp và học vị, những người có nhiều quyền bính trong tay, những người giầu có, danh giá… Những người có tên tuổi trên các diễn đàn văn học, nghệ thuật, khoa học, văn hóa hay chính trị… nhưng nếu nhìn vào hành động của họ, nhìn vào cách sống và cách cử xử của họ, thật sự không dám nghĩ họ là “người”. Bởi vì không thể tìm được chất người trong những hình hài ấy, những lối sống ấy!

Napoléon đã nói: “Thắng vạn quân không bằng thắng chính mình”. Việc biết và chế ngự được cái tôi là một điều hết sức khó khăn, đòi hỏi tất cả sự hiểu biết, ý chí, sức mạnh, và quyết tâm của mỗi người. Như người lính khi xông pha tên đạn, khi điều binh khiển tướng phải biết dùng sự hiểu biết, ý chí, sức mạnh, quyết tâm và sự khôn ngoan mới mong thắng được kẻ địch. Khí giới tối tân, và sự tiếp tế hậu cần như những đòn bẩy tâm lý để thắng lúc ấy mới hy vọng thắng trận.

Vậy để là người, và để có khả năng trị được cái tôi, bạn cần nhìn lại con người “tự nhiên” của mình. Con người dưới cái nhìn thực vật như một con heo, con chó chẳng hạn. Với góc nhìn này, bạn phải biết kìm hãm những đam mê của mình. Những cái thích, cái ham muốn không thuộc về mình. Bạn phải có can đảm làm chủ nó lúc đó bạn mới có thể ngồi vào bàn ăn với bạn bè mà không ăn uống nhồm nhoàm, ngấu nghiến, chộp dật. Và bạn không phát ngôn một cách bừa bãi, văng tục, chửi thề một cách vô tội vạ. Bạn sẽ không khua chân, múa tay, phùng mang, trợn mắt, và rút dao, rút súng với người này, người khác một cách vô lý, thiếu ý thức. Vì bạn là một người.

Và bạn phải tự chủ cảm tình của mình. Hỷ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục. Tự chủ những giận hờn, những xung khắc, những nóng nảy, những khó chịu, những lời dèm pha, và những lời phê phán thiếu trách nhiệm đối với những người mà bạn cho là không hợp với bạn, không cùng phe phái với bạn. Vì bạn là một người.

Sau cùng bạn phải tập ý thức trách nhiệm và bổn phận đạo đức - đạo đức xã hội, cũng như đạo đức tâm linh. Thí dụ, bạn ra đường phải tuân thủ luật đi đường. Làm ăn, buôn bán phải thật thà, thành tín. Làm con phải hiếu thảo… Đó là những luật lệ của lương tâm của con người mà Thượng Đế đã “in” vào trong lòng, trong trí của bạn khi chào đời. Dù bạn cố tình quên hay cố tình từ chối thì những luật lệ ấy vẫn xuất hiện mỗi khi bạn toan tính hay thực hiện điều gian ác. Tiếng bình dân gọi là “tiếng nói lương tâm”. Vì bạn là một người.

Tóm lại, để là một người, bạn phải biết làm chủ bạn, làm chủ cái tôi của bạn. Cái tôi ấy là con người tự nhiên. Cái tôi ấy là những cảm tình, những đam mê đang cuồng nhiệt trong bạn. Và cái tôi ấy là những tiếng lương tâm đang nhắc nhở bạn mỗi ngày.

Hiểu được cái tôi. Ý thức được cái tôi. Và làm chủ được cái tôi như vậy là bạn làm chủ được bạn, và bạn là người. Chỉ sau khi đã là người rồi, bạn mới hy vọng có thể trở thành người hữu ích cho nhân loại, và mới thực sự bước vào hành trình “thánh nhân hóa” con người cũng như cuộc đời của bạn. 


(Bài viết đã được đăng trên Việt Tide, số phát hành ngày 6 tháng 12 năm 2013)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét