Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình:
Tập Hướng Dẫn Giáo Dục Sinh Lý (tiếp theo)
Tập Hướng Dẫn Giáo Dục Sinh Lý (tiếp theo)
(Thu,
01/09/2016 - Vũ Văn An-Vietcatholic)
Như đã trình bầy, tài liệu
hướng dẫn giáo dục sinh lý được Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình phổ biến nhân dịp
Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Krakow, Ba Lan, gồm 6 đơn vị dành cho các học
sinh trung học. Mỗi đơn vị gồm phần nội dung, hai phần hướng dẫn sinh hoạt: một
cho các thầy cô, một cho các học sinh, và phần phim ảnh. Sau đây là phần nội
dung của Đơn Vị 6 là đơn vị chót của hành trình giáo dục sinh lý này. Nếu có dịp,
chúng tôi sẽ cho phổ biến các phần khác:
Đơn Vị Sáu
Cửa Lều và khóa kéo
Ước muốn tình yêu chân thực của tôi
Nội
Dung
Đơn vị này đề cập tới chủ
đề TÌNH YÊU. Nó là đỉnh cao của thủ bản này. Tình yêu được viết trong trái tim
mọi người đàn ông và mọi người đàn bà. Thiên Chúa dựng nên chúng ta cách này,
và đây là lý do tại sao ta ước muốn có được TÌNH YÊU ĐẸP ĐẼ, tình yêu chân thực,
một tình yêu giúp ta được hạnh phúc và phát triển như những con người. Việc này
có thể diễn ra hai cách: tình yêu vợ chồng (nếu ơn gọi của ta là hôn nhân) hay
tình yêu trinh khiết (nếu ơn gọi của ta là đời sống thánh hiến).
Trong đơn vị này, chúng
ta hy vọng chỉ cho giới trẻ thấy tầm quan trọng của việc học hỏi cách yêu
thương, vì tình yêu không phải là một điều tự xuất đầu lộ diện, tự đặt để trong
ta và làm chúng ta hạnh phúc “bao lâu nó còn đó” nhưng rồi “nếu nó cao chạy xa
bay”... tôi phải đi tìm một ai khác thay thế. Diễn trình yêu thương trải qua một
số bước nhất định, trong đó, mỗi bước diễn ra với nhiều loại xúc cảm khác nhau
và giúp chúng ta tiến tới chỗ biết một con người khác. Điều quan trọng đối với
chúng ta là có khả năng nhận ra và dị biệt hóa được các bước này.
Trong xã hội ngày nay, điều
đáng kể đối với người ta là cảm nhận sự vật một cách mãnh liệt; mọi sự phải có
ngay lúc này. Thứ mãnh liệt có tính xúc cảm ấy không cho phép ta thấy điều này:
đôi khi điều tốt nhất đối với ta không phải là điều ta cảm nhận lúc này, có những
sự việc cần có thời gian, nên ta phải biết chờ đợi, ta cần thời kỳ hẹn hò (đính
hôn)thích đáng để đạt tới hôn nhân trong một mối liên hệ trưởng tành của ta. Ta
cần biết rằng Thiên Chúa cũng hiện diện trong tình yêu vợ chồng; ta cần biết rằng
ta đang dấn thân trên một nẻo đường mới trên đó, ta sẽ không cô đơn, một nẻo đường
mà chính chúng ta phải xây dựng hàng ngày. Trên nẻo đường này, chúng ta kết hôn
không phải chỉ vì chúng ta muốn, nhưng vì chúng ta đã nhất quyết muốn nó kéo
dài mãi mãi.
1. Con Đường Tình Yêu
“Nhưng tôi sẽ chỉ cho anh
chị em một con đường còn tuyệt diệu hơn nữa” (1 Cr 12:31).
a. Ơn Gọi Yêu Thương. Trong
kế hoạch của Thiên Chúa, chúng ta không được dựng nên để ở một mình; đúng hơn,
chúng ta là những người mang theo một ơn gọi, một lời mời gọi, hướng tới hiệp
thông. Ơn gọi nguyên thủy mà Thiên Chúa ngỏ với mỗi người chúng ta này sẽ trở
thành sống động và hiểu được trong cảm nghiệm yêu thương.
“Con người không thể sống
mà không có tình yêu. Họ sẽ mãi là một hữu thể mà chính họ không thể hiểu nổi,
đời họ sẽ vô nghĩa, nếu tình yêu không được tỏ lộ cho họ, nếu họ không gặp được
tình yêu, nếu họ không cảm nghiệm được nó và biến nó thành của riêng, nếu họ
không tham dự vào nó cách mật thiết” (Redemptor Hominis, 10). Điều có tính quyết
định trong bối cảnh xã hội ngày nay là hiểu việc con người tích hợp trọn cuộc sống
họ vào việc hoàn thành ơn gọi yêu thương và hiệp thông của họ ra sao (xem Hội đồng
Giám Mục Tây Ban Nha, Huấn Giáo Mục Vụ La familia, santuario de la vida y
esperanza de la sociedad (viết tắt FSV), số 52, 27.04.2001).
b. Ơn gọi mà nguồn gốc và cùng đích là hiệp thông vẫn còn nằm
trong bóng
tối, đợi được tỏ lộ đầy đủ. Ý nghĩa đầy đủ của ơn gọi yêu
thương này chỉ trở nên hiển thị trong mầu nhiệm Hiệp Thông Nguyên Thủy: “Thiên
Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh của Người, giống như họa ảnh của Người.
Khi vì yêu thương mà kêu gọi con người bước vào cuộc sống, Người cũng đồng thời
mời gọi họ sống cho tình yêu” (Familiaris Consortio, 11).
c. Chúng ta hiện hữu nhờ tình yêu:
khám phá ra tấm tình yêu đi trước chúng ta. Tấm tình yêu này lớn hơn các ước muốn
của ta, một tấm tình yêu lớn hơn chính chúng ta, nó đem ta đến chỗ hiểu rằng học
biết yêu thương, trước nhất, hệ ở việc tiếp nhận yêu thương, chào đón nó, cảm
nghiệm nó và biến nó thành của riêng ta. Tình yêu nguyên thủy, một tình yêu
luôn bao hàm sáng kiến độc đáo của Thiên Chúa, ngăn chặn bất cứ loại quan niệm
võ đoán hay duy cảm xúc nào về tình yêu (Hội đồng Giám Mục Tây Ban Nha, La
verdad del amor humano (viết tắt VAH) (Hướng Dẫn về tình yêu nhân bản, ý thức hệ
phái tính và luật lệ về gia đình), số 16).
d. Chúng ta sống cho tình yêu: Được
mời gọi yêu thương. Con người được mời gọi bước vào yêu thương, yêu và được yêu.
Họ được mời gọi hiến thân trong sự hợp nhất thân xác và linh hồn họ. Nữ tính và
nam tính là những hồng phúc bổ túc cho nhau, nhờ chúng, tính dục nhân bản là
thành phần cấu tạo ra khả năng yêu thương cụ thể mà Thiên Chúa đã phú bẩm nơi
người đàn ông và người đàn bà (Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình, Sự Thật và Ý
Nghĩa của Tính Dục Nhân Bản (viết tắt: SH)[8-12-1995], số 10) . Mỗi người chúng
ta nhận được lời mời gọi yêu thương này, nhiều cách khác nhau, nhưng với cùng một
mục đích: để chúng ta được hạnh phúc và đạt tới một đời sống trọn vẹn. Tình yêu
là nẻo đường để chúng ta lớn lên, lúc nào cũng được đồng hành. Mọi người chúng
ta cần học biết yêu thương.
e. Học biết YÊU THƯƠNG. Con người, vì là hình ảnh
của Thiên Chúa, được dựng nên để yêu thương (Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình, Sự
Thật và Ý Nghĩa của Tính Dục Nhân Bản [8-12-1995], số 8). Ý nghĩa của đời người
là yêu thương, trong tương quan dâng hiến và chấp nhận, phù hợp với sự thật về
con người. Vị kỷ cản trở mối tương quan này. Bất cứ ai chỉ đi tìm khoái cảm và
lợi điểm riêng của mình sẽ làm mình đui mù đối với các giá trị bản thân. Thân
xác được dự trù cho yêu thương. Chỉ những ai làm chủ được mình mới có khả năng
tự hiến mình như là quà phúc cho người khác. Hơn nữa, chỉ những ai tự củng cố
mình trong nhân đức mới nắm được vẻ đẹp của con người một cách nhậy cảm nhất (Hội
Đồng Giám Mục Tây Ban Nha, tài liệu làm việc của Huấn Giáo Mục Vụ La familia,
santuario de la vida y esperanza de la sociedad(viết tắt FSVMT), Edice, Madrid
2002, các trang101-102) .
f. Chúng ta học biết yêu thương ở đâu? Gia đình chắc chắn là nơi không thể thiếu
để dạy người ta biết yêu thương. Trong gia đình, mỗi người chúng ta được yêu
thương vì chính chúng ta, một cách vô điều kiện. Chứng tá yêu thương được cha mẹ
sống, và sự hiến mình của họ, là trường dạy yêu thương đầu tiên và quan trọng
nhất. Cha mẹ là các mục tử đầu tiên của con cái, vì chúng được Chúa Cha ủy thác
cho các ngài. Nhờ cách này, Thiên Chúa đến gần chúng ta, xử sự với chúng ta một
cách có bản vị, Người điều hướng chúng ta tới cùng đích, qua những con người do
chính Người sai tới, khi Người ủy thác chúng ta cho sự chăm sóc của người khác.
Gia đình học hỏi cách thức mà Chúa Giêsu đã vạch ra cho chúng ta để chúng ta
tin và lớn lên trong yêu thương.
g. Ơn gọi này là một lời mời muốn được trả lời. Nó đợi câu trả lời của chúng ta, một câu
trả lời nhờ đó, ta đem lại một chân trời và một ý nghĩa cho đời ta. Thiên Chúa
nói với chúng ta và nhắc chúng ta nhớ tới “thuở ban đầu” trong trái tim chúng
ta: nhớ tới sự thật mà chúng ta đã trả lời và phó thác tin cậy.
h. Chúng ta yêu thương vì đã được yêu thương.
Các ơn gọi đều có liên quan tới việc thống nhất hóa một cách tiệm tiến mọi hành
động của ta trong sự thật của yêu thương, nặng ý nghĩa hiện sinh và bản vị. Nhờ
ơn gọi của ta, chúng ta khám phá ra chỗ đứng và sứ mệnh của ta trong thế giới.
Ơn gọi yêu thương lên đặc điểm từ bên trong cho lịch sử hay tiểu sử đời ta.
Tội lỗi hệ ở việc hủ hóa
ơn gọi yêu thương nguyên thủy này (xem Mk 6:8).
i. Các chọn lựa của tình yêu. Các
giai đoạn khác nhau của tình yêu dạy ta yêu thương từ từ. Điều quan trọng là
không bỏ sót bất cứ bước nào, hay phí phạm giây phút nào; đúng hơn, ta phải sống
mọi bước, vui hưởng nó một cách trọn vẹn nhất, không để sót bất cứ chi tiết
nào, để có thể tới đích điểm một cách đầy đủ và trọn vẹn (Hội Đồng Giám Mục Tây
Ban Nha, tài liệu làm việc của Huấn Giáo Mục Vụ La familia, santuario de la
vida y esperanza de la sociedad (viết tắt là FSVMT), Edice, Madrid 2002,
trang106). Dọc con đường trở nên chín mùi này, chúng ta sẽ thực hiện nhiều chọn
lựa mà sau này sẽ trở thành nền tảng đối với chúng ta:
(i1) Chọn bạn. Các thiếu niên đôi khi
trải nghiệm khá nhiều cảm xúc lẫn lộn, vì quả không hề có biên giới tuyệt đối
giữa tình bạn và sự lôi cuốn. Khi một thiếu niên bắt đầu ra khỏi mình, bỏ lại
đàng sau việc thu mình vào chính mình, tránh xa người khác, em đã bắt đầu dựa
vào những người ngang hàng với mình, những người giống như em. Sức mạnh của các
sợi dây xúc cảm nối kết họ với những người cùng phái (đây là tuổi của tâm hồn
chị em), các tò mò, các lôi cuốn, các trò chơi và đùa giỡn tính dục, có thể làm
các em cảm thấy lo lắng hay bất an về xu hướng tính dục của mình.
(i2) Chọn bạn trai/bạn gái. Đây là một bước
nữa trong đó các em cần phải chín mùi, bằng cách mở lòng ra với điều khó khăn
nhất, với điều khác biệt, bằng cách khám phá ra tính hỗ tương và tính dị tính
luyến ái. Sau đó, thời của “những mối tình mơ mộng kiểu Platông” sẽ bắt đầu;
các mối tình này có thể được trân trọng trong một số trường hợp, kể cả được thể
hiện ở nhà trường. Nhưng cả sự lôi cuốn mạnh mẽ được các em cảm nghiệm lẫn cảm
xúc mạnh mẽ thấy mình si tình, tự chúng, vẫn chưa đủ để được gọi là một cuộc
tình trọn vẹn của con người. Con đường tìm biết nhau (hẹn hò) và việc chọn lựa
tiếp theo vẫn chưa có.
(i3) Chọn hôn nhân. Họ muốn thể hiện mối
liên hệ hoàn toàn dấn thân mà tình yêu vợ chồng vốn bao hàm. Việc chọn lựa này
có nghĩa là khám phá ra tính độc đáo và bất khả lặp lại của một người khác, một
người mà ta có thể chia sẻ cuộc đời một cách trung thành, độc chiếm, dứt khoát
và sinh hoa trái. Trong giai đoạn thiếu niên, mối tình như thế được coi là một
điều còn xa vời, nhưng các em ước ao tìm thấy nó; nó không phải là một điều người
ta có thể lên kế hoạch, nhưng là một điều cần được khám phá và chấp nhận (ơn gọi:lời
mời). Các em cần suy tư, nhìn nhận rằng điều các em hiện đang sống lúc này đã tạo
nên một phần của con đường này. Người đàn ông và người đàn bà yêu nhau không cần
phải đặt Thiên Chúa vào mối liên hệ của họ; đúng hơn, họ phải khám phá ra rằng
Thiên Chúa vốn đã hiện diện ở đó, trong tình yêu của họ.
2. Làm thế nào biết được đây là tình yêu đích thực?
“Giờ đây Ngài đã tỏ cho
con điều chúng con cầu xin Ngài” (Đn 2:23).
a. Sự thật về tình yêu không do
phán đoán của con người xác định. Không phải bất cứ thứ tình yêu nào
được ta cảm nghiệm đều là tình yêu đích thực. Tôi phải biết chào đón ý hướng đầu
tiên của thứ tình yêu khác với tình yêu của tôi; chỉ nhờ sự chào đón này, đời
tôi mới được soi sáng. Điều này không hề có nghĩa tình yêu nguyên thủy này có
tính tùy tiện, Thiên Chúa muốn chơi đùa với chúng ta. Không phải thế. Nó chỉ muốn
quả quyết rằng sự thật của tình yêu phát xuất từ Một Đấng Khác vốn là chính Sự
Thật và là Đấng, bằng hành vi yêu thương, muốn thông truyền sự thật ấy cho tôi.
Chính vì thế, tình yêu trở thành phương thế để biện phân sự biểu hiện của sự thật:
đúng, “chỉ có tình yêu là đáng tin”.
b. Sự thật và tình yêu không thể nào tách
ly. “Đừng chấp nhận bất cứ điều
gì là sự thật nếu nó thiếu tình yêu. Và đừng chấp nhận bất cứ điều gì là tình
yêu nếu nó thiếu sự thật!” (E. Stein). Đức Gioan Phaolô II thì nói: điều này
không có điều kia sẽ trở thành dối trá phá hoại. “Không có sự thật, sẽ không có
cả hạnh phúc lẫn tình yêu lâu bền. Đồng thời, giáo dục chúng trong sự thật mà
không có tình yêu sẽ làm chúng héo mòn và kết cục đưa chúng tới tuyệt vọng” (S.
Pinckaers).
c. Tình yêu là một mầu nhiệm sâu sắc hơn
điều tôi cảm nhận. Nó dẫn tôi tới một nguyên lý có tính nền
tảng hơn các cảm xúc nhiều, thậm chí còn sâu sắc hơn cả lương tâm tôi. Tôi hiện
hữu nhờ một hành vi yêu thương. “Tình yêu, trước hết, là điều được ban cho, là
điều làm chúng ta hiện hữu, là điều nâng việc hiến mình lên địa vị cao hơn hết”
(M. Blondel); vì thế, “Tình yêu không phải chỉ là một cảm tình” (Đức Bênêđíctô
XVI, thông điệp Deus caritas est (viết tắt DCE) về tình yêu theo Kitô Giáo
(25-12-2005), số17).
d. Ai đem ta tới gần tình yêu đích thực
hơn?
(d1) Tình yêu có trật tự đối với chính ta:
Trước hết, ta phải làm chủ chính ta. Nếu không, ta không thể nói tới việc hiến
thân cho người khác. Muốn yêu thương, điều cần thiết là phải hiến mình. Khi yêu
ai, ta vượt quá bản thân ta để tự hiến ta cho người này.
(d2) Gia đình: Điều quan trọng, và thậm
chí cần thiết, là tìm sự trợ giúp, hiểu biết và khích lệ của cha mẹ, ông bà,
anh chị em, và nhìn nhận sự quảng đại hiến thân của họ.
(d3) Tình bạn đích thực:
Tình bạn đích thực dẫn ta tới chỗ khám phá ra người khác, tôn trọng và trân qúy
họ vì chính họ (vì con người của họ chứ không phải vì những điều họ có); đây
không phải là một mối liên hệ hời hợt hay có tính thực dụng; nó dẫn ta tới chỗ
đáp trả bằng cách luôn tìm điều tốt cho bè bạn ta.
(d4) Thiên Chúa, người bạn vĩ đại nhất:
Người là nguồn gốc của Tình Yêu đích thực, một tình yêu ban cho ta khả năng tha
thứ cho bạn bè và xin họ tha thứ, khả năng được yêu và yêu thương.
e. Tính hỗ tương.
Ước muốn yêu thương được ghi sẵn trong mọi trái tim. Chúng ta không những muốn
yêu thương, mà còn muốn được đáp trả, được yêu thương trở lại nữa. Tuy nhiên,
nhu cầu yêu thương và được yêu này đôi lúc dẫn ta tới chỗ lầm lẫn cảm xúc của
tôi với “tình yêu đích thực”, và kết cục, can dự vào các mối liên hệ không dẫn
ta tới điều tốt nào cả.
f. Chọn điều tốt nhất.
Chọn điều tốt cho người ta vì chính con người họ vượt quá việc chọn “phúc lợi”
(wellbeing) cho riêng mình. Đúng hơn, nó có nghĩa: qua các hành động của ta, ta
không chọn lựa cách để được các “phúc lợi” có thể thỏa mãn các nhu cầu của ta,
cách để thể hiện các lý tưởng theo óc tưởng tượng của ta; mà đúng hơn, ta chọn
“hiện hữu tốt” hay, thậm chí, chọn một lối “sống tốt” đầy năng động tính, bao
hàm phương cách hướng dẫn đời ta, nhờ đó ta trở nên những người tốt thực sự.
Đôi khi, khó mà phân biệt
được các cảm xúc của ta và ta có thể lầm lẫn tình yêu bằng hữu với sự lôi cuốn,
cảm xúc lãng mạn với mối liên hệ yêu thương, hay tình yêu đam mê với tình yêu
trọn vẹn, trưởng thành và đích thực. Vì lý do này, bất cứ ai dấn thân vào con
đường này phải kiểm soát xem liệu mình có thực sự sống nó cách thích đáng
không; họ phải khám phá ra sự thật chung quanh tình yêu của họ.
g. Tình yêu có các giai đoạn của nó:
Nó sinh ra, lớn lên, thay đổi, trưởng thành và dấn thân. Nhờ cách này, tình yêu
luôn có tính bản vị. Nó là con đường được ‘tôi’ và ‘em’ bước đi, cùng nhau khám
phá và đáp trả lẫn nhau.
h. Việc khám phá xem tình yêu của tôi có
đích thực không đòi tôi phải rất
chú ý tới các cảm xúc và ước muốn của tôi, và hướng dẫn chúng bằng ý chí, lý
trí và tự do của tôi. Tình yêu đích thực làm tôi lớn lên, mở lòng tôi đón nhận
người khác, phát sinh điều tốt nhất ở trong tôi, đồng hành với tôi, trân quí
tôi, tôn trọng tôi, đem lại cho tôi sự ổn định và lòng tự trọng, củng cố tôi và
dạy dỗ tôi; nó giúp tôi biết mình tốt hơn, biết nhìn nhận rằng mình là kẻ thiếu
thốn, biết tha thứ, biết hy sinh; nó dẫn dắt tôi, nó tìm kiếm tôi, nó làm tôi hạnh
phúc, nó làm đầy tôi ...
i. Tôi đáp trả lời mời gọi yêu thương như
thế nào? Bằng cách ra đi gặp gỡ người tôi yêu, người khác, để
hiến mình tôi cho họ.
j. Tình yêu đòi thì giờ và hiến mình/hy
sinh.
“Tình yêu quả là ‘cuộc xuất thần’ (ecstasy), không theo nghĩa say mê, nhưng
đúng hơn như một cuộc hành trình, một cuộc xuất hành liên tiếp ra khỏi cái tôi
hướng nội khép kín hướng tới việc giải thoát nó qua việc tự hiến thân” (Đức
Bênêđíctô XVI, thông điệp Deus caritas est, về tình yêu theo Kitô Giáo
(25-12-2005), số 6). Không được yêu và yêu, đời sống sẽ suy sụp. Cho đi sự sống
mình là một nguy cơ của việc yêu thương: tin tưởng người khác, đặt mình trong
tay họ, là chường mình cho khả thể không được yêu lại. Ai yêu và phó thác đời
mình cho người khác trở thành người dễ bị thương tổn. Ai tránh né cuộc mạo hiểm
hiến thân này sẽ đánh mất đời mình; ai trao đời sống mình đi luôn là người thắng
cuộc, cho dù họ có thể đánh mất sự sống mình khi trao nó đi.
k. Ai yêu thương đều muốn điều tốt cho
người yêu. “Tình
yêu nay đã trở thành quan tâm và chăm sóc người khác. Không còn việc đi tìm
mình, chìm mình vào việc say sưa hạnh phúc; thay vào đó, là tìm điều tốt cho
người yêu: nó trở thành quên mình và sẵn sàng, thậm chí sẵn lòng, hy sinh” (Đức
Bênêđíctô XVI, thông điệp Deus caritas est, về tình yêu theo Kitô Giáo
(25-12-2005), số 6). Nhận ra việc tự hiến theo cách con người này đòi phải có sự
tự do chín chắn, giúp ta không những cho đi các sự vật mà còn cho đi chính bản
ngã ta một cách toàn diện. Nền tảng của việc hiến thân này là một loại tình yêu
đặc thù có tên là tình yêu vợ chồng (xem Đức Gioan Phaolô II, Người Dựng Nên Họ
Có Nam Có Nữ, Cristiandad, Madrid 2000 [Bài Giáo Lý về Tình Yêu Nhân Bản ngày
9.I.1980]).
l. Tình yêu vợ chồng có hai hình thức hiến
thân. Người
đàn ông và người đàn bà có thể đáp trả lời mời gọi yêu thương hai cách. Hiến
thân như tình yêu đích thực luôn luôn sinh hoa trái.
(l1) Trong đức trinh khiết. Đức trinh khiết cũng là một
việc dâng hiến tính thân xác của mình với một cảm tính đặc biệt: nó cho thấy
các xúc cảm và bản năng của ta có thể được tích hợp ra sao vào hồng phúc yêu
thương lớn lao hơn (Hội đồng Giám Mục Tây Ban Nha, Huấn Giáo Mục Vụ La familia,
santuario de la vida y esperanza de la sociedad [viết tắt FSV], số 58,
[27.04.2001]). Các linh mục, các tu sĩ nam nữ, và các người thánh hiến sống trọn
việc dâng hiến hồng phúc thân xác và linh hồn họ cho Chúa Giêsu Kitô.
(l2) Trong hôn nhân (tình yêu vợ chồng). Một người đàn ông và một
người đàn bà vĩnh viễn kết hợp nhau trong việc hiến thân xác và linh hồn; hoàn
toàn và vĩnh viễn.
3. Hẹn hò (đính hôn)
“Còn chúng ta, chúng ta
đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó” (1 Ga
4:16).
a. Biết chọn con người. Đây là lúc hạ sinh và
lên khuôn hình cho tình yêu; nó đánh dấu việc khởi đầu diễn trình biết nhau và
chín mùi về xúc cảm, những việc đòi ta phải chứng tỏ sự chân thực, vì chỉ có
tình yêu đích thực mới xây dựng chúng ta mà thôi (FSV,169). Trong diễn trình
này, ta thực hiện việc chọn lựa đầu tiên trên đường tiến tới hôn nhân. Điều
quan trọng là nhìn nhận sự thật liên quan đến việc hẹn hò và điểm khác biệt của
nó so với hôn nhân. Nó đánh dấu việc từ tình yêu bằng hữu bước qua tình yêu vợ
chồng, tạo thành thời kỳ chờ mong và hy vọng.
b. Không biết chờ đợi trong hẹn hò:
các liên hệ tiền hôn nhân. Người ta thường rất hay mơ hồ, không biết chờ đợi,
không biết phân biệt giữa “việc hiến mình đích thực của vợ chồng” và “thử nghiệm
tính dục” như một phương thế duy trì tình âu yếm. Các liên hệ tiền hôn nhân
mang lại một tình yêu bị hủ bại ngay từ đầu: hủ bại bởi dè dặt, hoài nghi, ngờ
vực. Cái lầm của việc cho đi thân xác trước khi tự hiến mình vô điều kiện này
đã được chính đời sống chứng minh: việc lan tràn các loại liên hệ này đã không
làm cho hôn nhân được ổn định hơn. Lý do tại sao thì rất hiển nhiên: chúng
không phát sinh từ sự thật của việc hiến mình vô điều kiện. Hậu quả lại càng bi
đát hơn nữa: nhiều người sống cuộc hôn nhân của họ với một não trạng luôn luôn
thử nghiệm lẫn nhau, và kết cục sống như những quan sát viên bàng quan, chờ xem
cuộc mạo hiểm này sẽ đưa họ đến đâu (FSV, 64).
c. Biết cách yêu thương: trong sạch trong lúc hẹn
hò. Nhân đức trong sạch là điều không thể miễn chước trong lời đáp trả của ta đối
với ơn gọi yêu thương. Nó chiếu dõi ánh sáng để hướng dẫn tự do của chúng ta tới
việc hiến dâng tình yêu, làm dấu mốc trên đường dẫn ta tới sự sống viên mãn
(VAH, 38).
Nhân đức trong sạch hệ ở
việc tích hợp (integrating) các xu hướng cơ thể (somatic) và xúc cảm. Như thế,
nó không hề tương đương với việc đè nén các thôi thúc hay các xúc cảm của ta bằng
việc tiết chế hay thiếu vắng các liên hệ tính dục và xúc cảm. Đúng hơn, nó sắp
đặt, hướng dẫn và tích hợp các năng động tính thuộc bản năng và cảm giới của ta
hướng tới việc yêu chính con người của người yêu.
d. Đức trong sạch như một việc hiến mình.
Đức trong sạch là nhân đức giúp ta nắm vững được quyền làm chủ chính thân xác
mình để ta có khả năng diễn tả trọn vẹn việc hiến bản thân mình. Không ai có thể
cho đi điều mà họ không sở hữu: người không làm chủ chính mình là người thiếu yếu
tố làm mình có khả năng tự hiến. Đức trong sạch là năng lực thiêng liêng giải
phóng tình yêu của ta khỏi tính vị kỷ và gây hấn (xem SH, 16). Đức trong sạch
là việc hân hoan khẳng định chính mình của người biết phải sống thực việc hiến
mình, thoát khỏi cảnh nô dịch vị kỷ, ra sao (SH, 17).
e. Làm chủ chính mình. “Đức trong sạch bao gồm
thực tập việc tự chủ, một việc đào luyện về tự do nhân bản. Sự chọn lựa ở đây
khá rõ ràng: một là con người thống trị các đam mê của mình và tìm được bình
an, hai là họ để mình bị chúng thống trị và trở thành bất hạnh” (Sách Giáo Lý của
Giáo Hội Công Giáo [15.08.1997], số 2339). Muốn đạt được điều này, ta phải có
khả năng và thái độ tự làm chủ lấy mình; nó vốn là dấu chỉ sự tự do bên trong,
tình thần trách nhiệm đối với chính mình và người khác. Đồng thời, các dấu chỉ
này làm chứng cho một lương tâm trung thành. Việc tự làm chủ này bao hàm cả việc
tránh các dịp có thể kích động hay khuyến khích tội lỗi lẫn việc biết cách làm
thế nào vuợt qua được các thôi thúc tự nhiên, có tính bản năng của ta (SH, 18).
f. Các thái độ cần phát huy trong thời gian hẹn hò.
Trân quí việc chờ đợi trong thời gian hẹn hò, và quan tâm tới các tác phong xây
dựng người trẻ như những con người trong lúc hẹn hò và giúp họ tích hợp mọi chiều
kích của họ trong giai đoạn này; đồng hóa các yếu tố xây đắp việc hiệp thông
trong thời gian hẹn hò; hấp thụ nhân đức trong sạch như sức mạnh che chở tình
yêu chống lại lòng vị kỷ.
4. Tình yêu vợ chồng
“Đó là lý do người đàn
ông sẽ lìa bỏ cha và mẹ mình và gắn bó với vợ, và cả hai sẽ trở nên một thân
xác” (St 2:24).
a. Nguyên mẫu hoàn hảo nhất:
tình yêu giữa người đàn ông và người đàn bà, “trong đó, linh hồn và thân xác được
kết hợp một cách bất khả phân ly và các con người nhân bản thoáng thấy được lời
hứa hẹn hạnh phúc không thể nào cưỡng lại được. Đây xem ra là chính bản tóm lược
về tình yêu; mọi loại tình yêu khác xem ra khó có thể so sánh ngay được” (DCE,
2).
b. Tình yêu vợ chồng.
Tình yêu vợ chồng là tình yêu hiệp thông riêng biệt của những người kết hôn. Nó
là một tình yêu “dấn thân’ ngay từ đầu, khác với các loại tình yêu khác. Tính
chân thực của nó nhất thiết liên quan tới việc tôn trọng phẩm giá bản thân và ý
nghĩa của ngôn ngữ tính dục (xem VAH, số 25). Tình yêu vợ chồng phải được hiểu
như một lời đoan hứa, một dấn thân hỗ tương để xây dựng cuộc sống chung (VAH,
28).
c. Đâu là các đặc tính của nó?
(VAH, 29-33)
(c1) Một tình yêu nhân bản trọn vẹn và
hoàn toàn. Nó phải bao gồm chính con người của các người phối
ngẫu, trong tư cách phối ngẫu, trên mọi bình diện: tâm tư và ý chí, thân xác và
tinh thần, v.v..., bằng cách tích hợp các chiều kích này với một sự phụ thuộc
thích đáng và, hơn nữa, một cách dứt khoát. Nó phải được điều hướng “từ con người
này tới con người kia bằng một tình âu yếm tự ý” (Gaudium et Spes, 49). Các người
phối ngẫu, hiểu như phối ngẫu, phải “chia sẻ mọi sự một cách quảng đại, không
cho phép bất cứ ngoại lệ vô lý nào và không chỉ nghĩ tới các thuận lợi riêng của
mình mà thôi. Ai yêu bạn đời của mình thì không những chỉ yêu vì điều mình nhận
được, mà yêu họ vì chính họ, bằng lòng làm giầu người kia bằng việc hiến chính
mình (Humanae Vitae, 9).
(c2) Một tình yêu trung thành và độc chiếm.
Nếu tình yêu vợ chồng trọn vẹn và dứt khoát vì nó từ con người này hướng tới
con người khác, một cách toàn diện, thì nó cũng phải lấy lòng trung thành làm một
trong các đặc điểm nhất thiết của nó. Chính ý niệm toàn diện cũng đã bao hàm và
đòi hỏi lòng trung thành rồi, trung thành mãi mãi, và, ngược lại, lòng trung
thành đòi hỏi tính độc chiếm. Tình yêu vợ chồng trở thành toàn diện nhờ tính độc
chiếm, và trở thành độc chiếm nhờ tính toàn diện.
(c3) Một tình yêu sinh hoa trái, biết
chào đón sự sống. Do chính bản chất và năng động tính của
nó, tình yêu vợ chồng hướng tới việc được nối dài nơi các sự sống mới; nó không
bị các người phối ngẫu tiêu phí hết. Sẽ không có một chút chân chính nào trong
tình yêu vợ chồng khi các người phối ngẫu không cam kết. Các người phối ngẫu hiến
mình cho điều gì? Họ phải hiến mình một cách toàn diện: cả thân xác lẫn linh hồn.
Bởi thế, họ phải hiến thân xác họ, cảm giới của họ, sự thân mật của họ; thì giờ
của họ, các kế hoạch của họ, khả năng tiềm ẩn làm cha mẹ của họ, v.v... Trong
thực tại sâu sắc nhất của nó, tình yêu vợ chồng, trong yếu tính, là một “hồng
phúc”; nó bác bỏ bất cứ thứ dè dặt nào và, do chính bản chất của nó, nó đòi các
người phối ngẫu phải cởi mở và cho chính họ đi một cách trọn vẹn (VAH, 32).
d. Tính độc đáo của việc kết hợp vợ chồng
(d1) Nó là một hành vi của nhân vị,
một chủ thể hành động trong tính hợp nhất cả thân xác lẫn linh hồn, liên quan tới
toàn bộ bản ngã họ.
(d2) Nó là một hành vi tự do, tức là tự ý và bắt nguồn
từ năng động tính xúc cảm và tính dục vốn thèm muốn và hướng về việc kết hợp dục
năng thân xác phù hợp với thiên hướng của họ.
(d3) Nó hàm ngụ hành động của hai con người:
Nó đòi hỏi sự tương tác độc đáo giữa người đàn ông và người đàn bà, những người
có khả năng cùng hành động trong một tính hỗ tương năng động.
(d4) Họ hành động với một tính hỗ tương
có tính khích lệ và cố ý, nghĩa là cả hai cùng tham dự vào việc
tìm kiếm cùng những thiện ích nhân bản như nhau.
(d5) Nó là một hành động được kèm theo bởi
một khoái cảm hỗ tương độc đáo, không những vì cường độ dục
thân (sensual), mà trước hết và trên hết còn vì tính cao thượng trong động lực
của nó, một động lực biến khoái cảm thành niềm vui.
(d6) Nó chủ yếu là một hành vi tự hiến hỗ
tương, trong tự do, của hai con người yêu nhau. Các hành vi
của người đàn ông và người đàn bà không phải chỉ là những hành vi đơn giản của
cuộc gặp gỡ tính dục dẫn tới sinh sản.
(d7) Sự tự hiến này đòi hỏi 3 yếu tố
không thể tách rời nhau
nếu
muốn trở thành việc hiến mình đích thực. Ba yếu tố đó là: hỗ tương chào đón khả
năng sinh sản, bất khả tiêu hủy và trung thành.
(d8) Các ý nghĩa của hành vi vợ chồng.
Có sự nối kết bất khả phân, do Thiên Chúa thiết lập, mà sáng kiến của con người
không được phá vỡ, giữa hai ý nghĩa của hành vi vợ chồng: ý nghĩa kết hợp và ý
nghĩa sinh sản. Lý do là: bản chất nền tảng của hành vi hôn nhân, trong khi kết
hợp chồng và vợ trong một sự thân mật gần gũi nhất, cũng đã làm cho họ có khả
năng sinh ra sự sống mới, và điều này là kết quả của những đạo luật đã được viết
sẵn trong bản chất thực sự của người đàn ông và của người đàn bà (Humanae
Vitae, 12).
e. Giáo dục xúc cảm và tính dục.
Điều quan trọng là tiến hành một cuộc giáo dục toàn diện trong đó, tính dục được
khám phá như một thực tại sâu sắc, uyên thâm (immersive) liên quan tới tự do,
yêu thương, dấn thân, bình đẳng, thân mật, tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau, thành
thực, thông đạt... Có rất nhiều cử chỉ ta có thể dùng để phát biểu tình yêu, và
ngôn ngữ thân xác phải kết hợp với ngôn ngữ tâm hồn (FSVMT, tr. 107). Việc khám
phá ra sự thật và ý nghĩa của ngôn ngữ thân xác sẽ giúp ta nhận diện các biểu
thức của tình yêu chân chính và phân biệt các biểu thức này với những biểu thức
làm nó ra sai lạc (VAH, 125).
f. Hôn nhân.
Sự chung hợp thân mật cuộc sống và tình yêu vợ chồng: “Ðấng Tạo Hóa đã thiết lập
và ban những định luật riêng cho sự chung hợp (partnership) thân mật cuộc sống
và tình yêu vợ chồng. Sự chung hợp này bắt nguồn từ giao ước hôn nhân, nghĩa là
sự ưng thuận cá nhân không thể rút lại. Như thế, bởi một hành vi nhân linh,
trong đó, hai vợ chồng tự hiến cho nhau và đón nhận nhau, nhờ sự an bài của
Thiên Chúa, phát sinh một định chế vững chắc có giá trị trước mặt xã hội nữa.
Vì lợi ích của lứa đôi, của con cái và của xã hội, nên sợi dây liên kết thánh
thiện này không lệ thuộc sở thích của con người. Vì chính Thiên Chúa là Ðấng
tác tạo hôn nhân, đã phú bẩm những lợi ích và mục tiêu khác nhau... ” (Gaudium
et Spes, 48).
g. Một sự kết hợp thân mật.
Họ tạo nên “một thân xác” (St 2:24; Mt 19:6). Đây là một điều lớn hơn việc kết
hợp thể xác của hai vợ chồng; trên hết, nó nói tới sợi dây kết hợp họ với nhau;
sợi dây này bắt nguồn từ sự hợp nhất thân xác và linh hồn họ. Họ không phải là
những người cùng làm việc, quen biết hay anh chị em... cũng không phải là bất cứ
thứ kết hợp nào: mà phải là “sự kết hợp bền vững của một người đàn ông và một
người đàn bà”. Sự kết hợp thân mật này đòi phải có sự trung thành hoàn toàn của
vợ chồng và sự hợp nhất bất khả tiêu hủy.
h. Một cộng đồng sự sống và yêu thương,
dựa trên việc hỗ tương chào đón chấp nhận người khác và việc hiến mình cho họ.
Cộng đồng hôn nhân này là một cuộc kết hợp dị tính, vĩnh viễn, cởi mở chứ không
khép kín (cả về phương diện sinh lý, tâm lý lẫn bản vị).
(h1) Nó là một cộng đồng sự sống: Nói rằng nó là một cộng đồng
toàn bộ sự sống thực tế là nói lên sự bền vững, sự thân mật và tính độc chiếm của
mối liên hệ giữa các người phối ngẫu. Điều này đòi hỏi việc tham dự chung của cả
hai người, một sự tham dự lấy tính toàn diện làm đặc điểm.
(h2) Nó là một cộng đồng tình yêu:
Vai trò có liên quan của tình yêu giữa họ với nhau. Nó tác động lên toàn bộ con
người. Nó không phải là một thôi thúc, cũng không phải là một xúc cảm, hay một
xúc động...
i. Các thiện ích của hôn nhân là các yếu
tố làm cho hôn nhân có tính
lôi cuốn đối với bản nhiên và sự hiểu biết của con người. Thánh Augustinô gọi
chúng là các “thiện ích”, những điều tốt. Là các thiện ích, các giá trị này quả
đáng ước ao; và điều tự nhiên là chúng ta ước ao chúng. Chúng là những điều tự
nhiên vì chúng tương hợp với bản chất của tình yêu con người. Loại bỏ một số
giá trị này khỏi hôn nhân là thái độ không tự nhiên.
(i1) Thiện ích trung thành:
một hiến tặng độc đáo về phương diện bản thân. Lòng trung thành và tính độc chiếm
của hôn nhân có một luận lý học tương tự và tương hợp ngang hàng với bản chất của
tình yêu con người. “Cái tôi” của tôi bất khả phân chia và bất khả lặp lại; nó
chỉ có thể được hiến tặng cho một con người. Giá trị của lòng trung thành, hay
sự tốt lành chuyên biệt của nó, hệ ở việc mỗi con người chỉ là người phối ngẫu
duy nhất của người khác.
(i2) Thiện ích bất khả hủy tiêu:
hiến thân hoàn toàn khi còn sống (temporally). Không hiến mình vĩnh viễn là
không có sự hiến mình đích thực: “Việc hiến mình muốn toàn diện cần phải bất phản
hồi và không dè dặt” (Đức Gioan Phaolô II, Diễn văn với Tòa Tối Cao,1982). Bất
cứ ai thuận tình kết hôn nhất thiết phải đưa ra lời thuận tình bất khả phản hồi.
“Việc hiến mình hoàn toàn về thể lý sẽ là một dối trá nếu nó không phải là dấu
hiệu và kết quả của một việc hiến mình hoàn toàn trong chính con người của ta,
trong đó, toàn bộ con người, kể cả chiều kích thời gian, phải hiện diện: nếu
người ta giữ lại một điều gì đó hay duy trì khả thể quyết định khác đi trong
tương lai, thì do chính sự kiện này, họ đã không hiến mình một cách toàn diện”
(Familiaris Consortio, 11). Tính bất khả hủy tiêu “bắt nguồn từ việc hiến mình
có tính bản thân và toàn diện của cặp vợ chồng” (Familiaris Consortio, 20).
(i3) Thiện ích con cái: “cởi mở đón chào sự sống”.
Bất cứ ai, qua sự tham dự hỗ tương, hiến tặng khả năng sinh sản của mình, đều
bước vào một mối liên hệ với người khác phù hợp với đặc tính thân mật độc đáo
hoàn toàn. Không điều gì có thể nói lên ước muốn kết hợp liên ngã giống như “việc
cùng nhau tham dự” vào khả năng sinh sản của tính dục, qua hành vi vợ chồng.
“Tính dục, nhờ nó, người đàn ông và người đàn bà hiến thân cho nhau (...) không
hề chỉ là một điều hoàn toàn có tính sinh lý, nhưng liên hệ đến hữu thể thâm
sâu nhất của con người nhân bản đúng nghĩa” (Familiaris Consortio, 11).
j. Ý Nghĩa của Hôn Nhân
(j1) Như ơn gọi yêu thương:
“Chúa kêu gọi nhiều người tới hôn nhân, trong đó, một người đàn ông và một người
đàn bà, nhờ trở nên một thân xác (xem St 2:24), tìm được sự thành toàn trong cuộc
sống hiệp thông sâu xa. Đây là một viễn ảnh vừa tươi sáng vừa đòi hỏi. Đây là một
dự án yêu thương đích thực được đổi mới và thâm hậu hóa hàng ngày bằng cách
chia sẻ vui buồn, một dự án được đánh dấu bằng việc hiến mình hoàn toàn. Vì thế,
nhìn nhận vẻ đẹp và sự tốt lành của hôn nhân là nhìn nhận rằng chỉ có khung cảnh
trung thành và bất khả tiêu, cùng với việc cởi mở đón chào hồng phúc sự sống của
Thiên Chúa, là thoả đáng đối với sự cao cả và phẩm giá của tình yêu hôn nhân”
(Đức Bênêđíctô XVI, Bài Giảng trong Đêm Canh Thức Cầu Nguyện với Người Trẻ tại
Phi Trường Cuatro Vientos, 20 tháng 8, năm 2011). Đây là một dự án chung sống
phục vụ ơn gọi hiến mình trong tình yêu giữa một người đàn ông và một người đàn
bà, yêu nhau trong cả thân xác lẫn linh hồn. Họ có ý chí chia sẻ toàn bộ dự án
sống của họ, những gì họ có và những gì họ là (xem Familiaris Consortio, 19).
(j2) Như một bí tích:
Chúa đi vào cuộc sống của các vợ chồng Kitô hữu qua bí tích hôn phối (Gaudium
et Spes, 48). Chúa Giêsu sử dụng tình yêu giữa các người phối ngẫu để yêu
thương và biểu lộ tình yêu Người yêu Giáo Hội. Tình yêu vợ chồng phản ảnh và phải
phản ảnh tình yêu của Chúa Kitô dành cho Giáo Hội của Người. “Như chính Chúa
Kitô yêu thương Giáo Hội và phó mình Người cho Giáo Hội” (Ep 5:25-26). Trong bối
cảnh này, “phó mình” có nghĩa là trở nên một “hiến thân thành thực”, yêu thương
tới cùng (xem Ga 13:1), tới lúc hiến mình trên Thập Giá. Đây là tình yêu mà các
người phối ngẫu phải đem ra sống và phản ảnh (VAH, 41).
k. Sự thật tối hậu về tính bất khả tiêu hủy
của hôn nhân. “Bắt
nguồn từ việc hiến mình có tính bản vị và toàn diện của cặp vợ chồng, và được
thiện ích của con cái đòi hỏi, tính bất khả tiêu hủy của hôn nhân tìm được sự
thật tối hậu của nó trong kế hoạch đã được Thiên Chúa tỏ lộ trong mạc khải của
Người: Người muốn và đã thông truyền tính bất khả tiêu hủy của hôn nhân như là
hoa trái, dấu chỉ và đòi hỏi của tình yêu tuyệt đối trung thành mà Người vốn
dành cho con người và là tình yêu Chúa Giêsu vốn dành cho Giáo Hội của Người”
(Familiaris Consortio, 20).
l. “Hồng phúc bí tích đồng thời cũng là
ơn gọi và lệnh truyền đối với các người phối ngẫu Kitô hữu
là: họ phải mãi trung thành với nhau suốt đời, vượt qua mọi thử thách và khó
khăn, trong sự quảng đại vâng theo thánh ý Chúa: ‘bởi đó, sự gì Thiên Chúa đã kết
hợp, loài người không được phân ly’ (Mt 19:6)” (Familiaris Consortio, 20).
5. Đâu là nguồn gốc
của tình yêu?
“Không phải các con đã chọn Thầy, mà là Thầy
đã chọn các con” (Ga 15:16).
a. Đâu là nguồn gốc
của tình yêu? “Hãy dừng lại trên các nẻo đường sớm nhất, hãy tìm hiểu
những đường xưa lối cũ, ‘cho biết đâu là đường ngay nẻo chính?’rồi cứ đó mà đi:
tâm hồn các ngươi sẽ bình an thư thái” (Grm 6:16). Thiên Chúa đã chọn ‘nẻo đường
chủ đạo’ của tình yêu để tự mạc khải cho con người. Tình yêu sở đắc thứ ánh
sáng có thể đem lại cho ta khả năng nhìn rõ thế giới một cách mới mẻ (VAH, 6).
Thiên Chúa là tình yêu và Người sống trong một cộng đồng yêu thương, Người dựng
nên người đàn ông và người đàn bà cho một ơn gọi giống như ơn gọi của chính Người:
ơn gọi yêu thương. Do đó, tình yêu nguyên thủy là tình yêu hiệp thông, từ đó
phát sinh mọi tình yêu (VAH, 8).
b. Đi tìm nguồn gốc. Không
nên đi tìm nguyên ủy của tình yêu bên trong con người; đúng hơn, nguyên ủy của
tình yêu chính là mầu nhiệm Thiên Chúa, Đấng đã tự mạc khải và xuống gặp gỡ con
người. Vì thế, con người không ngừng thiết tha đi tìm nguồn suối kín nhiệm này
(VAH, 9).
c. Tìm cách hiểu được
tình yêu mạc khải. Chúng ta vốn không được hướng dẫn đi tìm
nguyên ủy này vì nhu cầu giải thích, mà là để tìm hiểu tình yêu đã được mạc khải
cho chúng ta.
(c1) Lặn sâu xuống
cho tới khi đụng nguồn suối, đó là cách tôi sẽ khám phá ra rằng
ơn gọi của tôi không phải là một mớ nhiệm vụ, nhưng đúng hơn là một lời mời gọi
cần được đáp ứng, một lời mời gọi phải thể hiện đời tôi một cách trọn vẹn. Đó
là cách Thiên Chúa nói và đó là cách tôi có thể khám phá ra rằng câu trả lời của
Chúa Kitô, Đấng dẫn chúng ta trở về với nguyên thủy, đang trước nhất dẫn tôi về
với những gì có trong trái tim tôi, về với sự thật tôi đã đáp ứng và đã phó
mình cho.
(c2) Làm cho tình
yêu bén rễ vào một nguyên lý có trước tôi là định vị nguyên ủy của tình yêu vào một
mầu nhiệm. Tôi phải coi tình yêu như một điều vuợt quá tôi, một điều tôi phải
kính cẩn khi đứng trước nó: một sự kính cẩn mà đối tượng chính là Đấng đã đánh
thức tình yêu của tôi và là Đấng đã đem đến một mạc khải về tình yêu giúp tôi tự
khám phá ra chính tôi.
d. Mầu nhiệm Nguyên
Thủy. Tình yêu khởi đầu bắt nguồn từ suối nguồn kín nhiệm
này, trong mầu nhiệm Nguyên Thủy, trong mầu nhiệm Thiên Chúa Tạo Dựng. Bởi thế,
chính sức mạnh ban sự sống của tình yêu thần thánh đã tạo ra hữu thể. Như thế,
sáng thế chính là mạc khải đầu tiên của tình yêu Thiên Chúa, qua đó, Người mạc
khải cho chúng ta một điều hết sức kỳ diệu. Ơn gọi yêu thương có nguồn gốc xa
xôi nhất là sự hiệp thông các ngôi vị, một sự hiệp thông, dù mãi mãi bị che phủ
bởi mầu nhiệm, vẫn có khả năng đánh thức nơi con người một hứa hẹn.
e. Từ luận lý học của
tình yêu. Có một khác biệt lớn lao giữa các kế hoạch của ta và
các kế hoạch của Thiên Chúa (xem Is 55:9). Vì điều này, mọi nhận thức của ta về
ý nghĩa của kế hoạch Thiên Chúa, đối với mỗi người chúng ta, đều có nghĩa một mạc
khải. Muốn đi vào mạc khải này, ta phải theo luận lý học của Thiên Chúa, chứ
không phải luận lý học của ta. Theo luận lý học này là theo luận lý học của
tình yêu. Điều này có vẻ dễ dàng nhưng thường lại là điều chúng ta ít sử dụng
nhất. Ta có khuynh hướng để mình được hướng dẫn nhiều hơn bởi thứ luận lý học
hiệu năng (giải quyết vấn đề).
f. Người mạc khải một
mầu nhiệm. Thiên Chúa không tha thiết gì với việc giải quyết vấn
đề, mà là mạc khải cho ta một mầu nhiệm. Ta đang trên đường tiến tới mầu nhiệm
này của tình yêu. Muốn thế, ta cần một Người Thầy tốt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét