Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2016

10 sự kiện Công giáo nổi bật trong năm 2016



10  sự  kiện  Công  giáo  nổi  bật  trong  năm  2016
Chân Phương12/27/2016-Vietcatholic.net



1. Vụ giết hại Cha Jacques Hamel tại một nhà thờ ở Normandy (Pháp)
Hồi Tháng Bảy, đang khi Cha Hamel (86 tuổi) cử hành Thánh Lễ tại nhà thờ St Etienne-du-Rouvray tỉnh Normandie (Pháp) thì hai kẻ tấn công thuộc ISIS xông vào nhà thờ. Các nhân chứng kể lại rằng vị linh mục đã thốt lên: "Satan hãy cút đi!" trước khi chúng cắt cổ ngài.

Sau đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô gọi là Cha Hamel là một vị tử đạo.

2. Hàng triệu bạn trẻ tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Kraków (Ba Lan)
Đức Thánh Cha Phanxicô đã có một bức ảnh selfie với các bạn trẻ Công Giáo trẻ sau khi ngài ăn trưa với họ tại Tòa tổng giám mục Kraków vào cuối Tháng Bảy.

Ngài đã cử hành Thánh Lễ bế mạc Đại Hội với sự hiện diện của hơn một triệu bạn trẻ.

Cuộc tông du này, bao gồm một chuyến viếng thăm tới trại tập trung Auschwitz, là chuyến đi đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Đông Âu.

3. Phát hành Tông Huấn Amoris Laetitia (Niềm vui của Tình yêu) và xảy ra cuộc tranh luận 'dubia'
Hồi Tháng Tư, Đức Thánh Cha công bố một Tông huấn của ngài về hôn nhân và gia đình dày 255 trang.

Đến Tháng Chín, nhằm muốn có sự rõ ràng về vấn đề ly dị, tái hôn và rước lễ, bốn Hồng Y cùng nộp một bản 'dubia' (yêu sách giải thích) lên Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài đã từ chối trả lời họ.

4. Lễ tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa
Sau một tiến trình điều tra nhanh chóng về án tuyên thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành lễ tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa vào Tháng Chín.

Các nữ tu đã quy tụ về Nhà Mẹ của Hội Thừa sai Bác ái ở Calcutta để theo dõi buổi lễ này.

5. Đức Thánh Cha Phanxicô mời người tị nạn đến sống ở Vatican
Sau chuyến thăm một trại tị nạn trên đảo Lesbos của Hy Lạp với Đức Thượng phụ Đại kết Batôlômêô I, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thành lập một nhà lưu trú ở Vatican cho 12 người tị nạn Syria.

Những người tị nạn này được lựa chọn bởi xổ số ngẫu nhiên.

6. Bế mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót
Năm Thánh Lòng Thương Xót tập trung vào việc làm bác ái và tha thứ.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng chuyến thăm hồi Tháng Chín của ngài tới phòng trẻ sơ sinh của bệnh viện San Giovanni ở Rôma là một kỷ niệm quan trọng nhất của ngài trong năm nay.

7. Đức Thánh Cha Phanxicô thăm Thụy Điển để kỉ niệm 500 năm Cải cách Tin Lành
Tại một buổi cầu nguyện đại kết ở Thụy Điển đánh dấu kỷ niệm cuộc cải cách Tin Lành diễn ra hồi Tháng Mười, Đức Thánh Cha kêu gọi hòa giải giữa các Kitô hữu.

Ngài đã gặp gỡ Tổng Giám mục Lutheran Ante Jackelén - Giáo trưởng của Giáo Hội Tin Lành Thụy Điển - trong một nỗ lực hàn gắn mối quan hệ giữa người Công Giáo và Tin Lành.

8. Kitô hữu Iraq trở về những ngôi nhà thờ đã được giải phóng
Một cuộc tấn công của quân đội Iraq đã giúp Kitô hữu trở về quê hương của họ gần Mosul.

Trong bức ảnh này, một người đàn bà Kitô hữu xúc động khóc khi bước vào nhà thờ St Addai, vốn đã bị chiến binh ISIS làm hư hại trong các vụ tấn công của chúng tại làng Keramlis. Tiếng chuông nhà thờ lần đầu tiên vang lên trong hơn hai năm qua kêu gọi Kitô hữu đến tụ họp để thờ phượng.

9. Người Công Giáo giúp Donald Trump thắng cử
Donald Trump đã chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ hồi Tháng Mười Một.

Cử tri Công Giáo đã giúp ông đắc cử Tổng thống. Thăm dò cho thấy rằng người Công Giáo bình chọn 52% cho tổng thống đắc cử và 45% cho Hillary Clinton.

10. Đức Hồng Y Sarah kêu gọi các linh mục bắt đầu cử hành Thánh Lễ quay mặt về hướng đông
Tại một hội nghị ở London, Đức Hồng Y Robert Sarah kêu gọi các linh mục quay mặt về hướng đông khi cử hành Thánh Lễ.

Ngài nói: "Quan trọng là chúng ta trở về một mẫu thức chung càng sớm càng tốt, đó là các linh mục và giáo dân quay lại với nhau theo cùng một hướng - hướng về phía đông hoặc ít nhất là hướng mái vòm nhà thờ - nơi Chúa ngự đến".

Vatican đã bác bỏ đề nghị này.


Chân Phương

SUY TƯ CUỘC ĐỜI


SUY  TƯ  CUỘC  ĐỜI
Wed, 30/11/2016 -Trầm Thiên Thu




1. DỤNG CỤ
 “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?” (Gc 2:15-16).

Tại Hoa Kỳ, mỗi năm có 300.000 trẻ em phải rời bỏ gia đình hoặc được cứu thoát, vì gia đình chúng lạm dụng, bỏ rơi, coi thường hoặc gây nguy hiểm cho chúng. Nhiều em đến các cơ quan của chính phủ hoặc các nhà mở, hành lý các em mang theo chỉ là chiếc ba lô có vài bộ quần áo. Đây là nơi mà tổ chức “My Stuff Bags” tìm đến.

Tổ chức này cung cấp cho các em những chiếc ba lô có những thứ như thú nhồi bông, đồ chơi, mùng, mền, học cụ, đồ vệ sinh và quần áo. Giám đốc Trung tâm Khủng hoảng Gia đình Mercer (Mercer County Family Crisis Center) cho biết: “Trước đây không lâu, chúng tôi làm việc với hai anh em có người cha lạm dục tình dục chúng trong thời gian vài năm. Vì bản chất của sự điều tra, chúng không được đem theo thứ gì của gia đình khi đến nơi chăm sóc. Chúng rất thích khi chúng tôi trao tặng mỗi em một túi đồ”.

Chương trình Bào chữa Giới trẻ Nam Carolina (South Carolina Youth Advocate Program) nói: “Nhiều em đến với chúng tôi chỉ có ít đồ dùng hoặc không có gì cả. Những túi này làm cho chúng có thể đến nhà mở mới với các đồ cá nhân như bàn chải và kem đánh răng, xà bông, bút chì màu, đồ chơi, mùng, mền, và thú nhồi bông của mình”.

Đối với các em này, mỗi lần di chuyển chỗ ở sẽ không mất nhiều thời gian, vì đồ dùng của chúng không nhiều. Chương trình “My Stuff Bags” giúp chúng biết có người chăm sóc chúng.

Lạy Thiên Chúa cao cả, xin nhắc nhở con khi con muốn có những thứ gì đó, vì dụng cụ của các trẻ em kia chỉ có gọn trong một túi xách. Ngài biết rõ từ em trong số các em kém may mắn kia, xin Ngài che chở, nâng đỡ và bảo vệ chúng. Amen.

2. ĐỀ KHÁNG
 “Sóng tử thần dồn dập chung quanh, thác diệt vong làm tôi kinh hãi, màng lưới âm ty bủa vây tứ phía, bẫy tử thần ập xuống trên tôi. Lúc ngặt nghèo tôi kêu cầu Chúa, kêu lên Người là Thiên Chúa của tôi. Từ thánh điện, Người đã nghe tiếng tôi cầu cứu, lời tôi khấn nguyện vọng đến tai Người” (Tv 18:5-7).

Năm 2003, sau khi sử dụng ma túy quá liều, Annie Lobert phải đi điều trị. Cô là nạn nhân sống sót của nạn buôn người, phải làm gái mại dâm ở Hawaii, Minneapolis và Las Vegas.

Ngày nay, Annie là một chuyên viên quốc tế về công nghệ thương mại tình dục. Cô hiểu biết các chấn thương tâm lý và ảnh hưởng thể lý của những người coi công nghệ tình dục là một nghề, họ còn bị lừa, bị đánh đập, và bị bán qua bán lại như một món đồ. Annie có sức đề kháng mạnh mẽ bởi vì cô nhờ vào sức mạnh của Thiên Chúa.

Annie cũng đã vượt qua được chấn thương tâm lý do rối loạn căng thẳng, thoát khỏi cảnh lạm dụng tình dục, thoát khỏi chứng ung thư, từng bị phá thai và sẩy thai. Cô quyết định thành lập tổ chức “Hookers for Jesus” (tạm hiểu: Người Móc Nối vì Chúa Giêsu). Nhiệm vụ của họ là 3 chữ H – HOOK (vượt xa để lôi kéo người khác trở về), HELP (giúp cho có chỗ ở), và HEAL (chữa lành và phục hồi).

Cô đã đến với các phụ nữ bị lạm dụng, đồng thời thông báo cho các nhà lãnh đạo, các tổ chức, và ngăn chặn các hành động buôn bán phụ nữ.

Không ai kinh nghiệm hơn những người đã trải qua điều gì đó. Không ai có thể nói với Annie rằng cô không hiểu gì, vì cô còn hiểu rõ hơn ai hết. Thiên Chúa có thể dùng bất cứ ai biết tín thác cuộc đời cho Ngài. Đối với Ngài, vấn đề không phải là bạn đã ở đâu, đã là ai, mà là bạn đang đi đâu và làm gì.

Lạy Thiên Chúa cứu độ, xin chúc lành cho những người như Annie, những người thoát khỏi địa ngục trần gian, nhưng biết trở về đường ngay nẻo chính và giúp đỡ các nạn nhân khác. Xin cảm tạ Ngài đã xót thương mà cứu chữa những người cậy nhờ Thánh Danh Ngài. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Cuối Mùa Cầu Hồn – 2016

KHOẢNG LẶNG CUỐI NĂM

KHOẢNG  LẶNG  CUỐI  NĂM
Sat, 26/11/2016 - Trầm Thiên Thu



Cuối năm tản mạn đôi dòng
Như trải tấm lòng thao thức suy tư
Cuộc đời một khoảng-thực-hư
Giã từ năm cũ, đón chờ tân niên

Cuối năm. Bloc lịch “gầy guộc” trơ trọi nằm lặng lẽ trên tường. Hình như nó cũng biết bâng khuâng!

Tôi ngồi trầm ngâm tính “sổ đời” và lật lại những trang lòng. Một sợi tóc quên xanh bất chợt rụng xuống trên trang viết. Thảng thốt. Vậy mà đôi khi tôi cứ ngỡ mình còn trẻ. À, tuổi xuân đã đi qua. Cơn lốc nào vẫn xoáy tít giữa dòng đời khiến ước mơ choáng váng? Những cơn mưa có lúc rất dễ thương, có khi lại bất chợt và vô tình làm ướt sũng vai áo bạc sờn. Vạt nắng có lúc vàng óng như tơ thong thả soi bóng lũy tre xanh đang rì rào ru giấc trưa, có khi lại hăng nồng, oi ả và gay gắt. Thế mà vẫn không đủ độ nóng hong khô một nỗi nhớ xa ngái. Mênh mang và mơ hồ. Mùi đất xông lên ngai ngái…

Bao năm ròng rã bôn ba giữa chợ đời, lòng tôi hóa cằn cỗi quá! Đam mê lúc đầy, lúc vơi, như sóng vỗ xô lòng tôi nghiêng chao, chênh vênh, khiến tôi như cánh bèo trôi giạt mãi lạc loài trong mấy vần thơ và dăm nốt nhạc. Tôi ngu ngơ đến nỗi tưởng chừng hóa thành tảng băng trên vùng Bắc cực. Tiếng xe cộ ngược xuôi ồn ào, tiếng ba gác khô khốc trên phố xá mà tôi vẫn trơ trơ hay đã bị đồng hóa? Tôi thèm nghe nhịp chân ngựa dồn vang xa, phía sau là chiếc thổ mộ mộc mạc. Ôi, một thoáng quê hương đã xa ngái!

Nửa đời vụt qua nhanh, tôi đã bước qua bên kia con con dốc cuộc đời. Cuối năm, sực nhìn lại mình và thốt nhiên nhận ra vị trí riêng mình thì hầu như đã là những giây phút của một sự muộn màng nào đó. Không thể không bâng khuâng. Lòng chùng xuống như sợi dây đàn khi thời tiết ẩm ướt. Rối bời những lo toan, bộn bề những nghĩ suy. Tôi như chiếc độc bình hiu quạnh đầy bụi bặm nằm lặng lẽ ở một góc đời. Lẽ nào tôi thành lạc hậu trong xã hội xa hoa và văn minh hôm nay mất rồi sao? Mơ ước vẫn vời xa… Tôi cứ loanh quanh mãi, như cố NS họ Trịnh tự vấn: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi! Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt? Trên hai vai ta đôi vầng Nhật, Nguyệt. Dọi suốt trăm năm một cõi đi về!” (Một Cõi Đi Về).

Tôi lang thang ra phố tìm vào một quán cà-phê vắng khách. Tĩnh tọa. Nhánh-sông-tôi vẫn trầm và vẫn động. Tiếng nhạc êm ả huyền thoại, giai điệu vẫn mượt mà. Cô chủ quán xinh xắn, dịu dàng, và đôn hậu “vô tình” bỏ quên nụ cười bên tách cà-phê đen. Những giọt buồn thánh thót, đều đặn. Âm nhạc đột biến thăng, giáng, xa vắng… Có nốt nhạc nào về dấu bình như thường? Âm nhạc chuyển điệu và biến tấu, lúc khoan, lúc nhặt. Cuộc đời cũng thế! Cà-phê bao giờ cũng vậy, đắng mới ngon. Lặng nghe vị đắng ngấm vào cơ thể để nghe xót xa cõi lòng. Chút dư vị làm tê lưỡi, môi miệng đắng đót như người trong cơn bệnh trầm kha. Đắng mà thú vị. Nhưng không ai thích cà-phê-đời có vị đắng! Tôi vê tròn nỗi đam mê thành điếu thuốc để đốt cháy những sợi tương tư thảo. Mấy đầu ngón tay đã vàng vọt…

Giao mùa. Giao thừa. Thời gian cứ vô tình dẫu nỗi buồn đã già nua.

Ngày mai tôi cũng sẽ như chiếc lá vàng rụng xuống từ giã mùa Thu để nhường bước cho mùa Đông lạnh lẽo. Tất nhiên thôi. Qui luật muôn đời: Sinh ký, tử quy. Sợi tóc bạc màu thời gian báo hiệu sự lão hóa thể lý. Nuối tiếc? Có thể. Tôi vẫn chưa làm gì được xứng đáng mặt mày râu, đường đường một tu mi nam tử. Không phải người ta sợ già mà người ta chỉ nuối tiếc tuổi xuân vụt qua như bóng câu. Thời gian vẫn vậy, nhưng thời gian có thể dài hay ngắn tùy tâm trạng con người. Thân phận con người mỏng dòn, nhỏ nhoi và yếu đuối quá đỗi! Thế mà đôi khi “tôi không làm điều tôi muốn mà lại làm điều tôi không muốn” (Thánh Phaolô). Tôi còn mang nhiều vị kỷ. Ôi, “cái TÔI thật đáng ghét” (Pascal). Khoảng buồn mênh mang bởi cái nghịch lý của sự yếu-đuối-nhân-loại ấy!

Màu tím choàng lên vai năm tháng. Chiều lên hay xuống? Vừa lên vừa xuống. Lời chiều réo gọi khi hoàng hôn rủ bóng. Sắc nhớ đã nhắc nhở về trăm năm hữu hạn kiếp người, mong manh và ngắn ngủi. Đâu khác chi bông hoa trước gió lộng, vì tôi chỉ được hóa thân từ cát bụi. Thiết nghĩ, nếu chiều dài của đời người là 1 m thì công thức có thể được tính là: 9 dm buồn + 1 dm vui. Một thực tại hẳn là quá phũ phàng! Đời người cũng như ngọn nến hao mòn khi được thắp sáng. Nhưng thắp sáng ở đâu và hao mòn cho ai? Cuộc sống hữu ích sẽ không là nghiệp chướng (theo cách nói nhà Phật) dù vẫn chỉ là một kiếp người.

Cõi lòng chợt tím. Tím đa sắc màu. Tím nhớ, tím mong, tím bâng khuâng, tím buồn, tím lo toan,… Càng sống lâu thì trái tim càng “cũ”. Vì thế, cần có tình yêu thương và lòng vị tha như chất sira để “đánh bóng” trái tim đã bị mờ nhạt vì bụi trần. Tôi đã, đang và mãi mãi cần một trái tim mới và bóng láng để phần nào phản chiếu được ánh sáng Chân-Thiện-Mỹ. Thước đo lòng tốt là tình yêu thương, không kỳ thị ai vì bất kỳ lý do nào. Sống tốt không chỉ là không làm điều ác (tiêu cực) mà còn phải làm điều thiện (tích cực). Khó thế mà tôi chẳng những yếu đuối mà lại đầy Tham-Sân-Si, khát vọng khôn nguôi, tháng ngày bất túc,… Con dế trũi cũng biết lặng rung cánh ưu phiền. Nhánh cỏ dại bên đường dẫu khẳng khiu vẫn “cam chịu” cả nắng sớm lẫn mưa chiều. Biển có bình yên vẫn còn sóng lăn tăn vết buồn, nhưng biển ngàn năm vẫn mặn và bao la, luôn sẵn sàng bồi đắp phù sa.

Cuối giờ, cuối ngày, cuối tháng, cuối năm. Ít nhiều gì tôi cũng phải chuẩn bị cho cuối đời. Trời đất có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Có mùa nào là “mùa tôi” trong chốn phù trầm này? Tôi chợt thèm uống vài giọt piano cho cõi lòng mát rượi.

Tản mạn đôi dòng cuối năm để tập trung suy nghĩ. Xin cảm ơn nỗi khổ. Xin cảm ơn gian truân. Xin cảm ơn cuộc đời. Xin cảm ơn thời gian. Vì chính tôi đã nhận như không cả một niềm-khát-vọng-vươn-tới-hạnh-phúc-không-ngừng. Quả đúng là có năm cung bậc dẫn đến khôn ngoan là lặng thinh, lắng nghe, ghi nhớ, hành động, và học tập (Tục ngữ Ả-rập). Âm nhạc Việt Nam cũng có hệ thống ngũ cung, nghe rất lạ. Thâm thúy dường bao tư tưởng của một thi sĩ xưa:

Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao

Và rồi mùa Đông giá lạnh cũng sẽ qua để con dơi bừng giấc Đông. Và bình minh lại vươn cao để gọi nắng Xuân về chiếu tỏa, sưởi ấm mọi miền cho ngàn hoa khoe sắc, cho cây lành, trái ngọt. Tôi lại tiếp tục khởi sự một-bắt-đầu. Dù thế nào cũng vẫn cần phải “dậy mà đi” (Ngô Tất Tố), như dòng sông không ngừng chảy. Vâng, “Tôi ơi, đừng tuyệt vọng!” (Trịnh Công Sơn). Hãy cố gắng là một đóa hồng trao tặng cuộc đời. Con chim vẫn hót dù biết mình sắp bị mũi tên bắn trúng. Như vậy, tôi phải sống thăng hoa, vượt lên mọi chướng ngại. Tôi cố gắng viết những gì tôi sống, và sống những gì tôi viết…

Cuộc sống có biết bao điều khiến người ta sợ, không ai giống ai và với các mức độ khác nhau. Nhưng chính Chúa Giêsu nhiều lần khuyến khích: “Đừng sợ!” (St 15:1; St 21:17-18; St 26:23-24; St 35:16-17; St 43:23; St 46:1-4; St 50:18-21; Xh 14:13; Đnl 31:6; Is 41:10; Is 41:13; Is 43:1; Is 43:13; Gr 46:27-28; Gr 51:46; Mt 10:26; Mt 10:28; Mt 10:31; Mt 14:27; Mt 17:7; Mt 28:5; Mt 28:10; Mc 5:36; Mc 6:50; Ga 14:27; Lc 1:13; Lc 1:30; Lc 2:10; Lc 5:10; Lc 12:4; Lc 12:7; Lc 12:32; Lc 21:9; Ga 6:20; Ga 14:27; Kh 1:17-18). Lời động viên ngắn gọn, giản dị mà đầy đủ ý nghĩa, nhưng lại không dễ thể hiện!

Dù chưa làm được điều mình muốn, nhưng tôi vẫn muốn làm điều mình mơ ước. Tôi muốn cố gắng noi gương người Samari nhân hậu (Lc 10:29-37). Tôi không muốn tranh giành như hai con ông Dêbêđê (Mt 20:20-23; Mc 10:35-40). Tôi muốn sống theo lời Chúa Giêsu khuyên phục vụ (Mt 20:24-28; Mc 10:40-45). Tôi chỉ như ông Ladarô (Lc 16:19-31) nghèo khổ, và như ông Mátthia (Cv 1:24-26) điền vào chỗ trống cho đủ. Con người rất dễ kiêu ngạo, thế nên tôi cần cố gắng sống khiêm nhường (Ga 13:1-20), tự khó với chính mình. Tôi chỉ là người phụ nữ ngoại tình (Ga 8:2-11), là người thu thuế (Lc 18:13), nhưng tôi tin Chúa Giêsu là Đường, là Sự thật và là Sự sống (Ga 14:6).

Lạy Thiên Chúa giàu Lòng Thương Xót, con tín thác vào Ngài! Xin hướng dẫn con từ lúc con bắt đầu suy nghĩ để con có thể hành động đúng Tôn Ý Ngài, vì tất cả đều bởi Ngài và là của Ngài, xin giúp con quản lý tốt những “nén” mà Ngài giao phó cho con để sinh lợi cho Ngài. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Thiên Chúa cứu độ của con. Amen.


TRẦM THIÊN THU

Jan 1, 2017- Chúa nhật lễ Mẹ Thiên Chúa năm A

Jan 1, 2017- Chúa  nhật  lễ  Mẹ  Thiên  Chúa  năm  A
Đức  Maria  là  Mẹ  Thiên  Chúa  và  Mẹ  chúng  ta


                                        
Các Bạn thân mến,
Chúng ta biết rằng thế giới cũ của bà Evà là một thế giới kiêu ngạo, ích kỷ, không tuân lệnh Thiên Chúa, bất hoà với nhau, với súc vật, với cây cỏ thiên nhiên: ông Adong đổ lỗi cho bà Evà, bà Evà đổ lỗi cho con rắn. Và từ đó đi đến bất hạnh: anh em Cain và Aben giết lẫn nhau, phân tán, chia rẽ. Gây nên một thế giới đổ vỡ, đau khổ.
Khi Hài Nhi Giêsu chào đời, là Đức Mẹ đã sinh ra một con người mới, khai sinh một thế giới mới. Một thế giới biết:
-  Vâng phục Thiên Chúa: Đức Giêsu hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha, sinh xuống thế gian làm người, chịu thân phân con người đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập giá. Đức Mẹ vâng phục thánh ý Thiên Chúa khi thưa “Xin vâng”với sứ thần. Thánh Giuse vâng phục Thiên Chúa trở về nhận Đức Mẹ làm bạn. Các mục đồng vâng theo lời thiên thần đến hang Bêlem tìm Chúa Haì Nhi. Ba Vua vâng phục theo ánh sang đến thờ lạy Hai Nhi Giesu…
-  Hài hoà: không phải chỉ có giữa Đức Giêsu với Đức Mẹ và Thánh Giuse. Cảnh Đức Giêsu nằm giữa thiên nhiên, trong hơi ấm của bầy chiên bò, với đoàn mục đồng và Ba Vua quây quần chung quanh nói lên một thế giới chung sống hoà hợp với trời đất, với con người và với thiên nhiên. Con người sống an hòa với Chúa và với nhau.
-  Quên mình: Đức Giêsu quên địa vị mình là Thiên Chúa để xuống ở với nhân loại. Ngài đã quên mình là Đấng thánh thiện để đến với người tội lỗi. Chúa đã quên mình là Thầy, là Cha, để quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ của mình. Và nhất là Ngài đã quên mình vô tội đến nỗi sẵn lòng hiến thân chịu chết cho loài người tội lỗi. Sự quên mình, quan tâm lo lắng chăm sóc cho người khác đã khai sinh một thế giới mới chan chứa tình yêu thương và ấm áp sự hoà thuận. Đó chính là cảnh thái bình đáng mong ước.
Ngày đầu năm mới, Giáo Hội mừng kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, với mong muốn thế giới luôn được sinh lại, được đổi mới, thực sự có hoà bình; con người biết sống hài hoà với nhau trong sự vâng phục Thiên Chúa, và thương yêu nhau. Giáo Hội cũng mời gọi tất cả chúng ta hãy cùng với Đức Mẹ xây dựng, góp phần tạo một thế giới mới cho hiện tại và tương lai.
Điều đó khiến chúng ta nghĩ tới hy vọng mới, với cuộc đời mới. Nên năm mới là cơ hội để chúng ta bắt đầu lại.
Năm ngoái là quá khứ, đã qua rồi. Năm mới vừa bắt đầu và đang ở trước mặt chúng ta. Đó là món quà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta. Thật là thích hợp khi Giáo hội chọn ngày đầu năm để mừng kính lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa. Nhắc nhở chúng ta rằng vì tình mẫu tử của Đức Maria mà chúng ta được Thiên Chúa ban cho một đời sống hoàn toàn mới, một niềm hy vọng mới luôn được nằm trong sự che chở của Ngài.

 1. Mẹ Thiên Chúa:
 - Khi truyền tin cho Đức Mẹ, Sứ Thần nói rõ:"Đấng Thánh Bà sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa." Như thế đương nhiên Đức Maria được là Mẹ Thiên Chúa.
 - Nhờ mặc khải, bà chị họ Elisabet cũng đã cất tiếng:"Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến thăm tôi?"
 - Nghĩa là danh xưng Mẹ Thiên Chúa đã có từ nguồn gốc xa xưa ban đầu đó, nên để nhấn mạnh địa vị, công sức, cùng cảm tạ và tuyên xưng công trạng của Me, Giáo Hội đã dành ngay tuần đầu sau Đại lễ Giáng sinh, là lễ Cắt bì và đặt tên Đức Giesu để chúc mừng Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa.
-  Qua mầu nhiệm nhập thể đó, Con Thiên Chúa đã tự liên kết mình với mọi người, sinh từ lòng Đức Maria, Ngài thực sự trở thành một người trong chúng ta, hoàn toàn giống như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi.

2. Mẹ Giáo Hội và Mẹ chúng ta:
-  Ngay từ lúc hiểu được sự việc, Mẹ Maria đã xin vâng lời Sứ Thần truyền để thụ thai Đấng Cứu Thế, rõ ràng Mẹ Maria đã cộng tác trong công cuộc cứu chuộc nhân loại cùng với Đức Kito ngay từ giây phút đầu tiên.
- Nên Đức Mẹ không phải chỉ là Mẹ Thiên Chúa. Ngài còn là Mẹ của toàn nhân loại về mặt tâm linh. Nên khi Đức Mẹ sinh ra Đức Giêsu, Ngài cũng sinh ra một nhân loại mới.
-  Mẹ Maria đã thụ thai, sinh hạ, và nuôi dưỡng chăm sóc Đức Giesu, người con bằng xương thịt, máu mủ của Mẹ lớn dần lên.
-  Suốt những năm tháng Đức Giesu đi rao giảng, Đức Mẹ không ngừng quan tâm, chia sẻ, thông công với Con Giesu cũng như các môn đệ của Con mình.
-  Đức Mẹ theo dõi từng chi tiết cuộc khổ nạn tủi nhục và từng bước lặng lẽ kín đáo theo bước chân Con đi.
- Trước khi tắt thở trên thập gía, Đức Giesu đã ban Mẹ Maria của mình cho thánh Gioan và trao phó thánh Gioan lại cho Đức Me.
- Kể từ đó Gioan đón Mẹ Maria về, trực tiếp chăm sóc, dưỡng nuôi.
- Sau khi Đức Giesu chịu chết, sống lại và về Trời, Me Maria luôn hiện diện cùng với các môn đệ để an ủi, nâng đỡ và cầu nguyện, chờ đợi lãnh nhận Chúa Thánh Thần.
- Đấy là Giáo Hội ban đầu, một mẫu hình thánh thiện, đồng tâm hợp lực, sốt sáng cầu nguyện với nhau.
- Sau khi Đức Mẹ qua đời, và được hồn xác về trời cho đến bây giờ và chắc chắn sẽ mãi mãi cho đến ngày tận thế, Ngài vẫn không ngừng chăm sóc Giáo Hội cùng chúng ta.
- Qúa khứ đã chứng minh tất cả những ai chạy đến cầu van Đức Mẹ, Ngài đều cho thỏa lòng.
- Những nơi Đức Mẹ hiện ra, những đền đài kính Đức Mẹ ở khắp mọi nơi, chúng ta thấy tràn đầy những bia đá cảm tạ, tri ân Ngài, không chỉ của các tín hữu Kito, mà còn của nhiều người thuộc nhiều tôn giáo khác.
- Mẹ Maria đúng là người Mẹ hiền, đã xây dựng và nuôi dưỡng Giáo Hội của Con Mẹ.
- Hơn thế nữa vì Đức Mẹ là Mẹ chúng ta, nên Ngài còn là một trạng sư bào chữa bênh vực cho chúng ta rất hữu hiệu ở trên trời nữa.
- Chúng ta hãy tin tưởng vào tình yêu thương và sự quan tâm chu đáo của Đức Mẹ mà cảm tạ, chúc tụng Ngài hằng ngày cùng cầu xin những gì chúng ta thiếu thốn, chúng ta cần hoặc những khi khổ đau.

3. "Maria ghi nhớ và suy niệm tất cả những việc đó trong lòng."
Đọc Tin Mừng chúng ta thấy rõ Đức Mẹ là người chín chắn, kín đáo và ít nói. Suốt cả cuộc đời Đức Mẹ là những chuỗi ngày âm thầm suy đi nghĩ lại những biến cố xẩy đến cho mình cũng như cho Con Giesu yêu dấu của mình.
Đó là cách cầu nguyện của Đức Mẹ, suy niệm về hoạt động của Thiên Chúa, không phải chỉ ở trong lịch sử loài người, mà còn ở ngay trong cuộc sống của Ngài nữa.  Một kiểu mẫu cầu nguyện khác nữa của Đức Maria là nói với Thiên Chúa cách hồn nhiên những gì xuất phát từ trái tim Ngài và trọn vẹn xin vâng. Dù phải đón nhận tất cả những việc lạ lung xẩy ra:
- Lần đầu bối rối ngỡ ngàng gặp Sứ Thần truyền tin thụ thai.
- Được nghe bà chị họ Elisabet tuyên xưng danh hiệu cao cả "Mẹ Thiên Chúa."
- Cảnh đêm thâu giữa cánh đồng hoang vu thanh vắng đột nhiên huy hoàng ánh sao với muôn ngàn thiên binh ca hát ngợi khen chúc tụng Thiên Chúa và Hai Nhi mới sinh ra, cùng mục đồng, ba vua, chiên bò thờ lạy Chua Hài Đồng.
- Đức Mẹ tuân theo tục lệ dâng Con vào đền thờ để chịu phép Cắt bì như mọi con trẻ trần gian, rồi đặt cho Con mình một cái tên lạ lùng chưa từng có trong họ hàng, là Giesu.
- Đức Mẹ Ngạc nhiên khi nghe những lời chúc tụng của ông Simeon và bà Anna cùng những lời tiên báo về Con mình, là Đấng Cứu Độ, lá Ánh sáng, và vinh quang của dân Israel.
- Mẹ Maria còn phải đau khổ như muôn ngàn lưỡi gươm đâm thâu qua lòng, để những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra.
- Theo lệnh Sứ Thần, Mẹ phải ãm bồng Con nhỏ đi tị nạn.
- Trước cảnh lạc mất Con cùng sửng sốt khi thấy Con đàm đạo với các thầy tư tế, các giáo sĩ trong đền thờ.
- Rồi Con từ biệt Mẹ đi làm nhiệm vụ với bao vinh hiển nhưng vẫn không có chỗ dựa đầu!
- Chứng kiến những phép lạ Con làm.
- Trước cảnh Con bị môn đệ chối bỏ, quân lính bắt bớ, giam cầm, tra tấn tủi nhục, dân chúng khinh chê nhạo báng...
-  Cuối cùng Đức Mẹ khổ đau kiệt sức rũ rượi đứng dưới chân thập tự của Con.
-  Được Con trao trối lại cho môn đệ và nhận môn đệ làm con mình.
-  Chứng kiến cảnh trời đất rung chuyển tối sầm lạ lùng khi Con tắt thở.
-  Ôm xác Con khi được tháo khỏi thập gía.
-  Liệm và an táng Con trong nấm mồ của người khác!
-  Tràn niềm vui mừng khi Con sống lại và đến thăm Mẹ.
-  Ngước mắt nhìn thân thể Con bay về trời.
-  v.v...
Sự âm thầm chịu đựng một mình và ghi nhớ trong lòng những ân huệ, những biến cố, những đau khổ đó của Đức Mẹ chắc chắn không phải Đức Mẹ an phận, tuyệt vọng nơi Thiên Chúa, và Đức Giesu con Mẹ. Dù đau khổ tột cùng, Mẹ Maria cũng không muốn cản trở công việc của Con, đặc biệt không muốn trái ý Thiên Chúa.
Vì Mẹ biết Thiên Chúa có thể làm mọi sự và Giesu con Mẹ cũng thường nghe lời cầu của Mẹ, như khi làm cho nước hóa thành rượu ngon trong một tiệc cưới thiếu rượu. 
Hơn thế nữa, sự kiên trì chịu đựng và âm thầm ngẫm suy của Đức Mẹ còn cho biết tâm lòng Mẹ bình an biết chừng nào, và tin yêu phó thác trọn vẹn biết bao. Rõ ràng sức mạnh của Đức Mẹ thật là phi thường tuyệt đối.
Đức Mẹ thật xứng đáng là Mẹ Thiên Chúa, là Mẹ Giáo Hội và là Mẹ tất cả mọi người chúng ta, bởi đã sinh ra người con có bản tính Thiên Chúa và cả bản tính người phàm để cùng với Con mình, hoàn tất công trình giải thoát, cứu chuộc nhân loại mọi thời đại đưa về với Thiên Chúa.

Lạy Chúa Hài Đồng Giesu Kito, Giáo Hội của Ngài dùng ngày đầu năm để kính mừng Mẹ Thiên Chúa và Ngày Cầu Cho Hòa Bình Thế Giới, hẳn không ngoài ước muốn cảm tạ Thiên Chúa đã cho mọi chuyện vui buồn của một năm cũ trôi qua, cùng chúc tụng Đức Mẹ và xin cùng Mẹ cầu nguyện Chúa thương ban cho chúng con một năm mới được hoàn toàn tuân theo sự quan phòng của Ngài và hòa bình cho mọi dân mọi nước để thế giới mỗi ngày hưởng ứng thêm, noi gương Mẹ Maria, hầu thành qủa của hòa bình phát sinh mạnh mẽ trong lòng mọi người. Vì Đức Giesu, Chuá chúng con. Amen.

Thân mến,
duyenky




Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2016

Happy New Year 2017



 Happy   New   Year   2017




Hân   Hoan   Chúc   Mng   Năm   M ới
Đến   Tt   C   Các   Thân   Hu,   Các   Bn   và   Gia   Đình 
Vi   Nhng   Gì   Tôt   Đẹp   Nht!

Th ân   M én,
DuyenKy

9 bí mật đàn ông giấu kiểu gì phụ nữ cũng tìm ra




9  bí  mật  đàn  ông  giấu  kiểu  gì  phụ  nữ  cũng  tìm  ra

(Thứ sáu, 22/7/2016-VnExpress.net)


Bạn đã quá chủ quan nếu nghĩ việc mình hay xem phim đen hoặc có khoản nợ lớn sẽ không bao giờ bị bạn gái hoặc vợ phát hiện.

Ai cũng có những điều chẳng muốn người khác biết. Nhưng đôi khi, việc giấu giếm hay nói dối về nó càng làm vấn đề trở nên tệ hơn là thẳng thắn thừa nhận. Dưới đây là 10 điều bạn nên thành thật bởi rút cục "nửa kia" chắc chắn sẽ có lúc phát hiện, theo Askmen.

Bạn xem phim sex
Bạn xem phim đen và nhiều khả năng cô ấy cũng làm vậy. Vợ hay bạn gái có thể phát hiện điều này khi bạn vô tình quên tắt một trang nào đó hoặc cô ấy xem lịch sử các trang web bạn đã vào. Vì thế, đừng cố nói dối rằng mình chẳng bao giờ quan tâm đến các hình ảnh khiêu khích hoặc tệ hơn, mạnh miệng nói rằng phim sex "thật ghê" bởi nàng có thể bực vì bạn nói dối chứ không phải do bạn bấm vào các trang này.

Bạn có khoản nợ lớn                                                  
Hầu hết chúng ta đều có lúc nợ nần vì muốn đi học một khóa gì đó hay vay mua nhà, đi du lịch hoặc lập công ty riêng... Dù vì lý do gì, đó cũng là chuyện quá khứ và việc của bạn là cố gắng trả hết nợ. Đừng hy vọng có thể bạn gái không biết việc này. Nếu bạn liên tục gạt bỏ các ý tưởng đi chơi cuối tuần hay lần nào đi ăn tối cũng tính toán căn cơ, cô ấy sẽ nhận ra có vấn đề gì đó. Nếu hai bạn đã cưới nhau, việc giấu giếm về tài chính càng khó và là điều không nên chút nào. Thay vào đó, hãy chia sẻ thành thật và khiến nàng yên tâm bằng cách giải thích vì sao bạn nợ món đó và từng bước bạn sẽ trả hết nợ thế nào.

Bạn bừa bộn
Chẳng ai bảo bạn phải sạch như lau, nhưng nếu bát đĩa ăn xong bạn để trong bồn cả tuần, còn sàn nhà, bàn ghế, giường ngủ vương đầy quần áo bẩn thì rõ ràng bạn là người luộm thuộm rồi. Bạn muốn giấu nàng về tình trạng ở bẩn và hễ khi nào cô ấy ghé thăm là vội vàng thu dọn. Dù vậy, thể nào cô ấy cũng sẽ phát hiện ra bởi có lúc nàng sẽ đến bất ngờ hoặc đôi khi bản tính bừa bãi khiến bạn cố dọn nhưng vẫn lộ những nơi bẩn.

Bạn từng phản bội

Phụ nữ có khả năng tìm hiểu thông tin rất tài. Nếu bạn từng không chung thủy trong các mối quan hệ trước, dù vì lý do gì, nên kể ra sớm. Nếu để cô ấy tìm ra qua một đoạn chat chia tay của bạn với người cũ hay qua bạn bè, đồng nghiệp của bạn, sẽ rất khó lường trước việc gì sẽ xảy ra. Hãy đặt mình vào vị trí của cô ấy. Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu phát hiện nàng từng có quan hệ ngoài luồng và không bao giờ kể cho bạn biết.

Các vấn đề về tâm lý của bạn
Bạn có thể cố giấu giếm mình từng bị trầm cảm hoặc dễ nổi khùng nhưng việc này khó qua mắt phụ nữ. Chẳng sớm thì muộn chính bạn sẽ thể hiện các vấn đề này trước cô ấy. Thành thật mà nói, nếu bạn có bất cứ vấn đề tâm lý nào, nên tích cực tìm cách điều trị vì chính bạn hơn là vì "nửa kia", nhưng nên để nàng biết sự thật trước khi cô ấy tự mình chứng kiến.

Bạn hút thuốc hay dùng các chất kích thích 
Bạn có thể nghĩ rằng mình chỉ hút thuốc hay uống rượu khi không có mặt cô ấy nên nàng sẽ chẳng thể biết được. Thực tế, sự thật này chắc chắn sẽ có lúc phơi bày. Và tốt nhất, bạn nên cho cô ấy biết và để cô ấy giúp mình bỏ các thói quen xấu này. Hay ít ra, bạn cũng để cô ấy có quyền lựa chọn, có chấp nhận được lối sống thiếu lành mạnh của bạn hay không.

Bạn có vấn đề về ghen tuông
Hầu hết phụ nữ đều muốn cảm thấy chàng thật lòng quan tâm đến mình, nhưng họ sẽ trở nên phòng thủ nếu bạn hay tra khảo nàng về những cuộc gọi hay các tin nhắn cô ấy nhận được từ nam giới khác. Trong trường hợp này, nếu biết mình dễ nổi ghen, bạn nên thừa nhận với cô ấy trước khi nàng quyết định chia tay hay nổi điên vì những biểu hiện thái quá của bạn.

Bạn có vấn đề về sức khỏe         
Bạn có thể không muốn cho bạn gái biết tình trạng sức khỏe không tốt của mình trong vài buổi hẹn đầu nhưng đừng mong sẽ giấu được lâu. Cho dù đó là các vấn đề nghiêm trọng như bệnh lây qua đường tình dục hay tiểu đường hoặc các trục trặc nhỏ như rụng tóc hay nấm kẽ chân, đừng giấu giếm. Hơn nữa, bạn càng sớm cho cô ấy biết, cả hai càng nhanh quyết định được vấn đề sức khỏe đó có phải là trở ngại cho mối quan hệ này không.

Bạn thiếu các kỹ năng thường nam giới đều biết
Đúng là bạn nên học các kỹ năng mà nam giới thường làm tốt, chẳng hạn như thay lốp xe hay lắp bóng đèn..., nhưng nếu không khéo léo gì, bạn cũng đừng ngại. Nếu bạn nói dối hoặc cố tình thể hiện mình biết những việc này, sẽ có lúc bạn rơi vào tình huống "muốn chui xuống lỗ" bởi chẳng thể thực hành được khi nàng cần. Bởi vậy, thay vì xây dựng một mối quan hệ dựa trên những lời nói dối không đáng, hoặc bạn hãy học một số kỹ năng cần thiết, hoặc thể hiện cho nàng thấy bạn xuất sắc ở những lĩnh vực khác.
Vương Linh

NGƯỜI MANG THIÊN CHÚA



NGƯỜI  MANG  THIÊN  CHÚA
( Lễ  Mẹ  Thiên  Chúa – Ngày  Hòa  Bình  Thế  Giới)
Wed, 28/12/2016 - Trầm Thiên Thu



Từ thế kỷ III – IV, người ta đã thấy xuất hiện danh xưng “Mẹ Thiên Chúa”. Theo tiếng Hy Lạp, Theotókos [θeoˈtokos] nghĩa là “người mang Thiên Chúa”, trở nên tiêu chuẩn của giáo huấn Giáo Hội về Mầu nhiệm Nhập thể. Công đồng Êphêsô năm 431 nói rằng các thánh giáo phụ đã đúng khi tôn xưng Đức Mẹ là Theotókos.

Khi bế mạc công đồng này, nhiều người đã cùng đi diễu hành và hô to: “Tôn vinh Đấng Theotókos!”. Truyền thống đó còn tới ngày nay. Trong chương nói về vai trò của Đức Maria trong Giáo Hội, Hiến chế về Giáo Hội Hiến chế về Giáo Hội (Dogmatic Constitution on the Church, Công đồng Vatican II) đã 12 lần tôn xưng Đức Maria là “Mẹ Thiên Chúa”.

Tuy nhiên, Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng tôn danh “Mẹ Thiên Chúa” đã được người chị họ Êlidabét – mẹ của Thánh Gioan Tẩy Giả – sử dụng lần đầu tiên, khi hai chị em gặp nhau: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa (của) tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1:42-45).

Những người theo trào lưu chính thống cảm thấy “ái ngại” khi Đức Mẹ được tôn vinh là Thánh Mẫu Thiên Chúa. Tuy nhiên, phản ứng của họ thường dựa vào sự hiểu lầm – không chỉ về danh xưng của Đức Mẹ mà còn về Chúa Giêsu là ai, điều mà các nhà thần học và các nhà cải cách Tin Lành đã đề cập và có liên quan giáo lý này.

Một phụ nữ là mẹ của một con người nếu phụ nữ đó mang thai người đó hoặc di truyền nửa tổng số gen cho người đó. Đức Maria là Mẹ của Đức Giêsu theo cả hai nghĩa này, vì Đức Maria không chỉ mang thai Đức Giêsu mà còn di truyền gen cho thân thể Ngài, do đó mà qua Đức Maria – chứ không phải Đức Giuse, Chúa Giêsu thuộc dòng dõi vua Đa-vít về phương diện nhục thể.

Giáo Hội mừng kính Mẹ Thiên Chúa vào ngày đầu năm dương lịch, cũng là ngày cầu xin hòa bình cho thế giới. Mẹ luôn kỳ diệu, không ai hiểu hết tình mẫu tử. Có một sự trùng hợp kỳ lạ: Mẹ hoặc Má (tiếng Việt), Mother (Mom, Mum – tiếng Anh), Mère (Maman – tiếng Pháp), Mutter (Mumie – tiếng Đức), Madre (Mamá – tiếng Tây Ban Nha), Madre (Mamma – tiếng Ý), Moeder (Mummie – tiếng Hà Lan),… Nhưng khi gọi Cha thì các nước không dùng chung âm mở đầu, mỗi nước mỗi khác. Phải chăng đây là “đặc cách” mà Thiên Chúa đã dành cho Đức Mẹ, Mẹ của những người Mẹ, và tất cả những phụ nữ làm Mẹ?

Người ta nhận thấy có hai điều thú vị về cha mẹ: [1] Mẹ khởi đầu cho cuộc sống, tình yêu và hạnh phúc; [2] Cha khởi đầu cho ý chí, niềm tin và sức mạnh. Mẹ là “nội tướng” tạo sự êm ấm trong gia đình. Bàn tay phụ nữ thật kỳ diệu, làm những việc-không-tên, nhưng thiếu bàn tay của người mẹ thì mọi thứ trở nên bừa bộn. Tất nhiên người cha cũng có một vị trí nhất định. Người mẹ và người cha bổ túc lẫn nhau để duy trì gia đình trong ấm ngoài êm.

Người Anh có câu: “Người ta có thể mua tất cả, trừ cha mẹ”. Cha hoặc mẹ đều có vị trí và vị thế không thể hoán đổi, nhưng mẹ luôn dễ gần gũi hơn. Mẹ là tất cả của cuộc đời con cái, mẹ như gà mẹ xòe cánh che chở con khỏi bị diều hâu làm hại: “Nơi ẩn náu yên ổn nhất là lòng mẹ” (Florian). Mẹ được ví von bằng những gì giản dị, gần gũi và thân thiết nhất: Vầng trăng, khúc ca dao, cổ tích, quê hương, lọn mía, nải chuối, buồng cau, tiếng dế,... Còn ca dao Việt Nam so sánh:

Mẹ già như chuối Ba Hương
Như xôi Nếp Một, như Đường Mía Lau

Xin được “mở ngoặc” nhỏ: Chuối Ba Hương là chuối Bà Hương. Sách “Vân Đài Loại Ngữ” nói đó là chuối Ba Tiêu, ở xứ Giao Châu có nhiều loại chuối, trong đó có chuối lùn (bà lùn). Từ đó nhân gian suy nghĩ thêm chuối Bà Lùn cùng “ruột thịt” với chuối Ba Hương và tồn tại từ buổi khê động hái lượm xứ Giao Châu. Xôi nếp một còn gọi là xôi nếp mật, người ta có món xôi mật; mía lau là một loại mía ngọt lịm, dùng để làm đường. Nói chung, đó là những thứ ngon ngọt nhất và đậm đà “chất” quê hương – vì Mẹ là Quê Hương. Ca dao Việt Nam ân cần đề cao công lao của cha mẹ:

Công cha nghĩa mẹ cao vời
Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta
Nên người con phải xót xa
Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao
Đội ơn chín chữ cù lào
Sinh thành kể mấy non cao cho vừa

Mẹ là câu chuyện cổ-tích-có-thật nghe mãi không chán, và cũng không ai khả dĩ hiểu hết Tình Mẫu Tử. Nói đến song thân phụ mẫu, người ta đề cập chín đức cù lao: [1] Sinh (cha mẹ đẻ ra), [2] Cúc (nâng đỡ), [3] Phủ (vỗ về vuốt ve), [4] Súc (cho ăn bú mớm), [5] Trưởng (nuôi nấng thể xác), [6] Dục (giáo dưỡng tinh thần), [7] Cố (trông nom, nhìn ngắm), [8] Phục (quấn quít, săn sóc không ngừng), [9] Phúc (ẵm bồng, gìn giữ, lo cho con đầy đủ, sợ con bị ăn hiếp).

Nói đến tình cha nghĩa mẹ thì phải cũng phải nói tới trách nhiệm của người con. Những người trung niên trở lên chắc hẳn còn nhớ tập truyện “Nhị Thập Tứ Hiếu” (*), đó là gương hiếu thảo của 24 người con, do Quách Cư Nghiệp kể lại. Có điều “lạ” là trong 24 hiếu tử đó, đa số lại là nam giới. Ước gì cuộc đời có thật nhiều nhưng tấm gương hiếu thảo như vậy!

Nhưng thật buồn thay, vì trần gian vẫn có những nghịch tử bất nhân với chính đấng sinh thành của mình. Một trong các nghịch tử đó là Hoàng Khắc Thắng (25 tuổi), ngụ xóm 25, xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Thắng bị bắt ngày 4-12-2013 vì tội nhẫn tâm đánh chết mẹ ruột là bà Nguyễn Thị Đấu (68 tuổi).

Nguyên nhân: Tối 2-12-2013, Thắng đi làm về nhưng chưa thấy mẹ nấu cơm nên gọi hỏi mẹ. Bà Đấu bị ốm nên không dậy nấu cơm được. Nghe vậy, Thắng vừa chửi bới vừa xông vào dùng tay và dép đánh tới tấp vào người bà. Hàng xóm nghe tiếng kêu chạy sang, đập cửa nhưng Thắng không mở. Khi bị dọa báo công an, Thắng mới dừng tay. Thấy bà Đấu bị thương, hàng xóm đã gọi điện báo công an và đưa bà đi cấp cứu tại trạm y tế xã Nghi Phương. Hàng xóm còn cho biết rằng Thắng thường xuyên đánh đập mẹ, nhiều hôm bà Đấu phải trốn sang nhà hàng xóm ngủ nhờ. Thật đau lòng mẹ!

Sau một đêm cấp cứu, tình trạng bà Đấu xấu hơn nên được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Lộc. Các bác sĩ phát hiện bà bị nhiều vết thương sưng tím bầm ở gáy, đầu, mặt và hai cánh tay. Sau hai ngày điều trị, bà Đấu đã tử vong vào sáng 4-12-2013. Nghịch tử Thắng có bị xử tử cũng không thể đền bù tội lỗi. Khốn nạn thay cho những nghịch tử như Thắng!

Chữ Mẹ chỉ có hai mẫu tự, thế mà con cái viết cả đời chưa xong. Mẹ luôn là điều kỳ diệu, bí ẩn, không ai hiểu hết. Trong thi phẩm “Con Cò”, thi sĩ Chế Lan Viên (1920-1989) nói về tình mẫu tử: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ, đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”. Thật cảm động biết bao! Cố NS Y Vân cũng trút niềm cảm phục tình mẹ qua ca khúc nổi tiếng “Lòng Mẹ” mà hầu như ai cũng đã hơn một lần ngâm nga: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào, tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào...”. Còn ca dao Việt Nam so sánh tình cha mẹ, đồng thời khuyên răn những người con:

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ, kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

Đối với người mẹ trần gian, ngạn ngữ Trung Hoa xác định: “Phúc đức tại mẫu”. Quả đúng là vậy, chính Đại đế Napoléon I đã nhận xét: “Tương lai của con là công trình của mẹ”. Vũ trụ có nhiều kỳ quan, nhưng trái tim người mẹ vẫn là kỳ quan tuyệt với nhất.

Nói về người mẹ tâm linh – Thánh Mẫu Maria, Thánh GM Denis (cũng gọi là Dionysius, tử đạo khoảng năm 258) xác định: “Đức Mẹ là nơi nương náu của những người đã hòng hư mất, là niềm hy vọng của những người không còn hy vọng”.

Ngày xưa, Thiên Chúa đã phán với ông Môsê: “Hãy nói với A-ha-ron và các con nó rằng: Khi chúc lành cho con cái Ít-ra-en, anh em hãy nói thế này: Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em! Chúc như thế là đặt con cái Ít-ra-en dưới quyền bảo trợ của danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng” (Ds 6:23-27).

Ai cũng yêu quý hiếu tử, nhưng có trở nên hiếu tử hay không lại là chuyện khác. Nếu chúng ta thực sự là hiếu tử thì mới xứng đáng dâng lời cầu nguyện này: “Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc, xin toả ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con, cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa, và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài” (Tv 67:2-3). Nếu đúng như vậy, chắc chắn Thiên Chúa sẽ rất vui mừng chấp nhận và sẵn sàng chúc lành cho chúng ta!

Theo đạo-làm-người, tu thân là điều kiện tiên quyết trong “tu luật” của mọi người: Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Có tu tâm sửa tính thì mới đủ đức độ để mà “tề gia”, rồi mới có thể “trị quốc” và “bình thiên hạ”. Những người có quyền mà không có đức thì chỉ “hành” người khác và làm rối loạn xã hội. Rất nguy hiểm! Tác giả Thánh Vịnh hy vọng và cầu chúc: “Ước gì muôn nước reo hò mừng rỡ, vì Chúa cai trị cả hoàn cầu theo lẽ công minh, Người cai trị muôn nước theo đường chính trực và lãnh đạo muôn dân trên mặt đất này. Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa, chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài” (Tv 67:5-6).

Là hậu sinh, và diễm phúc được lãnh nhận đức tin, chúng ta hãy đồng tâm nhất trí cầu xin: “Nguyện Chúa Trời ban phúc lộc cho ta! Ước chi toàn cõi đất kính sợ Người!” (Tv 67:8). Được như vậy thì mới là được hưởng nền hòa bình đích thực và vĩnh cửu.

Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế, Ngài đã đến thế gian lần thứ nhất, và Ngài sắp trở lại lần thứ nhì với tư cách Vua Công Lý. Thời gian này là thời gian chạy nước rút – giống như trong các cuộc thi điền kinh hoặc đua xe đạp. Thánh Phaolô nói: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4:5). Đó là đại phúc chúng ta được tận hưởng.

Đại phúc đó không hề mơ hồ hoặc viễn vông, mà rất thật: “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: ‘Áp-ba, Cha ơi!’. Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa” (Gl 4:6-7). Chỉ là những tội nhân khốn nạn, giống như các tử tội, thế mà chúng ta lại được trắng án; và không chỉ vậy, chúng ta còn được nhận làm con và được quyền thừa kế gia sản. Sự thật mà hầu như không thể tin được, chúng ta tưởng như giữa giác mơ (Tv 126:1), nhưng đó lại là sự thật minh nhiên!

Thật hạnh phúc vì chúng ta đang trào dâng niềm tin kính và vui mừng kỷ niệm sự kiện trọng đại: Chúa Con giáng sinh. Hôm nay, Giáo Hội kính mừng Mẹ Thiên Chúa. Đó là một cách “nối kết” rất lô-gích. Thánh sử Luca tường thuật: “Các mục đồng hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp Cô Maria, Chú Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2:16). Lời kể ngắn gọn nhưng vẫn có thể phác họa “chân dung” một gia đình, trong đó có Người Mẹ, với Thánh Gia thì có Mẹ Thiên Chúa.

Sau khi đã biết điều quan trọng, các mục đồng liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. Khi nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. Ôi, không “tròn mắt” sao được khi nghe những điều “khác thường” như vậy! Thánh Luca mô tả thêm: “Còn Cô Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2:19). Đó là bản chất phụ nữ, “phong cách” của người mẹ là thế: Chịu đựng, âm thầm, lặng lẽ, khiêm nhường, chịu lụy, dịu dàng,… Riêng các người chăn chiên, Thánh Luca cho biết rằng “họ ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ” (Lc 2:20).

Sự thật minh nhiên được ghi lại trong Kinh Thánh: “Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giêsu; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ” (Lc 2:21). Câu này nói về Người Con nhưng vẫn mặc nhiên nói đến Người Mẹ, nói đến Tình Mẫu Tử, nói đến Lòng Mẹ của Đức Maria – người được vinh dự làm Mẹ Thiên Chúa và được là người-mang-Thiên-Chúa.

Năm nay, năm 2017, là dịp kỷ niệm bách chu niên sự kiện Mẹ Thiên Chúa hiện ra với ba trẻ tại Fátima (1917), mỗi chúng ta phải nghiêm túc tự xét mình qua ba mệnh lệnh của Đức Mẹ: [1] Tôn sùng Mẫu Tâm, [2] Lần Chuỗi Mai Côi, và [3] Canh tân đời sống. Được như vậy thì chắc chắn có hòa bình đích thực. Nhưng nên lưu ý, hòa bình có hai dạng: Hòa bình xã hội và hòa bình tâm hồn. Có hòa bình tâm hồn, hòa bình tâm linh, tất nhiên sẽ có hòa bình xã hội. Chiến tranh bom đạm, dù là nguyên tử hoặc hạt nhân, cũng không độc hại bằng chiến tranh tinh thần!

Trong Nhật Ký, Thánh nữ Maria Faustyna Kowalska (1905-1938) cho biết: “Tôi càng bắt chước Mẹ Thiên Chúa, tôi càng nhận biết Thiên Chúa – The more I imitate the Mother of God, the more deeply I get to know God” (số 843).

Có người mẹ hiền đảm đang thì gia đình sẽ êm ấm, gia đình nào cũng trên thuận dưới hòa thì xã hội sẽ an ninh, xã hội an ninh thì đất nước sẽ bình an, đất nước nào cũng bình an thì thế giới sẽ hòa bình. Đó là điều ai cũng mong muốn, vậy hãy bắt đầu mọi thứ từ gia đình để có thể thay đổi thế giới!

Lạy Thiên Chúa, lại một năm nữa vừa qua đi, và một năm mới vừa khởi đầu, xin tha thứ những lỗi lầm của chúng con trong năm cũ, và xin chúc lành cho chúng con trong năm mới này. Xin giúp chúng con biết sống đúng tinh thần yêu thương để kiến tạo hòa bình ở những nơi chúng con hiện diện, xin cho bất kỳ ai gặp chúng con cũng gặp được Ngài nơi chúng con, và họ khả dĩ nhận biết chúng con là môn đệ của Ngài. Xin Thánh Mẫu Thiên Chúa nguyện giúp cầu thay và hướng dẫn chúng con trên mọi nẻo đường trần gian đầy bất trắc này. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU


(*) 1. Ngu Thuấn ( , tức vua Thuấn): hiếu cảm động trời; 2. Lưu Hằng ( , tức Hán Văn Đế): người con nếm thuốc; 3. Tăng Sâm ( ): mẹ cắn ngón tay, tim con đau xót; 4. Mẫn Tổn ( ): nghe lời mẹ với quần áo đơn giản; 5. Trọng Do ( ): vác gạo nuôi cha mẹ; 6. Đổng Vĩnh ( ): bán thân chôn cha; 7. Đàm Tử ( ): cho cha mẹ bú sữa hươu; 8. Giang Cách ( ): làm thuê nuôi mẹ; 9. Lục Tích ( ): giấu quýt cho mẹ; 10. Đường phu nhân ( ): cho mẹ chồng bú sữa; 11. Ngô Mãnh ( ): cho muỗi hút máu; 12. Vương Tường ( ): nằm trên băng chờ cá chép; 13.Quách Cự ( ): chôn con cho mẹ; 14. Dương Hương ( ): giết hổ cứu cha; 15. Châu Thọ Xương ( 寿 ): bỏ chức quan tìm mẹ; 16. Dữu Kiềm Lâu ( ): nếm phân lo âu; 17. Lão Lai Tử ( ): đùa giỡn làm vui cha mẹ; 18. Thái Thuận ( ): nhặt dâu cho mẹ; 19. Hoàng Hương ( ): quạt gối ấm chăn; 20. Khương Thi ( ): suối chảy, cá nhảy; 21. Vương Bầu ( ): nghe sấm, khóc mộ; 22. Đinh Lan ( ): khắc gỗ thờ cha mẹ; 23. Mạnh Tông ( ): khóc đến khi măng mọc; 24. Hoàng Đình Kiên ( ): rửa sạch cái bô vệ sinh của mẹ.