Đừng để giận hờn, cay đắng làm tan vỡ hạnh phúc hôn nhân
Trần
Mỹ Duyệt-gđnagiaxet
“Cay đắng là hoa trái của
hỏa ngục”. Và “sự buồn làm héo hắt tim gan”. Đây không phải là những lý thuyết
suông hay những lời mang tính cách triết lý. Nhưng thực tế, nó rất cần thiết để
xây dựng một cuộc sống hôn nhân lành mạnh. Ca dao Việt Nam cũng có câu: “Người
buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Làm sao vợ chồng có thể sống hạnh phúc, thoải
mái và cùng nhau xây dựng một gia đình, một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc khi họ
còn mang trong lòng những cay đắng, giận hờn với nhau.
Cay đắng và giận hờn tự
nó không làm giảm bớt những khó khăn, những lo toan, và vất vả vốn dĩ thường có
trong cuộc sống. Nó cũng không giải thích hoặc xóa tan đi những khác biệt về
nam nữ, về vợ chồng, nhưng chỉ làm tổn thương và phá hủy mối tương giao vợ chồng.
Câu hỏi được đặt ra là chúng ta phải làm gì trước khi quá trễ?!!
Một trong những câu chuyện
mà tôi đã có dịp chứng kiến trong vai trò của một chuyên gia tâm lý. Câu chuyện
đó đã xảy ra khi sự giận hờn đã đến mức cay đắng của người vợ suýt làm tan vỡ hạnh
phúc gia đình của bà. Thật ra, bảo bà cay đắng một cách vô lý là không đúng. Bà
có lý để cay đắng đối với chồng bà, vì ông vẫn thường gây ra cho bà những cái
mà bà cho là khiến bà phải buồn lòng, phải suy nghĩ, phải âm thầm chịu đựng.
Tuy nhiên, nếu chỉ qui chiếu về người chồng để cho rằng chính ông là thủ phạm
gây ra những lỗi lầm ấy thì cũng lại không đúng. Sau khi đã có dịp gặp gỡ hai vợ
chồng, phân tích những nguyên nhân tiềm ẩn, người ngoài cuộc mới thấy rằng
chính cái giận hờn đang chất chứa trong lòng người vợ mới là nguyên nhân để cho
hôn nhân của họ vốn đã lủng củng, rạn nứt, càng trở nên lủng củng và rạn nứt
hơn. Những giận hờn vu vơ lúc ban đầu, những nũng nịu của tình yêu được đẩy đi
quá xa đã từ từ tích lũy trong lòng để rồi khi chín mùi đã tạo nên sự cay đắng
cho người vợ.
Từ những chuyện không
vui, những hành động vô ý thức, những lời nói thiếu thân thiện, ngày qua ngày,
bà đã tích lũy lại để chúng biến thành cay đắng và đầu độc bà. Những lầm lỗi mà
sau khi đối diện và trực tiếp phân tích qua lăng kính tâm lý chỉ là những cách
thức biểu lộ tình cảm, suy nghĩ và quan tâm của một người. Một người chồng với
cái tôi cao ngạo, một người đàn ông khô khan ít lời, khó lòng chấp nhận và tỏ
ra nhẹ nhàng với vợ. Nhưng ông lại là một người thành đạt về mặt xã hội, rất có
trách nhiệm với vợ con và gia đình. Và từ
cái dáng vẻ khô khan, lạnh lùng, ít lời ấy đã làm cho những cái lỗi lầm nhỏ mọn
thường ngày của ông trở nên to tát mà người vợ đã tích lũy để biến thành cay đắng.
Thay vì đối diện với những khuyết điểm ấy, bà lại âm thầm dùng chúng để chống lại
ông. Kết quả là ông cứ tiếp tục gây ra thêm những lỗi lầm, và cứ vậy bà lại
mang thêm giận hờn, cay đắng.
Vậy để hóa giải vấn đề,
và để làm tan biến sự cay đắng kia hầu cứu vãn hạnh phúc hôn nhân trong trường
hợp này chúng ta phải làm gì?
Một trái tim khô cằn, sỏi
đá có thể gây ra nhiều đau khổ. Sau đây là những lý do mà bạn phải loại bỏ khỏi
bạn sự cay đắng sớm bao nhiêu có thể:
NHỮNG LÝ DO CẦN LOẠI TRỪ CAY ĐẮNG
1. Cay đắng khiến bạn trở nên bất khoan dung:
Bạn có thể cảm thấy mình
có lý để giận hờn, khó chịu, bực tức khi người chồng, người vợ mình làm điều gì
khiến bạn bị xúc phạm. Trước những lỗi lầm như vậy, đa số đều cho rằng người phối
ngẫu như vậy không xứng đáng được tha thứ, nhất là những lỗi lầm ấy thỉnh thoảng
lại được lặp lại. Bạn hoài nghi về thiện chí và sự sửa đổi của người phối ngẫu.
Bạn càng có lý bực tức hơn khi nghi rằng không biết rồi ra đến bao giờ thì người
ấy mới sửa được cái khuyết điểm khiến bạn phải khổ, phải buồn bực!
Trong khi đi tìm những lý
do để chất chứa sự giận hờn trong lòng, bạn phải chăng là đã quên rằng Chúa
Giêsu đã tha thứ cho bạn?
Thánh Phaolô trong thư gửi
Giáo Đoàn Rôma, chúng ta được nghe Thánh nhân lý giải rằng Đức Kitô đã chết cho
chúng ta trong khi chúng ta còn là những tội nhân (Rôma 5:8). Do tình thương
bao la, Thiên Chúa, Ngài đã không chờ chúng ta “sửa đổi” lỗi lầm trước khi Ngài
ban cho ơn tha thứ. Ngài tha cho chúng ta một cách hoàn toàn tự do mặc dù chúng
ta không xứng đáng. Tôi muốn nhấn mạnh đến cụm từ “mặc dù chúng ta không xứng
đáng”. Đúng ra cả tôi, cả bạn, cả người phối ngẫu của bạn chúng ta đều không xứng
đáng để lãnh nhận sự tha thứ. Bởi vì chúng ta cứ lỗi phạm hoài, và cứ yếu đuối
mãi. Tin Mừng kể lại trên đồi Golgotha,
khi những người lính chia nhau áo Chúa, Đức Kitô Vô Tội đã cầu nguyện rằng: “Lạy
Cha, xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm.” (Luca 23:34). Nếu
ơn tha thứ được ban cho chúng ta một cách nhưng không, vậy tại sao chúng ta lại
không tha cho người phối ngẫu của mình?
Tin Mừng không chỉ nói đến
sự tha thứ như một nghĩa vụ, một điều kiện để được Chúa thứ tha, để đáp lại lòng Chúa thương xót, nhưng Tin Mừng
còn nói với chúng ta về những hoa trái của sự tha thứ. Chúa Giêsu đã nói: “Nếu
các ngươi tha thứ lỗi lầm cho người khác, Cha trên trời cũng sẽ tha các lỗi lầm
cho các ngươi” (Matthêu 6:14). Như vậy,
tha thứ không chỉ có lợi cho người phối ngẫu, nhưng trước tiên mang lại sự bình
an cho người tha trước.
Một hôm, tôi cảm thấy sự
bất mãn của tôi đối với người bạn đang trở nên cay đắng. Tôi đã tìm đọc Lời
Chúa để được hướng dẫn. Và lời Ngài đã chiếu dọi ánh sáng vào bóng tối của giận
hờn cay đắng. Tôi mong bạn cũng hãy viết những lời này xuống để giúp mình mỗi
khi gặp thử thách giận hờn và khó lòng tha thứ cho người khác, đặc biệt cho người
phối ngẫu: “Vì sự phán đoán không xót thương dành cho người không biết thương
xót. Lòng thương xót chiến thắng trên phán xét” (Giacôbê 2:13).
Kinh nghiệm cho thấy, có
rất nhiều cuộc hôn nhân đau đớn có thể được chữa lành nếu người chồng và người
vợ Công Giáo học để biết xót thương cũng như họ học biết sự công chính?
2. Cay đắng không cho người phối ngẫu cơ hội để thống hối:
Nếu bạn giữ trong lòng sự
cay đắng, người phối ngẫu của bạn chưa chắc biết họ đã làm gì lỗi đến bạn. Cay
đắng thường là kết quả của buồn giận, tức tối bị dồn nén mà không nói ra, cũng
giống như chiếc bình đựng khí đốt, nếu bơm một cách quá sức đến lúc nào đó, chiếc
bình sẽ nổ tung. Cũng thế, những dấu hiệu cay đắng tồn chứa trong tim bạn có thể
dẫn đến một cuộc hôn nhân đổ vỡ. Trong trường hợp này, cách chữa trị tốt nhất
là can đảm nói ra cho người phối ngẫu những gì đang làm mình khó chịu. Cùng
nhau ngồi xuống và cố gắng giải quyết vấn đề. Điều này có thể khiến người phối
ngẫu của bạn khó chịu, phản đối, hoặc im lặng. Nếu vậy, bạn cần tiếp tục cho
người ấy một cơ hội khác để xám hối, có thể là một giải pháp mạnh hơn, thí dụ
đi tìm gặp bác sỹ tâm lý, hoặc chuyên gia về gia đình để giải quyết vấn đề.
Trở lại vấn đề tha thứ và
chờ đợi sự quay trở về của người phối ngẫu. Nhiều khi nó làm bạn rất khó chịu
và sốt ruột. Thường thì bạn hay tự hỏi mình: “Biết bao nhiêu lần người ấy đã
làm khiến tôi cảm thấy buồn bực?” Phêrô đã có cùng một câu hỏi tương tự trong
đó ông hỏi Chúa Giêsu: “Lạy Thày, nếu anh em tôi xúc phạm đến tôi, tôi phải tha
cho họ mấy lần? Bẩy lần không?” (Matthêu 18:21). Và Chúa Giêsu đã trả lời: “Ta
không nói bẩy lần, nhưng là bẩy mươi bẩy lần bẩy” (22). Như vậy tha cho người
phối ngẫu không lệ thuộc ở số lần, nhưng phải tha thứ mỗi khi người ấy tỏ dấu hiệu nhận ra mình đã có lỗi với
bạn. Vì đó là dấu hiệu của tình yêu đích
thực, và tha thứ thật lòng. Bắt chước Chúa, bạn cũng nên tập tha cho người phối
ngẫu của mình “vô điều kiện”. Cay đắng sẽ chặn lối về của người đã biết xám hối.
3. Cay đắng như tế
bào ung thư:
Bạn đã nghe nhiều về ung
thư, một căn bệnh hiểm nghèo ngay trong lúc khoa học đạt đến tột đỉnh. Nó xuất
hiện như một tế bào nhỏ, nhưng nếu nhìn vào kính hiển vi, bạn sẽ thấy cái chấm ấy
đang dần dần lan rộng khiến cho căn bệnh càng ngày càng trở nên nguy hiểm.
Cay đắng phát triển cũng
một hình thức tương tự. Một chút sự cay đắng có thể bắt đầu lan mau trong trái
tim và làm tê liệt toàn thân. Nó sẽ làm tăng dần sự cay đắng trong cử chỉ, hành
vi, lời nói, cách suy nghĩ, và ngay cả đến sức khỏe của bạn.
Thêm vào đó, sự lây lan của
nó có thể ảnh hưởng đến cả con cái và gia đình của bạn. Thánh Phaolô so sánh nó
với men rượu khi viết: “Một chút men, làm rậy men cả thúng bột” (Galata 5:6).
Khi bạn cho phép cay đắng vào trong đời sống bạn, nó sẽ lan tỏa và ảnh hưởng cả
gia đình, con cháu, bạn bè và những người thân yêu của bạn.
NHỮNG CÁCH THỨC LOẠI TRỪ CAY ĐẮNG
Nếu bạn bị cay đắng đang
làm khổ, và nó đang dẫn bạn đến thất vọng. Bạn đừng bỏ cuộc, hãy tin tưởng và lạc
quan. Tất cả đều có thể được giải quyết nếu bạn thật lòng muốn đi tìm một giải
pháp. Và sự chữa lành bắt đầu ngay chính nơi bản thân bạn. Với Chúa, tất cả đều
có thể (Matthêu 19:26).
Sau đây là 4 bước quan trọng
giúp bạn loại bỏ, chữa lành được sự cay đắng:
1. Coi cay đắng là tội:
Chúng ta rất dễ để biện
minh cho thái độ cay đắng của mình khi chúng ta bị đau khổ, nhưng Thánh Kinh dạy
rằng cay đắng chính là một tội. Trong Thơ gửi Người Do Thái có viết: “Anh em phải
cố ăn ở hòa thuận với mọi người, phải gắng trở nên thánh thiện; vì không có sự
thánh thiện, thì không ai sẽ được thấy Chúa. Anh em phải coi chừng, kẻo có ai lừng
khừng mà mất ân sủng của Thiên Chúa, kẻo có ai trở nên rễ cay đắng nảy mầm, gây
xáo trộn và do đó làm hư hỏng nhiều người” (Do Thái 12:14-15).
Tóm lại, bạn phải tìm kiếm
sự bình an với người phối ngẫu của mình bằng tha thứ.
2.
Xin ơn tha thứ và liên lỷ thực hành sự tha thứ:
Thánh Phaolô khuyến khích
chúng ta: “Hãy để mọi cay đắng, giận hờn, cãi vã, và phỉ báng ra khỏi anh em,
cùng với mọi gian ác. Hãy tử tế với nhau, dịu dàng, tha thứ cho nhau như Thiên
Chúa trong Đức Kitô đã tha thứ cho anh em” (Êphêsô 4:31-32).
Thật khó để có một trái
tím dịu dàng đối với người phối ngẫu khi người ấy làm mình buồn, hoặc gây đau
khổ cho mình, nhưng điều này là có thể. Chúng ta có sức mạnh để tha thứ bởi vì
Đức Kitô đã tha cho chúng ta, và Ngài đã ban cho chúng ta sức mạnh qua Chúa
Thánh Linh. Hãy tập dùng nguồn ơn Thánh Linh trong cuộc sống thường ngày, dần
dà bạn sẽ cảm thấy tha thứ là một việc làm có thể, nhất là đối với người phối
ngẫu.
3. Đối thoại trong hiểu biết và kính trọng:
Ghi lại những gì mà người
phối ngẫu làm khiến cho bạn bị đau khổ, và dành thời gian cầu nguyện để xem
mình có thể bỏ qua được những gì, và những gì cần nói ra để cùng nhau sửa đổi.
Nếu những gì bạn có thể bỏ qua, có thể tha thứ hay bỏ qua và tha thứ. Bạn có thể
tìm kiếm xem những gì bạn có thể tha thứ và hãy thực hiện nó như một hành động
của đức tin. Đối với những điều khác làm bạn bị xúc phạm, hãy cầu xin Chúa để
Ngài ban ơn sức mạnh để nói ra và chia sẻ với người phối ngẫu.
Khi đã có thời gian thuận
tiện, cả hai cùng trao đổi và chia sẻ thật lòng những cảm nghĩ của mình về những
gì người phối ngẫu đang làm cho mình phải nghĩ ngợi, khổ sở, hoặc khó chịu. Khi
bạn nói, hãy giữ thái độ bình tĩnh và nguyên tắc của đối thoại. Bắt đầu bằng
cách trải lòng với những khuyết điểm của mình. Tiếp đến là nói về những điều
đang làm mình đau khổ. Tuyệt đối không được đổ lỗi hoặc lên án người phối ngẫu,
nhưng hãy nói với nhau trong yêu thương và kính trọng.
Nếu cảm thấy không thể
nói với người phối ngẫu một mình, bạn có thể nhờ vị linh mục, hoặc một chuyên
gia, một bác sỹ tâm lý có mặt trong lúc bạn trao đổi. Nhưng bạn nên nhớ điều
này chủ đích của cuộc gặp gỡ như thế là giải tỏa những lấn cấn trong lòng chứ
không lên án. Và do đó, hãy để tình yêu hướng dẫn và điều khiển cuộc trao đổi
giữa hai người.
4. Thay đổi bạn, đừng quan tâm đến người
phối ngẫu:
Đây là nguyên tắc bất di
bất dịch: Bạn không thể thay đổi được người phối ngẫu - chỉ duy có mình Thiên
Chúa mới có thể làm việc này. Do đó, những gì bạn cần làm là xin Chúa thay đổi
cách suy nghĩ và uốn nắn trái tim của chính bạn. Cần công bằng với người phối
ngẫu, đó là cả bạn nữa, chính bạn cũng đã có những suy nghĩ, lời nói, việc làm
khiến đau lòng người phối ngẫu, vì thế bạn cũng cần sửa chữa. Điều này rất quan
trọng trong tiến trình giải tỏa những cay đắng trong bạn. Nếu bạn muốn người phối
ngẫu sửa đổi, thì câu hỏi mà bạn cần đặt ra cho chính mình, đó là “tôi phải sửa
đổi” những gì? Những gì tôi cần làm để duy trì và phát triển mối tương giao giữa
hai vợ chồng?
Thiên Chúa sẽ không thay
đổi người phối ngẫu theo ý bạn, nhưng Ngài sẽ thay đổi ý nghĩ của bạn về người
phối ngẫu.
tags Tâm lý hôn nhân Trần
Mỹ Duyệt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét