Thứ Năm, 22 tháng 12, 2016

ĐÊM SAO SÁNG (Lễ Giáng Sinh – lễ đêm)



ĐÊM  SAO  SÁNG
( Lễ  Giáng  Sinh – lễ  đêm)
Sun, 18/12/2016 - Trầm Thiên Thu

Lạy Chúa Hài Đồng, con tín thác vào Ngài – Divine Child Jesus, I trust in You – Divin Enfant Jésus, j'ai confiance en Toi – Divino Niño Jesús, en ti confío. Phàm ngữ không đủ để diễn đạt niềm tin kính Thiên Chúa toàn năng, nhất là vào Mùa Giáng Sinh này.

Đêm Giáng Sinh là Đêm Thánh, đêm lịch sử, đêm ánh sáng, đêm muôn ánh sao, đêm giao hòa tình người, đêm nối kết đất trời, đêm khởi đầu niềm hy vọng mới, nhân loại vui mừng được thoát khỏi vùng-bóng-tối để bước vào Miền-Ánh-Sáng, vì chính Con Thiên Chúa là Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta (Ga 1:14), Ngài là Đấng Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Is 7:14 và Mt 1:23).

Đó là niềm hạnh phúc quá lớn đối với nhân loại. Và từ từ giây phút Ngôi Hai giáng trần, chúng ta không còn bị réo là “Đồ Bị Ruồng Bỏ”, là “Phận Bạc Duyên Đơn”, mà được gọi trìu mến là “Ái Khanh” và được ca tụng là “Duyên Thắm Chỉ Hồng” (Is 62:4). Ôi, thật là trên cả tuyệt vời!

Belem (hoặc Bêlem, Việt ngữ) là nơi Hài Nhi Giêsu sinh ra, một nơi có thật, thế giới phải công nhận chứ không là nơi bịa đặt. Bethlehem (tiếng Ả Rập: بيت لحم, Bayt Laḥm, nghĩa đen là “Nhà Thịt Cừu Non”; tiếng Hy Lạp là Βηθλεέμ (Bethleém); tiếng Hebrew là בית לחם (Beit Lehem), có nghĩa là “Nhà Bánh Mì”; tiếng Bồ Đào Nha là Belém.

Belem là một thành phố của Palestine, thuộc miền trung Bờ Tây, cách TP Giêrusalem khoảng 10 km (6,2 dặm) về phía Nam. Belem có khoảng 30.000 cư dân và là thủ phủ của Nha Thủ Hiến Belem (Bethlehem Governorate), thuộc chính quyền quốc gia Palestine (Palestinian National Authority), đồng thời là Trung tâm Văn hóa và Du lịch của đất nước Palestine. Theo địa lý, Belem ở độ cao 775 m (2.542,7 bộ/ft) so với mực nước biển, và Belem ở độ cao 30 m (98,4 bộ/ft) so với TP Giêrusalem (và các thành phố lân cận).

Câu chuyện Chúa Giáng Sinh là câu chuyện muôn thuở, vẫn luôn mới lạ dù sự kiện này đã xảy ra hơn hai ngàn năm qua. Sự kiện này được mọi người chú ý, kể cả người vô thần. Mọi điều đã được ứng nghiệm theo Kinh Thánh tới từng chi tiết, các điều tiên báo đã có hàng ngàn năm trước. Không một nhân vật nào được người ta chú ý đặc biệt như Thiên Chúa của chúng ta. Đó là dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ là Thiên Chúa duy nhất và đích thực. Thật vậy, cả thế giới đều mừng sinh nhật của Hài Nhi Giêsu, dù có thể có những người không chủ ý hoặc chỉ “ăn theo” thì cũng là cách vui mừng. Không có ai trên thế gian này được chú ý như Đấng Emmanuel của chúng ta. Chứng cớ hùng hồn, không thể chối cãi!

Ngôn sứ Isaia xác định: “Chúa đã ban chứa chan niềm hoan hỷ, đã tăng thêm nỗi vui mừng. Họ mừng vui trước nhan Ngài như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt, như người ta hỷ hoan khi chia nhau chiến lợi phẩm. Vì cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, và ngọn roi của kẻ hà hiếp, Ngài đều bẻ gãy như trong ngày chiến thắng quân Ma-đi-an. Vì mọi giầy lính nện xuống rần rần và mọi áo choàng đẫm máu sẽ bị đem thiêu, làm mồi cho lửa” (Is 9:2-4). Sự thiện đã chiến thắng sự dữ. Công lý đã lên ngôi, hòa bình được tái lập, mọi gông xiềng đều bị gãy nát dưới quyền lực của sự thật. Chân lý đó chính là Thiên Chúa, Đấng Tam Vị Nhất Thể.

Con Thiên Chúa nhập thể và nhập thế, giáng sinh tại hang đá ở Belem năm xưa, như một em bé bình thường, nhưng Trẻ Thơ đó lại chính là “Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, Người Cha muôn thuở, và Thủ Lãnh hoà bình” (Is 9:5). Và không chỉ như vậy, ngôn sứ Isaia cho biết thêm: “Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hoà bình vô tận cho ngai vàng và vương quốc của vua Đa-vít. Người sẽ làm cho vương quốc được kiên cố vững bền trên nền tảng chính trực công minh, từ nay cho đến mãi muôn đời. Vì yêu thương nồng nhiệt, Đức Chúa các đạo binh sẽ thực hiện điều đó” (Is 9:6). Bất cứ điều gì Thiên Chúa nói ra đều được Ngài thực hiện đúng đến từng chi tiết – từng dấu chấm, từng dấu phẩy (x. Mt 5:18).

Người ta thường nói: “Không thể trì hoãn sự sung sướng”. Đúng vậy, đêm Chúa giáng sinh là đêm ân tình, thế giới tràn ngập niềm vui, cả nội tại và ngoại tại, người không có niềm tin vào Thiên Chúa cũng không thể không vui mừng. Với tâm tình phấn khởi đó, tác giả Thánh Vịnh mời gọi: “Hát lên mừng Chúa một bài ca mới, hát lên mừng Chúa, hỡi toàn thể địa cầu! Hát lên mừng Chúa, chúc tụng Thánh Danh! Ngày qua ngày, hãy loan báo ơn Người cứu độ, kể cho muôn dân biết Người thật là vinh hiển, cho mọi nước hay những kỳ công của Người” (Tv 96:1-3).

Khi niềm vui đầy ắp, người ta muốn thể hiện ra bên ngoài, muốn mọi người cùng chia sẻ niềm vui đó. Nhưng có lẽ chưa trọn vẹn, người ta còn muốn cả muôn loài cùng hòa vui, và người ta không thể trì hoãn niềm hạnh phúc quá lớn, thế nên người ta phải lên tiếng mời gọi: “Trời vui lên, đất hãy nhảy mừng, biển gầm vang cùng muôn hải vật, ruộng đồng cùng hoa trái, nào hoan hỷ. Hỡi cây cối rừng xanh, hãy reo mừng trước tôn nhan Chúa, vì Người ngự đến, Người ngự đến xét xử trần gian. Người xét xử địa cầu theo đường công chính, xét xử muôn dân theo chân lý của Người” (Tv 96:11-13). Thiên Chúa là ĐẤNG CÔNG MINH CHÍNH TRỰC (Tv 7:18; Tv 9:9; Tv 11:7; Tv 25:8; Tv 67:5), là ĐẤNG KHÔNG THIÊN VỊ (Lc 20:21; Cv 10:34; Rm 2:11; Gl 2:6; Ep 6:9), luôn THẬT THÀ nhưng cũng rất THẲNG THẮN. Những ai mưu mô thâm độc thì sẽ lo sợ, những ai thấp cổ bé miệng và bị áp bức thì sẽ vỡ òa với niềm vui sướng tột cùng.

Lời sứ thần loan báo Tin Mừng cho các mục đồng ngày xưa cũng là lời nói với mỗi chúng ta trong đêm nay: “Anh em ĐỪNG SỢ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2:10-11). Hãy vùng lên và cùng nhau chống lại bất công, đó là đứng về phe sự thật, phe công lý, phe của Thiên Chúa. Có những người viện cớ cho rằng “không muốn đụng chạm”, nhưng thật ra chỉ là nhát đảm – mình không muốn “đụng” đến ai và cũng chẳng muốn ai “chạm” đến mình. Việt ngữ có từ “đụng chạm” thật thú vị. Bảo vệ sự thật của Thiên Chúa mà sợ ư?

Tất cả là hồng ân. Thật vậy, đêm nay vô cùng linh thiêng, vì “ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người” (Tt 2:11). Thánh Phaolô giải thích: “Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này. Sở dĩ như vậy là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Kitô Giêsu, là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang” (Tt 2:12-13).

Ngày đó đã đến, đêm nay chúng ta hân hoan kỷ niệm Ngày Hồng Phúc đó. Thánh Phaolô cho biết thêm: “Vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện” (Tt 2:14). Niềm vui này nối tiếp nỗi mừng khác. Vui mừng tích tụ. Nhưng không phải để chúng ta cười vui cho khoái chí, mãn nguyện, mà là để “hăng say làm việc thiện”. Đó mới là vấn đề quan trọng!

Trình thuật Lc 2:1-14 cho biết về hoàn cảnh giáng sinh của Chúa Giêsu vào thời hoàng đế Au-gút-tô. Lúc đó, ai nấy đều phải về nguyên quán để khai nhân khẩu. Vì thế, Chú Giuse cũng phải đưa Cô Maria về quê theo luật pháp hiện hành. Đường sá xa xôi, hiểm trở, phương tiện di chuyển thời đó là con lừa. Chu choa, mèn ơi, cực thật! Khi hai người tới Belem thì Cô Maria tới kỳ mãn nguyệt khai hoa. Đêm khuya, hai ông bà không tìm được chỗ trọ nên phải trú tại hang đá ngoài cánh đồng vắng vẻ.

Có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật, họ được sứ thần báo tin về “một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”, không chút nghi ngờ và họ đã tới kính viếng Hài Nhi Giêsu. Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”. Ôi, mầu nhiệm biết bao! Đặc biệt là có một ngôi sao sáng rực chiếu vào nơi Hài Nhi Giêsu vừa hạ sinh: “Đêm thánh vô cùng, Giây phút tưng bừng, Đất với trời, Xe chữ đồng. Đêm nay Chúa Con thần thánh tôn thờ, Canh khuya giáng sinh trong chốn hang lừa, Ơn châu báu không bờ bến, Biết tìm kiếm của chi đền!” (Still Nacht của Franz Gruber – Đêm Thánh Vô Cùng, lời Việt của Hùng Lân). [*]

Đêm nay, có thể trên bầu trời Việt Nam bên ngoài kia không có (nhiều) ánh sao lấp lánh, nhưng trong bầu trời tâm hồn của chúng ta vẫn có rất nhiều ánh sao lung linh, chiếu tỏa ân sủng của Chúa Hài Đồng – nhất là ở những tâm hồn ngay lành. Mỗi chúng ta có trách nhiệm phải chiếu tỏa ánh sáng Tin Mừng Giáng Sinh tới tha nhân – nhất là đối với những người nghèo khổ, những người hèn mọn, những người bị gọng kìm bất công kẹp chặt,… Hang đá vật chất chỉ cho vui mắt, hang-đá-tâm-hồn mới là nơi Chúa Hài Đồng muốn nằm ngủ đêm nay và mãi mãi…

Lạy Thiên Chúa, xin giúp con tỏa lan Ánh Sáng Sự Thật của Chúa Hài Đồng. Xin giúp con biết sống tinh thần Giáng Sinh mọi ngày: nghèo khó, đơn sơ, giản dị, chấp nhận, can đảm, yêu thương,… Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Emmanuel và Đấng cứu độ nhân loại. Amen.


TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét