Thứ Năm, 15 tháng 12, 2016

Vì sao xưng tội lại khó như vậy với mọi người?

Vì  sao  xưng  tội  lại  khó  như  vậy  với  mọi  người?
(fr.aleteia.org, 2016-12-03-cđtg)

“Tôi chưa bao giờ thật sự thích xưng tội”.
Gần đây một linh mục Mỹ thú nhận mình chán khi giải tội. Đôi khi tôi cũng vậy. Tôi chưa bao giờ thật sự thích xưng tội. Nhưng mỗi lần đi thì tôi rút ra được những chuyện tốt đẹp.
Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II nói: «Xưng tội là một hành vi can đảm và trung thực, một hành vi giúp chúng ta đặt lòng tin chúng ta vào lòng thương xót của một Thiên Chúa yêu thương, Đấng tha thứ cho chúng ta dù chúng ta phạm tội.»
Trong giáo xứ, tôi không phải là người thường xuyên đi xưng tội. Thẳng thắn mà nói, tôi ghét đi xưng tội. Tôi không phải là không biết giá trị của bí tích này và cái đẹp khi tội lỗi của mình được tha thứ. Nếu bạn thấy khó mà đi xưng tội, tôi sẽ là người đầu tiên tán dương các lợi ích của bí tích xưng tội, tất cả ân sủng từ đó tuôn ra. Tôi nghĩ đến quyền năng của giải hòa. Nhưng tôi biết, thật khó để đi xưng tội. Nếu có một bí tích nào đòi hỏi tôi phải chuẩn bị kỹ, thì đó là bí tích Giải hòa. Dĩ nhiên, những chuyện gì tốt thì phải cần cố gắng (xưng tội chẳng hạn!). Nhưng tại sao công việc này lại không khi nào dễ với tôi:

1. Xưng tội là thú nhận mình đã phạm lỗi lầm, mình không thể kềm chế được tất cả mọi sự
Tôi là người cầu toàn. Vì thế xưng tội buộc tôi phải chấp nhận tôi đã vấp ngã, tôi bất toàn và điều này đôi khi làm tôi xé lòng. Ngoài đời sống đạo, tôi giữ bộ mặt bề ngoài khá tốt, dù đôi khi cũng có chuyện làm tôi bẻ mặt. Khi có người hỏi tôi khỏe không, tôi trả lời «khỏe», «mọi chuyện tốt», dù tôi đang lo lắng, đang căng thẳng. Tôi cảm thấy mình yếu khi đi xưng tội và khi làm danh sách các lỗi lầm, điều đó buộc tôi phải chấp nhận mình có những chuyện không suông sẻ, không hoàn toàn.
Các do dự của tôi làm tôi nghĩ đến câu của thánh Faustina: «Tâm hồn không biết, cũng không bao giờ muốn dò tìm cặn kẽ chiều sâu của chính lòng thương xót của mình. Nó mang mặt nạ và tránh tất cả những gì dẫn nó đến con đường chữa lành».

2. Khó mà thú nhận các lỗi lầm của mình với người mà mình làm thương tổn họ nhất.
Trong tòa giải tội, linh mục là đại diện Chúa Kitô. Đa số người công giáo biết lúc đó, linh mục không phải là hiện thân con người thật của mình, cha không xóa tội nhân danh cha A hay cha B, nhưng cha nhân danh chính Chúa Giêsu để tha tội. Thật là kỳ diệu nhưng cũng thật là e ngại. Vì như thế là tôi đứng trước người mà tôi làm thương tổn họ nhất, người bị đóng đinh trên thập giá vì tội của tôi. Điều này quan trọng đối với tôi và đòi hỏi tôi phải khiêm tốn, tôi biết đó là người giúp tôi sửa lại các tội của tôi.

3.Tôi nhận ra mình không thật sự cải thiện gì sau lần xưng tội trước đây.
Tuần này, linh mục Dwight Longenecker viết một bài trong đó cha thú nhận, đôi khi cha chán trong những lần giải tội. Không phải cha chán người đi xưng, nhưng cha chán tội. Cha viết: «Một cách thẳng thắn, không có nhiều tội như thế này. Satan không thể tạo được một cái gì. Tất cả những gì nó có thể làm, là phá hủy hoặc làm biến dạng tất cả những gì Chúa đã làm nên đẹp, nên tốt, nên đúng».
Khi tôi đi xưng tội, lúc nào tôi cũng lặp lại những tội đã xưng lần trước. Kiêu ngạo. Ghen tương. Kiêu ngạo. Ích kỷ. Kiêu ngạo. Kiêu ngạo. Kiêu ngạo. Tôi có cảm tưởng tôi như cái đĩa hát rè mỗi khi tôi bước vào tòa giải tội. Khi tôi nghĩ đến chuyện này, tôi nhận ra lý do tôi lặp đi lặp lại chừng đó chuyện, là vì tôi không thật sự cố gắng để thay đổi. Tôi không tránh các dịp  phạm tội. Ngược lại, đôi khi tôi lại còn đi tìm nó.

4. Phải xin được giúp đỡ.
Rất hiếm khi tôi xin được giúp đỡ. Khi tôi mở miệng nói các lo lắng, các căng thẳng của tôi là khi đó tôi đã chịu hết nổi. Vì thế khó cho tôi mở miệng xin Chúa giúp đỡ. Tôi biết Chúa biết tôi bất toàn, nhưng để nói ra, để xin giúp đỡ, xin lời khuyên thì tôi cần đi thêm một bước nữa. Cần phải khiêm tốn hết mình, mà với khiếm khuyết của tôi, thì chuyện này không bao giờ là chuyện có được một cách dĩ nhiên.

5. Xưng tội là đòi hỏi tôi phải thay đổi.
Sau mỗi lần xưng tội, tôi phải cố gắng thay đổi để tốt hơn. Hạ quyết tâm không phải là chuyện dễ cho ai, dù đó là đi đến phòng tập thể dục hay để cố gắng bớt kiêu ngạo, tăng tốt lành. Nếu mình có một quyết tâm phải làm, thì mình phải biết giải quyết vấn đề ở gốc của nó.
Tôi nhận ra làm phút hồi tâm mỗi buổi tối sẽ giúp tôi có thể thay đổi. Xem lại ngày đã qua, xem lại các giây phút yếu đuối để thấy đâu là các cám dỗ của mình, để sửa chữa nhanh nhất có thể, nếu tôi xét mình trước khi đi xưng tội.
Một trong các câu ăn năn tội làm tôi cảm thấy buồn buồn mỗi lần đọc là: «Con dốc lòng chừa cải, và nhờ ơn Chúa thì con sẽ lánh xa dịp tội cùng làm việc đền tội cho xứng.» Đối với tôi, nó có nghĩa là tôi không được nhắc lại các tội cũ. Tôi phải thay đổi những chuyện trong cuộc sống hàng ngày của tôi, tôi phải tránh các dịp phạm tội. Tóm gọn, tôi phải thay đổi.
Có thể nếu tôi làm được, các lần xưng tội của tôi cũng sẽ thay đổi và như thế nó sẽ đỡ chán hơn, đỡ lặp lại hơn.

 Đức Phanxicô giải tội cho các bạn trẻ
ở quảng trường Thánh Phêrô ngày 23 tháng 4-2016


Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét