KHOẢNG LẶNG CUỐI NĂM
Sat,
26/11/2016 - Trầm Thiên Thu
Cuối năm tản mạn đôi dòng
Như trải tấm lòng thao thức
suy tư
Cuộc đời một khoảng-thực-hư
Giã từ năm cũ, đón chờ
tân niên
Cuối năm. Bloc lịch “gầy
guộc” trơ trọi nằm lặng lẽ trên tường. Hình như nó cũng biết bâng khuâng!
Tôi ngồi trầm ngâm tính
“sổ đời” và lật lại những trang lòng. Một sợi tóc quên xanh bất chợt rụng xuống
trên trang viết. Thảng thốt. Vậy mà đôi khi tôi cứ ngỡ mình còn trẻ. À, tuổi
xuân đã đi qua. Cơn lốc nào vẫn xoáy tít giữa dòng đời khiến ước mơ choáng
váng? Những cơn mưa có lúc rất dễ thương, có khi lại bất chợt và vô tình làm ướt
sũng vai áo bạc sờn. Vạt nắng có lúc vàng óng như tơ thong thả soi bóng lũy tre
xanh đang rì rào ru giấc trưa, có khi lại hăng nồng, oi ả và gay gắt. Thế mà vẫn
không đủ độ nóng hong khô một nỗi nhớ xa ngái. Mênh mang và mơ hồ. Mùi đất xông
lên ngai ngái…
Bao năm ròng rã bôn ba giữa
chợ đời, lòng tôi hóa cằn cỗi quá! Đam mê lúc đầy, lúc vơi, như sóng vỗ xô lòng
tôi nghiêng chao, chênh vênh, khiến tôi như cánh bèo trôi giạt mãi lạc loài
trong mấy vần thơ và dăm nốt nhạc. Tôi ngu ngơ đến nỗi tưởng chừng hóa thành tảng
băng trên vùng Bắc cực. Tiếng xe cộ ngược xuôi ồn ào, tiếng ba gác khô khốc
trên phố xá mà tôi vẫn trơ trơ hay đã bị đồng hóa? Tôi thèm nghe nhịp chân ngựa
dồn vang xa, phía sau là chiếc thổ mộ mộc mạc. Ôi, một thoáng quê hương đã xa
ngái!
Nửa đời vụt qua nhanh,
tôi đã bước qua bên kia con con dốc cuộc đời. Cuối năm, sực nhìn lại mình và thốt
nhiên nhận ra vị trí riêng mình thì hầu như đã là những giây phút của một sự muộn
màng nào đó. Không thể không bâng khuâng. Lòng chùng xuống như sợi dây đàn khi
thời tiết ẩm ướt. Rối bời những lo toan, bộn bề những nghĩ suy. Tôi như chiếc độc
bình hiu quạnh đầy bụi bặm nằm lặng lẽ ở một góc đời. Lẽ nào tôi thành lạc hậu
trong xã hội xa hoa và văn minh hôm nay mất rồi sao? Mơ ước vẫn vời xa… Tôi cứ
loanh quanh mãi, như cố NS họ Trịnh tự vấn: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi!
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt? Trên hai vai ta đôi vầng Nhật, Nguyệt. Dọi
suốt trăm năm một cõi đi về!” (Một Cõi Đi Về).
Tôi lang thang ra phố tìm
vào một quán cà-phê vắng khách. Tĩnh tọa. Nhánh-sông-tôi vẫn trầm và vẫn động.
Tiếng nhạc êm ả huyền thoại, giai điệu vẫn mượt mà. Cô chủ quán xinh xắn, dịu
dàng, và đôn hậu “vô tình” bỏ quên nụ cười bên tách cà-phê đen. Những giọt buồn
thánh thót, đều đặn. Âm nhạc đột biến thăng, giáng, xa vắng… Có nốt nhạc nào về
dấu bình như thường? Âm nhạc chuyển điệu và biến tấu, lúc khoan, lúc nhặt. Cuộc
đời cũng thế! Cà-phê bao giờ cũng vậy, đắng mới ngon. Lặng nghe vị đắng ngấm
vào cơ thể để nghe xót xa cõi lòng. Chút dư vị làm tê lưỡi, môi miệng đắng đót
như người trong cơn bệnh trầm kha. Đắng mà thú vị. Nhưng không ai thích
cà-phê-đời có vị đắng! Tôi vê tròn nỗi đam mê thành điếu thuốc để đốt cháy những
sợi tương tư thảo. Mấy đầu ngón tay đã vàng vọt…
Giao mùa. Giao thừa. Thời
gian cứ vô tình dẫu nỗi buồn đã già nua.
Ngày mai tôi cũng sẽ như
chiếc lá vàng rụng xuống từ giã mùa Thu để nhường bước cho mùa Đông lạnh lẽo. Tất
nhiên thôi. Qui luật muôn đời: Sinh ký, tử quy. Sợi tóc bạc màu thời gian báo
hiệu sự lão hóa thể lý. Nuối tiếc? Có thể. Tôi vẫn chưa làm gì được xứng đáng mặt
mày râu, đường đường một tu mi nam tử. Không phải người ta sợ già mà người ta
chỉ nuối tiếc tuổi xuân vụt qua như bóng câu. Thời gian vẫn vậy, nhưng thời
gian có thể dài hay ngắn tùy tâm trạng con người. Thân phận con người mỏng dòn,
nhỏ nhoi và yếu đuối quá đỗi! Thế mà đôi khi “tôi không làm điều tôi muốn mà lại
làm điều tôi không muốn” (Thánh Phaolô). Tôi còn mang nhiều vị kỷ. Ôi, “cái TÔI
thật đáng ghét” (Pascal). Khoảng buồn mênh mang bởi cái nghịch lý của sự yếu-đuối-nhân-loại
ấy!
Màu tím choàng lên vai
năm tháng. Chiều lên hay xuống? Vừa lên vừa xuống. Lời chiều réo gọi khi hoàng
hôn rủ bóng. Sắc nhớ đã nhắc nhở về trăm năm hữu hạn kiếp người, mong manh và
ngắn ngủi. Đâu khác chi bông hoa trước gió lộng, vì tôi chỉ được hóa thân từ
cát bụi. Thiết nghĩ, nếu chiều dài của đời người là 1 m thì công thức có thể được
tính là: 9 dm buồn + 1 dm vui. Một thực tại hẳn là quá phũ phàng! Đời người
cũng như ngọn nến hao mòn khi được thắp sáng. Nhưng thắp sáng ở đâu và hao mòn
cho ai? Cuộc sống hữu ích sẽ không là nghiệp chướng (theo cách nói nhà Phật) dù
vẫn chỉ là một kiếp người.
Cõi lòng chợt tím. Tím đa
sắc màu. Tím nhớ, tím mong, tím bâng khuâng, tím buồn, tím lo toan,… Càng sống
lâu thì trái tim càng “cũ”. Vì thế, cần có tình yêu thương và lòng vị tha như
chất sira để “đánh bóng” trái tim đã bị mờ nhạt vì bụi trần. Tôi đã, đang và
mãi mãi cần một trái tim mới và bóng láng để phần nào phản chiếu được ánh sáng
Chân-Thiện-Mỹ. Thước đo lòng tốt là tình yêu thương, không kỳ thị ai vì bất kỳ
lý do nào. Sống tốt không chỉ là không làm điều ác (tiêu cực) mà còn phải làm
điều thiện (tích cực). Khó thế mà tôi chẳng những yếu đuối mà lại đầy
Tham-Sân-Si, khát vọng khôn nguôi, tháng ngày bất túc,… Con dế trũi cũng biết lặng
rung cánh ưu phiền. Nhánh cỏ dại bên đường dẫu khẳng khiu vẫn “cam chịu” cả nắng
sớm lẫn mưa chiều. Biển có bình yên vẫn còn sóng lăn tăn vết buồn, nhưng biển
ngàn năm vẫn mặn và bao la, luôn sẵn sàng bồi đắp phù sa.
Cuối giờ, cuối ngày, cuối
tháng, cuối năm. Ít nhiều gì tôi cũng phải chuẩn bị cho cuối đời. Trời đất có bốn
mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Có mùa nào là “mùa tôi” trong chốn phù trầm này? Tôi
chợt thèm uống vài giọt piano cho cõi lòng mát rượi.
Tản mạn đôi dòng cuối năm
để tập trung suy nghĩ. Xin cảm ơn nỗi khổ. Xin cảm ơn gian truân. Xin cảm ơn cuộc
đời. Xin cảm ơn thời gian. Vì chính tôi đã nhận như không cả một niềm-khát-vọng-vươn-tới-hạnh-phúc-không-ngừng.
Quả đúng là có năm cung bậc dẫn đến khôn ngoan là lặng thinh, lắng nghe, ghi nhớ,
hành động, và học tập (Tục ngữ Ả-rập). Âm nhạc Việt Nam cũng có hệ thống ngũ
cung, nghe rất lạ. Thâm thúy dường bao tư tưởng của một thi sĩ xưa:
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn
lao xao
Và rồi mùa Đông giá lạnh
cũng sẽ qua để con dơi bừng giấc Đông. Và bình minh lại vươn cao để gọi nắng Xuân
về chiếu tỏa, sưởi ấm mọi miền cho ngàn hoa khoe sắc, cho cây lành, trái ngọt.
Tôi lại tiếp tục khởi sự một-bắt-đầu. Dù thế nào cũng vẫn cần phải “dậy mà đi”
(Ngô Tất Tố), như dòng sông không ngừng chảy. Vâng, “Tôi ơi, đừng tuyệt vọng!”
(Trịnh Công Sơn). Hãy cố gắng là một đóa hồng trao tặng cuộc đời. Con chim vẫn
hót dù biết mình sắp bị mũi tên bắn trúng. Như vậy, tôi phải sống thăng hoa, vượt
lên mọi chướng ngại. Tôi cố gắng viết những gì tôi sống, và sống những gì tôi
viết…
Cuộc sống có biết bao điều
khiến người ta sợ, không ai giống ai và với các mức độ khác nhau. Nhưng chính
Chúa Giêsu nhiều lần khuyến khích: “Đừng sợ!” (St 15:1; St 21:17-18; St
26:23-24; St 35:16-17; St 43:23; St 46:1-4; St 50:18-21; Xh 14:13; Đnl 31:6; Is
41:10; Is 41:13; Is 43:1; Is 43:13; Gr 46:27-28; Gr 51:46; Mt 10:26; Mt 10:28;
Mt 10:31; Mt 14:27; Mt 17:7; Mt 28:5; Mt 28:10; Mc 5:36; Mc 6:50; Ga 14:27; Lc
1:13; Lc 1:30; Lc 2:10; Lc 5:10; Lc 12:4; Lc 12:7; Lc 12:32; Lc 21:9; Ga 6:20;
Ga 14:27; Kh 1:17-18). Lời động viên ngắn gọn, giản dị mà đầy đủ ý nghĩa, nhưng
lại không dễ thể hiện!
Dù chưa làm được điều
mình muốn, nhưng tôi vẫn muốn làm điều mình mơ ước. Tôi muốn cố gắng noi gương
người Samari nhân hậu (Lc 10:29-37). Tôi không muốn tranh giành như hai con ông
Dêbêđê (Mt 20:20-23; Mc 10:35-40). Tôi muốn sống theo lời Chúa Giêsu khuyên phục
vụ (Mt 20:24-28; Mc 10:40-45). Tôi chỉ như ông Ladarô (Lc 16:19-31) nghèo khổ,
và như ông Mátthia (Cv 1:24-26) điền vào chỗ trống cho đủ. Con người rất dễ
kiêu ngạo, thế nên tôi cần cố gắng sống khiêm nhường (Ga 13:1-20), tự khó với
chính mình. Tôi chỉ là người phụ nữ ngoại tình (Ga 8:2-11), là người thu thuế
(Lc 18:13), nhưng tôi tin Chúa Giêsu là Đường, là Sự thật và là Sự sống (Ga
14:6).
Lạy Thiên Chúa giàu Lòng
Thương Xót, con tín thác vào Ngài! Xin hướng dẫn con từ lúc con bắt đầu suy
nghĩ để con có thể hành động đúng Tôn Ý Ngài, vì tất cả đều bởi Ngài và là của
Ngài, xin giúp con quản lý tốt những “nén” mà Ngài giao phó cho con để sinh lợi
cho Ngài. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Thiên Chúa cứu độ của con.
Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét