Làm thế nào để có 5 loại phúc lớn trong cuộc đời?
(trithuc.net)
Mỗi dịp tết đến xuân về người ta thường chúc nhau “ngũ phúc lâm
môn” (Năm loại phúc vào nhà). Hay trong các tác phẩm nghệ thuật như tranh thêu,
tranh vẽ…cũng thường đề “ngũ phúc lâm môn”. Vậy “ngũ phúc lâm môn” là năm loại
phúc gì? Làm thế nào mới có được năm loại phúc ấy?
(Hình minh họa: Qua kknews.cc)
“Ngũ phúc” là gì?
Trong cuốn “Thư kinh” viết, “Ngũ phúc” bao gồm năm loại phúc là: “Trường
thọ”, “Phú quý”, “Khang ninh” (an khang, yên ổn), “Hảo đức” (đạo đức tốt)
và “Thiện chung” (cái chết an lành) .
“Trường thọ” là chỉ sinh mệnh không
bị chết yểu, chết trẻ, hơn nữa còn may mắn, sống thọ cao tuổi.
“Phú
quý”
là chỉ tiền tài dư dật,
giàu có, sung túc, hơn nữa còn có địa vị tôn quý, cao sang.
“Khang ninh” là chỉ thân thể khỏe
mạnh, không ốm đau bệnh tật, hơn nữa, còn có tâm linh an bình, yên vui.
“Hảo đức” là phẩm hạnh, đạo đức
tốt đẹp, là có tính cách nhân từ lương thiện, hơn nữa còn khoan dung, độ lượng.
“Thiện chung” là có thể dự đoán trước
được ngày chết của mình. Người có phúc “thiện chung” thì những năm
tháng cuối đời, không gặp phải tai họa bất ngờ, thân thể không bị ốm đau
hành hạ. Trong nội tâm người ấy cũng không lo lắng hay phiền não, mà an tường
tự tại rời khỏi nhân gian. Đó là một cái chết an lành, nhẹ nhàng, không có đau
đớn khổ sở.
Làm sao để có được “Ngũ
phúc”?
(Hình minh họa: Qua sdhxw.cn)
Có lẽ, mỗi người chúng ta đều mong muốn được sống lâu, sống
thọ vui vầy bên người thân gia đình. Hẳn là ai cũng đều hy vọng có vinh hoa phú
quý, có cuộc sống sung túc, tối thiểu là được “ăn no mặc ấm”, trong tay không
thiếu thốn, túng quẫn. Đồng thời, chúng ta cũng mong muốn có một thân thể khỏe
mạnh, thể xác và tinh thần cả đời được bình an, sau trăm tuổi có thể nhẹ nhàng
rời đi, khi chết rồi cũng không bị đày xuống nơi địa ngục. Những
điều này cũng chính là điều mà con người cả đời “khổ sở” theo đuổi.
Năm loại phúc này hợp lại thì cấu thành nên một cuộc đời
mỹ mãn, tròn đầy. Nhưng trong cuộc đời lại có rất nhiều cảnh ngộ, có
người sống thọ nhưng nghèo khổ, bần tiện thành ra phiền não. Có người lại giàu
sang nhưng mệnh yểu hay sức khỏe không tốt. Cũng có người nghèo khổ nhưng lại
được “thiện chung”, có người giàu có nhưng lại vô cùng “lao tâm khổ tứ”…
Vậy để có được “ngũ phúc”, chúng ta phải chú trọng đến điều gì? Kỳ
thực, trong “ngũ phúc” thì “hảo đức” là loại phúc quan trọng nhất. Bởi vì “đức”
là ngọn nguồn của cuộc đời hạnh phúc. “Hảo đức” là gốc rễ của hạnh
phúc và vui sướng, khoái hoạt. Từ “Hảo đức” mà có thể bồi dưỡng ra bốn
phúc còn lại. Một người nếu không có “Hảo đức” thì sẽ không có bốn phúc còn
lại, hay cho dù có một chút thì cũng sẽ không thể được lâu dài.
Cho nên, trong suốt cuộc đời, mỗi người
phải chú trọng bồi dưỡng phẩm hạnh đạo đức và hành vi tốt đẹp. Người có
đạo đức tốt đẹp thì trong sâu thẳm tâm hồn không có sầu lo uẩn khúc, như thế họ
mới sống được an lành, mỹ mãn. Giống như người xưa giảng: “Không làm việc trái lương tâm thì nửa đêm không sợ quỷ gõ cửa!”
(Hình minh họa: Qua youtube.com)
Cổ nhân dạy rằng “Đức” gồm có tám phương diện, bao gồm: Hiếu,
đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ. Tám chữ này được gọi chung là “bát đức”,
hay còn gọi là “bát đán”, cũng là tiêu chuẩn của con người.
Trong “Luận Ngữ”, Khổng Tử viết: “Hảo đức” thể hiện ra hành vi bao gồm năm phương diện: Ôn
hòa, lương thiện, cung kính, tiết kiệm, nhường nhịn.”
Ôn hòa tức là mềm mại, nhẹ nhàng, tâm tình ôn hòa có thể khiến tâm
sinh lý khỏe mạnh.
Lương thiện là nhân từ, thương người. Người lương thiện, nhân từ
bởi vì thường xuyên bố thí, giúp đỡ người khác mà có thể sống lâu, sống
thọ.
Cung kính là giữ lễ, người biết giữ lễ nghĩa, lễ độ thì thường
tránh được tai ương, bảo trì được tâm thái bình tĩnh, an bình.
Tiết kiệm chính là cần cù, không hoang phí. Người cần cù tiết kiệm
thì sẽ mang đến tài phú và thân thể khỏe mạnh bởi không sa đà vào lòng tham.
Nhường nhịn chính là khiêm tốn, nhún nhường, lễ nhượng. Nhường
nhịn có thể khiến cho ôn hòa, lương thiện, cung kính, tiết kiệm phát huy được
tác dụng.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường phát hiện thấy rằng,
người có đạo đức tốt đẹp, lương thiện thì hay gặp được những việc tốt đẹp mà
trong tâm họ không ngờ tới. Đôi khi họ còn có thể gặp họa lại hóa thành may
mắn, việc xấu hóa thành việc tốt. Đồng thời, cả đời họ còn có nhiều phúc báo,
vĩnh viễn không bần cùng và thiếu thốn. Đây chính là bởi vì người “hảo đức” vốn
là người có phúc phận, cũng chính là người có “ngũ phúc”.
An Hòa (biên dịch)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét