Thứ Năm, 3 tháng 8, 2017

Người tặng Đức Giáo Hoàng chiếc nón lá Việt Nam

Người  tặng  Đức  Giáo  Hoàng  
chiếc  nón  lá  Việt  Nam
(Thứ sáu - 14/07/2017)


    
LTS: Cuối tháng 10.2016, trong chuyến tông du của Đức Phanxicô tại Thụy Điển, một phụ nữ Việt Nam đã được ngài ôm vào lòng chúc lành. Cái ôm thật ấm áp giữa tiết trời mùa thu lạnh giá của Bắc Âu. Bà gởi biếu Đức Thánh Cha chiếc nón lá Việt Nam, bên trên có huy hiệu và cờ Vatican, ngài tươi cười đón nhận. Hình ảnh này đã được các hãng thông tấn và báo đài khắp thế giới đăng tải. Công giáo và Dân tộc đã chọn làm ảnh bìa báo Xuân 2017. Người phụ nữ Việt Nam trong ảnh là bà Nguyễn Thị Hường. Chồng bà đã thay mặt gia đình gởi riêng cho Tòa soạn những dòng chia sẻ về thời khắc vô cùng xúc động bên Đức Phanxicô.



Một gia đình nhỏ miền giá lạnh
Chúng tôi là một gia đình Công giáo Việt Nam sống tại Thụy Điển đã nhiều năm, gồm vợ chồng tôi Đinh Bình Thuận (52 tuổi) - Nguyễn Thị Hường (50 tuổi) cùng 4 cháu, hai trai hai gái: Đinh Như Nguyện Vincent (16 tuổi), Đinh Thiên Dâng Teresa (14 tuổi), Đinh Thiên Mến Maria (12 tuổi) và Đinh Ái Nhân Francisco (9 tuổi). Cùng đích của cuộc sống trên thế gian này và cũng là điều chúng tôi hằng tâm niệm là “Nguyện dâng mến Người”.

Hồi chuông ngân vang cách đây gần 20 năm, ngày 8.6.1999, tại Thánh đường giáo xứ Tân Mai (giáo phận Xuân Lộc), chúng tôi hân hoan đón nhận hồng ân hôn phối dưới sự chủ tế của cha Vinhsơn Đặng Văn Tú, trong niềm hạnh phúc lứa đôi. Đây là con đường mà Thiên Chúa và Mẹ Maria đã chọn cho chúng tôi, thay vì con đường tận hiến.

Vài tháng sau, chúng tôi rời Việt Nam. Chuyến bay đoàn tụ vào ngày 25.12.1999 đến miền cực Bắc của quả đất, cuối cùng cũng hạ cánh xuống phi trường Arlanda Stockholm, Thụy Điển. Lúc này trời và đất hòa quyện thành vùng tuyết trắng khổng lồ không biên giới, báo hiệu mùa băng giá đã đến. Hôm ấy cũng là Giáng Sinh.

Thụy Điển là một quốc gia thuộc vùng Scanadivia, Bắc Âu lạnh giá với dân số chỉ bằng 1/10 Việt Nam, đại đa số theo Tin Lành Luther. Ngày 31.10.2016, trong chuyến tông du tại đây, Đức Thánh Cha Phanxicô cùng Giáo hội Công giáo Thụy Điển và Liên đoàn Thế giới Tin Lành Luther dự lễ kỷ niệm 500 năm phong trào cải cách. Quá khứ đau buồn khép lại để hướng đến một xã hội đại đồng, trong đó các tôn giáo sống hòa thuận với nhau trong tình hiệp nhất. Sau gần 5 thế kỷ chia cắt, giờ đây Đức Thánh Cha Phanxicô đang nỗ lực tái lập sự hiệp nhất giữa Công giáo và Tin Lành.

Chúng con xin cảm tạ Thiên Chúa đã ban tặng cho Giáo hội hoàn vũ một sứ giả hòa bình, nhằm kiến tạo hạnh phúc cho các dân tộc trên Trái đất này bất kể họ thuộc tôn giáo nào.

Ơn sủng Chúa ban: gặp Đức Giáo Hoàng


Chúng tôi hiểu rằng, để được yết kiến Đức Thánh Cha Phanxicô là một phép lạ và là một ơn sủng Thiên Chúa ban tặng cách riêng, nên cả nhà không dám nghĩ đến. Nhưng chuyện gì đến sẽ đến.

Gia đình sáu người đã chuẩn bị từ 6 tháng trước cho ngày lịch sử này. Chúng tôi đặt khách sạn, vé vào dự lễ và tìm những thông tin về địa điểm cũng như thời gian mà Đức Thánh Cha đi qua, vì các cháu đều tâm nguyện rằng, nếu bóng của ngài đổ lên trên mẹ của chúng thì mẹ sẽ được cứu. Riêng tôi chỉ nguyện xin Chúa cho vợ mình được sống lâu với chồng con chứ không dám mơ ước cho em khỏi bệnh, vì Hường đã ngã bệnh hơn ba năm nay rồi. Căn bệnh thế kỷ bất trị, hơn nữa, bệnh ung thư của Hường đã ở vào giai đoạn cuối. Theo các bác sĩ Thụy Điển thì cuộc sống của Hường sẽ không kéo dài hơn sáu tháng kể từ ngày phát bệnh. Điều này tôi luôn để trong tâm và không dám tiết lộ với bất cứ ai, kể cả vợ mình. Sự sống của Hường ví như cây tầm gởi, càng bệnh nặng, càng gần cái chết thì càng cố muốn bám víu lấy sự sống.

Khoảng 3 giờ sáng ngày 30.10.2016, chúng tôi chạy xe về hướng tây nam của thành phố Gothenburg để đến thành phố Lund, miền nam Thụy Điển, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp Vua Carl XVI Gustaf, các chức sắc Tin Lành và Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven. Ở đây, chúng tôi không có cơ hội nhìn thấy ngài từ xa. Sau đó vào buổi chiều cùng ngày, gia đình tôi theo đoàn về Malmo Arena. Đức Giám mục Anders Arborelius có mặt để đón tiếp Đức Thánh Cha. Cũng nói thêm, Đức cha Arborelius là giám mục tiên khởi của thủ đô Stockholm, giáo phận duy nhất tại Thụy Điển. Ngày 28.6.2017 vừa qua, ngài cũng trở thành Hồng y tiên khởi không chỉ của Thụy Điển mà của cả vùng Scandinavia. Đất nước Bắc Âu này chỉ có một giám mục duy nhất vì số giáo dân quá ít (113 ngàn người), phần lớn là người nhập cư, trong đó có Việt Nam.


Cơ hội gặp trực tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô là một việc gần như không thể, vì vậy, tôi chỉ cầu nguyện cho vợ mình có cơ may gặp được ngài một lần trong đời để thỏa lòng mong ước trước khi rời bỏ thế gian này. Đối với tôi, thuốc men của Thụy Điển chỉ đóng vai trò phụ trong việc duy trì mạng sống của vợ mình. Tận sâu thẳm tâm hồn tôi, những cuộc hành hương về thánh địa như Jerusalem, Roma, Lộ Đức, Fatima… mới là hy vọng thật sự cho Hường.

Như những bậc tiền nhân phải xa quê cha đất tổ trải dài suốt gần một thế kỷ qua, con cái sinh ra và lớn lên tại xứ sở Bắc Âu, tuy mang quốc tịch Thụy Điển nhưng chúng tôi luôn dạy con với phương châm: “Nhất tận hiến, nhì hôn phối Việt”. Nghĩa là hãy ra khơi, cho đi tất cả và nếu Thiên Chúa không chọn thì các con hãy chọn kết hôn với người Việt Nam. Vì dù có sống bao lâu đi nữa, các con cũng mãi là người Việt trên đất nước này, chỉ có nước Trời mới là quê hương đích thực và vĩnh cửu của chúng ta.

Luôn hướng về quê hương là lý do mà khi muốn tìm quà biếu Đức Giáo Hoàng, chúng tôi đã chọn chiếc nón lá thân thương của Việt Nam, trên đó để hình huy hiệu và màu cờ trắng vàng của Tòa Thánh. Cũng chính biểu tượng này đã làm Đức Thánh Cha Phanxicô dừng chân khi chợt nhìn thấy bên vệ đường. Ngài đã dủ lòng thương xót.

Thời khắc lịch sử đã đến. “Ba ơi! Mẹ hết bệnh vì mẹ được Đức Thánh Cha Phanxicô ôm vào lòng”, Vincent nói tôi với vẻ sững sờ. Tôi chết lặng trong khoảnh khắc vì sự việc diễn ra quá bất ngờ. Một hạnh phúc dâng trào bằng những giọt nước mắt mừng vui mà đời tôi chưa bao giờ có cảm giác ấy, riêng Hường chết lặng trong lòng vì là chứng nhân của lòng thương xót Chúa. Hai chúng tôi nhìn nhau bằng những ánh mắt hạnh phúc, và hiểu rằng Thiên Chúa đã âm thầm gởi niềm ủi an qua Đức Thánh Cha Phanxicô. Người đã đến vùng cực bắc này để sưởi ấm cho những tâm hồn băng giá sống ở nơi mà chủ nghĩa tiêu thụ, thực dụng, hưởng thụ và tục hóa đang phát triển mạnh. Biến cố này luôn in dấu ấn thiêng liêng trong mỗi chúng tôi. Thiên Chúa muốn gửi thông điệp gì đây? Vâng, thật vậy! Thiên Chúa luôn nhớ và thương xót từng người trong chúng ta, Ngài luôn gởi sứ giả hòa bình đến để an ủi tất cả những người con đơn độc và đau ốm ở chốn xa xôi hẻo lánh.     


Tấm hình người đàn bà ngồi trên chiếc xe lăn với chiếc nón Việt Nam có cờ và huy hiệu của Tòa Thánh được Đức Thánh Cha Phanxicô ôm trọn vào lòng nhân chuyến tông du lịch sử của ngài tại Thụy Điển đã lan truyền rất nhanh trên mạng internet qua website của các báo đài, blog, mạng xã hội... Chúng tôi lại càng ngạc nhiên hơn khi một người bạn ở Việt Nam là độc giả của báo Công giáo và Dân tộc nhận ra người đàn bà trên chiếc xe lăn trên ảnh bìa báo Xuân chính là bạn của mình nên đã cho biết.



Với căn bệnh ung thư phổi ở giai đoạn cuối, tế bào ung thư đã di căn lên não nên theo lý thuyết y học thì người bệnh ở thời kỳ này không còn nhiều thời gian. Nhưng riêng trường hợp của Hường thì rất lạ, nói cách khác là không thể giải thích theo y học thuần túy. Đây là phép lạ có sự can thiệp của Đấng siêu nhiên vì sức khỏe của Hường có tiến triển tốt mỗi ngày, và nhất là chúng tôi tăng thêm lòng tin cậy mến vào Thiên Chúa sau khi được diện kiến Đức Thánh Cha Phanxicô.

Nhân dịp này chúng tôi xin cảm ơn đến tất cả, bạn bè, thân quyến cùng tất cả quý vị đã âm thầm cầu nguyện và quan tâm đến gia đình chúng tôi. Đặc biệt cảm ơn Tòa soạn đã đặt những câu hỏi rất hay để tôi trải lòng. Và cuối cùng, nguyện xin Thiên Chúa và Mẹ Maria trả công bội hậu cho quý vị, xin tiếp tục lời cầu nguyện cho gia đình.

Thuận Hường


Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét