Rau củ quả ‘rỗng’:
Hậu quả từ nông nghiệp hiện đại
và thương mại toàn cầu
(Thứ
ba, 27/06/2017-trithuc)
(ảnh: 123rf.com)
Ngày nay bạn có thể mua
táo Mỹ, chuối Dole, kiwi Úc ở bất kỳ siêu thị nào của Việt Nam, số lượng không
hạn chế… Cuộc sống thật tiện lợi, nhưng đó chỉ là một mặt của vấn đề. Các
chuyên gia cảnh báo rằng, mật độ dưỡng chất trong rau củ quả đang sút giảm một
cách tệ hại.
Khi bạn tính toán khẩu phần
ăn, không chỉ là ăn cho đủ calo và đầy bụng, bao nhiêu loại này hay loại kia mà
phải cân bằng giữa lượng chất đạm, béo, đường bột… với các chất dinh dưỡng khác
như vitamin A, B, C, axit béo omega-3, các chất khoáng trung và vi lượng, chất
chống oxy hóa… Tùy vào hàm lượng dinh dưỡng nguyên liệu thực phẩm mà các nhà
nghiên cứu đưa ra những khuyến cáo khác nhau cho từng đối tượng. Tuy nhiên, nếu
như chỉ cần một trái táo là đủ vitamin cho cơ thể vào năm 1950 thì ngày nay có
lẽ bạn cần phải ăn đến… 20 trái, thậm chí là nhiều hơn nữa.
Nghiên cứu cho thấy, so với
vài thập kỷ trước đây, các chất dinh dưỡng trong thực phẩm suy giảm nhiều. Một
số loại trở nên “to xác”, tính về mật độ năng lượng calo có thể không thay đổi,
nhưng thực ra chúng khá là rỗng tuếch. Các nhà khoa học đã cảnh báo về vấn đề
này khi khảo sát trên nhiều loại thực phẩm khác nhau. Táo chỉ là một ví dụ,
nhìn bề ngoài chúng có vẻ đẹp hơn loại táo của những năm 1950, nhưng hàm lượng
các chất dinh dưỡng đã giảm sút nghiêm trọng. Trái cam ngày nay có lượng sắt ít
hơn 5 lần.
Theo các nhà nghiên cứu
Canada, sau 50 năm phát triển, khoai tây đã mất đi một nửa lượng vitamin C, sắt
và một phần tư lượng canxi. Do đó có thể bạn sẽ cần ăn đến 5 trái chuối, 10
trái cam, và 26 trái đào để có được lượng vitamin A tương đương, đáp ứng cho
nhu cầu hàng ngày của cơ thể!
Tất nhiên là các nhà
nghiên cứu không hoàn toàn cùng đồng ý với những tỉ lệ sụt giảm giá trị dinh dưỡng
nêu trên. Mức độ suy giảm phụ thuộc theo từng loại rau củ quả, giống, mùa và địa
lý… nhưng hầu hết họ đều thừa nhận rằng đây là một vấn đề thực tế.
Các vitamin đã đi đâu mất?
Chúng ta có thể nghi ngờ
rằng các phương pháp phân tích khi xưa có sai số lớn, tuy nhiên các nhà nghiên
cứu đã tiến hành thử nghiệm và khẳng định đồ ăn bị “suy dinh dưỡng” là một thực
trạng và chúng xuất phát từ một số nguyên nhân như:
. Phương pháp canh tác hiện
đại với mật độ cây trồng cao, lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và phân
bón… Điều này đã thúc đẩy tốc độ phát triển của cây, đồng thời giảm thời gian cần
thiết để các tạo ra và cố định các chất dinh dưỡng trong rau củ quả.
. Kỹ thuật thâm canh rút kiệt
độ màu mỡ của đất, khiến đất trở nên nghèo dinh dưỡng. Kết quả là cây trồng
cũng suy dinh dưỡng, rau quả to xác vì phân hóa học và chất kích thích tăng trưởng…
nhưng không còn vị đậm đà cùng với những dưỡng chất nguyên sơ.
. Các sản phẩm nông nghiệp
thường được trồng ở một nơi, sơ chế đóng gói ở một nơi và chuyên chở đi tiêu thụ
ở một nơi khác – có thể cách đó nửa vòng trái đất. Như vậy, thời gian tính từ
lúc thu hoạch đến khi được ăn tương đối dài, làm giảm giá trị dinh dưỡng của
chúng.
. Để đảm bảo trái cây đều
và đẹp, ít bị dập nát hư hao, người ta đã thu hái ngay từ lúc chúng chưa kết
thúc quá trình tích lũy dưỡng chất, đặc biệt là những loại cần phải có ánh nắng
mặt trời để hình thành, ví dụ như các hoạt chất anthocyanin, polyphenol… là những
chất giúp cơ thể người chống lại ung thư, lão hóa, tiểu đường… Một số loại trái
cây nếu hái sớm thì lượng vitamin C coi như là bằng không.
Thói quen hủy diệt
dưỡng chất trong rau củ quả
Rau củ quả, đáng ra cần
được thu sớm hái nhanh và bảo quản chỗ mát trong thời gian ngắn rồi ăn luôn,
thì ngày nay nhiều hàng rau lại được bày như thể phơi quần áo cho khô. Thời tiết
nóng nực và dưới với ánh nắng Mặt Trời là các tác nhân phá hủy đi chút xíu
vitamin còn lại trong đó. Đáng tiếc đây là chuyện bạn có thể thấy hàng ngày
xung quanh chúng ta.
Ai cũng lo dư lượng thuốc
trừ sâu, hóa chất bảo quản, nên nhiều người mang ngâm chúng trong nước hàng giờ,
rồi rửa dưới vòi nước chảy mạnh… vậy là coi như tiêu hủy thêm một phần chất
dinh dưỡng nữa! Nếu khâu cuối là nấu chín, luộc kỹ kết hợp với mở vung nồi… thì
về cơ bản bạn đã hoàn thành xuất sắc vai đóng trong bộ phim “kẻ hủy diệt” về
dinh dưỡng. Cơ thể chúng ta thiếu khoáng chất, đói vitamin, không có chất chống
oxy hóa… sẽ phải vật vã khổ sở chèo chống sống cho qua ngày. Thiếu hụt dinh dưỡng
mãn tính, hệ miễn dịch suy yếu, tất nhiên cơ thể trở nên mong manh và có nguy
cơ mắc nhiều loại bệnh, bao gồm cả ung thư.
Giải pháp nào cho người tiêu dùng?
Người nông dân có cái lý
của người nông dân, họ muốn thu hoạch mùa màng nhanh chóng và bội thu; thương
lái và người bán lẻ muốn hạn chế rủi ro và tổn thất hao hụt. Vậy tất nhiên là
phần còn lại dành cho người tiêu dùng. Do vậy, giải pháp không thực sự có nhiều
và chỉ là đối phó khi vấn đề không được giải quyết từ gốc. Nhìn chung, bạn có
thể áp dụng một số nguyên tắc sau để hạn chế nguy cơ:
. Mùa nào thức nấy: Đừng cố
gắng ăn đồ trái vụ, hãy tìm trái chín cây thay vì chín hàng loạt nhờ hóa chất.
. Vùng nào thức nấy: Đồ
tươi mới sản xuất tại địa phương đảm bảo hơn là vận chuyển từ nơi khác về, đồ
nhập khẩu cũng cần xem xét kỹ lưỡng.
. Mua hàng rau quả tươi, sạch
và tốt nhất là hàng thực phẩm trồng theo phương pháp hữu cơ, hoặc dân dã truyền
thống không dùng nhiều hóa chất.
Ngoài ra, đối với rau củ
quả, bạn không nên ngâm rửa nhiều quá, điều đó không có tác dụng nhiều trong việc
loại bỏ các loại hóa chất đã ngấm vào sâu đó, mà chỉ phá hủy thêm các vitamin.
Đình Vũ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét