Vì sao các ông chồng không chịu đưa tiền cho vợ?
(Ngày 20 Tháng 8, 2017)
GiadinhNet - Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân
khiến cho một số ông chồng không đưa tiền sinh hoạt gia đình cho vợ là do họ
không xác định được trách nhiệm và bổn phận của mình. Sự phân hóa xã hội hiện
nay đang tác động không nhỏ đến đời sống của từng gia đình khiến cho người đàn
ông rơi vào khủng hoảng, họ không biết vai trò của mình ở đâu và trách nhiệm
của mình là gì?
Nghịch lý cả gia đình trông vào tiền của vợ
TS tâm lý Nguyễn Thị
Kim Quý, Hội tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, theo truyền thống của nhiều
nước châu Á, thường thì người đàn ông là người chịu trách nhiệm chính về vấn đề
tài chính trong gia đình. Đổi lại người vợ là người chịu trách nhiệm chính
trong việc chăm sóc gia đình và con cái. Không chỉ ở châu Á mà ngay cả nhiều
nước phương Tây hiện nay cũng có sự phân công lao động gia đình theo kiểu
truyền thống này. Ví dụ, ở Pháp người chồng có nhiệm vụ kiếm tiền trang trải
mọi chi phí sinh hoạt của gia đình. Nhiệm vụ chăm sóc gia đình, con cái được
giao cho vợ.
Tuy nhiên ở Việt Nam
hiện nay, sự phân công lao động theo cách truyền thống này đang có sự phân hóa,
đặc biệt là khi người vợ cũng vượt ra khỏi gian bếp để ra xã hội làm việc bình
đẳng như nam giới. Mặc dù các nhà chuyên môn coi đây là một bước tiến về bình
đẳng giới nhưng thực tế thì “sự bình đẳng” này đẩy phụ nữ vào tình trạng quá
tải về thời gian làm việc và sự phủi trách nhiệm tài chính của người bạn đời.
Người đàn ông của những thế hệ trước đây họ thường xác định rất rõ vai trò trụ
cột về tài chính là của người chồng nhưng hiện nay suy nghĩ này đã trở nên mờ
nhạt ở rất nhiều người. Không ít ông chồng dường như mặc kệ người vợ với gánh
nặng chi tiêu trong gia đình.
Thực tế thu nhập của
không ít người phụ nữ hiện nay chỉ là một dạng thu nhập từ “công việc làm thêm”
“công việc đính kèm”. Bởi bên cạnh việc đi làm kiếm tiền thì người phụ nữ này
vẫn phải chịu trách nhiệm chính trong việc chăm sóc gia đình con cái. “Thu nhập
đính kèm thì không thể lo trang trải đủ cho cả gia đình được, đó là điều dễ
hiểu. Và một lẽ hiển nhiên khác, gia đình là “của chung”, con cái cũng là của
“hai người” thì không có lý gì người chồng lại có thể để mặc vợ một lúc phải
gánh cả hai vai – vai nội trợ và vai kiếm tiền nuôi sống gia đình. Phụ nữ Việt
phải “khổ” như thế, ai là người chịu trách nhiệm hiện nay?”, TS tâm lý Nguyễn
Thị Kim Quý đặt câu hỏi.
Vì
sao đàn ông phủi trách nhiệm… nuôi sống gia đình?
Thực tế, có những ông
chồng vì lương thấp nên không góp tài chính cho gia đình nhưng có những ông
chồng thu nhập cao vẫn "chơi bài" không đưa tiền cho vợ chi tiêu
trong nhà. Theo các chuyên gia, khi người chồng làm ra tiền mà không chịu đóng
góp tài chính, có thể xảy ra 3 trường hợp sau:
Thứ nhất, ông chồng
này là người “sống thủ”, tức là sống cho riêng mình và không tin tưởng vào vợ.
Khi đó người vợ nên xem xét lại bản thân, liệu có tiêu hoang quá không? Liệu có
keo kẹt chi li đến nỗi “tiền chồng vào thì dễ, tiền chồng lấy ra thì khó”
không? liệu có khéo léo tế nhị khi hỏi tiền chồng, hay là có thái độ truy xét,
yêu cầu khiến họ khó chịu? Bởi thực tế đàn ông đa phần lập gia đình để có chốn
bình yên đi về, họ cũng thích được người vợ lo lắng cho kinh tế của gia đình.
Nếu người vợ đã khéo léo, ngọt ngào và quan tâm chăm sóc chồng, biết cách chi
tiêu hợp lý mà ông chồng không chịu đóng góp thì nên sống ly thân và có thể là
ly hôn khi ông xã vẫn không thay đổi. Bạn không nên hy sinh cho một con người
ích kỷ và không lo lắng, không có trách nhiệm với gia đình vợ con.
Thứ hai, hãy xem xét
lại tình trạng gia đình, liệu ngọn lửa hôn nhân có được thắp sáng hay đã tàn
lụi. Bởi nếu gia đình không còn làm tổ ấm, người vợ không hoàn thành chức năng
quản gia của mình thì các ông chồng cũng dễ dàng quên mất trách nhiệm kinh tế của
mình.
Thứ ba, người chồng
giữ tiền để tiêu cho mối quan hệ ngoài luồng của mình. Hãy để ý, theo dõi bởi
rất có thể người chồng đó đã ngoại tình.
Theo TS Nguyễn Thị Kim
Quý, ngoài những nguyên nhân trên thì những người chồng không đưa tiền sinh
hoạt gia đình cho vợ là do họ không xác định được trách nhiệm và bổn phận của
mình. Có thể thực tế sự phân hóa xã hội hiện nay đang tác động không nhỏ đến
đời sống của từng gia đình khiến cho người đàn ông rơi vào khủng hoảng, họ
không biết vai trò của mình ở đâu và trách nhiệm của mình là gì. Do vậy, những
người làm luật nên hướng đến những điều cụ thể như trách nhiệm đóng góp tài
chính của người chồng trong gia đình. Để có được những điều luật thiết thực như
vậy, thiết nghĩ cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề gia đình, cụ thể ở đây là Bộ
VHTT&DL cần có những nghiên cứu, đề xuất cụ thể để xây dựng nên những chính
sách về gia đình thực sự có ý nghĩa với đời sống hiện nay.
Đặc tính chung của con
người là ưa thích hưởng thụ dục lạc, thích làm ít hưởng nhiều, thích được mà
không muốn mất… nếu xã hội không có những quy chuẩn đạo đức đủ sức để ràng buộc
trách nhiệm của người chồng thì pháp luật cần phải có những quy định cụ thể về
vai trò trách nhiệm của người chồng cũng như người vợ. Có như vậy mới có thể
đảm bảo có được những “thiết chế” gia đình vững chắc, tạo nền tảng cho một xã
hội vững chắc.
Thực tế sự phân hóa xã
hội hiện nay đang tác động không nhỏ đến đời sống của từng gia đình khiến cho
người đàn ông rơi vào khủng hoảng, họ không biết vai trò của mình ở đâu và trách
nhiệm của mình là gì. Do vậy, những người làm luật nên hướng đến những điều cụ
thể như trách nhiệm đóng góp tài chính của người chồng trong gia đình. Để có
được những điều luật thiết thực như vậy, thiết nghĩ cơ quan quản lý nhà nước về
vấn đề gia đình, cụ thể ở đây là Bộ VHTT&DL cần có những nghiên cứu, đề
xuất cụ thể để xây dựng nên những chính sách về gia đình thực sự có ý nghĩa với
đời sống hiện nay.
Ngân Khánh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét