Gia đình công giáo
(Tue, 22/08/2017 - PM.Cao Huy Hoàng)
Xin được nôm na khởi đầu chuyện gia đình bằng việc: Hai người nam nữ gặp gỡ, tìm hiểu, đem lòng yêu thương nhau, rồi tự nguyện và đoan hứa chung sống với nhau suốt đời làm thành một cuộc hôn nhân tự nhiên. Đối với tín hữu công giáo, Chúa Giê-su đã nâng hôn nhân tự nhiên lên hàng bí tích, dấu chỉ của sự kết hợp vĩnh cửu giữa Chúa Ki-tô và Hội Thánh. Từ đây, một gia đình mới được hình thành, một hội thánh thu nhỏ được thiết lập. Vì thế, khi ý thức sâu sắc rằng: gia đình là một Hội Thánh thu nhỏ, thì hãy làm cho đời sống gia đình phong phú bằng cách sống đúng bản chất của Hội thánh: cộng đoàn phụng vụ, cộng đoàn hiệp nhất yêu thương, và cộng đoàn loan báo tin mừng.
I. GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO:
CỘNG ĐOÀN PHỤNG VỤ
Gia đình công giáo là
cộng đoàn của những người Tin vào Thiên Chúa, Yêu mến Thiên Chúa, và Trông cậy
nơi Chúa. Sống Đức Tin, Cậy, Mến là cách sống của cộng đoàn phụng vụ: thờ
phượng Thiên Chúa, cho vinh danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn.
Ba nhân đức đối thần,
Tin Cậy Mến, là tiêu chuẩn để rà soát lại đời sống của mỗi gia đình công giáo
chúng ta. Những người làm cha, làm mẹ, phải nêu gương sống ba nhân đức này cho
con cái. Anh chị phải nêu gương cho các em. Vì việc tôn thờ Thiên Chúa, trước
tiên là đặt niềm tin vào Chúa và sống đức tin ấy trong gia đình mình, giữa lòng
đời. Và khi đã tuyệt đối tin, thì Đức Cậy và Đức Mến sẽ là công việc thường
xuyên của một Đức Tin sống động.
Tin vào Thiên Chúa cách
tuyệt đối
Tôi còn nhớ trước năm
1975, ở một vài nơi, có lệ đặt trước cổng nhà mình một cây thánh giá, và dưới
cây thánh giá ấy là hàng chữ: “Gia đình tôi tôn thờ Thiên Chúa”. Sau
năm 1975, thánh giá trên cổng và hàng chữ ấy bị yêu cầu gỡ bỏ đi, và thay vào
đó là“Hồ chí Minh muôn năm”, với một lá cờ đỏ sao vàng.
Thiết tưởng, việc đặt
Thánh giá trước cổng với hàng chữ “Gia đình tôi tôn thờ Thiên Chúa”
không chỉ là cách thể hiện niềm tin vào Thiên Chúa trước mắt mọi người, mà là
còn nhắc nhở mỗi người trong gia đình chúng ta rằng: chúng ta là con cái
Chúa, là người đã đặt niềm tin trọn vẹn vào Thiên Chúa, hãy sống sao cho ra
người con cái Chúa, để mọi người nhận thấy cuộc sống của gia đình chúng ta mà
ngợi khen Cha chúng ta trên trời.
Có một chuyện lạ là,
năm ấy, khi đi ngang qua nhà nọ, trước cổng có thánh giá và câu “gia
đình tôi tôn thờ Thiên Chúa”, bên trong nhà có bàn thờ Chúa, tôi còn
thấy bà nọ dọn ra trước cửa nhà mình một mâm cơm, có gà, có xôi, có chén, có
ly, có nhang hương đèn khói… Dừng lại tôi hỏi: “Bà làm gì thế?” Bà
trả lời, “Dạ, cúng ông Địa thầy ơi!. Bữa giờ buôn bán ế ẩm quá!”
Thì ra, đã tin vào
Chúa, còn tin vào Ông Địa nữa sao?
Có câu chuyện vui
khác: bà kia không có đạo, ở gần nhà thờ, ngày nào cũng nghe cả nhà thờ hát,
đọc kinh, dâng lễ, nhưng bà không theo đạo. Bà ta nói với người ta: “Cái
đạo gì mà thờ tùm lum. Vừa thờ Chúa Ki-tô, vừa thờ ông Hồ nữa. Tui không theo
đâu”. Không ai hiểu bà ta muốn nói gì, muốn ám chỉ ai. Hỏi ra mới
biết: “Ngày nào mà tui không nghe hát: “Xin Chúa Ki-tô Hồ thương xót
chúng con”
Những câu chuyện nhỏ
nhỏ ấy muốn nói điều này
- Hãy tin vào Thiên Chúa
bằng một niềm tin duy nhất, nghĩa là tin vào một mình Thiên Chúa mà thôi. Đừng
tin vơ thờ quấy.
- Cả nhà chúng ta cùng
chỉ một niềm tin mà thôi. Không thể trong nhà có hai ba người lại thờ hai ba
Chúa.
Vậy, hãy rà soát lại
Đức Tin của chúng ta. Chúng ta đã hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa chưa, hay
chỉ là tin nửa vời, hay niềm tin bắt cá hai ba tay. Cả nhà chúng ta đang cùng
tin một Chúa thôi, hay còn tin vào chúa nào khác nữa?
Không thể vừa tin vào
Thiên Chúa, lại vừa tin vào Đức Phật, vừa tin vào Bác Hồ và sức mạnh của đồng
tiền, lại vừa tin vào bà tướng số, vừa tin vào thầy bói toán, vừa tin vào khả
năng kiêu căng của mình…Niềm tin tham lam và không chắc chắn như vậy, sẽ không
làm đẹp lòng Chúa, và sẽ dẫn chúng ta tới chỗ xa lạc và mất đức tin.
Biết bao điều khó khăn
trong gia đình, khi chồng tin Chúa, vợ tin phật, con tin tiền, dâu tin bà bói
toán, rể tin cụ Hồ…
Không thể được.
Phải là một niềm tin duy nhất vào Thiên Chúa, và hơn nữa, gia đình chúng
ta phải duy nhất, phải nên một trong một niềm tin mà thôi.
Trong thời đại này,
cuộc sống có quá nhiều màu sắc, có quá nhiều quyến rũ làm lung lạc đức tin công
giáo của chúng ta. Một mối nguy hại khủng khiếp nhất, đó là lối sống vô thần,
duy vật, gian dối đã và đang thẩm thấu vào từng thớ thịt, từng tâm hồn mỗi
người. Một linh mục 90 tuổi, 57 năm linh mục, từng làm cha xứ, từng đi ở tù,
từng làm hạt trưởng, từng làm giáo sư… đã nhận định như sau: “Người
công giáo Việt Nam hôm nay vẫn đến nhà thờ, vẫn đi lễ, vẫn giữ các việc của Hội
Thánh, nhưng cách sống của Đức Tin đã không còn chân thành như trước nữa. Bởi
vì họ đã thâm nhiễm sự dối trá của xã hội này. Tất cả chuyện nhà thờ, nhà thánh
rồi ra như một lễ hội đời. Chỉ có hình thức và hình thức.”
Nghe ra thực xót xa.
Những suy cho kỹ, xét cho cùng, cha già kia nói đúng.
Đức tin không chỉ là
chuyện ở nhà thờ nhà thánh, mà phải là một đức tin tại gia đình và giữa
đời thường. Vẫn đọc kinh, dâng lễ, công tác, hội đoàn ra vẻ ngon lành lắm… về
đến gia đình thì vợ chồng xung khắc nhau, kẻ muốn giữ thai lại, người kia bảo
phải phá; kẻ tình trong, người tình ngoài sinh nghi ngờ ganh tỵ; chuyện chồng
chồng biết, chuyện vợ vợ hay, chuyện con cái thì cha mẹ lo cho đủ cái ăn, cái
mặc, cái tới trường là được rồi… và còn bao nhiêu chuyện thực hành đời sống Đức
Tin vào Thiên Chúa tại gia đình thì không thấy. Chưa nói đến chuyện ra ngoài xã
hội, người công giáo lại sống cũng chẳng khác gì người lương dân, đôi khi còn
tồi tệ hơn người chưa biết Chúa: tệ nạn xã hội hút chích mại dâm, sống thử,
ngoại tình, ly thân ly dị, kiện cáo, gian lận, say xỉn, gây thù chuốc oán,
tranh giành đất đai, lỗi phép công bằng, lỗi luật hôn nhân gia đình, vân
vân…không thiếu người phạm pháp là công giáo…thử hỏi, có xót xa không?
Do đâu vậy? Do đức tin
của chúng ta chỉ là một đức tin căn cước, đức tin tuyên xưng theo kiểu khai lý
lịch, đức tin trong sổ sách, đức tin hình thức và hình thức, không phải là một
Đức Tin sống động bởi mến Chúa và yêu người.
Hãy sống Đức Tin ngay
trong gia đình mình và giữa lòng xã hội hôm nay. Chính khi chúng ta sống Đức
Tin ấy là lúc chúng ta cùng Giáo Hội cử hành việc Phụng Vụ, cử hành việc Thờ
Phượng Thiên Chúa và cứu rỗi các linh hồn.
Thực hành Đức Tin là thờ
phượng Thiên Chúa.
Những người làm cha
mẹ, có bổn phân xây dựng gia đình mình thành một Cộng Đoàn Phụng Vụ ngay trong
gia đình mình, không ai có thể thay thế.
Vì thế trước tiên, cha
mẹ phải xét mình mình đã sống đức tin, đức cậy đức mến như thế nào, và phải
chấn chỉnh ngay cách sống.
Phải thực lòng sám hối
vì những lỗi phạm đến đức tin và bổn phận giáo dục đức tin cho con cái. Phải
quyết tâm đổi mới đời mình ngay hôm nay, để trở nên mẫu mực cho con cái.
Không chỉ nhắc nhở con
cái phải mà chính mình phải làm gương.
Có những “việc nhỏ”,
nhưng, ước gì mọi người là đừng xem là “việc nhỏ”, mà khinh thường, bỏ qua,
nhưng hãy nhớ là việc cần làm ngay trong mỗi gia đình:
a. Việc riêng của từng người: hãy nhớ đến Chúa mọi lúc
mọi nơi, và
dâng lời nguyện tắt, xin được gợi ý như sau:
- nhớ đến Chúa khi thức
dậy: Lạy Chúa, tạ ơn Chúa vì một đêm bình yên. Xin dâng ngày mới cho
Chúa.
- nhớ đến Chúa trước và
trong khi làm việc gì: Lạy Chúa, xin giúp con làm đẹp ý Chúa.
- nhớ đến Chúa trước khi
nói: Lạy Chúa xin giữ miệng con nói lời đẹp ý Chúa, vui lòng người.
- nhớ đến Chúa trước khi
ăn: Lạy Chúa, tạ ơn Chúa cho con có của ăn, xin nhớ đến những người
thiếu đói.
- nhớ đến Chúa sau khi
ăn: Lạy Chúa, tạ ơn Chúa. Xin cho con có sức khỏe mà phụng sự Chúa
trong mọi người.
- nhớ đến Chúa lúc đau
bệnh: Lạy Chúa, con xin dâng đau khổ này cho Chúa. Con xin kết hiệp với
khổ đau của Chúa.
- nhớ đến Chúa khi buồn
chán vì hiểu lầm: lạy Chúa, con tin Chúa hiểu con. Xin thứ tha cho
người…
….nói chung, hãy nhớ
đến Chúa đang ở trước mặt mình, nhớ mình đang sống dưới mắt nhìn yêu thương của
Chúa, và nhớ thân thưa to nhỏ với Chúa bằng những lời nguyện tắt. Như thế đã đủ
là một việc phụng vụ chân thành của mỗi người, mỗi nhà.
Trong tất cả mọi hoàn
cảnh, mọi lúc mọi nơi, mỗi người trong nhà đều có thể nhớ đến Chúa và cầu
nguyện riêng, cầu nguyện tắt. Việc này, ngày xửa ngày xưa cha ông ta đã từng
làm để giữ vững đức tin cho con cháu tới ngày hôm nay. Lần chuỗi theo lối cấy,
theo đường cày. Đọc kinh cầu Đức bà khi dệt lụa, xe tơ. Đọc kinh mùa thường
theo nhịp tát nước… Nhờ việc đạo đức nhỏ ấy, mà ông bà ta đã giữ vững Đức tin
của ông bà và của con cháu cho tới ngày hôm nay. Tại sao chúng ta có thể xem
thường và bỏ qua được?
b. Việc chung trong gia đình:
- Cha mẹ nhắc nhớ gia
đình đọc kinh chung, sáng, tối. Không nhất thiết phải đọc nhiều, nhưng ít là có
đọc chung với nhau. Đã không ít gia đình bỏ đọc kinh tối sáng. Cha mẹ không đọc
kinh chung tối sáng thì bảo con cái đọc làm sao được. Cần phải chuẩn chỉnh lại
ngay.
- nhớ đọc kinh chung
trước và sau bữa ăn. Có rất nhiều gia đình chỉ đọc kinh lúc bắt đầu bữa ăn, sau
đó, khi ăn xong, phần ai nấy đứng dậy, cũng không làm dấu riêng mà tạ ơn Chúa
nữa.
- nhớ nhắc nhở nhau đi
lễ, kể cả ngày lễ thường. Cha Mẹ đừng nằm dài ra đó mà la bảo con lo đi lễ cho
đàng hoàng. Tại sao không thể sắp xếp để cả nhà cùng đi, chỉ một người ở nhà
trông nhà mà thôi, đủ rồi. Có cảnh đẹp nào bằng cảnh cha mẹ con cái cùng dắt
nhau từ nhà đến nhà thờ mỗi sáng, mỗi chiều đi dự lễ?
- nhớ quan tâm đến việc
xưng tội rước lễ của thành viên trong gia đình. Cha mẹ tìm cách hiểu tâm trạng
buồn vui của con cái, hiểu nỗi lòng của con cái, và hướng dẫn con cái đến với
Bí Tích Hỏa Giải, đến với Lòng Thương Xót Chúa, hướng dẫn con cái tin Lời Chúa
và sống Lời Chúa, hướng dẫn con cái khao khát rước lễ, sống bằng Thánh Thể Chúa
và cụ thể sống Bí tích Thánh Thể giữa đời, là những công việc bác ái, sẻ chia.
- nhớ giữ cho nề nếp gia
phong gia đình tốt đẹp, nhất là, giải thích và ngăn cản nhau để đừng làm các
việc không đẹp lòng Chúa, lỗi luật giáo hội. Hơn nữa, phải giáo dục lòng yêu
mến Chúa, và có lòng đau buồn vì những lỗi phạm đến Chúa đến tha nhân. Đừng để
con cái mất cảm thức về tội, nhưng phải mau biết điều làm mất lòng Chúa.
- nhớ khuyên bảo nhau
đừng ngã lòng trông cậy Chúa, đừng thất vọng, nhưng hãy kiên trì cậy trông,
kiên trì yêu mến, và hãy nhìn cho ra những ơn lành Chúa đang ban cho chúng ta,
theo thánh ý Chúa.
Và còn nhiều điều phải
nhớ phải làm, phải giúp nhau làm trong gia đình, để sống xứng đáng là người Tin
tuyệt đối vào Thiên Chúa, và vì tin tưởng tuyệt đối, Đức Cậy và Đức Mến sẽ đồng
loạt sinh hoa trái trong tâm hồn, trong gia đình, và trong giáo xứ chúng ta.
Gia đình công giáo của
chúng ta là một cộng đoàn phụng vụ. Nhưng thiết tưởng, những đề nghị trên đây
không có gì là to lớn, khó khăn và bất khả thi vì quá sức mọi người. Chỉ là mấy
việc xíu xiu thôi. Cha mẹ, vợ chồng, con cái luôn nhớ đến Chúa, kết
hiệp với Chúa, mọi lúc mọi nơi và cầu nguyện tắt, thiết tưởng, đã
đủ là một việc thờ phượng Thiên Chúa cách chân thành.
Ước gì những việc nhỏ
được thực hiện với tấm lòng lớn. Đó là tấm lòng Tin Cậy Mến tuyệt đối vào Chúa
và kết hiệp mật thiết với Người. Hãy bình yên vui sống trước mặt Chúa. Nguyện
xin Mẹ Maria, thánh cả Giu-se, những người luôn làm việc nhỏ nhưng lòng kết
hiệp với Chúa Giê-su, sẽ cầu thay nguyện giúp cho chúng ta.
II. GIA ĐÌNH LÀ CỘNG ĐOÀN
HIỆP NHẤT YÊU THƯƠNG
Một du khách đi dạo
trên đường phố xinh đẹp, lộng lẫy, bỗng gặp một em bé chừng 8 tuổi nhớp nhúa,
bẩn thỉu. Chạnh lòng thương, ông ta dừng lại trò chuyện: “Chào cháu”. Thằng bé
trố mắt nhìn ông mà không nói gì. Ông khách hỏi tiếp: “Cháu tên gì?” Nó hằn học
trả lời: “Ông hỏi làm gì? Con c…. Tôi tên “nợ âm binh”. Thấy thái độ của cháu,
ông khách hơi khó chịu, nhưng cố gắng hỏi tiếp. “Cháu có biết tên ba cháu
không”. “Biết chứ, tên ổng là “quỷ sa tăng”, Còn Mẹ của cháu? “Bả tên là “con
đĩ chó”. Ông du khách buồn trong lòng, vì không hiểu thằng nhóc mới có mấy tuổi
mà sao lại có cách ăn nói và tâm trạng thật bất thường. Ông cố gắng hỏi tiếp”
“Nhà cháu ở đâu?” “địa ngục”. . Vị khách nhìn bâng quơ, lòng chùng xuống nặng
nề, thương cảm. Không biết ông ta nói gì nữa với cậu bé, mà cậu bé bằng lòng
dẫn ông ta về nhà. Vừa đến trước cổng, ông đã nghe tiếng la lớn trong nhà: “Con
đĩ chó kia, mầy có đưa cho tao hai trăm không”? Một bà trong nhà chạy ra cửa,
một tay chống nạnh, một tay chỉ vào nhà: “Mày đừng có mơ. Một xu cũng không có
đâu nhé “thằng quỷ sa tăng kia”. Cái địa ngục này ghê gớm quá, đến cái “nợ âm
binh” nó cũng không có gì ăn, nó bỏ đi rồi’. “Mày câm mồn đi con đĩ chó. Đưa
tiền đây không tao đốt cái địa ngục này”….
Có lẽ nào gia đình là
như vậy? Chuyện tưởng không thể có, điều tưởng không thẻ xảy ra, vẫn là chuyện
nhan nhãn trong đời thường. Bức tranh gia đình không còn tuyệt vời nữa, bỗng
trở nên ghê rợn. Người trong nhà không còn lý tưởng sống, bỗng thành quá xa lạ
với nhau. Thật đáng tiếc. Hình ảnh, tin tức trên các trang mạng mỗi ngày hầu
như ngày nào cũng có những vụ việc hình sự về cơm không lành canh không ngọt
đến chén bay đĩa bay bát bay trong nhà, về chuyện nghi ngờ lòng chung thủy, về
thói vũ phu đàn áp phụ nữ, về chuyện ác độc trả thù chồng bằng cách bó chiếu
tẩm xăng đốt chồng, về tình địch giết nhau bằng hung khí, về ngoại tình, ly
hôn, ly dị, đánh ghen, đổ vỡ… Thật đáng tiếc.
Tất cả mọi người,
không phân biệt tôn giáo nào, có đạo hay không có đạo, tin Chúa hay không tin
Chúa, thì con người ta vẫn có một khát khao cho mái gia đình được ấm êm hạnh
phúc, và cực lực lên án những ai biến yêu thành ghét thành thù, biến nhà mình
thành địa ngục muôn thu kinh hoàng…
Vâng! Có đâu vui cho
bằng mái nhà. Bởi mỗi mái nhà phải là một mái ấm. Điều đáng tiếc hôm nay là có
nhiều mái nhà cao tầng, xinh đẹp lộng lẫy, mà không phải là mái ấm, mà ngược
lại, là một địa ngục không hơn. Cái vẻ nguy nga lộng lẫy bên ngoài che đậy một
sự đổ nát, tàn lụi, hư không, trống rỗng ở bên trong. Thật đau đớn.
Gia đình tan vỡ. Giáo
xứ, xã hội, sẽ nhiễu loạn trong bất an và đau khổ. Khi cha mẹ không còn thương
yêu nhau, không còn hòa hợp với nhau, không còn chung nhau hy sinh xây dựng gia
đình, khi bất hòa bất hòa bất thuận….thì không những gây thương tích cho nhau
mà còn là thương tích nơi trái tim những đứa con. Và thương tích tật nguyền ấy
để lại cho một thế hệ. Hãy biết rằng: gia đình hạnh phúc chính là thiên đàng
ngay tại trần gian này. Gia đình bất hạnh thì không khác chi một cuộc đày đọa
nhau trong địa ngục.
Nhưng, hạnh phúc không
tự nhiên mà có. Hạnh phúc phải được đánh đổi bằng vô vàn hy sinh của cả gia
đình.
Trước một toàn cảnh xã
hôi như thế, ước gì các gia đình công giáo càng phải suy gẫm cho đến nơi đến
chốn về giá trị cao cả và quý giá của Hôn Nhân Công giáo, của Gia Đình Công
Giáo, một cộng đoàn hiệp nhất và yêu thương bền vững. Thiết tưởng các gia đình
công giáo luôn tĩnh thức và cầu nguyện luôn, trước trào lưu tấn công các giá
trị siêu nhiên của gia đình công giáo, phá đổ sự bền vững của tình hiệp nhất
yêu thương. Và nhất là, cần phải trở nên gia đình chuẩn mực đạt đến bình an
hiệp nhất, yêu thương và hạnh phúc hơn bao giờ hết.
Muốn được như thế, xin
gợi ý hai việc nhỏ này:
Một là phải có Chúa
trong tâm hồn mỗi người, nghĩa là mỗi người phải kết hiệp với Chúa luôn
Kinh nghiệm cho thấy,
tâm hồn người nào chỉ bận tâm tới tiền bạc, tới phương tiện, tới sắc đẹp, tới
thú vui xác thịt, thì không sớm thì chầy, gia đình họ trở nên bất hạnh. Không
có người chồng nào đủ tiền nuôi vợ lo đua đòi trang sức, sắc đẹp, nhảy nhót, ăn
chơi bên ngoài. Không có người vợ nào đủ sức đủ kiên trì đáp ứng những đòi hỏi
xác thịt của chồng. Không có người chồng nào mà không cảm nhận được sự lạnh
lùng lãnh cảm của người vợ, khi người vợ thiếu lòng chung thủy. Không có người
vợ nào kiên trì chịu đựng nỗi cảnh vũ phu, áp bức, độc tài thiếu trân trọng,
thiếu cảm thông của chồng ngày này qua ngày khác. Không có con cái nào mà không
nhận ra sự bất hạnh của cha mẹ nó, mà không đau buồn, mặc cảm, thất vọng, nản
chí, đôi khi còn mất phương hướng trong đời.
Bởi vậy muốn xây dựng
một gia đình hiệp nhất, yêu thương, trước tiên phải xây dựng tâm hồn mỗi người
biết yêu mến Chúa, biết tôn sợ Chúa, biết giữ lề luật Chúa, không mất cảm thức
về tội và nhất là biết cộng tác với ơn Chúa mỗi ngày.
Lời Chúa trong Thánh
vịnh đáp ca 127 mà chúng ta vẫn nghe hát trong các lễ cưới, trong lễ Thánh Gia.
Khơi dạy trong chúng ta một niềm vui thánh thiện, rằng: “Vinh phúc thay
bạn nào biết tôn sợ Thiên Chúa, và bước đi theo đường lối người”. Từ
“tôn sợ Chúa” phải hiểu là vâng phục, là yêu mến, là hoàn toàn thuộc về Chúa,
là bằng lòng đặt trọn vào sự quan phòng đầy yêu thương và kỳ diệu của Chúa.
Chính việc mỗi người
trong nhà đều kết hợp với Chúa, mà mọi người gặp gỡ ở một điểm chung là Tình
Yêu Chúa. Và từ đó, yêu thương, tôn trọng, tin tưởng nhau.
Hai là: phải luôn noi
gương yêu thương của Chúa để sống yêu như Chúa đã sống yêu.
Tình yêu của Thiên Chúa là như thế này:
- Thiên Chúa yêu thương
thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình…Một tình yêu trao
ban, một tình yêu cho đi, một tình yêu trải lòng ra tới
người mình yêu
- Và Con Một của Thiên
Chúa đã bằng lòng buông bỏ tất cả những gì là cao sang của
Thiên Chúa để chấp nhận thân phận con người phàm hèn. Một sự buông bỏ,
vì khiêm nhượng và vâng phục thánh ý của Chúa Cha.
- Đức Giê-su, Con Thiên
Chúa là dung mạo Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha. Lòng thương xót ấy tỏa
sáng sự khoan dung, tha thứ, và bằng lòng hiến thân chấp
nhận khổ đau, thương tích, và cái chết bi thương cho người mình yêu
được sống và sống dồi dào.
Từ hai gợi ý trên,
chúng ta hãy thử xét mình xem,
Mỗi người trong gia
đình, và nhất là những người làm cha làm mẹ, hãy suy gẫm tình yêu Thiên Chúa
dành cho chúng ta, và sống đức tin, lúc này đây, chính là sống như Con Thiên
Chúa đã sống, yêu như Con Thiên Chúa đã yêu.
- Thử xét mình xem,
mỗi người có từ bỏ ý riêng của mình, bỏ cái tôi ích kỷ của mình để có thể hòa
hợp với vợ với chồng mình không? Hay là ý của chồng là ý quyết định vì là chủ
nhà, là gia trưởng? Ý của vợ là ý quyết định vì bà làm ra tiền, bà giữ tiền? Mỗi
người có từ bỏ những đam mê riêng tư của mình để làm vui lòng chồng, đẹp lòng
vợ không, hay là việc ai nấy biết, ai thích làm gì cứ thoải mái mà làm?
- Thử xét mình xem,
mỗi người có tôn trọng người bạn đời của mình hơn là mình yêu cầu họ tôn trọng
mình? Hay là bắt vợ, bắt chồng phải tôn trọng mình, còn mình thì xem thường họ.
Có một người nói với tôi rằng, cha không biết đâu, tụi con ở đời có
nhiều chuyện oái ăm mà thực tế lắm….Bà nào mà nói xấu chồng mình với người
khác, và nhất là nói xấu chồng mình với thằng đàn ông khác, thì thứ phụ nữ đó,
thứ vợ đó là thứ vứt đi rồi…Cũng vậy, ông nào yêu rượu hơn vợ, yêu bóng đá hơn
vợ, ở quán cà phê nhiều hơn ở nhà với vợ… là thứ đàn ông hết thuốc chữa
rồi. Tại sao vậy? Nếu biết tôn trọng điều tốt lành còn lại trong mỗi
con người, nếu biết cầu nguyện cho nhau, nếu kiên trì yêu thương nhau, và nhất
là nhờ ơn Chúa, tất cả đều có thể thay đổi, sao lai vứt đi, sao lại là hết
thuốc chữa?
- Thử xét mình xem,
mỗi người có biết trân quí, biết cảm ơn những tình cảm và những nỗ lực hy sinh
của người bạn đời dành cho mình suốt một đời không? Tại sao người chồng không
hề cảm ơn vợ mình, lại biết ơn bà hàng xóm? Chồng mình hy sinh cả một đời cho
vợ, mà người vợ lại không quí yêu, lại còn chê chồng đủ kiểu, lại còn ca tụng
người đàn ông ở đẩu đâu lạ lẫm kia là sánh điệu, là biết điều? Thực là nực cười
những chuyện vô lý mà nhan nhãn giữa đời.
-Thử xét mình xem, có
dám hy sinh và hy sinh tới tận cùng cho vợ, cho chồng cho con. Hay là, ở một
chừng mực nào đó. Người chồng thích chỉ tay năm ngón, người chống nói hay làm
dỡ, thì gọi là hy sinh cho vợ cho con sao được. Người vợ không tích cực thức
khuya dậy sớm, không chịu khó chấp nhận gian khổ lo lắng cho chồng con, thì gọi
là hy sinh sao được. Bao lâu còn chỉ lo cho bản thân mình, thì bấy lâu chưa gọi
được là hy sinh là dâng hiến.
Còn nhiều điều mà mỗi
chúng ta phải xét mình lại cho kỹ để xem mình đã yêu thương gia đình mình theo
tiêu chuẩn yêu của Thiên Chúa, của Chúa Giê-su chưa.
Những tiêu chuẩn ấy là:
- từ bỏ cái tôi kiêu
căng ích kỷ, để mặc lấy lòng khiêm nhượng, vị tha
- biết trao ban, biết
cho đi, biết trải lòng mình ra, tất cả cho gia đình.
- biết tôn trọng, biết
trân quý, biết cảm ơn, biết xin lỗi, biết thấu cảm nỗi khổ của nhau
- biết nói lời nhẹ
nhàng, biết nghĩ điều tốt cho nhau,
- biết quan tâm đến
nhau, biết lo lắng cho nhau, sẵn sàng hy sinh thời giờ, sức lực, danh dự để xây
dựng gia đình mình được bình an hạnh phúc.
Mỗi người chúng ta là
một “vật mọn phàm hèn”, mỏng manh yếu đuối, dễ sa ngã, dễ hư hỏng, nhưng lại là
những địa chỉ của Tình yêu Chúa, địa chỉ của lòng khoan dung, thương xót tha
thứ mà Chúa luôn nhắm tới. Vậy thì, mỗi chúng ta hãy cố gắng khắc phục đời
mình, để nên người hoàn thiện, và kết hợp với nhau trong tình yêu, để mối mái
nhà là một mái ấm. Chúng ta quyết tâm xây dựng mái nhà mình là một mái ấm hạnh
phúc yêu thương và hiệp nhất.
Những người đã lãnh
nhận Bí Tích Hôn Phối, không chỉ là để trở nên vợ chồng của nhau và xây dựng
một gia đình mới, mà còn là để yêu nhau và hạnh phúc bên nhau cho đến trọn đời
này, và trùng phùng hạnh phúc với nhau trong cõi đời sau nữa. Hãy sử dụng ân
sủng Bí Tích mà Chúa đã thương ban. Hãy cộng tác với Chúa. Hãy yêu thương như
Chúa đã yêu. Và hãy tận hưởng nguồn hạnh phúc chan hòa thánh thiện.
Ước gì có bao nhiêu
gia đình công giáo, là có bấy nhiêu mái ấm ân sủng bình an và hạnh phúc.
Gia đình, cộng đoàn
hiệp nhất và yêu thương, chính là Nước Thiên Đàng của mỗi chúng ta tại trần
gian này.
Nguyện xin Chúa chúc
lành cho các gia đình nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, của Thánh cả Giuse,
những người đã hết lòng yêu thương nhau và đã cùng nhau xây dựng một gia đình
thánh thiện: gia đình của Chúa Giê-su.
ÐK: Vinh phúc thay
người kính sợ Chúa, và hằng đi trên đường quang minh Thiên Chúa. Người hưởng
huê lợi tay người tạo nên, và hạnh phúc Chúa thưởng ban muôn đời.
1. Hiền thê người tựa
gốc nho sai trái, trong nội thất nhà người. Con cái người như đám cây ô-liu,
xum xuê quanh mâm bàn người.
2. Ngàn ân lộc của
Chúa ban chan chứa trên kẻ kính sợ Ngài. Xin Chúa từ trên núi Sion chúc phúc
suốt cả đời người.
3. Nguyện cho người
được sống cao niên tuế trong hạnh phúc tuyệt vời. Con cháu người đông đúc như
sao sa, an vui đến muôn ngàn đời.
GIA ĐÌNH: CỘNG ĐOÀN LOAN
BÁO TIN MỪNG CỨU RỖI
Ơn cứu độ là hồng phúc
của Thiên Chúa dành tặng cho hết mọi người. Đừng phân biệt kẻ hèn người sang,
kẻ lớn người nhỏ, kẻ tốt người xấu mà ngăn cản họ đến với Chúa. Ngược
lại, hãy mời gọi mọi người đến với Chúa, đến với ơn cứu độ.
Gia đình của chúng ta,
là một cộng đoàn loan báo Tin Mừng Cứu Rỗi, nghĩa là, gia đình ta có sứ
vụ: mời gọi mọi người đến với Chúa, đến với ơn cứu độ, bằng chính đời
sống gia đình mình. Mọi người sẽ nhìn thấy đời sống gia đình chúng ta, mà nhận
ra dấu chỉ ơn cứu độ đang hiện diện trong nhà mình và là lời mời gọi họ chung
hưởng niềm vui thánh thiện và vĩnh cửu ấy.
Đời sống của gia đình
công giáo phải như thế nào để trở thành Lời loan báo Tin Mừng cho mọi người, đó
là vấn đề mà mỗi chúng ta phải suy nghĩ.
Gia đình công giáo sống
giữa lòng đời
Những năm trước năm
1954, hầu như các giáo xứ công giáo là một cộng đoàn co cụm, nghĩa là hầu như
toàn tòng, hoặc nếu có thì cũng in ít người lương dân sống trong hoặc sống gần
mình. Ngó ra ngó vào, ngó xuống ngó lên, chung quanh mình toàn người công giáo.
Sau năm 1954, và nhất
là sau biến cố 1975, các cuộc di cư vào Nam, và nhất là cuộc di tản năm 1975
lớn nhất lịch sử, đã làm thay đổi phần nào cục diện các giáo xứ. Giáo dân không
còn được sống trong cái nôi êm ái của mình nữa, không còn một cộng đoàn “giữ
đạo” trong thành trì, trong lô cốt của mình nữa, nhưng phải ra giữa ruộng đời
hòa mình trong nhịp sống của mọi người, nghĩa là phải chung sống với anh em
lương dân đủ mọi thành phần tôn giáo, tín ngưỡng, kể cả người vô thần.
Khung cảnh xã hội thay
đổi nhanh chóng đến nổi các gia đình công giáo chưa kịp chuẩn bị để thích nghi
cách nào cho phù hợp nhất, chưa chuẩn bị cho một cuộc sống chứng nhân, kể cả
việc chưa chuẩn bị cách nào để giữ vững đức tin giữa những thách đố, những cuốn
hút của trào lưu xã hội, và của các tôn giáo bạn. Đáng tiếc thay, trong bối
cảnh mới khó khăn về kinh tế, khó khăn chuyện hành đạo, khó khăn vì không được
sống bên nhau để giữ cho nhau, một số gia đình công giáo đã lơ là, nguội lạnh,
lại còn thay lòng đổi dạ, bỏ đức tin công giáo mà theo các đạo khác như Tin
Lành, Cao Đài, hoặc một số bỏ Chúa mà theo cộng sản, làm cán bộ, làm tay sai
cho nhà nước chỉ vì mấy bịch bột ngọt, mấy ký cá, mấy mét vải…thời hợp tác xã,
thời tem phiếu…
Chuyện hôn nhân gia
đình cũng theo đó mà thay đổi nếp nghĩ, thay đổi một số khuôn định. Nếu trước
đây trai làng ta phải lấy gái làng ta, hết trong làng nhà, mới ra làng ngoài,
thì hôm nay, trai nam gái bắc, trai miệt ruộng miệt vườn phải làm rể tận cao
nguyên, hay gái miền xuôi làm dâu miền ngược… Còn hơn thế nữa, trai công giáo
lấy vợ cao đài, trai phật tử lấy vợ công giáo…
Hoàn cảnh xã hội mới
trong cuộc sống của chúng ta, cho chúng ta hiểu rằng, Thiên Chúa có mặt trong
tất cả các biến cố xã hội, và làm cho các biến cố xã hội ấy, trở thành “lúc
thuận tiện, giờ cứu độ” cho mọi người mọi nơi. Mỗi chúng ta phải nhận ra và
cộng tác với Thiên Chúa để tận dụng những biến cố xã hội, làm cho Nước Thiên
Chúa mở rộng trên khắp cõi địa cầu.
Thế nhưng, nhìn lại 42
năm sau biến cố 1975, Giáo Hội Công giáo Việt nam thu gặt thành quả truyền giáo
hết sức khiêm tốn, nếu không nói là hầu như dậm chân tại chỗ. Năm 1975, Việt
Nam có 50 triệu người, trong đó có 5 triệu người công giáo, nghĩa là công giáo
chiếm 10% dân số. Và năm nay, năm 2017, Việt nam có 90 triệu dân, trong đó có
hơn 7 triệu người công giáo, thì người công giáo có chưa tới 8% trên dân số cả
nước. Điều đó cho thấy, dân số Việt Nam tăng, mà dân số công giáo không tăng
theo kịp.
Dẫu chỉ là những con
số, nhưng những con số ấy cũng đang nói cho chúng ta điều đáng suy nghĩ: Việc
truyền giáo của Giáo hội rõ ràng là chưa theo kịp mức phát triển dân số. Các
gia đình công giáo chia một phần lỗi vì chưa thực sự sống tốt để Loan Báo Tin
Mừng?
Phải sống đời sống công
giáo
Có người đổ thừa cho
xã hội khó khăn áp bức tôn giáo, làm người ta không dám theo đạo, số người theo
đạo ít đi.
Lý do ấy có vẻ không
chính đáng. Đồng ý có khó khăn, có áp bức, có cấm cản, nhưng ít người theo đạo,
thiết tưởng, không vì lý do cấm cản, áp bức, mà vì xã hội đang mở
ra cho con người ta một “thiên đàng duy vật hạnh phúc ảo”, trong khi đó, người
công giáo không “sống đời sống công giáo” để làm chứng cho mọi người một “thiên
đàng hạnh phúc thật”.
Việc của chúng ta lúc này là: hãy khiêm tốn mà
nhận ra lỗi của chúng mình: Lỗi ấy là:
- người công giáo chạy
theo chủ trương vô thần duy vật
- các gia đình người
công giáo chưa thực sự sống đời sống công giáo tốt, chưa sống đời sống gương
mẫu làm chứng cho người ta nhận thấy có Thiên Chúa.
Có khiêm tốn nhận ra
điều này, chúng ta mới có thể cải thiện đời sống của các gia đình chúng ta.
Chúng ta đang có cuộc sống
chung với những người chưa nhận biết Chúa, cả những người chống lại Thiên Chúa
và những người tôn thờ vật chất là Chúa của họ. Hãy xét mình lại xem, thay vì
chúng ta truyền giáo cho họ, thì họ lại truyền cho chúng ta một thứ tôn giáo
mới. Trong khi chúng ta không sống Tin Mừng để cuốn hút họ, thì trào lưu vật
chất của họ lại cuốn hút chúng ta theo họ.
Rồi ra, những gia đình
công giáo cũng có khác gì hơn họ, đôi khi còn tệ hơn là đàng khác. Này nhé:
Về kinh tế, người công
giáo cũng quá lệ thuộc vào kinh tế, vật chất, phương tiện, điều kiện sống, hoặc
cũng lười biếng, cũng tự thất nghiệp, cũng tham lam, cũng gian lận, cũng hơn
thua, cũng tranh giành,
Về luân lý, người công
giáo cũng vũ phu, cũng bạo lực gia đình, cũng sống thử, cũng đặt vòng, cũng phá
thai, cũng ngoại tình, cũng cướp vợ người, cũng lấy chồng người, cũng ly dị,
cũng đàn đúm nhảy múa, cũng chơi bời dâm đãng, cũng đua đòi sửa mũi sửa mặt sửa
ngực sửa mông, cũng điện thoại đời mới, cũng facebook khoe hàng tìm đối tác,
cũng tự do phát triển quan hệ bất chính, cũng hẹn hò du lịch cũng nhà nghỉ,
cũng khách sạn, cũng lạc thú ngoài hôn nhân, cũng mất cảm thức về tội, cũng
hưởng thụ đời này, cũng bất cần đời sau…
Về tệ nạn xã hội:
người công giáo cũng lãng phí thời gian tiền bạc, cũng cá độ, cũng bài bạc,
cũng nhậu nhoẹt say sưa bí tỉ, cũng hút chích, cũng trộm cướp, cũng đâm chém,
cũng tù tội,
Về đời sống giáo hội,
cũng có người công giáo không cần đến bí tích, cũng bất tín nhiệm giáo hội,
cũng ganh tỵ hơn thua với nhau trong đoàn thể, cũng tranh công đổ lỗi, cũng nói
hành nói xấu, cũng đặt điều đặt chuyện, cũng buôn sỉ bán lẻ, cũng bán đứng anh
em mình cho giặc chống phá Thiên Chúa, cũng lễ hội, cũng hình thức, cũng khoa
trương, cũng đánh bóng đạo đức, cũng thành tích, cũng công trạng...
Tất tần tật ! Cũng
người công giáo ! Cuộc sống gia đình của người công giáo trong thời kỳ vô thần
duy vật này không hay ho gì hơn họ, không tốt lành gì hơn họ, bởi vì quá
nghiêng về các thực tại vật chất chóng vánh. Đã vậy, có đôi khi đời sống người
công giáo còn tồi tệ hơn lương dân, thì ánh sáng ở đâu mà chiếu giãi ra cho họ
nhận biết Thiên Chúa.
Có một Cha già kể
chuyện vui rằng: cha có nhận được thư mời dự “đại hội của quỷ”. Cha phân vân có
nên đi không. Cha suy nghĩ, và cầu nguyện trước Thánh Thể nhiều giờ. Cuối cùng
cha quyết định đi dự đại hội. Trong đại hội, quỷ lớn quỷ bé, quỷ đỏ quỷ đen,
quỷ kiêu căng, quỷ dâm ô, quỷ tham nhũng, quỷ hưởng thụ….về tham dự đông đủ.
Sau khi nghe các quỷ báo cáo, quỷ cả tuyên bố “Xin chúc mừng các đồng
chí quỷ đã làm tốt nhiệm vụ trên giao. Hãy vỗ tay ăn mừng chiến thắng vì bọn
công giáo nó đã bỏ Thiên Chúa, chạy theo duy vật của chúng ta mà xuống hỏa ngục
cả rồi”
Đến đây, tôi phải xin
lỗi mọi người, xin lỗi những gia đình đang sống tốt lành, vì có thể những nhận
định trên đây là quá đáng, là không đúng với thực tế đời sống công giáo của anh
chị em. Nhưng xin anh chị em thông cảm, có thể là không đúng với ở đây, hoặc
quá đáng với anh chị em, những đang là một thực tế đau lòng trên khắp cả nước,
đang là thực tế trong nhiều tâm hồn, trong nhiều gia đình.
Thánh Phao-lô
nói: “Ai tưởng mình đứng vững, hãy coi chừng kẻo ngã”. “Anh em có tự
hào, thì hãy tự hào trong Chúa”.
Nghĩa là, chúng ta hãy
luôn cảnh giác trước nguy cơ tục hóa đời sống công giáo trong gia đình chúng
ta. Và nếu còn giữ vững được Đức tin, hãy tự hào trong Chúa.
Trước toàn cảnh xã hội
hôm nay như thế, mỗi chúng ta cần phải phục hồi đời sống công giáo ngay trong
các gia đình. Khẩn cấp lắm rồi, không được phép chần chừ nữa. Mỗi người làm
cha, làm mẹ cần thấy rõ bổn phận lèo lái con thuyền gia đình mình đi về đến bến
bờ là Thiên Chúa, đến cùng đích cuộc đời là Thiên Chúa, không thể lơ lỏng,
không thể dễ ngươi, và càng không thể buông xuôi theo dòng đời, tới đâu tới.
Bởi, trong con thuyền gia đình ta, còn có bao nhiêu con người, còn có bao nhiêu
linh hồn, còn có cả nhiều thế hệ nối tiếp. Không thể để cho dòng giống nhà ta
đi vào con đường nguy tử, con đường mất linh hồn. Cải thiện đời sống công giáo
trong lúc này đây là lội ngược dòng xã hội, là anh dũng làm chứng cho Tin Mừng.
Xây dựng lại đền thờ Thiên
Chúa trong tâm hồn mỗi người làm cha làm mẹ
Cần làm ngay việc trở
về với niềm tin duy nhất vào Thiên Chúa, chỉ một Thiên Chúa mà thôi. Cần xây
dựng lại đền thờ Thiên Chúa trong lòng mỗi người.
Việc xây dựng lại bao gồm những công việc ắt phải
làm:
- dọn dẹp tất cả những
thứ rác rưởi, những bã phù vân, những khát thèm vật chất, mà trước đây chúng ta
đã gom về làm nhơ nhớp tâm hồn mình. Hãy năng xét mình và xét mình thực kỹ,
nhất là không được phép tự tha tội cho mình, nhưng hãy khiêm tốn xưng tội và
quyết tâm chừa tội, quyết tâm đổi mới cuộc đời, sao cho đẹp lòng Chúa, vui lòng
mọi người.
- đặt một nền móng vững
chắc cho ngôi nhà chúng ta, đó là Lời của Thiên Chúa qua Đức Giê-su Ki-tô. Hãy
sống bằng Lời Chúa, bằng Lời Tin Mừng: Nghe và đem ra thực hành đúng như Chúa
dạy. Điều gì Chúa dạy, phải làm. Điều gì Chúa cấm, phải giữ.
- hãy sắm cho nhiều
những viên gạch từ bỏ, hy sinh, ép mình, khổ chế, sống nghèo, tập luyện nhân
đức để là những tố chất làm cho đền thờ trong lòng chúng ta sẽ kiên cố, xinh
đẹp.
- hãy đặt vào chính giữa
đền thờ tâm hồn, một ngôi nhà tạm, để Thánh Thể Chúa Giê-su ngự trị. Người vừa
là mạch máu trong trái tim yêu, trái tim sống động đời chúng ta, Người vừa là
sức sống mới của chúng ta hôm nay, và mai sau, và mãi mãi, và vĩnh cửu.
- xây dựng nội thất bằng
hệ thống đèn điện thắp sáng… là xây dựng lại trong tâm hồn ta một ý thức trách
nhiệm đối với con cái và gia đình, ý thức thắp sáng bằng gương mẫu đạo đức,
thắp sáng bằng ngọn lửa yêu mến Chúa, ngọn lửa tình yêu mến trong gia đình,
trong đó có tình thủy chung với vợ chồng, tình phụ mẫu tử bao la khoan dung
rộng lượng đối với con cái, tình yêu Chúa phủ kín mọi tâm hồn trong nhà ta.
Xây dựng lại mái ấm hạnh
phúc trong ngôi nhà chúng ta
- Nếu những ngày trước
đây tình yêu thương của chúng ta đã dành hết cho tiền bạc, cho phương tiện, cho
nhu cầu, cho nhà cửa, cho danh vọng, cho thú vui… thì hôm nay, tình thương của
cha mẹ phải dành hết cho những con người: đó là dành hết cho nhau, dành hết cho
con. Nếu trước đây vợ là “con kia ăn ít nói nhiều, mau già lâu chết miệng kêu
tiền tiền”, thì hôm nay, “em là ân sủng trời cao, cho nhà mình mãi ngạt ngào
hương yêu”.
- Nếu vợ chồng trước đây
hay to tiếng với nhau, thì hôm nay cần rót vào tai những lời ru êm ái. Nếu
trước đây vợ chồng hay cự cãi qua lại, thì bây giờ chỉ nghe thấy tiếng đọc kinh
chung nhịp nhàng. Nếu trước đây vợ chồng nghi ngờ ghen tuông rồi tao, rồi mày,
rồi con đĩ chó, thì hôm nay, hãy tin tưởng ấp yêu chỉ có anh và em mặn nồng dễ
thương cho đến trọn kiếp trọn đời. Nếu vợ chồng trước đây đã từng nói xấu nhau
thì ngay bây giờ hãy nắm tay nhau mà dung dăng dung dẻ thực lãng mạn, thực hồn
nhiên bước đi giữa bao tiếng đời nghiệt ngã…
- Nếu trước đây vợ chồng
chưa được điểm mười về tư cách người công giáo tốt, thì hôm nay, cứ anh dũng mà
chứng minh cho mọi người rằng: chúng tôi đang sống như Lời Chúa dạy, chúng tôi
đã từ bỏ nếp sống cũ, và đang làm lại cuộc đời bằng những chân lý sống của
Thiên Chúa chúng tôi.
- Nếu trước đây vợ
chồng đã làm gương xấu cho con cái, thì bây giờ, những gương sáng đạo đức phải
sáng ngời trong nhà, để không những lấy lại lòng tin và uy tín đối với con cái,
mà còn là trở nên chỗ dựa vững chắc cho con cái trong tương lai, cho những thế
hệ kế thừa.
- Nếu trước đây vợ chồng
đã từng phạm đủ thứ tội với Chúa, với nhau, với con cái, và với mọi người, thì
hôm nay, vợ chồng tay trong tay, lòng cùng lòng quyết tâm làm đẹp lòng Chúa,
làm vui lòng mọi người.
- Nếu trước đây người
lương không nhìn ra Chúa trong nhà chúng tôi, thì hôm nay, trong cách yêu
thương chân thành và đầm ấm, hẳn họ sẽ thấy, Chúa của chúng tôi có đủ quyền
năng và tình thương để biến cái bãi rác nhà của chúng tôi nên lâu đài hạnh
phúc, hạnh phúc đời này và hạnh phúc vĩnh cửu đời sau.
Xây dựng lại một chương
trình sống, một kế hoạch sống, một lý tưởng sống hoàn toàn theo Tin Mừng
Ước gì, những người làm cha mẹ có thể tự hào trong
Chúa rằng:
Từ tâm hồn mỗi người
vợ, chồng, đến tâm hồn của hai người là cha mẹ, được đổi mới trong ân sủng, hai
chúng tôi có chương trình sống mới cho con cái, để gia đình chúng tôi thực sự
trở thành một gia đinh chứng nhân cho Chúa Ki-tô.
- Chúng tôi và con cái
sẽ lội ngược dòng đời, lội ngược dòng vô thần,vật chất mà anh dũng bước đi
trong ánh sáng Tin Mừng.
- Chúng tôi không cấm
đoán con cái điều gì, nhưng những điều chúng tôi không được phép làm nữa, thì
con cái cũng sẽ không làm; những gì chúng tôi không mê muội nữa, thì con cái
cũng sẽ chẳng mê muội mà chi; những gì chúng tôi say mê thực hiện, thì con cái
cũng sẽ theo đó mà say mê, chăm chút, thi thố không ngưng nghỉ… bởi vì, chúng
tôi yêu thương con cái và chúng tôi biết con cái yêu thương chúng tôi. Người
yêu thương nhau không bao giờ làm trái ý nhau.
- Chúng tôi, vợ chồng,
con cái trong mái nhà, trong mái ấm hạnh phúc này sẽ làm chứng cho mọi người
biết rằng: hạnh phúc của chúng tôi hôm nay, không phải là thứ hạnh phúc chóng
vánh do vật chất mang lại, nhưng là hạnh phúc được sống đơn giản, khó nghèo,
thanh thoát, mà cảm thông, tha thứ, yêu thương, hiệp nhất do Lời Chúa mang lại,
do cách sống của Thánh Thể là bẻ đời nhau ra mà nuôi nhau.
Nhờ lời chuyển cầu của
Thánh cả Giu-se mà Mẹ Maria, nguyện xin Chúa ban cho các gia đình những ơn cần,
để biết anh dũng lội ngược dòng đời duy vật vô thần này, để làm chứng cho mọi
người biết rằng, cách sống vô thần duy vật là lối ngõ đưa vào hỏa ngục đời đời,
đưa đến sự tàn vong muôn thuở. Và ngược lại, cách sống theo tin Mừng của Chúa
Giê-su, đem lại cho chúng ta một thiên đàng vĩnh cửu, không phải mai sau, mà
ngay hôm nay, trong chính ngôi nhà của chúng ta, trong chính gia đình ta, trong
chính Giáo Xứ ta.
PM. Cao Huy Hoàng,
15-8-2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét