Thứ Tư, 2 tháng 8, 2017

Bé Charlie Gard và vấn đề quyền cha mẹ

Bé  Charlie  Gard  và  vấn  đề  quyền  cha  mẹ
(Tue, 01/08/2017 -  Vũ Văn An)





Bé Charlie Gard, em bé Anh Quốc làm xúc động cõi lòng mọi người trên thế giới, đã vĩnh viễn từ giã hồng trần để gặp gỡ Đấng tạo nên em ở nơi chan hòa ánh sáng và ấm áp rạng ngời, sau khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội.

Thứ Sáu vừa qua, cha mẹ em, Chris Gard và Connie Yates, đã ra một tuyên bố loan báo cái chết của em: “Đứa con trai bé bỏng đẹp đẽ của chúng tôi đã ra đi. Charlie ơi, ba má rất hãnh diện về con”.

Alison Smith-Squire, phát ngôn viên của gia đình, hôm Chúa Nhật, nói rằng em sẽ được an táng với các con khỉ đồ chơi của em, những con khi vẫn thường được chụp chung hình với em trong các bức hình truyền đi nhanh như vi khuẩn.

Theo tờ The Sun, mẹ em nói rằng “Chúng tôi đáng lý phải chuẩn bị mừng sinh nhật đầu tiên của Charlie, nhưng thay vào đó, đã phải chuẩn bị tang lễ cho cháu”.

Cũng theo tờ The Sun, cha mẹ em sống cuối tuần với gia đình và hôm thứ Hai, họ dự tính sẽ đi đăng ký cái chết của em. Họ vốn muốn giữ khoảng cách đối với các phương tiện truyền thông sau khi đứa con trai của họ qua đời.

Charlie từng là tâm điểm của một trận chiến pháp lý giữa cha mẹ em và Bệnh Viện Đường Đại Ormond ở London, một bệnh viện nhi khoa nổi tiếng quốc tế nơi em được điều trị.

Charlie sinh ngày 4 tháng Tám năm ngoái và qua tháng Chín, người ta khám phá em bị chứng bệnh di truyền hiếm hoi khiến các cơ bắp từ từ yếu đi.

Em được nhận vào Bệnh Viện Đường Đại Ormond hồi tháng Mười, và trong một loạt các vụ kiện cáo từ tháng Ba tới tháng Sáu, các vị chánh án liên tiếp phán quyết nghiêng về phía các bác sĩ, là những người muốn rút bỏ việc trợ sinh cho em; sau đó, tòa Nhân Quyền của Liên Hiệp Âu Châu từ chối không nhận xử vụ kiện. Không nản, Cha mẹ em hy vọng sẽ đem con qua Hoa Kỳ để được điều trị thử.

Đầu tháng Bẩy này, cả Đức Giáo Hoàng Phanxicô lẫn Tổng Thống Trump đều ủng hộ gia đình và người ta đã thăm dò cả phương pháp điều trị thử của một bác sĩ Hoa Kỳ.

Thứ Hai tuần trước, Cha mẹ em nhận mình thất bại trong trận chiến pháp lý, sau khi các phúc trình y khoa cuối cùng cho thấy con trai họ vĩnh viễn nằm ngoài việc hồi phục. Họ đành đấu tranh để đem em về nhà săn sóc một tuần trước khi rút bỏ các phương tiện trợ sinh.

Hôm thứ Năm, mẹ em cho hay ý muốn thấy em được chết tại nhà đã bị bác bỏ. Cả ý muốn của họ được sống một tuần với em tại Viện Hấp Hối cũng bị bác bỏ, lấy lý do việc này có thể kéo dài sự đau đớn cho Charlie.

Cái chết của em được công bố hôm thứ Sáu qua một tuyên bố của gia đình.

Phản ứng của các yếu nhân

Một số yếu nhân, cả trong thế giới thế tục lẫn trong Giáo Hội Công Giáo, đã lên tiếng về sự ra đi của em mà sự an nguy đã gây nên cả một phong trào hỗ trợ quốc tế cũng như một cuộc tranh luận gay go về các quyền của y khoa, của hài nhi và của cha mẹ em.

Ngay khi nghe tin em qua đời, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dùng Twitter tỏ tình liên đới với cha mẹ em: “Tôi phó thác em bé Charlie cho Đức Chúa Cha và cầu nguyện cho cha mẹ em và mọi người yêu thương em”. Trước đó, ngài đưa ra hai tuyên bố để hỗ trợ và tỏ tình liên đới với em và cha mẹ em. Một trong các tuyên bố này khiến bệnh viện của Đức Giáo Hoàng, tức bệnh viện Ospedale Bambino Gesù, tỏ ý sẵn sàng chăm sóc Charlie.

Mấy ngày trước khi em qua đời, bệnh viện Bambino Gesù đưa ra lời tuyên bố cho rằng nay đã quá trễ để Charlie nhận được sự chăm sóc nhưng cũng ca ngợi sự kiện: “lần đầu tiên, cộng đồng khoa học quốc tế đã hội tụ quanh một bệnh nhân duy nhất để thận trọng lượng định mọi khả thể”. Họ gọi đây là “di sản thực sự của Charlie”.

Bệnh Viện Đường Đại Ormond, nơi Charlie sống phần lớn các ngày tháng sau cùng của đời em, đã gửi “lời chia buồn từ đáy lòng”. Cha mẹ Charlie vốn tố cáo bệnh viện này đã tạo ra nhiều “trở ngại”, không cho đứa con của họ được điều trị và được quyền chết tại nhà.

Theresa May, Thủ Tướng Anh, nói rằng “Tôi rất buồn trước cái chết của Charlie Gard. Trong thời khắc khó khăn này, tôi nghĩ tới và cầu nguyện cho cha mẹ Charlie, Chris và Connie”.

Phó Tổng Thống Mike Pence viết tweet cho hay: “Rất buồn khi nghe tin Charlie qua đời. Karen và tôi xin cầu nguyện và chia buồn củng cha mẹ đầy yêu thương của em trong thời khắc khó khăn này”.

Phong Trào Diễn Hành Phò Sự Sống ra tuyên bố chia buồn và cầu nguyện cho gia đình: “Dù sự sống trên mặt đất này bị cắt ngắn, tinh thần của Charlie sẽ tiếp tục gây hứng cho cuộc đấu tranh quốc tế để bảm đảm rằng tính thánh thiêng của mọi sự sống con người được kính trọng”.

Catherine Glenn Foster, Chủ Tịch và Tổng Giám Đốc của Americans United for Life, ra tuyên bố nói rằng “Hôm nay, tâm hồn chúng tôi nặng chĩu khi nghe tin Charlie Gard qua đời. Chúng tôi biết ơn vì có em trong đời, một đời sống tuy quá vắn vỏi, nhưng đã gây một tác động lâu dài đối với thế giới và đã kết tụ người thuộc đủ lối sống và xác tín chính trị, kết hợp họ quanh phẩm vị và giá trị của mọi con người nhân bản”. Bà cũng chia buồn cùng cha mẹ em và bảo đảm với họ rằng “di sản của Charlie Gard” sẽ xây dựng nền văn hóa sự sống.

Hiệp Hội Công Giáo cũng gửi lời chia buồn và nhận định rằng cha mẹ Charlie phải chịu đựng cả cái chết của con trai họ lẫn cuộc đấu tranh pháp lý náo động của họ.

“Quyết định hết sức đau khổ này đáng lẽ phải thuộc quyền cha mẹ đầy yêu thương và tận tụy của em. Rõ ràng, không có biện minh nào mạnh mẽ đủ để các tòa án bỏ qua và thay thế sợi dây nối kết yêu thương và độc đáo của cha mẹ trong trường hợp này, một việc chỉ gia tăng thêm sự nát lòng của việc Charlie ra đi”.

Tuyên bố trên viết tiếp: “đáp ứng của quốc tế đối với số phận đứa trẻ sơ sinh này là một chứng thư đẹp đẽ cho thấy giá trị vô song của một mạng sống con người”.

Lập trường Công Giáo: quyền cha mẹ đối với đứa con vị thành niên phải được tôn trọng

Phần lớn báo chí Công Giáo nghiêng về phía phò sự sống và do đó về chính nghĩa của cha mẹ bé Charlie. Tờ National Catholic Register cho rằng thoạt đầu, các cơ quan truyền thông coi đây là một cuộc tranh đấu giữa việc cha mẹ Charlie nhất mực đòi cho bằng được các biện pháp tuyệt hảo cho con trai họ và việc các bác sĩ của em tin rằng chữa trị thêm là việc không những vô ích mà còn bất nhân nữa. Thế nhưng, sự lưỡng phân này không giải thích được tình huống khi cha mẹ em chấp nhận sự chẩn đoán của bác sĩ chuyên khoa Hoa Kỳ cho rằng con trai họ hết đường chữa trị.

Xét cho cùng, theo National Catholic Register, tâm điểm của vụ Charlie Gard không phải chỉ là cuộc tranh luận về các vấn đề cuối cùng của sự sống. Khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô lên tiếng bày tỏ sự hỗ trợ của ngài đối với gia đình Gard, ngài nhấn mạnh một điểm có tính nền tảng hơn về quyền của cha mẹ: ngài cầu mong “ý muốn được đồng hành và chăm sóc đứa con của họ (cha mẹ em) cho tới cùng sẽ được tôn trọng”.

Thực vậy, câu truyện xé lòng này nhắc công chúng nhớ rằng nguyên tắc đạo đức y khoa trước đây vốn được giả dụ nay đang bị đe dọa; nguyên tắc này dạy rằng cha mẹ được quyền quyết định điều gì có lợi nhất cho đứa con thơ dại của họ.

Như Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã nói rõ, “các quyết định như thế phải được đưa ra bởi chính bệnh nhân, nếu họ còn khả năng hay, nếu họ không còn khả năng, thì bởi những người được luật pháp ban quyền hành động thế cho bệnh nhân, những người mà ý chí hợp lý và các quyền lợi hợp pháp phải luôn được tôn trọng” (số 2278).

Các chánh án Anh và Âu Châu cho phép các bác sĩ của Bệnh Viện Đường Đại Ormond, chứ không phải cha mẹ bé Charlie, được quyền quyết định các điều kiện của cả những giờ phút sau cùng của em. Luận lý pháp lý của Bệnh Viện này nghe khá lạ lùng. Họ viết rằng “Một thế giới trong đó chỉ cha mẹ mới có quyền nói và quyết định cho con cái và trong đó, con cái không có bản sắc hay quyền lợi tách biệt và không tòa án nào được nghe và bảo vệ chúng là một thế giới quá xa với thế giới trong đó tiên thánh chữa trị các bệnh nhân con cái họ”.

Nhận định trên cho thấy người ta không tin tưởng cha mẹ em có thể đặt ích lợi tốt nhất của đứa con lên trên hết, và các tòa án phải tôn trọng thích đáng sự phán đoán của “các nhà chuyên môn”. Nhưng trong trường hợp cha mẹ bé Charlie, không bằng chứng nào đưa ra cho thấy ý muốn của họ có hại hay gây gánh nặng cho em cả. Thay vào đó, nghi vấn đã được nêu ra về tính thích đáng của luật sư do nhà nước chỉ định làm đại diện trước tòa “cho bản sắc và quyền lợi tách biệt” của Charlie.

Luật sư trên, tên Victoria Butler-Cole, là chủ tịch của tổ chức Compassion in Dying, một tổ chức chị em với Dignity in Dying (trước đây vốn có tên Voluntary Euthanasia Society), các tổ chức chuyên cổ vũ việc hợp pháp hóa trợ tử ở Vương Quốc Thống Nhất (Anh). Theo nhật báo The Telegraph ở Anh, cả hai tổ chức này đều có chung ban lãnh đạo và quản trị.

Hơn nữa, vụ này còn báo động một khai triển nguy hiểm khác nữa. Như nhà đạo đức sinh học Wesley Smith đã viết trên tờ First Things, “Việc từ chối cho phép cha mẹ bé Charlie di chuyển đứa con trai sơ sinh của họ khỏi bệnh viện là một hành vi gây hấn về đạo đức sinh học; việc này sẽ mở rộng các cuộc tranh cãi chung quanh việc chăm sóc vô ích, tạo nên bổn phận phải chết ở thời điểm và nơi chốn do các bác sĩ chọn lựa. Và điều này nêu lên một nghi vấn hết sức chủ yếu về tự do: Charlie Gard là đứa con của ai? Của cha mẹ em? Hay các đứa con sơ sinh bệnh hoạn, và những đứa trẻ khác đang phải chịu các áp đặt ‘chăm sóc vô ích’, cuối cùng thuộc quyền sở hữu của bệnh viện và nhà nước?”

Khi an tử và tự tử có trợ giúp đang trên đường thắng thế ở Tây Phương, thì gia đình, từ lâu vốn là nơi bảo tồn sự sống, sẽ phải đương đầu với nhiều thách đố mới mẻ. Cũng như Đức Mẹ và Thánh Giuse có trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, thế nào, thì các cha mẹ tầm thường cũng có trách nhiệm bảo vệ sự sống và phẩm giá mỗi hữu thể nhân bản được họ đem vào đời như thế.

Trong một số hoàn cảnh bi đát, trách nhiệm thánh thiêng trên bao gồm việc phải đưa ra các quyết định xé lòng về việc chăm sóc y khoa cuối đời cho đứa con thân yêu của mình.

Chris Gard và Connie Yates, người cha và người mẹ đã đem Charlie vào đời, rất đúng khi tranh đấu làm những người được quyền ôm đứa con của họ trong các giờ khắc sau cùng để đứa con này được chết một cách xứng đáng và đầy tình thương.


Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong một bài diễn văn trước một hội nghị quốc tế về việc chăm sóc người hấp hối, từng nói rằng: “một người đang lơ lửng giữa sống và chết cần sự có mặt đầy yêu thương”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét