Các gia đình Công giáo với những lễ kỷ niệm
(Thứ
sáu - 07/07/2017)
Các cặp đôi mừng lễ kỷ niệm hôn phối tại giáo xứ Đa Minh Ba Chuông
Đối với người Công giáo,
bên cạnh các ngày lễ của dân tộc, quê hương, còn có những ngày lễ trong đạo,
ghi dấu ấn đáng nhớ trong cuộc đời mỗi người. Dịp này, nhiều gia đình có những
sinh hoạt riêng tư và ý nghĩa.
Tại nhiều xứ đạo, vào những
thánh lễ kỷ niệm hôn phối, các cặp đôi lại đến nhà thờ tham dự trong tâm tình
yêu thương, gợi nhớ. Trong dịp lễ Thánh Gia Thất vừa qua, giáo xứ Đa Minh Ba
Chuông (Phú Nhuận) mừng 8 đôi vợ chồng kỷ niệm ngày thành hôn, trong đó, cặp lớn
tuổi nhất là 62 năm. Còn ở xứ Vĩnh Hòa (Q.11), linh mục chánh xứ Gioakim Lê Hậu
Hán cũng đã dâng lễ mừng ngày đặc biệt của 77 đôi hôn phối. Trong thánh lễ, vị
mục tử không quên nhắc nhở giáo dân về ý nghĩa thiêng liêng của gia đình và
trách nhiệm của mỗi người: “Trong gia đình không tránh khỏi những lúc cơm không
lành, canh không ngọt; những lúc đó, chúng ta hãy nhìn vào gương gia đình của
Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Cả Giuse, biết hy sinh bản thân vì người khác, đặt
tình yêu phu thê lên trên, và học hỏi thêm nơi các gia đình Công giáo đạo hạnh”.
Nơi tổ ấm của anh GB Trần Hồng Minh, giáo dân xứ Châu Bình (Thủ Đức), ngày kỷ
niệm hôn phối của cha mẹ là một dịp để con cháu quy tụ. Anh kể: “Trong nhà giữ
truyền thống đó từ lâu rồi. Ba tôi năm nay 80 tuổi, còn mẹ thì cũng vừa mừng
sinh nhật lần thứ 77. Ngày kỷ niệm hôn phối của ba mẹ, các con dù làm ăn xa khắp
nơi cũng tranh thủ chạy về quê, tận Gò Công. Đôi khi không cần ở thật lâu, vì
ai cũng bận nhưng chỉ cần xúm xít với nhau, họp mặt giây lát, để ba mẹ và mọi
người có chung niềm vui”. Riêng bản thân anh Minh, việc gia đình quy tụ nhau
trong ngày này còn là cách giáo dục con cái, nhất là thế hệ trẻ ý thức về tầm
quan trọng của tình yêu và hôn nhân. Trong mái ấm nhỏ của anh, vợ chồng mới cưới
nhau được 4 năm cũng có những ngày vui trọn vẹn vào dịp kỷ niệm ngày cưới - lễ
Thánh Gia Thất.
Nhiều người cho đến khi
đã lớn và có gia đình, vẫn nhớ mãi cái thời mình rước lễ lần đầu, chịu phép
Thêm Sức; mỗi lúc có dịp dự lễ của con cháu vào ngày này, cảm xúc lại ùa về. Chị
Nguyễn Thị Liên (GP Phú Cường) hồi tưởng: “Thời ấy, trước ngày rước lễ, tôi được
mẹ may cho chiếc áo dài trắng mới, sắm đôi xăng-đan mới, rồi cứ nôn nao chờ đợi
đến ngày đó. Tan lễ, mỗi người được nhận một phần quà của giáo xứ, ai nấy đều rất
vui”. Bây giờ, khi các bé trong nhà lãnh nhận bí tích khai tâm, chị cũng muốn
mang lại cho con những khoảnh khắc đáng nhớ. Thông thường, một số gia đình sau
khi cùng nhau tham dự thánh lễ thì cha mẹ lại tổ chức buổi tiệc nhỏ chúc mừng
các bé. Chị Phan Quỳnh Như, xứ An Thạnh, GP Cần Thơ cho biết, ngày con trai nhận
bí tích Thêm Sức, vợ chồng chị cùng đi dự lễ với con, cầu nguyện cho bé. Bữa ăn
tại nhà cũng được nấu đặc biệt hơn. Trong lúc cả nhà ngồi bên nhau, cha mẹ cũng
nhắc nhở con về ý nghĩa của ngày lễ, nhắn nhủ con cần chăm ngoan hơn trong cuộc
sống…
Khi cuộc sống tiện nghi
hơn, các gia đình cũng có nhiều hình thức tổ chức kỷ niệm một cách sáng tạo.
Anh Trần Nam Hưng, giáo viên tại Đà Lạt kể, ngày rước lễ lần đầu của con trùng
với ngày sinh nhật mẹ của bé. Hôm đó, trong chuyến du lịch tại Vũng Tàu dành
cho con gái, khi ba mẹ tặng quà cho con thì bé cũng có quà dành cho mẹ. Đó là một
bức tranh mô tả cả nhà ngồi ăn cơm mà em miệt mài mấy giờ đồng hồ trong phòng để
vẽ. Anh Hưng cũng “bật mí” chính mình đã dàn dựng tiết mục tặng món quà hấp dẫn
đó.
Một số nhà ở quê, dù điều
kiện có phần thiếu thốn song trong những ngày lễ đặc biệt của gia đình, vẫn có
những sinh hoạt tuy đơn sơ nhưng tạo nhiều cảm xúc. “Nhiều lúc không có điều kiện
nên chỉ mua cho bé cái áo, hoặc mừng bổn mạng bà cụ bằng tượng ảnh Đức Mẹ. Thế
thôi cũng ấm lòng. Cái quan trọng vẫn là tâm tình của bản thân và giáo dục cho
con cái biết sống lễ nghĩa, thêm siêng năng, yêu Chúa hơn”, một phụ huynh tại xứ
Tân Xuân, GP Vĩnh Long tâm sự.
Lễ Thêm sức là dịp đáng nhớ trong đời
Với gia đình Công giáo,
mùng hai Tết hay các ngày giỗ chạp cũng là cơ hội quý để các thế hệ thành viên
thực hiện tình liên đới, hiệp thông. Ở một số giáo xứ, sự hiện diện của các hội
đoàn trong ngày kỷ niệm của gia đình càng làm gắn bó thêm tình đồng đạo. Nhiều
xứ họ, Hội Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm, Hội Lòng Chúa Thương Xót, Legio Mariae…
có tập tục quây quần đọc kinh chung khi gia đình hội viên có đám giỗ. Câu kinh,
lời nguyện dâng lên Chúa - Mẹ, tưởng nhớ người đã khuất cũng là lời ru tâm hồn
người còn lại. Anh Nguyễn Lưu Luyến (họ đạo Cà Mau, GP Cần Thơ) vẫn không quên
những phút giây cả dòng họ tề tựu ngày đám giỗ, tưởng nhớ ông bà ngoại, sau giờ
đọc kinh, con cháu quây quần với nhau trong mâm cỗ nghe người lớn tuổi nhắc
chuyện ngày xưa. “Những câu chuyện tưởng chừng như cũ rích, từ hồi nhà còn thiếu
thốn đủ thứ, không có đèn điện; gia đình đốt đèn dầu leo lét vào buổi tối, cả
đám nhóc trong xóm chụm quanh cái truyền hình đen trắng nạp điện bằng bình ắc-quy;
các cậu đi câu, chài lưới; ông ngoại ngày xưa đi đọc kinh nhà thờ bằng xuồng từ
lúc 3 giờ sáng… Vậy mà cuốn hút lạ lùng, nhất là với các em thuộc thế hệ 9x,
10x. Bởi qua đó, chúng như được bồi bổ thêm tình cảm gia đình, biết trân trọng
hơn những gì đang có”, Luyến bồi hồi.
ANH NGUYÊN
Nguồn tin: Báo Công Giáo
& Dân Tộc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét