Sáng 21/6, triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” (Mystery of Human Body) chính thức khai mạc tại số 4 Phạm Ngọc Thạch, Q.1, TP HCM do Nhà Văn hóa Thanh Niên, Mega Vina và Vietnam Korean Times phối hợp tổ chức.
Thông điệp của buổi triển lãm được quảng cáo là mang tính giáo dục, cải thiện sức khỏe và giúp con người chiêm nghiệm về sự sống:
Tuy nhiên, một điều kỳ lạ là các hướng dẫn viên tại buổi triển lãm đều không rõ nguồn gốc của những thi thể này và cho rằng đó là điều bí mật không được phép tiết lộ. Bản thân họ phỏng đoán đây là có lẽ là thi thể của người Hàn Quốc hiến tặng vì công ty tổ chức là công ty Hàn Quốc (?). Điều này làm dấy lên băn khoăn liên quan tới nguồn gốc của các thi thể người được nhựa hóa bên trong triển lãm…
“Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể Người” trưng bày khoảng 137 mẫu vật cơ thể người thật, trong đó có 11 bộ mẫu vật toàn thân và 126 bộ mẫu vật là các bộ phận trên cơ thể người. Các mẫu vật này thực chất là các thi thể được nhựa hóa sử dụng công nghệ Plastination.
Nguồn gốc công nghệ nhựa hóa
Công nghệ Plastination được Gunther Von Hagens công bố và đăng ký bằng sáng chế vào năm 1977 bằng cách thay thế nước và chất béo của cơ thể bằng các chất dẻo có độ bền khác nhau. Quá trình mổ, ướp và nhựa hóa một xác người hoàn chỉnh tiêu tốn khoảng 1.500 giờ công và thường mất khoảng 1 năm để hoàn thiện. Lúc đầu, Von Hagens chỉ thực hiện việc nhựa hóa trên các con vật với nhiều loại kích thước khác nhau và đưa chúng ra triển lãm.
Nhà máy nhựa hóa cơ thể người đầu tiên được Von Hagens xây dựng tại Đại Liên, Trung Quốc vào tháng 8/1999 nhằm cung cấp các tiêu bản cơ thể người nhựa hóa cho các triển lãm, các cơ sở giáo dục, y tế trên khắp thế giới. Cùng lúc, Von Hagens cũng bắt đầu xây dựng triển lãm cơ thể người đầu tiên mang tên Body Worlds (Thế giới cơ thể người). Triển lãm được tổ chức trên khắp thế giới, tại rất nhiều thành phố, với số người tham quan lên đến hàng chục triệu người.
Nhận thấy nguồn lợi khổng lồ từ kinh doanh và triển lãm cơ thể nhựa hóa, học trò của Von Hagens là Tùy Hồng Cẩm thuộc Đại học Y Đại Liên, Trung Quốc đã tách ra và xây dựng triển lãm của riêng mình mang tên Bodies the Exhibition (Triển lãm cơ thể người).
Tiếp sau đó, các triển lãm cơ thể người được mở ra trên khắp thế giới: “The Exhibition and Our Body: The Universe Within” (Triển lãm và thân thể người: Vũ trụ bên trong) tại Mỹ; “Bodies Revealed” (Tiết lộ thân thể người) tại Anh; “Body Exploration” (Khám phá thân thể người) tại Trung Quốc; “Mysteries of the Human Body” (Bí ẩn thân thể người) tại Hàn Quốc; “Jintai Plastomic: Mysteries of the Human Body” (Jintai Plastomic: Bí ẩn thân thể người) tại Nhật Bản; “Cuerpos Entrañables” (Cơ thể người thân yêu) tại Tây Ban Nha; v.v. Các triển lãm này đều sử dụng công nghệ nhựa hóa tương tự như của Von Hagens và thực chất các thi thể đều có chung một nguồn gốc.
Nguồn gốc các thi thể nhựa hóa
Năm 2001, hải quan Đức đã cho dừng một lô hàng gửi từ học viện Y khoa Novosibirsk tới phòng thí nghiệm của Von Hagens tại Heidelberg, Đức. Lô hàng này bao gồm 56 thi thể và hàng trăm mẫu não. Nó được truy nguồn gốc tới một tội phạm tại Nga, kẻ đã bị kết tội vì buôn bán trái phép cơ thể của người vô gia cư, tù nhân và người nghèo. Các thi thể đó là người Nga hay nhập vào Nga theo đường nào? Không ai biết rõ.
Thực chất, thị trường buôn bán các tiêu bản cơ thể người thật rất sôi động. Nó được sử dụng trong các phòng thí nghiệm, trong giải phẫu, trong các trung tâm nghiên cứu cơ thể người, trong các đại học, bệnh viện. Tuy nhiên, vì số lượng người hiến tặng vô cùng ít ỏi, khiến giá một tiêu bản của một bộ phận cơ thể đã là rất cao. Bên cạnh đó, việc nhựa hóa để cho ra một tiêu bản đẹp, với các đường nét gân, mạch máu, v.v. rõ ràng, chỉ có thể thực hiện trên cơ thể mới chết trong vòng 48 tiếng đồng hồ. Các thi thể để lâu sẽ bị phân hủy và mất đi giá trị khi nhựa hóa.
Vậy ngoài nguồn hiến tặng, người ta lấy đâu ra các thi thể mới chết để nhựa hóa như trong các triển lãm?
Các thi thể nhựa hóa được sử dụng trong các triển lãm trên khắp thế giới thực chất đều có cùng một nguồn gốc: người Trung Quốc. Trong khi trả lời truyền thông Nhật Bản, nhà tổ chức của “Mysteries of the Human Body” tại Tokyo trả lời rằng các thi thể đến từ một nhà máy tại Nam Kinh, Trung Quốc, là thi thể của những người Trung Quốc (theo Japan Times, Nhật Bản). Hầu hết các triển lãm còn lại thì nguồn thi thể đến từ Đại học Đại Liên (theo đài NPR, Mỹ). Triển lãm “Body World” sử dụng thi thể nhựa hóa đến từ nhà máy nhựa hóa của Von Hagens tại Đại Liên, Trung Quốc. Như vậy thật ra các triển lãm này đã thuê lại hoặc mua lại các thi thể nhựa hóa tới từ Trung Quốc.
Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là: Liệu người đã khuất có cho phép thi thể của họ được nhựa hóa như vậy?
Tháng 4/2018 vừa qua, trong thư ngỏ của các luật sư, học giả, nhà hoạt động đạo đức và nhân quyền thuộc tổ chức Liên minh Thế giới Chống Lạm dụng Cấy ghép tại Trung Quốc (ETAC) gửi tới chính quyền Úc nhằm phản đối một triển lãm cơ thể người được tổ chức tại nước này, có đoạn viết:
Các bác sĩ, nhà hoạt động đạo đức, luật sư và nhà hoạt động nhân quyền tại ETAC đã rất lo ngại về nguồn gốc của các thi thể được sử dụng trong triển lãm. Các triển lãm loại này được cho là đã lấy nguồn thi thể từ những người vô danh tính bị chết trong các bệnh viện mà không có người nhận, được mua lại bởi Cục Công an Trung Quốc. Tuy nhiên việc thi thể của những người này “không có người nhận” là không thực tế, bởi vì theo điều luật và nguyên tắc giải phẫu được Bộ Y tế Trung Quốc đưa ra vào ngày 22/2/1979, các thi thể chỉ có thể được liệt vào loại “không có người nhận” sau 30 ngày. Trong khi đó, việc nhựa hóa, bao gồm việc sử dụng silicon, epoxy, cùng các hỗn hợp polymer khác để thay thế chất lỏng trong cơ thể con người, phải được thực hiện trong vòng 48 tiếng đồng hồ sau khi chết (*). Chính vì thế người ta không nhựa hóa thi thể của một người đã chết 30 ngày.
Thay vì lấy nguồn từ những thi thể không người nhận nói trên, như những người tổ chức triển lãm tự nhận, có những bằng chứng tin cậy cho rằng các thi thể này đến từ tử tù và tù nhân lương tâm tại Trung Quốc.
Tom Zaller, CEO của Imagine Exhibitions (nhà tổ chức triển lãm tại Úc), mới đây đã công khai thừa nhận rằng những thi thể này “chắc chắn tới từ Trung Quốc”. Ông ta cũng nói rằng họ “không có tài liệu” để chứng minh thân phận của những thi thể này hay cho thấy những người này trước đây đã từng đồng ý hiến cơ thể của mình sau khi chết. Các thi thể được sử dụng trong triển lãm là do trường Đại học Y Đại Liên (Dalian Medical University Biology Plantation) tại Trung Quốc cung cấp.
(*) Chú thích dưới thư, kèm tài liệu tham khảo: Một thi thể 30 ngày vẫn có thể được nhựa hóa. Tuy nhiên, để lưu giữ lại rõ các kết cấu của cơ thể, thì các nguồn học thuật khẳng định rằng việc nhựa hóa phải được thực hiện trong khoảng từ 2 (48 tiếng) đến 10 ngày sau khi chết, vì các thi thể sẽ bị hư hỏng nghiêm trọng do phân hủy.
Tháng 5 năm 2008, Tổng chưởng lý New York, ông Andrew Cuomo, đã yêu cầu nhà triển lãm Premier Exhibitions (một trong những nhà tổ chức triển lãm cơ thể người) phải hoàn trả lại tiền cho những người đến thăm vì không thể chứng minh được rằng các thi thể của những người được trưng bày trong triển lãm là do bản thân những người đó đồng ý hiến tặng. Ngài Tổng chưởng lý nói: “Bất chấp những sự phủ nhận lặp đi lặp lại, chúng ta hiện biết rằng bản thân Premier không thể trình bày được rằng những người này vì sao mà chết. Premier cũng không thể đưa ra được bằng chứng về việc những người đó đồng ý hiến tặng cơ thể của mình để trưng bày theo cách như vậy.” (Trích thông cáo báo chí ngày 29/5/2008 của Tổng chưởng lý New York Andrew Cuomo)
Tháng 2 năm 2008, Đại Hội đồng California thông qua điều luật yêu cầu triển lãm “Body Worlds” phải đưa ra bằng chứng về việc hiến tặng đối với từng cơ thể được trưng bày. Nữ chủ tịch Fiona Ma, người đề xuất điều luật, đã nói với đài ABC rằng: “Là một người gốc Trung Quốc, tôi không tin bất kỳ gia đình nào đồng ý cho thân nhân của họ xuất hiện theo cách này.”
Thực chất, người Việt Nam và người Trung Quốc có những tập tục và quan niệm về tang lễ, về người đã khuất rất giống nhau. Mọi việc liên quan đến người đã khuất phải được thực hiện một cách cẩn trọng nhất và điều tối kỵ chính là “Chết không toàn thây”. Do đó, việc một người Trung Quốc hay thân nhân của họ hiến tặng toàn bộ cơ thể để cho hình thức triển lãm này là cực kỳ khó, nếu không nói là hoàn toàn không thể.
Thư của Liên minh Thế giới Chống Lạm dụng Cấy ghép tại Trung Quốc (ETAC) gửi tới chính quyền Úc có đề cập nguồn gốc của các thi thể này: “tử tù và tù nhân lương tâm tại Trung Quốc“, đây không phải là suy diễn. Trong báo cáo “Thu hoạch đẫm máu – Đại thảm sát – Bản cập nhật” được công bố vào ngày 30/4/2017, luật sư nhân quyền được đề cử Nobel Hòa Bình David Matas, cựu quốc vụ khanh Canada phụ trách vấn đề châu Á – Thái Bình Dương David Kilgour và nhà báo điều tra độc lập được đề cử Nobel Hòa Bình Ethan Gutmann đã dành một phần để đề cập đến các thi thể nhựa hóa tại chương 11 (trang 378-383), đưa ra các bằng chứng về sự đáng ngờ của các thi thể và cho thấy các thi thể này có liên quan tới bức tranh tổng thể về tội ác diệt chủng giết người thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ.
Theo đó, chính quyền ĐCSTQ hiện đang bị quốc tế lên án về tội ác giết người mổ cướp nội tạng sống từ các tù nhân lương tâm với số lượng khổng lồ. Các tù nhân lương tâm này bao gồm những người Phật giáo Tây Tạng, những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, những người tập Pháp Luân Công, những người Kitô giáo tại gia, và cả những tù nhân chính trị khác.
Cần chú ý rằng đằng sau việc giết người lấy tạng hay giết người nhựa hóa thi thể thật ra đều có chung một sự biến thái về đạo đức: coi con người như súc vật để giết và bán.
*****
Trở lại với buổi triển lãm đang được tổ chức tại Việt Nam, nếu như hiểu rõ triễn lãm này là đang trưng bày thi thể thật của người đã khuất, liệu quan khách nói chung, cũng như các bậc phụ huynh cùng trẻ nhỏ nói riêng có nên suy nghĩ kỹ hơn trước khi quyết định đi xem triển lãm? Đây là sự tôn kính người đã khuất chảy trong mạch văn hóa truyền thống của người Việt từ ngàn xưa. Đây cũng là sự trân quý đối với sự sống và sinh mệnh của mỗi con người.
Hơn nữa, trong một số triển lãm cơ thể người có sự xuất hiện của thi thể phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và thai nhi. Về mặt đạo đức mà nói, có người chồng nào nhẫn tâm hiến thi thể của vợ và đứa con chưa sinh của mình để trưng bày “vì mục đích khoa học”? Và có bố mẹ nào nhẫn tâm hiến thi thể đứa bé sơ sinh của mình để người khác nhìn ngó? Chưa nói đến việc hiến thi thể của con không phải là quyền hợp pháp của bố mẹ.
Sự vi phạm các nguyên tắc đạo đức, nhân quyền càng trở nên nghiêm trọng hơn nếu các thi thể trong triển lãm có được thông qua tội ác diệt chủng, như các giới chức, tổ chức nhân quyền và truyền thông quốc tế đã và đang chỉ ra.
Rõ ràng, đằng sau việc chấp nhận một triển lãm như vậy diễn ra tại Việt Nam không chỉ là sự cảnh báo rằng cần minh bạch thông tin đối với sự kiện mang tính cộng đồng mà còn là vấn đề đạo đức của mỗi người khi ứng xử với tội ác chống lại loài người.
Minh Nhật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét