TAY KHÔNG
( Chúa nhật XV TN, năm B)
Người ta xác định: “Có bột
mới gột nên hồ”. Tay không mà làm nên chuyện mới là người tài giỏi. Chẳng dễ gì
đối với con người, nhưng đối với Thiên Chúa thì “không thể thành có thể” (Mt
19:26; Lc 1:37), điển hình minh nhiên là công cuộc tạo thành vũ trụ của Thiên
Chúa.
Loại “thuận ngôn” luôn
“nghịch nhĩ”. Thế nên người Việt thường nói: “Sự thật mất lòng”. Thời nào cũng
vậy, điều tốt ít được người ta chăm chú, nhưng điều quấy lại được người ta “chú
ý”. Nói như vậy không có nghĩa là điều tốt bị coi thường, mà vì cái xấu như cái
gai dễ nhận ra lắm. Lời ngay thẳng và chân thật làm người ta “khó chịu”, còn lời
nịnh bợ hoặc tâng bốc lại làm người ta thích thú. Tuy nhiên, lời thật rất quan
trọng: “Nói lời ngay thẳng bằng ăn chay cả tháng” (tục ngữ).
Thánh Vịnh gia xác định:
“Lời Chúa phán là lời chân thật, như bạc nấu trong lò đã bảy lần tinh luyện”
(Tv 12:7). Nhưng người ta không vui vẻ đón nhận, thậm chí còn tìm mọi cách để
tránh né hoặc “dập tắt”, bởi vì Lời Chúa nói thẳng nói thật, “xoáy sâu” và “chạm”
vào những nhược điểm của con người, những điều mà người ta chỉ muốn “sống để bụng,
chết mang theo”. Và do đó, người ta tìm mọi cách chèn ép, đàn áp, hành hạ và bắt
bớ những người “dám” nói và dám sống đúng Lời Chúa.
SẴN
SÀNG LÊN ĐƯỜNG
Thời nào cũng vậy, xưa
cũng như nay, cứ thấy ai có “tính thẳng thắn thật thà” thì người ta tỏ vẻ khó
chịu, không ưa, tìm cách gièm pha hoặc xa tránh. Bóng tối chẳng bao giờ ưa ánh
sáng. Thời Cựu Ước, các ngôn sứ thường bị ghét chỉ vì có những câu nói thật rất
nhức nhối – chẳng hạn như ngôn sứ Hô-sê hoặc A-mốt. Thật thế, ông A-mát-gia đã
nói với ông A-mốt: “Này thầy chiêm ơi, mau chạy về đất Giu-đa, về đó mà kiếm
ăn, về đó mà tuyên sấm! Nhưng ở Bết Ên này, đừng có hòng nói tiên tri nữa, vì
đây là thánh điện của quân vương, đây là đền thờ của vương triều” (Am 7:12-13).
Một lời nói rất… “sốc”! Danh từ “thầy chiêm” thường có nghĩa là “chiêm tinh
gia”, nhưng ở đây hẳn là không có nghĩa đó mà có thể nghĩa là “thầy chiêm bao”,
ý nói người đó không thực tế, mơ hồ hoặc ảo tưởng.
Nhưng với lòng khiêm nhường,
ông A-mốt liền trả lời thẳng thắn: “Tôi không phải là ngôn sứ, cũng chẳng phải
là người thuộc nhóm ngôn sứ. Tôi chỉ là người chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây
sung” (Am 7:14). Ôi, lời nói rất thật, rất thẳng, rất rõ ràng, và cũng rất
khiêm nhường. Rồi ông cho biết rằng chính Đức Chúa đã bắt lấy ông khi ông đi
theo sau đàn vật, và Đức Chúa đã truyền cho ông: “Hãy đi tuyên sấm cho Ít-ra-en
dân Ta” (Am 7:15). Ông A-mốt dễ thương quá chừng luôn!
Vâng, ông A-mốt chỉ là một
người bình thường mà thôi, có thể bình thường nhất trong những người bình thường,
là dân lao động nghèo, là người vô sản “chính hiệu”, nhưng Thiên Chúa đã tuyển
chọn ông và trao cho ông sứ vụ “tuyên sấm cho dân Ít-ra-en”. Tất nhiên ông ông
thể thoái thác, vì không ai có thể cưỡng lại Thiên Chúa, nhưng ông cũng không
miễn cưỡng chấp nhận trọng trách, mà vì Thiên Chúa đã “nhẹ nhàng ép buộc” ông,
như Thánh Phaolô đã từng thổ lộ: “Tình yêu Đức Kitô thôi thúc tôi” (2 Cr 5:14).
Đó là cách “triệt buộc” thú vị, như kiểu người ta thích gọi tình yêu là “Thú
Đau Thương” (tên ca khúc của Nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ của Thi sĩ Lưu Trọng Lư).
Như có ý nói về ngôn sứ
A-mốt, Thánh Vịnh gia bộc bạch: “Tôi lắng nghe điều Thiên Chúa phán, điều Chúa
phán là lời chúc bình an cho dân Ngài, cho kẻ trung hiếu và những ai hướng lòng
trí về Ngài” (Tv 85:9). Thiên Chúa không cần biết người đó là ai, thuộc giai cấp
nào, mà Ngài chỉ cần người đó TRUNG TÍN và CHÂN THẬT, Ngài“sẵn sàng ban ơn cứu
độ cho ai kính sợ Ngài, để vinh quang của Ngài hằng chiếu toả trên đất nước
chúng ta” (Tv 85:10). Để nhờ đó, “tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công
lý đã giao duyên. Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp, công lý nhìn xuống tự trời
cao” (Tv 85:11-12). Đất nước an bình vì tôn trọng công lý, không có công lý thì
không thể có hòa bình đích thực: “Khốn cho ngươi, hỡi đất nước có vua cai trị
là một thằng nhãi con, có người lãnh đạo là những đứa mới sáng ra đã lo chè
chén” (Gv 10:16).
Bất cứ ai cũng cần công
lý, cần được đối xử bình đẳng. Người quyền thế và giàu sang có thể không cần
công lý, vì họ luôn sống ung dung, an nhiên tự tại, muốn gì được nấy, thâm chí
chính họ còn là kẻ coi thường công lý, bất chấp đạo lý mà áp bức người khác.
Còn người nghèo khổ luôn cần công lý, vì họ luôn bị đàn áp, bị bóc lột, bị
khinh miệt, bị hành hạ, bị chèn ép,… Họ “thấp cổ, bé miệng”, có kêu cũng chẳng
ai thèm nghe, nhưng họ vẫn cương quyết đòi lại công lý, đòi lại công bình xã hội,
vì đó là quyền căn bản của con người (nhân quyền) và họ cũng có đầy đủ phẩm giá
của con người (nhân phẩm). “Con giun xéo lắm cũng quằn” và “con chó bị dồn đến
chân tường cũng phải cắn lại”. Đó là tự vệ, là nhân quyền cơ bản để sinh tồn.
Vì nghèo mà hóa hèn, họ khổ lắm, khổ trăm đường. Kinh Thánh phân tích rạch ròi:
“Cái khôn của người nghèo bị khinh dể, lời người ấy nói chẳng ai chịu lắng
nghe” (Gv 9:16).
“Khốn cho ai lơ là với
công việc của Đức Chúa!” (Gr 48:10). Ngược lại, ai hăng say nhiệt thành thì được
Thiên Chúa chúc phúc, hứa “sẽ tặng ban phúc lộc và đất trổ sinh hoa trái” (Tv
85:13). Người ta nói: “Đất lành chim đậu”. Dĩ nhiên rồi, bởi vì đất không lành
làm sao chim dám đậu? Chim sợ hãi vì “đất không lành, đất nhậu luôn chim”. Khắp
nơi trên thế giới ngày nay không ngừng xảy ra xung đột vì vắng bóng công lý,
thiếu sự tôn trọng nhân phẩm và nhân quyền. Chúa biết vậy nên Ngài mới bảo mọi
người “ra khơi” và “lên đường” để loan báo Tin Mừng cho mọi người, nhất là những
người vô sản: “Công lý đi tiền phong trước mặt Ngài, mở lối cho Ngài đặt bước
chân” (Tv 85:14).
Cần lắm sự sẵn sàng. Có sẵn
sàng thì mới mau mắn, có mau mắn thì mới có thể nhiệt thành làm việc cho Thiên
Chúa, vì Nước Trời. Đó là sứ vụ chung của mọi tín nhân – những người đã lãnh nhận
bí tích Thánh Tẩy.
THI
HÀNH SỨ VỤ
Sứ vụ là sứ mệnh, nhiệm vụ,
sự sai phái, …cách hiểu của Công giáo là truyền giáo hoặc loan báo Tin Mừng.
Phúc Âm chuyển tải sứ mệnh giải thoát người ta khỏi mọi bất công – xã hội và
tinh thần. Những người cần được giải thoát, tức là cần biết Tin Mừng cứu độ của
Chúa Giêsu, là giai cấp vô sản, là dân lao động, là những người thuộc giai cấp
hạ lưu, “ăn bữa nay, lo bữa mai”, không có gì dư, luôn sống khổ sở và đầy nỗi
lo lắng, không biết ngày mai ra sao. Yêu thương người nghèo là điều cần thiết,
vì đó là thực hiện điều Chúa Giêsu đã dạy. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên coi chừng
vì có thể chúng ta vẫn LỢI DỤNG hoặc BÓC LỘT NGƯỜI NGHÈO ngay khi chúng ta có
những động thái tưởng chừng là yêu thương giúp đỡ họ. Lòng tốt vẫn có thể “ẩn
khuất” sau tấm-bình-phong-của-lòng-bác-ái. Thật đáng quan ngại!
Theo Chúa Giêsu vừa dễ vừa
khó. Ngài đã từng cảnh báo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau
thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc 9:62). Thật vậy, điều kiện theo
Chúa “khắc nghiệt” lắm: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em,
chị em, và cả mạng sống mình nữa thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14:26).
Không chỉ vậy, Ngài còn bắt buộc rõ ràng và dứt khoát: “Hãy từ bỏ chính mình và
vác thập giá mình hằng ngày mà theo Tôi” (Mt 16:24; Mc 8:34; Lc 9:23). Bất cứ vấn
đề gì “chạm” đến cái tôi đều rất khó, khó lắm, nhưng chính lúc có thể từ bỏ
chính mình cũng là lúc thanh thản vác thập giá mình mà bước theo Chúa.
Đồng tiền liền khúc ruột.
Kho tàng ở đâu thì lòng ở đó (Lc 12:34). Tài sản có ít nhất hai ý nghĩa – nghĩa
đen và nghĩa bóng. Tài sản là vật chất còn khó bỏ huống chi tài sản là những “ý
riêng” của chính mình – loại “tài sản” đặc biệt và vô cùng “quý giá”. Và như vậy,
chưa hẳn là người giàu vật chất khó theo Chúa, và người nghèo vật chất dễ theo
Chúa. Nhưng dù giàu hay nghèo, về tinh thần hay vật chất, chúng ta vẫn được
Thiên Chúa mời gọi và truyền lệnh “từ bỏ mọi sự mà theo Ngài”, nhất là phải “từ
bỏ chính mình”.
Phải công nhận rằng dù
sao chúng ta cũng là những người may mắn vì được biết Chúa và đi theo Chúa, dù
mức độ khác nhau, được quyền tự do theo Ngài chứ không bị bắt buộc, và hạnh
phúc được thân thưa: “Abba! Cha ơi!”. Người Cha đó là chính Thiên Chúa, là Thân
Phụ của Đức Giêsu Kitô, Chúa của chúng ta. Niềm hạnh phúc đó càng gia tăng gấp
bội! Thánh Phaolô nói: “Trong Đức Kitô, từ cõi trời, Ngài đã thi ân giáng phúc
cho chúng ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần. Trong Đức Kitô, Ngài đã chọn
chúng ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước Thánh Nhan Ngài, chúng ta trở
nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Ngài” (Ep 1:3-4). Phàm ngôn
không thể diễn tả hết niềm vui sướng lớn lao như thế!
Đúng như vậy, Thánh
Phaolô xác định rằng “theo ý muốn và lòng nhân ái của Ngài, Ngài đã tiền định
cho chúng ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô, để chúng ta hằng ngợi khen ân sủng
rạng ngời, ân sủng Ngài ban tặng cho chúng ta trong Thánh Tử yêu dấu” (Ep
1:5-6).Thánh nhân đưa ra cách giải thích thật tuyệt vời: “Trong Thánh Tử, nhờ
máu Thánh Tử đổ ra mà chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng
ân sủng rất phong phú của Ngài” (Ep 1:7). Đó chính là lòng thương xót của Thiên
Chúa. Nhờ Thiên Chúa thương xót mà chúng ta mới được làm thân nhân của Ngài, chứ
chúng ta hoàn toàn bất xứng, và cũng không có quyền đòi hỏi chi cả.
Hơn thế nữa, Ngài còn cho
chúng ta được biết thiên ý nhiệm mầu: Thiên ý này chính là kế hoạch yêu thương
mà Ngài đã tiền định trong Đức Kitô (Ep 1:9). Thánh Phaolô xác định: “Đó là đưa
thời gian tới hồi viên mãn, là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một
thủ lãnh là Đức Kitô” (Ep 1:10). Mọi sự đều không ngoài “kế hoạch của Thiên
Chúa”, và chính trong Đức Kitô, chúng ta đã được nghe lời chân lý là Tin Mừng cứu
độ chúng ta. Thánh Phaolô nhấn mạnh: “Trong Đức Kitô, một khi đã tin, anh chị
em được đóng ấn Thánh Thần, Đấng Thiên Chúa đã hứa. Thánh Thần là bảo chứng phần
gia nghiệp của chúng ta, chờ ngày dân riêng của Thiên Chúa được cứu chuộc, để
ngợi khen vinh quang Thiên Chúa” (Ep 1:13-14).
Vì thế, việc “rao truyền
Nước Chúa” hoặc “loan báo Tin Mừng” không chỉ là lời mời gọi của Đức Kitô mà
còn là trách nhiệm của mọi người tin nhận Ngài là Đấng Cứu Thế, Đấng là
Thiên-Chúa-Con-Người.
Một hôm, Chúa Giêsu gọi
Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Đó là những “hạt giống”
được gieo vào “đất thế gian”. Ngài ban cho các ông quyền trừ quỷ và ra chỉ thị
cho họ:“KHÔNG được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; KHÔNG được mang lương thực,
bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được đi dép, nhưng KHÔNG được mặc hai áo” (Mc
6:8-9).Đó là “chỉ thị ba không” Chúa trao làm kim chỉ nam khi họ ra đi làm nhiệm
vụ. Vật chất, tiền bạc, danh vọng, địa vị, chức tước, … là những thứ có ma lực
khiến người ta thoái hóa mau chóng. Ai “dính líu” những thứ đó sẽ khó “đứng vững”,
dù đó là ai. Chúa Giêsu không muốn ai sa vào “bẫy tinh vi” của ma quỷ nên Ngài
muốn chúng ta phải sống “tinh thần nghèo khó” như những người vô sản chân
chính. Sống thật chứ không nói suông hoặc lý luận biện hộ, từ xưa Thiên Chúa đã
khuyến cáo “rát tai” về nhiều thứ (Am 5:10-15), nhất là kiểu phụng tự hình thức
(Am 5:21-24).
Ngoài ra, Ngài còn dặn dò
các ông: “Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào thì cứ ở lại đó cho đến lúc
ra đi. Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em thì khi ra khỏi
đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ” (Mc 6:10-11). Chúa Giêsu cho phép “phản
đối” điều sai trái hoặc người cố chấp. Giáo huấn Xã hội Công giáo cũng đề cập
trách nhiệm phải TỐ GIÁCĐIỀU ÁC theo tinh thần đó. Vâng lệnh Đức Kitô và theo
thể thức Ngài dạy, “các ông đi rao giảng và kêu gọi người ta ăn năn sám hối;các
ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh”
(Mc 6:12-13). Đúng ý Chúa thì tất cả đều “mát mái, xuôi chèo” và “thuận buồm,
xuôi gió”, vì Chúa Giêsu đã xác định: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được”
(Ga 15:5). Chắc chắn là như thế!
Trong Kinh Thánh có nhiều
“mối khốn”, một trong số đó là vấn đề liên quan chân lý và công lý: “Khốn cho
những ai biến LẼ PHẢI thành ngải đắng, và vứt bỏ CÔNG LÝ xuống đất đen” (Am
5:7). Đó là vấn đề luôn nóng bỏng và mang tính thời sự, nhất là trong xã hội Việt
Nam ngày nay. Cứ hành động theo linh hứng của Chúa Thánh Thần, còn kết quả thế
nào là do Thiên Chúa định đoạt: Phaolô trồng, Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới
làm cho lớn lên (2 Cr 3:6).
Lạy Thiên Chúa công minh
chính trực, xin ban thêm sức mạnh để chúng con đủ can đảm mà hành động theo
đúng Tôn Ý Ngài, hành động trong sự thật mọi lúc và mọi nơi, làm gì cũng chỉ để
vinh danh Ngài và cứu rỗi các linh hồn, chứ không có ý đánh bóng chính mình.
Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét