MÀU YÊU SẮC THƯƠNG
( Chúa nhật XVI TN, năm B)
Tue,
17/07/2018 - Trầm Thiên Thu
Mọi thứ đều có màu sắc đặc
trưng: cam, vàng, lục, lam, chàm, tím, xanh, đỏ, tía, xám, trắng, đen,… Tuy
nhiên, yêu thương là “chất” trừu tượng, vô hình, làm sao biết nó có màu sắc gì?
Đúng vậy, nhưng người ta vẫn “điểm tô” cho nó bằng loại màu sắc đẹp đẽ: màu hồng,
màu xanh. Riêng những người thất tình,có lẽ họ thấy tình yêu màu xám xịt hoặc
đen thui. Còn những ai yêu Chúa thì chắc chắn KHÔNG BAO GIỜ bị thất tình –
nghĩa là tình yêu luôn có màu hồng hoặc xanh biếc, khả dĩ quyến rũ lòng người:
“Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh
hơn con, và Ngài đã thắng” (Gr 20:7).
Ai trong chúng ta cũng bị
Thiên Chúa quyến rũ như vậy. Thế nhưng con người rất yếu đuối, hứa nhiều mà chẳng
giữ được bao nhiêu. Mỗi ngày té lên té xuống bao lần. Cả đời biết bao lần ăn
năn mà vẫn chưa “nên người”. Quả thật, không có Ơn Chúa thì con người không thể
làm được gì (Ga 15:5), nhưng Ngài đòi buộc chúng ta phải “từ bỏ mọi sự” (Mt
10:37-39; Lc 14:26-27).
Thế nên, sách Huấn ca có
những lời cầu nguyện để chúng ta học hỏi: “Lạy Đức Chúa là Cha và là Chúa Tể đời
con, xin đừng để mặc con chiều theo sở thích của môi miệng, đừng để nó làm con
vấp ngã. Tư tưởng con, ai sẽ lấy roi sửa trị, tâm can con, ai sẽ dùng khôn
ngoan dạy dỗ, để đừng dung thứ những lầm lỗi của con, cũng đừng làm ngơ trước tội
con đã phạm? Bằng không, lỗi lầm của con cứ gia tăng mãi, tội lỗi của con chồng
chất thêm nhiều, con sẽ quỵ ngã trước mặt đối phương và kẻ thù con đắc chí nhạo
cười” (Hc 23:1-3).
Hằng ngày luôn có nhiều thứ
nguy hiểm rình rập vây quanh chúng ta, sơ sảy một chút là “mắc mưu ma chước quỷ”
ngay lập tức. Vì thế, chúng ta không chỉ phải cảnh giác mọi sự mà còn phải canh
chừng chính mình: “Lạy Đức Chúa là Cha và là Thiên Chúa của đời con, xin đừng để
mắt con trâng tráo, xin đẩy dục vọng xa khỏi con, xin chớ để thói ăn chơi truỵ
lạc thống trị con, đừng để con đắm chìm trong những dục vọng trơ trẽn” (Hc
23:4-6). Và Kitô giáo quên cầu nguyện: “Xin Chúa đừng bắt con phải chết cùng
quân tội lỗi, với bọn ác nhân. Miệng thì những nói bình an, mà lòng thâm độc chỉ
toan hại người” (Tv 28:3).
Không ai lại không mong
muốn được sống thư thái trong sự hòa bình đích thực, mà điều đó chỉ có thể tìm
thấy ở nơi Thiên Chúa. Muốn vậy thì phải biết khước từ tội lỗi và sống phó thác
cho Ngài quan phòng. Khi đó, chúng ta có thểsung sướng minh định: “Chúa là mục
tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì”(Tv 23:1). Thật vậy, chúng ta không thể
im lặng khi niềm vui dâng trào, nên phải thổ lộ: “Trong đồng cỏ xanh tươi, Người
cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người
dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người”(Tv 23:2-3). Đó là chia
sẻ niềm vui thánh đức với tha nhân.
Cứ thế và cứ thế, càng
gia tăng niềm vui mừng càng thêm niềm tin tưởngđể thân thưa: “Lạy Chúa, dầu qua
lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững
dạ an tâm”(Tv 23:4). Không nói Chúa cũng biết – vì Ngài thấu suốt mọi sự (1 Sbn
28:9b; Gđt 8:14; Et 5:1; 2 Mcb 7:35; 2 Mcb 9:5; 2 Mcb 12:22; 2 Mcb 15:2; G
28:27; Tv 139:2; Gr 10:12; Cn 16:2; Cn 21:2; Cn 24:12; Kn 1:6; Kn 7:23; Hc
23:19; Hc 42:20; Gr 10 :12; Gr 11:20; Gr 20:12; 1 Cr 2:10; 1 Cr 12:4-6; 1 Ga
3:20), nhưng bổn phận người hàm ơn phải biết ơnvà không thể không bày tỏ điều
đó: “Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức
đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa”(Tv 23:5). Niềm hạnh phúc đó còn
được “khoe” với người khác, đó là chia sẻ với tha nhân để chung hưởng vui mừng
với nhau:“Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi
được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên”(Tv 23:6).
Cuộc đời luôn biến đổi và
mang nhiều màu sắc, người đời gọi là “lên voi, xuống chó”. Sau thời gian sống u
buồn ảm đạm vì vắng bóng Thiên Chúa, giờ đây chúng ta sống bình an trong niềm hạnh
phúc kỳ diệu để rồi con tim lại thấy vui mừng: “Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp
con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con; số mạng con, chính Ngài nắm giữ”
(Tv 16:5).
Vừa giải thích vừa xác định,
Thánh Phaolô nói: “Trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức
Kitô Giêsu, nhờ máu Đức Kitô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần” (Ep
2:13).Chỉ vì yếu đuối mà sa ngã, phạm tội; và tội lỗi khiến chúng ta xa cách
Chúa, nhưng nhờ giá Máu cứu chuộc của Ngài mà chúng ta lại được tiếp cận Ngài,
được phục hồi quyền làm con cái của Ngài. Niềm hạnh phúc thật lớn lao. Đó không
phải là công của chúng ta, mà là nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa. Lòng
thương xót ấy phát xuất từ Thánh Tâm nhân từ của Đức Giêsu. Chúng ta thật diễm
phúc, bởi vì nếu không có lòng thương xót đó thì chúng ta phải trầm luân mãi
mãi. Cuộc đời của chúng ta đang xám xịt trở thành hồng thắm, đang đen thui hóa
ra trắng ngần. Kỳ lạ thay!
Cuộc đời là bể khổ mênh
mông. Yêu mà khổ te tua đã đành, không yêu mà cũng khổ tả tơi. Thánh Gióp đã
than oán về sinh nhật của mình: “Phải chi đừng xuất hiện ngày tôi đã chào đời…
Phải chi ngày ấy là đêm tối… Phải chi đêm ấy bị tối tăm xâm nhập, không được kể
vào niên lịch, không được tính trong số các tháng” (G 3:3-6). Một loạt “phải
chi” thật não nuột!
Cái khổ cứ cộng thêm rồi
nhân lên, chẳng bao giờ trừ bớt. Con cái phải lìa xa cha mẹ thìkhổ sở lắm, hai
người yêu nhau mà không được gần nhau thìkhổ vô cùng. Khổ thì mệt. Mệt tinh thần
kéo theo mệt thể lý. Mệt thì mỏi. Thế nên mệt dạng nào cũng cần được nghỉ ngơi
hợp lý. Khi gia đình đoàn tụ, khi những người yêu nhau được gần nhau,niềm vui bừng
lên và dâng cao như nước thủy triều.
Than thì cứ than, thở vẫn
phải thở. Hãy cứ bình tĩnh, rồi đâu lại vào đấy. Thật vậy, chính Thiên Chúa vẫn
mãi là bình an của chúng ta: “Ngài đã liên kết dân Do-thái và dân ngoại thành một;
Ngài đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét; Ngài đã
huỷ bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật” (Ep 2:14-15). Như vậy, khi thiết
lập hoà bình, Ngài đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản
thân Ngài. Hai “đối thủ” hài hòa và sống hòa bình trên cánh đồng xanh mướt yêu
thương. Đó là “nhờ thập giá mà Ngài đã làm cho đôi bên được hoà giải với Thiên
Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Ngài đã tiêu diệt sự thù ghét”
(Ep 2:16). Ngài đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho chúng ta là những kẻ ở
xa, và bình an cho những kẻ ở gần.Rồi cũng chính nhờ Ngài, cả đôi bên, chúng ta
được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha (Ep 2:18).
Thánh Phanxicô Assisi xác
định: “Deus meus et omnia – Thiên Chúa của tôi và tất cả của tôi”. Thánh nhân
là người rất nghèo mà lại trở nên rất giàu. Đó là cách sống tín thác, sống khôn
ngoan, bởi vì nhờ đức tin mà được nên công chính (Rm 5:1; Rm 9:30; Rm 9:32; Rm
10:6). Thánh Phêrô cảnh báo: “Hãy coi chừng kẻo bị những kẻ phạm pháp và lầm lạc
lôi cuốn, mà không còn đứng vững nữa” (2 Pr 3:17).
Thông thường, cái gì cũng
có hai mặt. Chuyện yêu thương cũng thế, có khoảng sáng và khoảng tối – như một
bức tranh có màu sáng và tối vậy. Cả hai đều cần để hỗ trợ nhau.
Yêu thương cũng có lúc
vui vẻ, lúc buồn bã; lúc hăng hái, lúc chán nản; lúc khỏe khoắn, lúc mệt mỏi. Mệt
thì phải nghỉ để “nạp” năng lượng tinh thần. Theo tường thuật của Thánh sử
Mác-cô, hôm đó các Tông Đồ tụ họp xung quanh Thầy Giêsu, kể lại cho Ngài biết mọi
việc các ông đã làm và mọi điều các ông đã dạy.Và Ngài bảo các ông: “Chính anh
em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6:31).Đó
là một dạng tĩnh tâm cần thiết lắm.
Ngày nào có cái khổ của
ngày đó (Mt 6:34), tránh trời không khỏi nắng. Ngày nào cũng có việc bận rộn,
làm gì cũng mệt – làm ít, mệt ít; làm nhiều, mệt nhiều; thậm chí không làm
cũng… mệt. Chúa Giêsu biết rõ điều đó, và Ngài cũng rất tâm lý nên thương các
ông mà bảo các ông “nghỉ ngơi đôi chút”, tức là Ngài bảo chúng ta làm gì thì
cũng cần có những giây phút tịnh tâm (tĩnh tâm hoặc cấm phòng) để không chỉ PHỤC
HỒI THỂ LÝ mà quan trọng hơn là PHỤC HỒI TINH THẦN, đặc biệt là tâm sự với Chúa
để tâm hồn được nghỉ ngơi và bình an.Cố Hồng y P.X. Nguyễn Văn Thuận nói: “Thứ
nhất là cầu nguyện, thứ nhì mới là hoạt động”. Chúa Giêsu cũng căn dặn Thánh
Faustina: “Hãy tựa đầu vào vai Ta, hãy nghỉ ngơi và lấy lại sức, Ta luôn ở bên
con” (Nhật ký, số 498).
Thánh sử Mác-cô cho biết
rằng, hôm đó kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống
nữa. Thế nên thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. Thấy thầy
trò đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ
chạy đến nơi, trước cả các ngài.
Thật kỳ lạ, Chúa Giêsu
thu hút mọi người không chỉ vì Ngài luôn nói lời thiêng ý thánh, đơn giản mà
thâm thúy, giáo huấn chân lý cao siêu nhưng vẫn phù hợp với mọi trình độ, thực
hiện những việc lạ lùng,... mà chắc hẳn Ngài còn ăn nói rất có duyên (cả âm và
sắc), rất chí lý,thế nên người ta mới tâm phục khẩu phục như vậy.Cuộc sống luôn
nhiêu khê, thế nênChúa Giêsu đã khuyên nhủ về bí quyết sống: “Khôn như rắn, hiền
như bồ câu” (Mt 10:16). Đó là cách “sống khôn”, mà sống khôn đâu dễ gì. Người
ta có bí quyết thú vị này: “Đừng cãi lý với kẻ say, đừng bắt tay với kẻ xấu, đừng
chiến đấu với kẻ liều, đừng nói nhiều với kẻ ngu”. Còn Lão Tử phân tích: “Thiện
giả bất biện, biện giả bất thiện”. Nghĩa là “người thiện thì không tranh biện,
người tranh biện thì không thiện”. Đó cũng là dạng yêu thương mang màu sắc lạ.
Khi Thầy trò ra khỏi thuyền,
Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì CHẠNH LÒNG THƯƠNG, vì họ như bầy
chiên không người chăn dắt, và Ngài bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều (Mc 6:34).
Thánh Tâm thương xót của Ngài không thể chịu được khi thấy người ta nghèo khổ
và vất vưởng giữa cuộc đời, thế nên Ngài luôn động lòng trắc ẩn, và Ngài muốn
chúng ta cũng phải biết xót thương nhau như vậy, không chỉ xót thương bằng lời
nói suông mà còn phải thể hiện bằng hành động thực tế, cách thức mà Thánh
Giacôbê đã xác định: “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc
2:17).
Chỉ là ích kỷ nếu tôi được
nghỉ ngơi nơi đồng xanh yêu thương của Chúa trong khi người khác phải long đong
khốn khó, cũng là ích kỷ nếu tôi chỉ lo cho phần rỗi của tôi mà bỏ mặc người
khác. Đó là vô cảm tâm linh. Muốn lên Thiên Đàng một mình là ích kỷ, mà người
ích kỷ thì làm sao mà vào Nước Trời chứ?
Lạy Thiên Chúa, xingiúp
chúng con biết sống khôn để có thể chết thiêng, biết kết hợp và cân bằng giữa
hoạt động với cầu nguyện. Xin giúp chúng con luôn đồng hành với nhau và dìu bước
nhau vào Miền Đất Hứa mà Ngài đã hứa ban. Xin tô thắm cuộc đời chúng con bằng
màu sắc yêu thương tươi thắm của Ngài. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử
Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét