Thứ Hai, 23 tháng 7, 2018

TẠI SAO ÔNG KHÓC?




TẠI  SAO  ÔNG  KHÓC?
Sun, 01/07/2018 -  Lm Hương Quất

Dạo này nhà ông thường xảy ra những lục đục nho nhỏ, người con dâu hay cằn nhằn, ca thán…

 Vợ chồng nó cũng tế nhị, thường chỉ xích mích chốn riêng tư nhưng ông nghe hết, thấy hết… Ông còn biết rõ, sự hiện diện của ông trong gia đình không chỉ lỗi thời mà còn trở thành gánh nặng…

Đứa con gái phụng phịu: - Mẹ à, cho con tiền đóng Anh Văn, hen

- Thôi nhé cô, tôi đang điên đầu chuyện tiền bạc đây… Cô dẹp ngay lớp Anh văn, cả lớp vi tính vi tiếc gì nữa - người mẹ nói có âm điệu ngắt bẳn.

Đứa con gái xụ mặt trông đến tội nghiệp! Người mẹ cảm thấy có lỗi, dịu giọng: - Cái bụng cần hơn con ạ. Cuộc sống giờ đắt đỏ quá, bố mẹ cày từng bữa lo ăn cũng sốt vó rồi… Mấy lớp học nâng cao thêm tạm thời con nghỉ nhé, đợi đến khi nào giá cả xuống bố mẹ lại cho con đi học lại.

  “Đợi khi nào giá xuống…”, chuyện muôn thủa nằm trong mơ, đấy chỉ là cách nói cho có nói. Tội đứa cháu cưng ông, biết thân phận nhà nghèo nên chịu học, lại học tốt ở những môn thiết thực: Ngoại ngữ, vi tính… Phải rồi, ông có nghe, đất nước hội nhập thời “vê kép tê ô” gì đấy, ai không biết ngoại ngữ, không hiểu vi tính kể như “mù chữ”. Ông đã “mù chữ”, đời con ông cũng “mù chữ” - nửa câu ngoại ngữ cắn không ra, vi tính càng mù tịt (điều này làm ông ân hận nhiều, vợ chết sớm, nhà nghèo nên ông không lo cho con cái được ăn học tới nơi tới chốn. Khốn nạn thằng làm cha như ông!). Phải chăng vì thế cái nghèo cứ mãi đeo bám nhà ông! Ông tự an ủi: “Thôi thì hy sinh đời ông, cộng thêm hy sinh đời bố để dồn tâm củng cố đời cháu”. Ông còn nhớ, lúc cháu gái có ý xin cha mẹ cho học thêm, chính ông lên tiếng nhiệt liệt tán thành, và ông rất tự hào về điều đó… Lần này, ông không dám lên tiếng nữa, có cạy miệng cũng không ra nửa lời! Mong muốn “xóa mù chữ” của thế hệ cháu lại bị chính cái nghèo ngăn cản, chắc chắn nó sẽ ngáng luôn con đường vào giảng trường Đại học mà cháu ông hằng mơ ước. Chợt nhiên ông lo sợ, không chừng tấm bằng Tú Tài cháu cưng ông cũng chưa chắc có diễm phúc chạm tay. Hiện thời giá cả cứ leo thang vùn vụt, từng ngày, còn cháu gái mới học lớp 10, những còn hơn 2 năm nữa….

Đêm đã khuya, khuya lắm rồi nhưng ông không tài nào ngủ được. Vừa rồi cô con dâu lại ca thán với chồng chuyện xăng lên, giá lên bất thường, ngay cả mớ rau muống, chai nước mắm của người nghèo hay dùng cũng không thoát cơn bão giá. “Thu nhập vợ chồng, dù vắt cạn mồ hôi cũng không theo được giá cả, vẫn thiếu trước hụt sau. Em nghĩ đến lúc mình phải có chương trình cắt giảm chi tiêu sát sườn thêm nữa. Trước mắt, thôi cho thằng cu uống sữa nhà trường, cũng bớt được cả đống tiền mỗi tháng”, tiếng con dâu thủ thỉ với chồng, nhưng ông nghe rõ mồn một. Trời ơi, trẻ em cần phải có sữa, cần phải đảm bảo nguồn dinh dưỡng… thế mà nguồn căn bản ấy “đích tôn” nhà ông đang tuổi mẫu giáo cũng không có quyền được hưởng!... Nhà có con ăn học, ông nhớ mỗi lần niên học mới hay mỗi kỳ đầu đóng tiền học, vợ chồng nó lại khốn đốn. Trường Công vẫn phải đóng học phí, trẻ nhỏ đi học muốn uống sữa phải đóng tiền… ông thấy có một cái gì đó khó hiểu (buồn cười hơn khi ông biết Bộ Giáo dục còn có đề án tăng tăng học phí Trường Công, năm nay chưa được, năm sau chắc không thóat!). Ông nhớ, ngày trước (trước 1975) học Trường Công cha mẹ không bận lo học phí mà con cái vẫn đảm bảo chất lượng giáo dục; học sinh cấp 1 có nơi còn “bị bắt” uống sữa hàng tuần theo định kỳ.

Sáng sau, con dâu dậy sớm hơn thường lệ, lau chùi cái bếp gas, đóng thùng, rồi lôi ra bếp củi, bếp than đã “chia tay” hơn năm nay. Ông nghĩ đó là bước tiếp theo trong kế hoạch “cắt giảm chi tiêu sát sườn” của vợ chồng nó. Phải thế thôi, bình gas 12 ký giờ đã vượt ngưỡng 250.000 đồng, trở về bếp đun truyền thống, có vất vả, có ô nhiễm một tí nhưng đó là thượng sách của cánh nhà nghèo như ông.

Mấy ngày gần đây ông hơi khó ăn, một phần thức ăn quá đạm bạc không thể đạm bạc thêm nữa, quan trọng hơn, thấy vợ chồng nó ăn ít đi hẳn. Nhẽ nào “bớt ăn cơm” cũng nằm trong chương trình “cắt giảm chi tiêu”? Nếu thế thì cay nghiệt quá! Vợ chồng nó lao động bằng tay chân, không dám ăn no, không được ăn no…

Trời hỡi, người nghèo sao khổ thế!

“Mình cũng phải cắt giảm sát sườn”, ông tự nhủ. Giảm gì? Ông có thú vui tuổi già, thích nghe đài và luôn mang theo cái radio nhỏ bằng bàn tay bên mình. Bớt nghe đài thì đỡ tốn pin, bớt tốn tiền mua pin (2 cục pin tiểu giờ cũng tăng giá!)… Thực ra ông đã ý thức tiếc kiệm nghe đài hơn tháng nay, nhưng ông vẫn nhấn nhá chưa chịu bỏ một số chương trình ông yêu thích, như nhạc cổ điển - không lời, làn sóng xanh, trò chuyện đêm khuya; vẫn còn giữ thói quen sáng tối nghe hai cữ tin tức trong nước, thế giới. Lần này, ông quyết tâm: nghe tin tức trong nước - thế giới trên đài Việt Nam, BBC thôi và chỉ cần một buổi tối là đủ. Ông có một người bạn già ở đầu xóm, có thú đọc báo. Ngày nào người bạn cũng có tờ Tuổi Trẻ để xem, và thường ngày ông hay bắt bộ hơn nửa cây số đến “xem ké” báo, khề khà bên chén trà nóng trao đổi thông tin, bàn luận thời cuộc... Tuổi già còn được thế là tuyệt rồi!
Hơn tuần nay, bầu khí nhà ông chùng hẳn xuống, buồn lặng đến rợn người! Ông biết, vợ chồng nó đang lo “chuyển nghề”. Chính phủ đã ra Nghị quyết 32 cấm mọi lưu thông xe ba bánh tự chế từ ngày 01 tháng 01 (năm 2008) (!) và như thế chiếc ba gác máy chở hàng - nồi cơm cả nhà của thằng con trai sẽ trở thành phế liệu (thú thực, từ ngày thôi bagác đạp để lên đời bagác máy, thu nhập vợ chồng nó “khấm khá” hẳn lên). Cảnh sát giao thông chỗ ông vốn nổi tiếng “triệt để nghiêm túc” trong việc thực thi lệnh cấm, phạt. Chẳng thế, ngay ít bữa trước khi Nghị quyết có hiệu lực, Cảnh sát đã ra quân là lượn, nhắc nhở, cảnh cáo trước chủ phương tiện tự chế còn chạy. Chưa mượn được tiền để chuyển nghề chạy xe ôm, té ra con ông trở thành “tội phạm”, vì vẫn lén lút chở hàng hóa. Kiếm sống bằng chính mồ hôi nước mắt mà phải thập thò, hồi hộp như gian phi…  Rồi nữa, quy định gánh hàng rong con dâu phải có Chứng nhận Vệ sinh an toàn mới được rong bán lại thêm nỗi bất an đổ xuống nhà ông…

Trời hỡi, người nghèo sao khổ thế, khổ thế!

Ông giật thót mình! Tai ông vừa nghe tiếng ai gọi “Bố”…, hình như tiếng đứa con gái chết thời chiến tranh… Một tiếng thở dài não ruột trong phòng vợ chồng nó giữa đêm khuya nghe rõ và thật não nề… Rồi tiếng người con trai:

-         Anh thấy khó nghĩ qúa. Đẩy bố vào nhà dưỡng lão, anh không đành lòng…. Mà liệu có đưa cụ vào dược không cũng là một vấn đề. Trung tâm dưỡng lão Nhà nước chỉ tiếp nhận người già nèo đơn, không con cái, không thân thích. Còn cụ…

-         Làm điều này em cũng thấy vợ chồng mình quá bất nhân thất đức … Gần đây em thấy bố xuống sức, hay sổ mũi nhức đầu, mai mốt nhỡ ra cụ đổ bệnh, nằm đấy ai chăm sóc (?!) Tiền đâu lo thuốc thang(?!) tiền đâu lo cho cụ thức ăn đảm bảo dinh dưỡng(?!)… Chi bằng vợ chồng mình đến quỳ lạy tạ tội, xin bố xá cho tội bất hiếu, không lo được cho bố khi về già… Em nghĩ, cụ vốn thức thời sẽ thông cảm …

“Đưa bố vào nhà dưỡng lão” lẽ nào cũng nằm trong kế hoạch cắt giảm sát sườn!? Ông thấy cái gì nghèn nghẹn ở cổ họng, nhói đau vầng ngực… Mà thôi, vợ chồng nó không phải quỳ tạ tội, không cần đưa ông đến nhà dưỡng lão. Ông tự bỏ nhà đi, tự trở thành người cô thân cô thế, tự tìm đến nhà dưỡng lão nào đó, thật xa… Đấy là cách tốt nhất ông còn có thể làm được để giúp con cháu. Chúng sẽ không phải áy láy về tội không có khả năng nuôi ông, tội đẩy ông cho Nhà nước gánh vác. Ông không hề có ý trách con cái, và sẽ không bao giờ óan giận chúng!

….

Thằng cháu nội “nối dõi” chạy sà vào ông, mếu máo:

-         Hư… Ông đừng bỏ con đi, hư hư…

-         Ngoan nào, ông đâu có đi đâu đâu. Ông vẫn ở đây chơi với con, vẫn làm ngựa cho con cưỡi chơi; ông con mình vẫn làm trâu húc nhau…

-         Thế sao mẹ bảo ông sắp đi!

Thế à! … Ông ôm cháu cưng vào lòng…

-         Mẹ còn bảo ông thích ở nhà dưỡng lão hơn!

Rồi đứa cháu nhìn ông: - Ông hứa con là không thích đi nhà dưỡng lão nữa nhé?

Lòng ông se thắt lại!… Nhìn vào đôi mắt trong sáng của trẻ thơ, ông không lỡ nhẫn tâm. Ông chỉ gật đầu!

-         Ha ha, hoan hô ông, thế là ông hứa con rồi nhé… Tối ăn cơm con nói mẹ là ông không thích đi nhà dưỡng lão nữa, ông thích sống với con hơn.

Ông ôm cháu cưng vào lòng, thật chặt: - Thôi con đừng nói gì với mẹ!

Khóe mắt ông cay cay, nóng bỏng ai hàng lệ…

Bất chợt đứa cháu nhìn lên ông, ngơ ngác:

-         Thế sao ông khóc?

 Trương Ái Nhiệm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét