QUAN NIỆM CHỮ HIẾU VÀ HẠNH PHÚC HÔN NHÂN
Trần
Mỹ Duyệt
“Công
cha như núi Thái Sơn
Nghĩa
mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một
lòng thờ mẹ, kính cha
Cho
tròn chữ hiếu mới là đạo con.”
(Ca
dao tục ngữ)
“Làm con phải hiếu!”
Nhưng thế nào là “thờ mẹ, kính cha” ? Làm sao để giữ được “cho tròn chữ hiếu”? Đây là một trong những bất đồng và thử thách
đối với nhiều cặp vợ chồng trẻ vì không nắm vững ý nghĩa của chữ “hiếu” trong bối
cảnh khác nhau cũng như đổi mới về văn hóa, phong tục, và tập quán. Đặc biệt,
những gia đình trẻ với ảnh hưởng của văn hóa “tiểu gia đình” như hiện nay. Do
đó, ảnh hưởng cũng như sự xuất hiện của cha mẹ hai bên đã gây nên những tranh
chấp đưa đến nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ. Câu truyện sau đây là bằng chứng cho thấy
có sự lạm dụng về phía cha mẹ, và cắt nghĩa sai lạc về phía con cái liên quan đến
chữ hiếu.
Câu truyện bắt đầu bằng một
cuộc tình mà chỉ sau khi hai vợ chồng chung sống với nhau được 3 tháng đã mang
lại không biết bao cuộc cãi vã, giận hờn, để rồi sau 6 năm giằng co, chịu đựng
cả hai đều cho biết là họ đang nghĩ đến việc ly dị.
Chàng trai trẻ ở Mỹ về
chơi thăm quê hương, và được mối mai cho một người con gái. Họ đã có cảm tình
ngay sau lần gặp mặt. Người con gái lúc đó là con một gia đình đạo đức, còn người
con trai là một Việt kiều có trình độ đại học. Qua nhiều thử thách, nhiều lần
đi về giữa Mỹ và Việt Nam, cuối cùng chàng đã cưới được nàng.
Sau ngày cưới chàng về lại
Mỹ để hoàn tất thủ tục đoàn tụ, còn nàng ở Việt Nam chờ người yêu đón sang Mỹ.
Một năm chờ đợi là những ngày tháng nhớ nhung, hạnh phúc nhất cho cả hai, vì chỉ
sau khi hai vợ chồng đoàn tụ tại Mỹ được 3 tháng thì những bất đồng, cãi vã, giận
hờn bắt đầu nổ ra. Lý do vì người vợ đòi chồng phải bão lãnh toàn bộ ông bà, bố
mẹ, và các em của cô tổng cộng 8 người qua Mỹ ngay lập tức. Ngày này qua ngày
khác, tuần này tiếp đến tuần kia, điện thoại giữa gia đình vợ và vợ cứ liên tiếp
hối thúc chàng rể mang gia đình vợ qua Mỹ. Với quan niệm của gia đình vợ và của
người vợ thì việc đưa toàn bộ gia đình bên vợ qua Mỹ là hành động hiếu thảo,
báo hiếu của con gái cũng như con rể! Trong khi đó, còn phải gửi tiền về cho
ông bà, bố mẹ vợ tiêu xài, và nuôi mấy em ăn học.
Ngoài vấn đề đoàn tụ và
tiền bạc, cha mẹ cô dâu còn luôn đóng góp những ý kiến, những quan niệm trái
ngược về đời sống hôn nhân, gia đình khiến tạo ra những mâu thuẫn, bất hòa giữa
vợ chồng. Những cuộc cãi vã về những bất đồng quan điểm sống do ảnh hưởng của
cha mẹ vợ càng ngày càng khiến cho đời sống vợ chồng trở nên bế tắc.
Sức ép của gia đình bên vợ,
sức ép của công ăn việc làm, sức ép của tài chính đã khiến người chồng có cảm
tưởng mình bị lợi dụng, bị đặt vào một hoàn cảnh rất khó xử mà chung qui cũng
vì chữ hiếu. Không một ai trong gia đình vợ, kể cả người vợ hiểu rằng việc làm
giấy bảo lãnh đoàn tụ là việc người bên Mỹ có thể làm, nhưng được đoàn tụ hay
không phải theo những luật lệ, tiến trình của sở di trú Mỹ. Cũng không ai hiểu
thêm về sự tế nhị, eo hẹp tài chính lúc này. Lương một thợ tiện trung bình đủ để
chàng lo toan cho gia đình, và trả nợ tiền đi về cưới xin mà cho đến nay vẫn
còn nợ nhà băng. Ngân quĩ gia đình như vậy nên khiến người chồng cảm thấy lo lắng,
ái ngại mỗi khi nghĩ đến việc bảo lãnh một số đông thân nhân như thế. Như những
cọng rơm làm gẫy lưng con lạc đà, hay như giọt nước cuối tràn ly, hạnh phúc hôn
nhân của đôi vợ chồng đang đi gần vào bế tắc mà cả hai đều cho rằng ly dị là giải
pháp tốt nhất. Câu hỏi được đặt ra là những người làm cha mẹ như trường hợp này
đòi hỏi ở con cái họ những gì qua hành động hiếu thảo? Và những người con, như
người con gái đây đã hiểu cũng như sống thế nào với chữ hiếu trong vai trò người
đã có gia đình?
THẾ
NÀO LÀ HIẾU?
Vô ơn là một lối sống xấu
xa của con người khi họ chỉ biết đến bản thân, bỏ quên tất cả những ai đã giúp
đỡ mình,nhất là những người đã sinh thành và nuôi dưỡng mình. Sự vô ơn là điều
đáng khinh nhất, nhưng kiểu vô ơn phổ biến và thông thường nhất là sự vô ơn của
con cái đối với cha mẹ.
“Ai mà phụ nghĩa quên
công
Thì đeo trăm cánh hoa hồng
chẳng thơm!”
Từ Điển Tiếng Việt, do nhà xuất bản Hồng Phúc định
nghĩa: Hiếu là hết lòng phụng dưỡng cha mẹ. Noi theo chí khí của cha ông. Tang
cha mẹ. Hiếu dưỡng hay báo hiếu là việc chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ chu đáo.
Hiếu theo định nghĩa của
từ điển này còn là một đạo sống, gọi là hiếu đạo hay đạo phụng thờ cha mẹ: “Hiếu
đạo là Bổn phận (đạo) phụng thờ cha mẹ.”
Theo Lm. Anthony Trần Văn
Kiệm trong Từ Điển Văn Học Việt Nam. Phần thứ nhì - cuốn 1, In lần thứ nhất
2007, hiếu được chia làm hai loại, hiếu thảo đối với cha mẹ, và hiếu đễ đối với
anh em.
Đối với Kitô Giáo, thảo
kính cha mẹ là một trong 10 giới luật tương đương với những giới luật khác như
luật thờ phượng Thiên Chúa, luật cấm tà dâm, luật cấm ăn cắp, luật cấm giết người…“Hãy
trọng kính cha mẹ ngươi như Yavê Thiên Chúa của ngươi đã truyền cho ngươi, ngõ
hầu ngày đời ngươi kéo dài, và phúc đến cho ngươi trên thửa đất Yavê Thiên Chúa
của ngươi sắp ban cho ngươi.” (Xuất Hành 5:16).
Phật Giáo cũng coi việc
hiếu thảo như một nhân đức đòi buộc con cái phải thực hành: “Cùng tột điều thiện
không gì hơn hiếu. Cùng tột điều ác không gì hơn bất hiếu.” (Kinh Nhẫn Nhục)
Trong chương đầu Khai
tông minh nghĩa của Hiếu Kinh, thuật lại lời Khổng Tử nói với Tăng Tử:“Này đây,
HIẾU là căn bản của ĐỨC, do giáo dục mà sinh ra. Hãy ngồi trở xuống, ta nói cho
ngươi biết. Thân thể, hình hài, tóc tai, da thịt là do cha mẹ sinh ra không được
gây hư hại là nết đầu của chữ Hiếu. Sau lo lập thân, hành đạo để lại tiếng thơm
cho đời sau là nết cùng của chữ Hiếu. Này đây, chữ Hiếu lấy việc phụng dưỡng
cha mẹ làm đầu, kế đến thờ vua, sau rốt là lập thân.” (Hiếu thảo - Wikipedia tiếng
Việt)
Như vậy, hiếu thảo không
chỉ được coi như một nhân đức xã hội, đúng hơn, nó còn là “đạo”, một lối sống
mang ý nghĩa tâm linh đòi phải thực hành một cách nghiêm chỉnh trong đời sống của
con cái.
THỰC
HÀNH ĐẠO HIẾU
Đi vào thực hành có tính
cách tích cực, Thánh Kinh khuyên dạy con cái: “Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi
già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người khi người còn sống. Nếu tinh thần người
sa sút, thì hãy rộng lượng, ngươi là kẻ trai tráng, chớ đành khinh dể người”.
(Huấn ca 3: 12)
Trên đây là những điểm rất
thực tế xét về mặt tâm lý và tâm linh. Bởi lẽ khi cha mẹ còn khỏe mạnh, còn có
khả năng ít khi cần đến con cái về vật chất. chỉ khi về già cha mẹ mới cần đến
con: “Trẻ cậy cha, già cậy con”. Nhưng một điều xem như trái ngược, đó là, khi
cha mẹ về già rồi thì lại không mấy con cái để ý chăm lo, mà còn bỳ tị, tranh
cãi, trốn tránh. Trường hợp những bệnh nhân già yếu trong các bệnh viện, những
người già neo đơn tại các viện dưỡng lão là những bằng chứng cho thấy lời Thiên
Chúa trong Huấn Ca mang ý nghĩa tâm linh, một đạo sống.
Vì cha mẹ là đại diện của
Thiên Chúa, những người mà Ngài cho quyền chia sẻ công trình sáng tạo của Ngài,
nên những hành vi xúc phạm đến cha mẹ được coi như trực tiếp xúc phạm đến Ngài,
và là những trọng tội đối với Ngài. Thánh Kinh ghi: “Vì chưng Thiên Chúa, thì
đã phán: “Ngươi hãy thảo kính cha mẹ” và: “Kẻ nào chúc dữ cha mẹ, thì phải chết
tử hình.” (Mat 15:4). Hoặc “Và kẻ nào
đánh đập cha mẹ mình tất phải chết… Kẻ nào nguyền rủa cha mẹ mình tất phải chết.”
(Xuất Hành 21:15,17). (KINH THÁNH. Bản dịch Lm. Nguyễn Thế Thuấn)
Cùng một ý nghĩa “gánh
vác tuổi già cha mẹ, tránh làm phiền lòng các ngài khi các ngài còn sống, không
khinh bỉ các ngài khi tinh thần các ngài sa sút” của tinh thần Kitô Giáo, những
điều Đức Phật dạy về hiếu thảo cũng mang một ý nghĩa tương tự:
-Thay cha mẹ gánh vác
công việc nặng nhọc trong nhà.
- Giữ gìn truyền thống
gia phong, văn hoá truyền thống.
- Bảo vệ tài sản của cha
mẹ.
Mạnh Tử cũng đã nêu lên 3
trường hợp mà ông cho rằng phạm một trong ba điều đó sẽ phạm vào tội bất hiếu gọi
là “Bất hiếu hữu tam”, gồm: “không con trai nỗi dõi tông đường; không can ngăn
cha mẹ khi cần; không làm quan lấy lộc phụng dưỡng cha mẹ.” Ngoài ra trong Minh
tâm bửu giám, thiên Hiếu hạnh cũng chép lời ông có thêm năm tội bất hiếu nữa,
đó là:
-Tay chân lười biếng,
không đoái hoài đến việc nuôi dưỡng cha mẹ,
-Thích cờ bạc rượu chè,
không đoái hoài đến việc nuôi dưỡng cha mẹ,
-Ham tiền tài của cải vợ
con, không đoái hoài đến việc nuôi dưỡng cha mẹ,
-Theo ham muốn của tai mắt
làm cho cha mẹ mang nhục,
-Thích hung hăng tranh
hơn thua làm liên lụy đến cha mẹ.
Nhìn chung, những gì Đức
Phật, Khổng Tử hay Mạnh Tử dạy về đạo hiếu là những ứng dụng thực hành tốt giúp
cho những bậc cha mẹ không bị bỏ quên, không phải tủi hổ vì những người con bất
xứng, bất hiếu. Nhưng cũng có những điều mà quan niệm và nếp thời đại không còn
phù hợp. Thí dụ, Khổng Tử coi việc “thờ vua” là hiếu, hoặc theo Mạnh Tử, một
người sẽ mang tội bất hiếu nếu không có con trai nối dõi tông đường. Khoa học
đã chứng minh việc sinh con trai hay con gái không hoàn toàn tùy thuộc vào ý muốn
của một người. Tư tưởng này ngày nay còn có thể bị cho là kỳ thị nam nữ, trọng
nam khinh nữ. Cũng vậy, nếu cho rằng không làm quan để có bổng lộc phụng dưỡng cha
mẹ là tội bất hiếu, thì chẳng khác gì khuyến khích các nhà chức trách tham
nhũng và hối lộ. Nếu như vậy, những kẻ biển thủ công quĩ, tham nhũng, bán biển,
bán đất hiện nay chắc chắn họ là những người con chí hiếu, vì ai trong họ cũng
giầu có, cũng tiền rừng, bạc biển… Và còn những người dân lương thiện ngày ngày
chân lấm tay bùn, chạy ăn nuôi cha mẹ bữa no, bữa đói thì sao? Ta gọi họ là
gì?!!!
DUNG
HÒA CHỮ HIẾU VÀ CHỮ TÌNH
Là người làm cha mẹ không
nên đánh cắp hoặc ăn cướp hạnh phúc con mình vì chỉ nguyên nghĩ rằng mình đã
sinh ra chúng. Trong thực tế cũng không thiếu loại cha mẹ này. Nhưng khi một
người thanh niên hay thiếu nữ bước vào tình yêu và thành lập một gia đình mới,
họ phải có trách nhiệm với đời sống mới và gia đình mới của họ. Sách Thánh gọi
đây là một ơn gọi, một giao ước vĩnh viễn: “Và vì vậy người nam lìa bỏ cha mẹ
mình và quyến luyến với vợ mình, và cả hai trở nên một.” (Sáng Thế Ký 2:25)
Cha mẹ sinh con, nuôi dạy
con là bổn phận, là trách nhiệm thuộc về đời sống hôn nhân, là vinh dự được san
sẻ quyền sáng tạo của Thượng Đế, là sự san sẻ tình yêu của nhau và cho nhau qua
con cái trong viễn ảnh nhìn về tương lai của nhân loại. Vì con cái là ân huệ
Thượng Đế ban cho cha mẹ, và là kết quả của tình yêu cha mẹ dành cho nhau. Tình
yêu thương cha mẹ dành cho con cái, và lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ
là luật tự nhiên Thượng Đế đã ghi khắc trong lòng của mỗi người.
Hiếu thảo đúng nghĩa không
hề đặt những gánh nặng cồng kềnh, những đòi hỏi nhằm thỏa mãn những yêu sách của
cha mẹ như một món nợ cần phải trả đối với con cái. Khi viết lên ba điều được
coi là bất hiếu, Mạnh Tử cho việc “không can ngăn cha mẹ khi cần” hoặc như Đức
Phật dạy là “Hướng cho cha mẹ đến cái thiện và hướng về Tam bảo” được xem như
phù hợp với việc bảo đảm rằng cha mẹ không dùng tình cảm hoặc lạm dụng hiếu
nghĩa như gánh nặng đặt trên vai con cái. Kitô Giáo tuy coi hiếu thảo như một lề
luật, nhưng cũng đã đề phòng việc có thể cha mẹ lợi dụng lề luật này nên Thánh
Kinh đã ghi: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là
điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa:
để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6:1-3). Vâng phục
cha mẹ dựa trên ý định và luật lệ của Thiên Chúa và phát xuất từ tình yêu mà
Ngài đã đặt sẵn trong trái tim mỗi người con cũng như của cả cha mẹ nữa. Hiếu
thảo đúng nghĩa là con cái phải có bổn phận yêu thương, lo lắng cho cha mẹ với
tình con thảo, và trong phạm vi, khả năng tinh thần cũng như vật chất mà mình
có thể.
Trong thực tế không biết
đã có bao nhiêu cha mẹ đã đánh cắp hoặc ăn cướp hạnh phúc con mình vì chỉ
nguyên nghĩ rằng mình đã sinh ra chúng. Và cũng không biết bao người đã đánh mất
hạnh phúc hôn nhân, gia đình mình vì đã không hiểu một cách đúng nghĩa hai chữ
hiếu thảo?!
Tác giả: Tiến Sĩ Trần Mỹ Duyệt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét