Nhớ dai và nói dài
Chuyện Phiếm của Gã Siêu
Ảnh
Internet
Hôm nay, gã xin đề cập tới
cái tật nhớ dai và nói dài của phe ta. Hai chữ nhớ dai chỉ có nghĩa là nhớ lâu,
nhớ bền, nhớ kỹ mà thôi. Xin đừng hiểu cong queo mà có tội đấy!!! Hai chữ này
làm cho gã nghĩ tới máy vi tính. Trên một tờ báo, người ta đã đưa ra câu hỏi: Tại
sao máy vi tính lại thuộc về giống cái? Và người ta đã ghi nhận được nhiều điểm
của máy vi tính rất gần và rất giống với đờn bà con gái:
1- Ngay cả những người tạo
ra nó cũng chẳng hiểu được nó.
2- Một lỗi, dù là nhỏ nhất
của bạn, cũng sẽ được ghi nhớ tức thời.
3- Người khác không thể
nào hiểu được loại ngôn ngữ mà máy vi tính dùng để trao đổi thông tin với nhau.
4- Khi trang bị máy vi
tính, tức là bạn đang trút phân nửa hào bao
cho các thứ phụ tùng lỉnh
kỉnh.
5- Bạn luôn muốn thử máy
của người khác.
6- Máy vi tính lỗi thời rất
nhanh.
7- Tuy nhiên, các máy vi
tính có một lợi thế lớn hơn nhiều so với đờn bà con gái, bởi vì chúng có nút “tắt
và mở”.
Riêng phần gã, gã xin
thêm một đặc tính khác nữa, đó là chẳng biết được lúc nào và tại sao nó lại trục
trặc, cũng giống như anh chàng chẳng thể nào biết được lúc nào và tại sao chị
nàng lại nổi giận đùng đùng, lại “bo xì” v nghỉ chơi với mình.
Nếu gã nhớ không lầm thì
có một vài ông triết gia nào đó đã đưa ra những câu định nghĩa hết sức “vô lý”,
chẳng hạn: Trí nhớ là một khả năng để quên. Còn ai nghĩ đến quên thì ắt sẽ nhớ.
Trong phạm vi lý luận, người ta lại khoái cái món “vô lý” như thế thì phải. Vì
thế, các bậc thầy trong thiên hạ thường nghiệm ra rằng: Điều gì càng tối, thì lại
càng sâu. Chứ còn đơn giản, ai cũng biết thì còn hay ho gì nữa. Cho nên cần phải
phát ngôn làm sao để thiên hạ không thể hiểu nổi, phải nể phục mình sát đất và
thế là nghiễm nhiên mình nhảy tót lên hàng sư phụ.
Riêng trong phạm vi đời
thường, người ta thấy đờn ông con giai vốn có đầu óc tổng hợp, cái gì cũng đại
khái chủ nghĩa, “qualoarement”, nên rất ư là hay quên. Gã có một thằng bạn, thỉnh
thoảng hai đứa lại rủ nhau lên thành phố. Tối hôm trước, thằng bạn tự tay gấp
quần áo bỏ vào giỏ, thế mà lần nào cũng vậy, không quên cái này thì cũng sót
cái kia. Có lần khi chui vào phòng tắm nhà người ta, hắn mới phát giác ra rằng
mình quên không mang theo quần đùi, nên vội khều gã lại và nói nhỏ với gã: Cậu
chịu khó ra phố mua cho tớ hai chiếc quần xà loỏng. Mau lên nhé. Còn việc hắn mặc
quần tây mà quên không kéo “phẹc-mơ-tuya”, thì đó chỉ là chuyện nhỏ, vốn xảy ra
thường ngày.
Tuy nhiên, dưới một góc cạnh
nào đó, cái quên cũng có những lợi ích của nó. Bởi vì nếu phải nhớ hết mọi sự,
chẳng bao giờ được phép quên, ắt hẳn đầu óc sẽ không còn đủ chỗ chứa cho những
dữ kiện được nạp vào, bấy giờ nó sẽ nổ tung và điên lên mất, chỉ vì bị quá tải.
Chính vì thế, có người đã phát biểu như sau: Đôi khi quên những điều mình biết
cũng làm lợi ích. Biết quên là một hạnh phúc hơn là một nghệ thuật. Kinh nghiệm
bản thân cũng cho gã hay: Nhiều lúc gặp phải chuyện buồn, mình cũng muốn quên
phứt đi tất cả. Quên đời và quên người. Có quên đi thì mới được ngủ mới yên. Bằng
không thì cuộc sống cứ nặng trình trịch như đeo cối đá vào cổ vậy.
Trong khi đó, đờn bà con
gái thì ngược lại, vốn có đầu óc phân tích, sợi tóc chẻ làm bốn, luôn chú trọng
tới những chi tiết nhỏ mọn nhất, nên rất ư là nhớ dai. Chính vì thế, hồi ở tiểu
học, phe con gái thường dẫn đầu những môn học thuộc lòng, lên trung học phe kẹp
tóc thường giỏi về sinh ngữ và khi thò chân vào cuộc đời, các chị thường thích
hợp với nghề thư ký, dạy học, nội trợ là những nghề đòi phải có óc tỷ mỉ và nhớ
dai. Gã có một bà chị ở bên Mỹ, trước khi về Việt nam bốn tháng, bà chị ấy đã
truyền cho gã cả một “bộ luật chương trình”, ngày nào phải đi đâu, phải làm gì.
Rồi lại còn hỏi xem có cần phải thay đổi hay bổ túc gì không? Gã chỉ biết trả lời:
Cứ về đã, rồi hạ hồi phân giản, tới đâu hay tới đó.
So với máy vi tính thì đờn
bà con gái còn nhiêu khê và rắc rối hơn nhiều. Đối với máy vi tính, một văn bản
hay một hình ảnh đã được lưu vào bộ nhớ, lúc nào mình muốn bỏ đi thì chỉ cần bấm
chọn tận gốc rồi nhấn nút “delete”, thế là xong, an toàn chăm phần chăm. Chứ
còn đờn bà con gái ấy hở, một khi đã nhớ thì nhớ mãi nhớ hoài, nhớ vào tận tim
gan phèo phổi, chẳng thể nào bỏ được. Mình càng cố gắng xóa đi thì họ lại càng
nhớ dai hơn, thành thử tình huống trở nên rất ư là phức tạp. Sau đây gã xin ghi
lại tâm sự buồn của một ông chồng có bà vợ nhớ dai. Tâm sự buồn này đã được
đăng tải trên báo Phụ nữ Chủ nhật. Gã xin trích dẫn nguyên con như thế này:
“Cho dù các nhà khoa học
có phát minh ra loại máy tính hiện đại nào có bộ nhớ tốt đến đâu đi nữa, tôi
cam đoan rằng nó vẫn không bằng trí nhớ của vợ tội. Thuở mới yêu nhau, sự nhớ
dai của nàng làm tôi hạnh phúc và tuy đó không phải là yếu tố quyết định, nhưng
lại là một trong những lý do khiến tôi cưới nàng làm vợ. Lấy nhau rồi, tôi mới
nhận ra sự nhớ dai của nàng làm tôi khổ sở. Thuở yêu nhau, không có sinh nhật của
người nào trong gia đình tôi mà nàng không nhớ. Vào những ngày đó, bao giờ nàng
cũng dành cho gia đình tôi những bất ngờ thật dễ thương, không phải những món
quà, mà chính sự quan tâm sâu sắc, sự tinh tế chu đáo của nàng làm cho mọi người
trong nhà rất có cảm tình với nàng. Ba mẹ tôi giục tôi “cưới vợ thì cưới liền
tay” bởi ông bà sợ vuột mất cô dâu quí. Mấy đứa cháu thì tối ngày cứ quấn lấy
nàng khiến tôi có khi phải ganh tị với nàng. Còn thói quen của mọi người trong
nhà, thì nàng nhớ chính xác không sai vào đâu được: mẹ tôi kiêng món gì, ba tôi
thích đọc loại sách nào, còn đứa em gái tôi thích mặc đồ “size” bao nhiêu. Tóm
lại, nàng có thể nhớ tất tần tật những gì mà một thằng tôi sống trong gia đình
từ bé đến lớn cũng không biết, chứ đừng nói là nhớ. Cho đến khi cưới xong, gia
đình tôi vẫn an tâm hài lòng về sự chu đáo của cô con dâu mà theo mẹ tôi “còn
hơn cả những đứa con ruột tao đẻ ra nữa”. Chỉ có tôi mới biết tôi phải khổ sở bởi
tính nhớ dai của nàng như thế nào. Trước khi cưới, có lần nàng bảo tôi: Anh hãy
dọn dẹp lại phòng riêng của mình coi xem có gì cần “niêm phong” lại không thì
làm trước khi em về, đừng để sau này em phát hiện ra là “mệt” đó! Tôi hiểu nàng
“ám chỉ” cái gì và câu nói với mệnh đề “nếu…thì…” của nàng còn bao hàm cả sự
“đe dọa”, bởi trước kia tôi đã “thật thà thú thiệt” với nàng về những mối tình
thời sinh viên của mình mà quên mất một câu đúc kết vô cùng chí lý là: “thật
thà thường thua thiệt”. Nàng muốn tôi “dọn dẹp” những lá thư tình, những hình ảnh
hay những kỷ vật có liên quan đấy mà. Lúc đó, tôi nghĩ thật đơn giản: Có gì mà
phải dọn, miễn là mình chỉ còn yêu cô ấy và lấy cô ấy mà thôi là đủ rồi. Vả lại,
bấy giờ tôi cũng chẳng nhớ mình để những thứ đó ở đâu. Tôi quan niệm những gì
qua rồi thì thôi, tính tôi không thích những hoài niệm cũ với quá khứ. Vậy mà,
chỉ sau tuần trăng mật, nàng bắt đầu ra tay “thanh lý” cái mớ bòng bong trong
phòng tôi và không mấy khó khăn truy ra một đống “kẻ thù của những bà vợ hay
ghen”: thư từ, hình ảnh, vài chiếc khăn tay và cả những thứ tôi từng tặng cô
người yêu cũ nhưng bị trả lại kèm với những lời yêu đương vô cùng thắm thiết.
Thế là nàng yên lặng suốt mấy ngày sau đó. Bình thường sự ít nói của nàng đáng
yêu vô cùng, nhưng lúc đó tôi chỉ thấy rờn rợn một sự lạnh lùng bao phủ hai vợ
chồng. May mà tôi vừa tận hưởng những gì ngọt ngào nhất của tuần trăng mật, chứ
nếu không, có lẽ nàng trừng phạt tôi bằng “mật đắng” mất. Nàng đọc tất cả không
sót một chi tiết nào và sau này cứ mỗi lần có dịp là nàng lại lôi ra, không để
“dằn vặt” thì cũng để “dằn mặt” tôi vì đã để cho nàng xem những thứ cấm kỵ đó.
Và chính cái trí nhớ chết tiệt của nàng đã hỗ trợ cho nàng trong việc công kích
tôi. Đi ngoài đường, nếu tôi có lỡ dại ngoái nhìn một người nào đó trông quen
quen thì nàng nhỏ nhẹ: Giống chị ấy quá hở anh? Khi tôi khen nàng cao và trắng,
thì nàng hờn dỗi: May mà em giống chị ấy ở chỗ cao và trắng, nên anh mới lấy,
chứ nếu không dễ gì. Rõ ràng những tấm ảnh nàng bắt gặp được đã in tạc vào bộ
nhớ của nàng mất rồi. Những lúc đó tôi chỉ còn biết chịu trận. Người ta nói:
Cái gì chẳng phải trả giá. Tôi biết mình đang phải “trả giá” cho sự “sơ sót” của
mình, nhưng tôi không nghĩ hậu quả lại kéo dài và dai dẳng đến vậy. Sau nhiều lần
nhún nhường, tôi nổi cáu thực sự. Thế nhưng, khi thấy nàng thút thít: Tại sao
biết em nhớ dai như vậy mà anh còn cố tình để em thấy những thứ đó làm chi? Tôi
mới nhận ra lỗi là ở tôi cũng như ở cái trí nhớ dai dẳng của nàng, chứ nào phải
nàng muốn làm khổ tôi. Nếu có được một điều ước, tôi sẽ ước cho vợ tôi đừng có
trí nhớ tốt như vậy, tương đương bộ nhớ của Pentium IV. Sẵn đây cũng xin nhắn
nhủ cùng những người vợ có thói quen thích lôi quá khứ của chồng ra “nhắc nhở”:
Các ông chồng dù có thương vợ đến đâu cũng không thể chịu đựng nổi cái kiểu đào
xới quá khứ của chồng lên như thế, tìm hiểu quá khứ của chồng chỉ để thông cảm
và hiểu hơn về người chồng của mình thì tốt, bởi ai mà chẳng có quá khứ, nhưng
đừng đay nghiến, xỏ xiên hay chỉ trích, bởi đó cũng là một phần cuộc sống của mỗi
người, hơn ai hết lại là của người mình đầu ấp tay gối, kề cận mỗi ngày. Trân
trọng quá khứ của chồng hóa ra cũng chỉ là một cách yêu thương và tôn trọng chồng
vậy!
Chắc hẳn trong khối óc của
đờn bà con gái, trung khu thần kinh về nhớ chắc hẳn nằm cận kề với trung khu thần
kinh về nói. Vì thế, một khi đã nhớ dai thì chắc chắn họ cũng sẽ nói dài. Lòng
đầy thì ắt hẳn phải tràn ra ngoài mà thôi. Như chúng ta đã biết: Người là một
con vật có ngôn ngữ, có tiếng nói. Ngôn ngữ và tiếng nói chính là một quà tặng
quí giá Thượng đế ban tặng cho con người, để truyền thông những tư tưởng, những
ý nghĩ, nhờ đó hiểu nhau hơn và xích lại gần nhau hơn. Thế nhưng, ngôn ngữ và tiếng nói lại là điều
chúng ta thường sai lỗi hơn cả, bởi vì với ngôn ngữ và tiếng nói, chúng ta có
thể sai lỗi ở mọi nơi, trong mọi lúc và với mọi người. Gã không rõ có ai đó đã
phát biểu một câu được liệt vào hạng “ranh ngôn” như thế này: Nơi nào có hai
hay ba chị đờn bà tụ tập lại, thì nơi đó bỗng trở thành một cái chợ. Lúc bấy giờ
chị nào cũng nghiêm nhiên là một phóng viên vỉa hè. Họ thu lượm và thông truyền
cho nhau đủ mọi thứ tin tức từ trong nhà cho ra đến ngoài phố, từ chuyện riêng
tư cho đến chuyện công cộng, chị đờn bà nào cũng cảm thấy ngứa cái miệng, nên rất
khỏe nói: nói dẻo, nói dai, nói dài. Gã không đồng ý với mấy câu ca dao vốn ca
tụng cánh đờn ông con giai: Đờn ông nông nổi giếng khơi, đờn bà sâu sắc như cơi
đựng trầu.
Thực vậy, trong cuộc sống
không thiếu gì những anh đờn ông khù khờ và dại dột, đồng thời cũng không thiếu
những chị đờn bà khôn ngoan và giỏi giang, chẳng vậy mà có chị đờn bà đã làm tới
chức nữ hoàng, thủ tướng, bộ trưởng. Thế nhưng, không phải cứ nói dẻo nói dài
mà sự thực và phần thắng sẽ thuộc về mình, bởi vì: Khôn ngoan chẳng lọ nói nhiều,
người khôn mới nói nửa điều đã khôn.
Tuy nhiên, nói dẻo nói
dài nói dai mà thôi chưa kinh khủng cho bằng việc nói day và nói dứt. Thực vậy,
một anh chồng, ở sở thì bị cấp trên chèn ép, cấp ngang ganh tị, cấp dưới bướng
bỉnh. Về nhà chỉ thầm ước một điều là sẽ tìm thấy khuôn một mặt dịu hiền, một nụ
cười tươi thắm, một lời nói ngọt ngào của chị vợ để quên đi những buồn đau và cực
nhọc: Bảy thương nết ở khôn ngoan, tám thương ăn nói lại càng thêm xinh.
Thế nhưng, có chị vợ lại
thường xuyên càu nhàu và cạu cọ. Cứ thấy anh chồng vác mặt về là liền nhào vô
đay nghiến và day dứt: Sao anh thua người ta thế này, sao anh thua người ta thế
nọ. Người ta kiếm tiền như nước đem về cho vợ cho con, còn anh sao vô tài bất
tướng quá vậy. Khốn thân tôi, khổ thân tôi. Ngay cả những lúc thân mật, chị vợ ấy
cũng sẵn sàng rót vào tai anh chồng những lời nói chua như giấm và cay hơn cả ớt.
Nhất là những khi xảy ra chuyện xích mích, thì nói dẻo nói dài nói dai mà thôi
chưa đủ, chị vợ ấy còn nói xiên nói xẹo, nói bóng nói gió, nói gian nói dối,
nói méo nói móc, xóc vào đến tận tâm can tì phế anh chồng.
Hai chủ đề thường được chị
vợ đem ra mà day dứt đối với anh chồng, đó là chuyện “cơm áo gạo tiền” và chuyện
“tình cảm lem nhem”, cho dù chưa được phối kiểm hay chỉ là những tin đồn thất
thiệt. Đến nước đó, anh chồng chỉ còn hai cách giải quyết: Một là yên lặng bỏ
đi, hai là thượng cẳng chân hạ cẳng tay, cho cô ấy một trận để câm miệng lại. Cả
hai cách giải quyết đều bất ổn và bất lợi cho bản thân cũng như cho gia đình.
Gã cũng xin ghi lại nơi đây nỗi buồn của một anh chồng có chị vợ vốn nói dẻo và
nói dài, nói day và nói dứt: “Khi yêu nhau thì hầu như các cô rất dịu dàng, e lệ
và ít nói. Nhưng khi đã yên bề gia thất, thì cái sự nói dài tỷ lệ thuận với năm
tháng và tuổi tác. Những lời dễ thương âu yếm thì còn êm tai, chứ đi làm về mệt
mà nghe những chuyện ngày xưa dai nhách thì thật khổ. Đôi khi giận cá chém thớt,
cằn nhằn con rồi la rầy luôn cả chồng, coi chồng như con. Các ông kiếm cớ kéo
dài thời gian ở ngoài đường để khỏi bị “nhai lỗ tai”, rồi những chuyện gì xảy
ra thì chỏ có trời mới biết! Có ông tâm sự rằng: Ước gì có thể ghi âm “bài ca
không bao giờ quên” của vợ để được quyền bấm nút stop bất kỳ lúc nào muốn, chứ
thực tế ngoài đời thì đành chịu thua.
Cuộc sống ngày càng cuốn
hút con người vào tốc độ của nó. Những giây phút hiếm hoi ở nhà, ở bên nhau nên
là những giây phút êm đềm. Hãy nói những lời yêu thương mật ngọt. Nếu mệt quá
thì chí ít là nên im lặng để có thể thư giãn nghỉ ngơi. Chuyện gì thủng thẳng
lúc hai vợ chồng bình tĩnh cùng trao đổi. Đừng làm khổ nhau vì những chuyện
không đáng, nhằm giữ cho mái ấm luôn là “một cõi đi về”.
Sau cùng là nói gian và
nói dối. Nói dối chồng con trong việc chi tiêu, nói dối bè bạn trong việc giao tế,
buôn bán và nhất là nói gian cho người khác. Cũng lại một câu “ranh ngôn” khác
phát biểu: Nơi nào có hai hay ba chị đờn bà tụ lại với nhau, chắc chắn nơi đó
có nói hành nói xấu, bằng không thì cứ chặt đầu tôi đi. Nói đúng sự thật những
sai lỗi của người khác còn có thể thông cảm, chứ phóng đại tô màu, bóp méo sự
thật, để vui cười hay để hạ nhụ nhau, thì đó là điều bất ổn làm mất đi danh dự
của người khác, khó mà đền trả cho được, bởi vì: Nhất ngôn xuất khẩu, tứ mã nan
truy. Một lời nói ra khỏi miệng, thì bốn ngựa đuổi theo cũng không kịp. Bởi đó,
người xưa đã khuyên: Hãy ngoáy lưỡi bảy lần trước khi nói. Lời nói chẳng mất tiền
mua, liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau. Để kết luận, gã xin ghi lại lời một người
mẹ khuyên cô con gái rượu của mình sắp sửa đi làm dâu thiên hạ như sau: Con ơi
mẹ bảo con này, học buôn học bán cho tày người ta. Con đừng học thói chua ngoa,
họ hàng ghét bỏ, người ta chê cười.
Gã Siêu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét