CHUYỆN LẠ – QUEN
( Chúa nhật XIV TN, năm B)
(Trầm Thiên Thu)
Người ta nói: “Quen sợ dạ,
lạ sợ áo”. Dạ là bề trong, áo là bề ngoài. Quen nhau càng lâu thì người ta càng
biết tính nhau, ai thẳng ai cong cũng thể hiện phần nào (chứ chẳng bao giờ hiểu
hết nhau). Sợ hay không là ở “điểm” đó. Còn với người lạ (hoặc chưa quen), người
ta thường nhìn vào bề ngoài mà “đánh giá” – dù biết rằng “chiếc áo không làm
nên thầy tu” hoặc “tốt danh hơn lành áo”. Nhưng con người là thế, ít nhiều cũng
bị chi phối bởi ngoại tại. Do đó mà người ta sẵn sàng mua danh, mua tước, thích
vênh vang khoe mẽ, ỷ lại. Thậm chí có kẻ còn ngông tới mức “chưa đỗ ông nghè đã
đe hàng tổng”.
Trong cuộc sống, khi đề cập
vấn đề “không hay”, người ta thường nói: “Đèn nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã hay”.
Và chúng ta cũng nghe nói: “Giòi từ trong xương giòi ra”. Nghĩa là người ngoài
có biết “chuyện kín” của gia đình thì cũng do chính các thành viên trong gia
đình đó “xì” ra. Chứ đèn trong nhà chưa tỏ làm sao ngoài ngõ đã hay? Không nói
ra thì chẳng ai bảo mình câm, nhưng nói ra rồi thì rõ mười mươi, mà những kẻ
“nói như sáo” thường là những “chiếc thùng rỗng” to lớn – ngày nay gọi là “ngu
chảnh”. Kinh Thánh xác định: “Sống hay chết đều do cái lưỡi, ai yêu chuộng nó,
sẽ lãnh nhận hậu quả” (Cn 18:21).
Sự khôn – dại khác xa
nhau: “Dạ người khôn ở nơi tang tóc, lòng kẻ dại ở chốn vui chơi” (Gv 7:4). Cụ
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) nói: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, người
khôn người đến chốn lao xao” (thi phẩm Cảnh Nhàn). Và còn hơn thế nữa, tác giả
sách Giảng Viên cho biết: “Trong cuộc đời phù du của tôi, tôi đã thấy hết cả:
có người công chính bị tiêu vong dầu đã sống công chính, có kẻ gian ác lại được
sống lâu dầu đã làm điều ác” (Gv 7:15). Nhiêu khê quá! Chuyện đời thường có những
chuyện rất bình thường nhưng cũng… rất khác thường, có loại nghịch-lý-thuận và
thuận-lý-nghịch mà trí tuệ phàm nhân thô thiển không thể hiểu hết!
Ngày xưa, một thần khí đã
nhập vào ngôn sứ Êdêkien đúng như lời Chúa phán với ông và làm cho chân ông đứng
vững, y như lời Chúa đã báo trước: “Hỡi con người, hãy đứng cho vững, Ta sắp
nói với ngươi đây” (Ed 2:1). Ngài gọi ông là “con người”. Và Ngài chỉ nói thôi
mà con người phải chuẩn bị tinh thần trước kẻo run sợ. Thiên Chúa phán với ông:
“Hỡi con người, chính Ta sai ngươi đến với con cái Ít-ra-en, đến với dân phản
nghịch đang nổi loạn chống lại Ta; chúng cũng như cha ông đã nổi lên chống lại
Ta mãi cho đến ngày nay” (Ed 2:3).
Chính “dân phản nghịch”
đó cũng là chúng ta ngày nay. Thiên Chúa gọi chúng ta là “những đứa con mặt dày
mày dạn, lòng chai dạ đá”, và chính Thiên Chúa sai Tiên tri Êdêkien đến thông
báo cho dân chúng biết những lời “Đức Chúa là Chúa Thượng phán dạy”. Thiên Chúa
nói: “Chúng vốn là nòi phản loạn, chúng có thể nghe hoặc không nghe, nhưng
chúng phải biết rằng có một ngôn sứ đang ở giữa chúng” (Ed 2:5). Ngài hoàn toàn
cho chúng ta tự do, nghe hay không là tùy ý, nhưng vẫn phải nhận biết những “dấu
chỉ” mà Ngài cho phép xuất hiện, đôi khi các “dấu chỉ” đó rất bình thường nên
chúng ta dễ coi thường và bỏ qua. Thiên Chúa không muốn cầu kỳ, Ngài muốn giản
dị để chúng ta dễ hiểu.
Thế nhưng chúng ta lại chỉ
là loài phàm phu tục tử, đôi khi có mắt mà như không tròng, mặc dù hằng ngày
chúng ta vẫn “ngước mắt hướng nhìn lên Chúa, Đấng đang ngự trên trời” (Tv
123:1), và “như mắt của gia nhân hướng nhìn tay ông chủ, như mắt của nữ tỳ hướng
nhìn tay bà chủ, mắt chúng ta cũng hướng nhìn lên Chúa là Thiên Chúa chúng ta,
tới khi Ngài xót thương chút phận” (Tv 123:2). Rất tha thiết khi cầu xin cho
chính mình. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta lại ích kỷ ngay trong lúc cầu nguyện.
Thế mới chết. Đúng như Kinh Thánh đã xác định: “Vàng bạc trân châu: nhiều vô kể,
miệng lưỡi thông thái: thật hiếm hoi!” (Cn 20:15). Không hề đơn giản!
Không đơn giản có thể là
bình thường, mà cũng có thể là phức tạp. Thông thái không phải để làm chuyện
to, việc lớn, mà là để nhận biết Thiên Chúa: “Xin cho con được trí thông minh,
để vâng theo luật Ngài và hết lòng tuân giữ. Xin ban trí thông minh, để con được
am tường thánh ý” (Tv 119:34 và 125). Quả thật, không có Chúa thì chúng ta chẳng
làm được trò trống gì (x. Ga 15:5). Mà ai trong chúng ta có làm được gì “khác”
hoặc (có vẻ) “hơn” người một chút thì cũng chẳng được người khác công nhận, thậm
chí còn bị ghen ghét và bị miệt thị. Tệ hại thay là người đó còn bị chính thân
nhân và bạn bè xa lánh. Cuộc sống đời thường cho chúng ta thấy có những người
khi “ra ngoài” thì được nhiều người khâm phục và ca tụng, nhưng khi về quê nhà
thì bị dân làng và người thân nhìn bằng nửa con mắt. Thế cũng may lắm rồi, chứ
người đó còn bị chê trách và xa lánh nữa kìa!
Là con người bình thường
với đầy đủ thất tình (bảy cảm xúc của con người: Hỉ, Nộ, Ai, Lạc, Ái, Ố, Dục),
tất nhiên họ cũng không thoát khỏi những lúc cô đơn và u buồn não lòng, thậm
chí họ cũng chẳng dám làm gì thêm. Thế nên họ chỉ còn biết đêm ngày than thở với
Chúa: “Dủ lòng thương, lạy Chúa, xin dủ lòng thương, bởi chúng con bị khinh miệt
ê chề; hồn thật quá ê chề vì hứng chịu lời nhạo báng của phường tự mãn, giọng
khinh người của bọn kiêu căng” (Tv 123:3-4). Cuộc đời vẫn có những nghịch lý
không thể giải thích, như tác giả sách Giảng Viên tâm sự: “Trong cuộc đời phù
du của tôi, tôi đã thấy hết cả: có người công chính bị tiêu vong dầu đã sống
công chính, có kẻ gian ác lại được sống lâu dầu đã làm điều ác” (Gv 7:15).
Phàm nhân yếu đuối – vì YẾU
mà hóa ĐUỐI. Vậy mà con người vẫn thường tỏ ra kiêu căng và tự mãn, trong khi
kiêu ngạo chính là “mối tội” hàng đầu trong bảy mối tội. Người ta dễ ảo tưởng
và kiêu ngạo hơn nếu có được chút tài năng nào đó bẩm sinh (thiên phú, thiên bẩm,
chứ chưa hẳn là thiên tài), mà quên rằng đó là nhờ ơn Chúa, vì họ cứ tưởng mình
hơn người, là “cái rốn” của vũ trụ, là niềm mơ ước của người khác. Vì thế, rất
cần liệu pháp để chữa kiêu ngạo, đó là đức khiêm nhường: “Khiêm nhường chớ kiêu
ngạo” (Kinh “Cải Tội Bảy Mối”).
Liên quan động thái kiêu
ngạo, Thánh Phaolô tâm sự: “Để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường
tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của
Satan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại” (2 Cr 12:7). Chính
thánh nhân tự thú: “Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này” (2 Cr
12:8). Nhưng Chúa vẫn “làm ngơ”, và còn quả quyết với thánh nhân: “Ơn của Thầy
đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2
Cr 12:9a).
Thật kỳ lạ: Mạnh mà hóa yếu;
yếu mà lại mạnh. Thiên Chúa luôn có những kiểu “ngược đời” hoàn toàn khác phàm
nhân chúng ta. Khả dĩ cảm nhận sâu sắc điều đó, Thánh Phaolô chia sẻ: “Tôi rất
VUI MỪNG và TỰ HÀO vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi
trong tôi” (2 Cr 12:9b). Và ông còn hãnh diện cho biết thêm: “Tôi cảm thấy VUI
SƯỚNG khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức
Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12:7-10). Cuộc sống có nhiều
thứ tưởng chừng là nghịch lý mà lại thuận lý, “khôn – dại” là một trong các dạng
đó: “Dạ người khôn ở nơi tang tóc, lòng kẻ dại ở chốn vui chơi” (Gv 7:4)
Kinh Thánh cho biết rằng
có một dịp Chúa Giêsu cùng các môn đệ về thăm Nadarét (Mc 6:1-6; Mt 13: 53-58;
Lc 4:16-30). Đó là “nơi chôn nhau cắt rốn”, quê quán của Ngài. Đến ngày sa-bát,
Ngài bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên về
những lời nói khôn ngoan của Ngài, cho nên họ bàn tán: “Bởi đâu ông ta được như
thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những
phép lạ như thế, nghĩa là gì?” (Mc 6:2). Họ hỏi nhau vậy vì họ không muốn tin
vào những gì họ chứng kiến tỏ tường, vả lại họ biết tỏng Chàng Giêsu kia là ai.
Còn ai trồng khoai đất này nữa? Đúng vậy, Chàng Giêsu chỉ là con trai Bác thợ mộc
Giuse và Cô Maria, gia đình nghèo rớt mồng tơi, ai mà không biết, cũng là anh
em họ của mấy anh chàng tên Giacôbê, Giôxết, Giuđa và Simôn, cũng là anh chị em
với bà con lối xóm chứ chẳng ai xa lạ. Quen mà!
Ôi chao, thế thì làm sao
mà tin được, làm sao mà coi trọng được, làm sao mà tâm phục khẩu phục khi Chàng
Giêsu đã từng sống ở cái làng Nadarét nhỏ bé, từng làm mộc với Bác Giuse, và từng
chơi đùa với họ chứ? Vì thế, họ dè bỉu Ngài, khinh miệt Ngài, đến nỗi Ngài đã
không thể làm được phép lạ nào tại đó (Mc 6:5). Quen quá hóa lờn, phàm nhân tồi
tệ vì định kiến là thế. Do đó có những người đã “vấp ngã vì Ngài” (Mc 6:3).
Ngài “đi guốc” trong bụng
họ và biết tỏng họ đang nghĩ gì nên Ngài nói thẳng với họ: “Ngôn sứ có bị rẻ
rúng thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và
trong gia đình mình mà thôi” (Mc 6:4). Cách nói nhẹ nhàng mà thâm thúy quá,
xoáy vào tận đáy lòng sâu thẳm của mọi người. Chuyện đời thường như thế và vẫn
hằng ngày xảy ra khắp nơi, từ thôn quê tới thành thị, từ người nhỏ tới người lớn,
từ thường nhân tới người có chức tước, từ người ít chữ tới người nhiều chữ, từ
người đời tới người có niềm tin tôn giáo,… Người ta vẫn thường nhìn nhau bằng
những “ánh mắt mang hình viên đạn”, dành cho nhau những lời nói “sắc như dao
cau”, với những ánh mắt “giết người không cần dao”,… Một phần cũng là kiểu “con
gà tức nhau tiếng gáy”, đồng thời cũng chỉ vì định kiến, nếp nghĩ thiển cận và
cổ hũ.
Cuối cùng, Thánh Mác-cô
xác định: “Ngài đã không thể làm được phép lạ nào tại đó, chỉ đặt tay trên một
vài bệnh nhân và chữa lành họ” (Mc 6:5). Về quê mà chẳng vui gì! Chúa Giêsu còn
“bó tay” trước động thái của những người đồng hương huống chi chúng ta, những
người không đáng xách dép cho Ngài. Thiên Chúa vẫn luôn tôn trọng tự do của con
người, dù họ nghĩ xấu về Ngài.
Vấn dĩ xưa nay vẫn thế,
thời nào cũng vậy, nhưng có lẽ ngày nay người ta coi trọng bề ngoài và “ưa xét”
về vật chất hơn. Người nghèo nói chẳng ai nghe, có nói đúng cũng hóa sai; người
giàu nói gì cũng được lắng nghe, có nói sai cũng hóa đúng. Kinh Thánh nói sự thật
phũ phàng: “Trí khôn ngoan hơn cả sức mạnh, nhưng cái khôn của người nghèo lại
bị khinh dể, lời người ấy nói chẳng ai chịu lắng nghe” (Gv 9:16). Tục ngữ Việt
Nam ví von: “Cả vú lấp miệng em”. Người giàu có thể biến đen thành trắng, có tội
thành vô tội, thậm chí có thể mua chuộc cả công lý. Có thể nghèo không là tội
nhưng lại là “cái vạ” – và cũng là “cái họa”. Tục ngữ Việt Nam so sánh: “Văn
hay chữ tốt không bằng ngu dốt lắm tiền”. Một sự thật quá phũ phàng vẫn xảy ra
trong xã hội loài người!
Chắc chắn có một sự thật
minh nhiên: Chúa Giêsu nói đúng và làm hay, nhưng chỉ vì “cái nghèo” nên Ngài
không được người ta nghe lời, thậm chí còn bị ném đá, rồi bị kết án tử và chịu
chết nhục nhã trên thập giá. Chính Ngài cũng ngạc nhiên khi thấy “họ không tin”
(Mc 6:6). Chúng ta là môn sinh, là tôi tớ, là bụi tro, là tội nhân,… tất nhiên
cũng không thoát khỏi sự khinh ghét của người khác. Âu cũng là lẽ thường của thế
thái nhân tình!
Lạy Thiên Chúa, chúng con
chẳng khác loại “bom nổ chậm” có thể gây nguy hiểm bất cứ lúc nào, xin giúp
chúng con biết chân nhận tài năng và công sức của người khác, đừng bao giờ ghen
tỵ hoặc mưu hại người khác.
Lạy Đấng chí thánh, xin giúp chúng con luôn biết sống
khiêm nhường và yêu thương, tất cả chỉ để tôn vinh Ngài mà thôi, đồng thời giúp
chúng con đừng bao giờ tỏ ra kiêu căng tự mãn – dù chỉ là một thoáng trong ý
nghĩ. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ của nhân loại.
Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét