Thứ Tư, 11 tháng 7, 2018

Đừng xem nhẹ, ô nhiễm tiếng ồn gây hại đáng kể đến sức khỏe con người


Đừng  xem  nhẹ,  ô  nhiễm  tiếng  ồn  gây  hại  đáng  kể  đến  sức  khỏe  con  người
Thanh Sơn •Thứ Sáu, 29/06/2018



(ảnh: Shutterstock)

Hiện nay, chúng ta hầu như không thể tìm được sự yên tĩnh hoàn toàn. Ngay cả khi bạn sống ở vùng nông thôn hẻo lánh, cách xa tiếng ồn từ các tuyến đường bay, giao thông và công trình xây dựng, ngôi nhà của bạn vẫn có thể lấp đầy bởi tiếng động từ máy tính và các thiết bị điện tử khác.

Những âm thanh đó không chỉ gây khó chịu. Ngày càng có bằng chứng cho thấy tiếng ồn lâu dài phát ra trên 1 tần số nhất định có thể gây ảnh hưởng tiêu cực và lâu dài đến sức khỏe con người, về thể chất lẫn tinh thần.

Tiếng ồn được phân thành bao nhiêu cấp độ?
Âm thanh được đo bằng đơn vị decibels (dB). Âm lượng khoảng 76 dB là bắt đầu chạm ngưỡng tiếng ồn gây khó chịu. Ngưỡng nghe trong giới hạn chịu đựng của con người là khoảng 110 dB.

- Tiếng ồn phát ra từ xa lộ cao tốc vào giờ cao điểm cách xa khoảng 15m là 76 dB.
- 1 chiếc xe chạy trên đường với tốc độ 105km/h, phát ra tiếng động cách đó khoảng 8m là 77 dB.
- 1 chiếc xe tải chạy bằng dầu diesel có tốc độ 65 km/h. Âm thanh phát ra cách đó 15m là 88 dB.
- Máy bay cách mặt đất hơn 300m phát ra âm thanh 88 dB.
- Động cơ của máy cắt cỏ phát ra tiếng động 96 dB.
- Máy bay boeing 737 hay DC-9 ở độ cao 1.853m hạ cánh xuống phát ra âm thanh 97 dB.
- Âm thanh từ buổi trình diễn nhạc rock dao động từ 108 đến 114 dB.

Tác hại của tiếng ồn
Đầu tiên, âm thanh quá lớn làm giảm thính lực và làm hỏng các tế bào tiếp thụ âm thanh (auditory sensory cells) trong ốc tai (cochlea). Các tế bào này không thể tái tạo nên người nghe rất khó phục hồi thính giác.

Nghiên cứu gần đây cho thấy tiếng xe giao thông đường bộ và tiếng ồn máy bay làm tăng nguy cơ bị cao huyết áp, đặc biệt vào ban đêm. Một cuộc khảo sát tại phi trường Heathrow, Luân Đôn cho thấy tiếng ồn máy bay có liên quan đến các vấn đề sức khỏe như trầm cảm, đột quỵ, và bệnh tim mạch vành (coronary heart disease). Ngoài ra, tiếng ồn còn khiến người nghe cảm thấy khó chịu, phiền toái, rối loạn và bị xâm phạm sự riêng tư, gây cản trở công việc.

Cơ thể con người vẫn có thể phản ứng với âm thanh trong khi ngủ. Tiếng ồn đột ngột làm người ta giật mình, mất ngủ. Người nghe thường bị trằn trọc vì cảm giác hồi hộp, lo rằng nó vẫn chưa chấm dứt. Hơn nữa, nó còn ảnh hưởng đến hơi thở, nhịp tim và phản ứng của cơ thể. Về lâu dài có thể dẫn đến tình trạng rối loạn giấc ngủ. Người già hoặc trẻ em dễ bị tác động bởi tiếng ồn hơn. Tuy nhiên, nhân viên làm việc theo ca hoặc người có sức khỏe kém cũng không ngoại lệ.

Những trạng thái này sẽ góp phần làm tăng mức độ căng thẳng, lo lắng, mất tập trung và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe tinh thần. Cụ thể, cơ thể sẽ có các phản ứng sinh lý, như tăng tốc độ nhịp tim dẫn đến bệnh cao huyết áp. Điều này dẫn đến các nguy cơ liên quan đếm tim mạch như tăng nồng độ glucose trong máu, mỡ máu, béo phì, xơ vữa động mạch (thu hẹp động mạch do chất béo lắng đọng) và cuối cùng là các biến cố nghiêm trọng như đau tim và đột quỵ.

Ngoài ra, không chỉ tiếng ồn với âm lượng lớn là gây hại. Nhiều báo cáo gần đây cho thấy âm thanh dao động với tần số cao (ultrasound) tuy vượt quá ngưỡng nghe của tai người nhưng vẫn có tác động đến cơ thể. Nhiều địa phương nằm trong vùng phát ra âm thanh này. Mặc dù phạm vi ảnh hưởng của nó rất rộng nhưng người dân vẫn không thể truy ra được nguồn phát ra âm thanh. Ở mức độ thấp, nó khiến người nghe cảm thấy bồn chồn và khó chịu. Nặng hơn, người nghe sẽ có các triệu chứng choáng váng, nhức đầu và buồn nôn.

Một tác hại khác của tiếng ồn là nó ảnh hưởng đến việc học của trẻ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tiếng ồn từ giao thông đường bộ có tác động xấu đến khả năng đọc hiểu và trí nhớ dài hạn của trẻ em. Tiếng ồn đột ngột hoặc phát ra thường xuyên khiến các em đọc hiểu và ghi nhớ kém hơn. Ở Anh, trẻ em tiếp xúc với tiếng ồn máy bay bị trì hoãn khả năng đọc đến 2 tháng.

Có một điều chắc chắn là ô nhiễm tiếng ồn hiện đang ảnh hưởng đến rất nhiều người và là nguy cơ gây hại đến sức khỏe. Vì vậy, chúng ta cần có biện pháp làm giảm tiếng ồn bằng rào cản hoặc vật liệu cách âm. Hơn hết vẫn là ý thức của người dân, nên tránh tạo ra những tiếng ồn không cần thiết, làm ảnh hưởng đến người xung quanh.

Thanh Sơn tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét