Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2018

Aug 26, 2018 - Chúa nhật 21 thường niên năm B “Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.”

Aug 26, 2018 - Chúa nhật 21 thường niên năm B
Thầy  là  Đấng  Thánh  của  Thiên  Chúa.”

「Chúa nhật 21 thường niên năm B」の画像検索結果

            
Các Bạn thân mến,
Cuộc sống theo Đức Giesu đôi khi chúng ta thấy như mâu thuẫn, bởi với Lời Chúa thì chân lý của Ngài chỉ như những lý lẽ luân thường đạo lý của con người ở đời, nhưng thực tế sao lại khó chấp nhận, khó thực hành qúa đi!
Vì thế chúng ta sẽ gặp một vấn đề nổi cộm vào mọi thời đại là nhiều khi người ta khước từ Đấng Cứu Thế không phải vì trí tuệ không hiểu biết, mà do không đáp ứng nổi tiêu chuẩn đạo đức của Ngài.
Bởi cái khó thật sự của Kito giáo thể hiện trên hai phương diện:
-    Đòi hỏi một hành động đầu phục Đức Giesu, nhận Ngài là quyền uy tối cao.
-    Đòi hỏi tiêu chuẩn đạo đức cao nhất.
Lời Ngài:"Thần khi mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì."Nghĩa là điều quan trọng hơn hết là phần tinh thần ở trong mọi hành động. Gía trị bất cứ vật gì đều tùy thuộc vào mục đích của nó. Cũng như mối liên hệ đến xác thịt có gía trị hay không tùy thuộc vào tinh thần nó được thực hiện.
Rồi Ngài khẳng định:"Lời Thầy nói với anh em là thần khi và là sự sống"chỉ một mình Ngài cho chúng ta biết sự sống là gì, đặt trong chúng ta phần tinh thần hướng dẫn cuộc đời mình, và ban cho chúng ta năng lực để sống cuộc đời ấy.
Nhưng Đức Giesu biết rõ nhiều người không chỉ khước từ lời đề nghị của Ngài, mà còn chối bỏ với lòng đối kỵ, thù ghét nữa.
Nên Ngài nhắc lại:"Không ai đến với Thầy được nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho." Và con người cũng có thể chống lại Thánh Thần cho đến ngày cuối cùng. Như thế không phải Thiên Chúa loại họ ra, mà chính họ tự loại mình.
Đây là đọan Tin Mừng được Gioan hé mở màn cuối của tấm thảm kịch. Chính trong những hoàn cảnh như thế mới thấy rõ lòng người và hiểu được bộ mặt thật của nhau. Đức Giesu cũng đã thấy có nhiều thái độ khác nhau:
 1.  Bỏ cuộc:
 -    Sau khi Đức Giesu tuyên bố chỉ những ai ăn uống thịt máu Ngài là Bánh Hằng Sống từ trời xuống mới có sự sống thật; thì không những dân chúng, mà cả các môn đệ của Ngài cũng thấy những lời đó khó nghe, chướng tai, thắc mắc và sau cùng họ kêu trách, nghi ngờ và bỏ NgàiCó những người còn tham gia cả vào việc làm hại, thủ tiêu Đức Giêsu sau này.
-   Không ngạc nhiên cũng không thất vọng, Ðức Giêsu chẳng hề rút lại lời đã nói, cũng không cố gắng giảng giải rõ hơn cho người ta dễ chấp nhận.
-   Hôm nay chúng ta vẫn có thể thấy chúng chướng tai. Bởi mầu nhiệm Nhập thể, mầu nhiệm Tử nạn của Con Thiên Chúa, bí tích Thánh Thể, mầu nhiệm Chúa về trời vẫn mãi mãi là những mầu nhiệm khôn dò.
-   Nên phần lớn chúng ta đều có những nỗi nghi nan và luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong niềm tin.
-  Và thái độ tin hay khước từ mang tính quyết định đối với cuộc sống đời đời của mỗi Tín hữu.
-   Tính cách quyết định của sự chọn lựa ở đây không chỉ đưa nhân loại về lời tuyên bố, lời khẳng định của Đức Giêsu liên quan đến thịt và máu của Ngài mà còn dẫn con người đến cuộc sống và toàn bộ sứ mạng cứu rỗi của Đấng Cứu Thế.
-   Đoạn Tin Mừng ám chỉ đến cả cuộc sống và nhất là cái chết của Đức Giêsu trên thập giá. Con người có lòng tin nhận ra cuộc sống của Ngài và hiểu được cái chết của Ngài trên thập giá như lời đã nói với các môn đệ trong nhà tiệc ly:”Này là Mình Ta thí ban vì các ngươi”.
-   Tin nhận Chúa và để Chúa xâm chiếm toàn bộ cuộc đời là chấp nhận một tình yêu đã trở nên tuyệt đỉnh, tình yêu cao vời, tình yêu cứu độ.
-  Đọc lại đoạn Tin Mừng này, cũng như toàn bộ các sách Tin Mừng, con người như thấy bị câu thúc bởi những đòi hỏi của Chúa, vì thế nhiều người đã không đáp ứng được, trong số đó có cả các môn đệ của Chúa.
-   Sở dĩ như vậy vì họ đã không hiểu được cuộc sống và cái chết của Ngài, họ vẫn suy nghĩ kiểu trần gian, chưa vươn cao lên, chưa hiểu những điều thuộc về Thiên Chúa: ý nghĩ của họ vẫn rà rà mặt đất, tâm trí của họ bị lu mờ nên họ không nhận ra sự thật của Thiên Chúa.
-  Chỉ những con tim trong sạch, ý hướng ngay lành, thích làm thiện, yêu thương kẻ khác mới nhận ra và đón nhận được cuộc sống, và cái chết của Đức Giêsu.
-  Chỉ ai biết cảm thông, tha thứ, quảng đại với người khác mới hiểu được ý nghĩa cao vời của tình yêu tuyệt đối của Đức Giêsu và mới không lấy làm chói tai khi nghe nói tới thịt và máu là chính thân xác của Ngài trở nên bánh trường sinh cứu độ.
-    Họ bỏ đi vì nhiều lý do:
        .   Nghi ngờ: thấy Đức Giesu giảng dạy lôi cuốn, giáo lý mới mẻ hấp dẫn, được chứng kiến những phép lạ lớn lao phi thường Ngài làm thì theo. Nhưng khi nghe những lời khó hiểu, sống sượng, thiếu thực tế, họ nghi ngờ Ngài rồi bỏ đi.
        .   Chính trị: họ nhắm tới danh vọng, quyền lực trần gian. Thấy Đức Giesu xuất hiện như một Đấng Mesia hiển hách, họ nghĩ Ngài sẽ làm một cuộc cách mạng đổi đời, lật đổ thế lực Roma ngoại bang, đem lại tự do phồn vinh cho đất nước, khi đó họ cũng có phần! Nhưng rồi chỉ nghe Ngài kêu mời phục vụ hy sinh, hiến thân... họ liền bỏ đi. Và họ thấy rõ không thể thách thức giới cầm quyền như Ngài đã làm mà tránh khỏi thảm họa.
        .   Kinh tế: họ sống thực dụng, quan tâm đến cơm áo tiền của, nhu cầu của thế gian. Đối với họ, qua những phép lạ vĩ đại...thì Đức Giesu xuất hiện như một vị cứu tinh, giải thoát họ khỏi đau khổ, nghèo đói bệnh tật. Họ không còn lo đói khát khó nhọc nữa. Nhưng rồi lại thấy Ngài chỉ nói đến lương thực trừu tượng, thiêng liêng, nuôi hồn... họ thất vọng, rồi bỏ Ngài.
        .   Trốn tránh thách thức của Ngài, quan điểm cơ bản của họ là theo Chúa thì phải được cái gì thực tế, rõ rệt, nên khi biết sẽ phải khổ, phải mất một chút gì đấy cho Ngài thì họ bọ đi.
        .   Thật ra chẳng có ai ban cho chúng ta nhiều hơn Đức Giesu, nhưng theo Ngài lại là theo đường thập gía.
-   Và hôm nay, vẫn có những Lời Chúa bất ngờ làm choáng váng, vẫn có những thử thách làm chao đảo, vẫn có những cơn cám dỗ như thế làm chúng ta bỏ cuộc.
-   Nên tín hữu phải tự hỏi: Quan niệm của chúng ta về Đức Giêsu lâu nay như thế nào? Chúng ta đang đặt niềm chờ mong gì nơi Ngài? Tại sao chúng ta còn ở lại với Ngài?... Những câu hỏi này bắt chúng ta phải dứt khoát chọn lựa.  
-   Hãy xin Chúa giúp chúng ta biết ngước mắt nhìn lên Ngài, xác tín niềm tin vào Ngài như Thánh Phero đã làm.
  2.   Tránh suy thoái:
-    Tin Mừng hôm nay cho thấy một kinh nghiệm về khủng hoảng đức tin nơi chính các môn đệ. Kinh nghiệm ấy thật gần gũi với con người thời nay với đầy thật giả lẫn lộn, đa nghi, suy thoái cũng ngay những người theo Chúa lâu năm…
-    Suy thoái là điều chúng ta thấy rất rõ nơi Giuda.
-    Đức Giesu đã thấy Giuda là người có thể dùng cho chủ đích của Ngài.
-    Nhưng thay vì trở thành anh hùng, thánh thiện, Giuda lại trở thành tên vô lại, thành ma qủi.
-    Bởi năm tháng có thể gây nên sự suy thoái khủng khiếp, thời gian thật là bạo tàn, có thể cướp đi lý tưởng, ước mơ, hăng say, lòng trung thành của nhiều người.
-    Rồi với nhiều lý do, chúng ta sẽ tự lơ là việc tuân giữ luật lệ của Chúa, bỏ sinh hoạt cộng đồng, bỏ tham dự Thánh lễ, bỏ lãnh nhận Bí Tích, bỏ việc lành, bỏ cả việc phải nhìn xem xét lại chính mình.
-   Tình trạng ấy lưu lại nơi chúng ta một tấm lòng hờ hững, sơ cứng thay vì được mở rộng trong tình yêu thương của Chúa và anh em.
-    Khi đã chai lì, chúng ta sẽ bơ vơ, dật dờ, sống trong cảnh cô đơn, bất an, buồn chán, mù mịt vô vọng, ngại ngùng trỗi dạy.
-  Hãy:
 a) Tin vào quá khứ:
-   Bài đọc thứ nhất kể khi dân chúng sa đọa tuyệt vọng, Giosuê nhóm họp họ lại để nhắc về quá khứ, hầu tất cả cùng nhớ Thiên Chúa đã hướng dẫn, bảo hộ, săn sóc dân như thế nào.
-   Và họ đã nhớ lại công ơn của Thiên Chúa, thấy rõ nhờ Ngài mà họ được như ngày nay. Quá khứ của họ được xây dựng nhờ sự hướng dẫn bảo hộ của Ngài. Toàn dân mủi lòng nghĩ đến sự vô tâm của họ trước đây đối với Giavê... Họ đồng thanh trả lời Giosuê:"Quái gỡ thay nếu chúng tôi bỏ Giavê để phụng thờ những thần khác... Vậy cả chúng tôi nữa, chúng tôi cũng sẽ phụng thờ Giavê vì Ngài là Thiên Chúa của chúng tôi".
-   Bài đọc nhắc chúng ta nghĩ lại quá khứ đã ràng buộc chúng ta với Thiên Chúa để suy nghĩ về lòng trung thành của mình với Ngài.
-   Áp dụng vào đời sống tình cảm và đời sống gia đình của chúng ta để nhớ lại mối tình đầu hay những chặng đường đã cùng nhau sát cánh qua bao đắng cay ngọt bùi, để có sức giúp chúng ta lướt thắng trục trặc, khó khăn hiện tại trong tương quan với nhau. 
-    Nhưng không phải chỉ có quá khứ, còn tương lai nữa. Và điều này chúng ta có thể nhận ra từ bài Tin Mừng của Gioan.
  b) Hy vọng ở tương lai:
-   Ðoạn văn này kết thúc diễn từ của Ðức Giêsu về bánh ban sự sống: ai không ăn và không uống Thịt Máu Ngài sẽ không được sống. Còn ai ăn và uống sẽ lưu lại trong Ngài và Ngài ở trong kẻ ấy.
-   Là những lời quần chúng không chấp nhận vì cho rằng "sống sượng". Nhưng Gioan không để ý đến phản ứng của họ. Mà nhìn vào hàng môn đệ của Ðức Giêsu. Ðây không phải chỉ nhóm 12, còn có nhiều người khác nữa vẫn đi theo Ngài, và đã ở trong đám đông hay ở gần Ngài trong suốt bài diễn từ.
-   Sau đó Gioan đem tất cả phản ứng của quần chúng vào trong tâm hồn các môn đệ để làm nổi bật tính cách cam go của cuộc phấn đấu mà đức tin đang gặp phải.
-   Nên phản ứng của môn đệ thật ra là của tất cả mọi người kết tinh lại để đi đến một thái độ dứt khoát trong lựa chọn.
-   Đức Giesu mở thêm:"nếu các ngươi trông thấy Con Người lên nơi Ngài đã ở trước kia thì sao?" Lời ấy đưa đến tương lai, ám chỉ việc Ðức Giesu sẽ phục sinh, lên trời và trở lại trong vinh quang. Ngài muốn nói rằng nếu lần thấy Ngài trong quá khứ đã có thể đem bình an lại cho họ, thì huống nữa là những điều họ sẽ thấy trong tương lai.
-  Tuy nhiên những lời như vậy chỉ có giá trị cho những tâm hồn có thái độ tin tưởng, phó thác. Còn với những người xác thịt, chỉ muốn nắm những gì ăn chắc, thì những lời đó không ảnh hưởng. Thành ra nhiều môn đệ đã rút lui, không đi theo Ðức Giêsu nữa.
-   Nhìn đám 12 còn lại, mà từ nay sẽ trở thành Tông đồ, Ðức Giêsu cũng mời họ xác định lập trường. Và Phêrô đã thay mặt anh em tuyên xưng niềm tin nơi Ngài.
-   Thế là Ðức Giêsu có một số ít đi theo. Ngài sẽ đi với số ít này lên Núi Sọ dẫn đến vinh quang phục sinh, trong khi đa số sẽ dùng tay bọn quá khích và môn đệ phản bội giết Ngài. Bọn này đã không nhớ việc làm và lời nói của Đức Giesu trong quá khứ; và cũng chẳng có tinh thần vươn về tương lai mà nhiều lần Ngài đã gợi ra cho họ.
-  Trong đời sống với Chúa, Hội Thánh, gia đình, và tha nhân bạn hữu… nhiều người vẫn không lướt thắng khó khăn, khủng hoảng, cũng chỉ vì đã hết quý hóa mối tương quan thắm thiết trong quá khứ, và không đủ sức mạnh tinh thần để tin vào tương lai. Nhiều cuộc ly hôn đã xảy ra vì vậy. Nhiều sự cộng tác gãy gánh cũng thế. Và tất cả, cuối cùng, chỉ vì những suy nghĩ về quá khứ và tương lai không đủ mạnh đối với bộ mặt cam go của thực tế trong hiện tại. Lời Chúa hôm nay giúp đỡ chúng ta về điểm này.
  c) Hiểu biết hiện tại:
-   Thánh Phaolô khuyên tín hữu về các tương giao và tương quan xã hội trong mầu nhiệm Ðức Kitô. Trước hết ngài đề cập tới tương quan phu phụ.
-   Ở đây ca tụng mầu nhiệm cứu thế của Ðức Kitô đã đem đến cho chúng ta một sự sống mới. Ơn của Ngài phát huy trong đời sống, trong các tương quan xã hội, mà gia đình là một môi trường. Tình yêu phu phụ giữ vai trò trọng yếu, cũng phải được thấm nhuần mầu nhiệm Ðức Kitô.
-   Nhìn tương quan phu phụ trong mầu nhiệm này, Phaolô một đàng không thể quên hình ảnh Giavê là hôn phu của dân Ngài; do đó Ðức Kitô là hôn phu của Hội Thánh. Ðàng khác, trang đầu tiên trong Thánh Kinh ghi:"Bởi thế mà đàn ông sẽ bỏ cha mẹ và khăng khít với vợ mình và hai người sẽ nên một thân xác". Dưới ánh sáng mầu nhiệm Ðức Kitô, Phaolô thấy ngay câu ấy viết về sự mật thiết của Ðức Kitô và Hội Thánh. Cả hai là một đến nỗi không thể rời nhau được.
-   Nhưng không phải là không có thứ tự. Ðức Kitô đã yêu thương trước và đã phó nộp mình để làm ra Hội Thánh trong sạch. Ngài trở thành đầu của Hội Thánh, có uy quyền trên Hội Thánh, thứ uy quyền của tình yêu phục vụ.
-   Phaolô kết luận, chồng hãy cư xử với vợ mình như thế; và vợ hãy đối với chồng mình như Hội Thánh đối với Ðức Kitô.
-   Đây là những tư tưởng cao cả mà Phaolô gọi là mầu nhiệm lớn. Chấp nhận như vậy thì mọi vấn đề cụ thể khác dù có to cũng trở thành nhỏ, có khó cũng trở nên dễ. Bởi mọi thực tại trần gian đã được cuốn vào đà thăng tiến của mầu nhiệm Ðức Kitô. Và từ nay người có đức tin Kitô có thể nhờ lòng tin cậy mến để chấp nhận và thăng tiến mọi sự kiện và tương quan ở đời.
-   Có cái nhìn đức tin về hiện tại, chúng ta có thể tìm ra lẽ sống tốt đẹp và phong phú trong mọi hoàn cảnh. Nói đúng hơn, quá khứ và tương lai chỉ cần để xây dựng niềm tin hiện tại.
-    Chính đức tin hiện tại khiến chúng ta công nhận bánh rượu này là Thịt Máu Đức Kitô để ban cho ai lãnh nhận được sự sống mới, hầu sống cách mới mẻ mọi thực tại và tương quan ở đời.
-    Vậy hãy cầu xin Chúa cho chúng ta đứng vững giữa thời kinh tế thị trường phức tạp, nhiều cạm bẫy, nhiều cám dỗ, khiến chúng ta dễ dàng sa ngã, tự hủy hoại niềm tin và ơn phúc của mình. Cùng sốt sắng xin cho mình được năng tuyên xưng đức tin.
3.   Quyết định:
-   Chuyện xẩy ra khi xưa, vẫn tiếp tục xẩy đến với con người mọi thời đại. Thế hệ chúng ta cũng đang đối diện với vấn đề phải quyết định theo Chúa hay không.
-   Ðó là một chọn lựa quyết liệt luôn giáp mặt những ai đã một lần tiếp xúc, gặp gỡ Ðức Giêsu. Và Ngài vẫn tôn trọng tự do của mọi người.
-   Cũng chẳng phải là chuyện cần tin thêm một số điều này kia, mà là vấn đề bản thân chúng ta có muốn nhất quyết sống với những giá trị do Ðức Kitô mang đến hay không.
-   Hãy tỉnh táo dứt khoát thuộc về Ðức Kitô bất kể cuộc sống này có dẫn chúng ta tới đâu; và ý thức sự chọn lựa này là một cuộc tranh đấu liên tục.
-  Tuy nhiên, từ những lời giảng của Ngài, chúng ta không dễ dàng hiểu ra, tìm thấy, và chọn được những gì thích hợp với mình. Nghĩa là chúng ta nên học cách nương dựa vào Thiên Chúa hơn là vào bản thân, vì con đường trước mắt còn nhiều bất trắc, mà ánh sáng trên đường đi lại luôn mờ ảo!
-   Lòng tin luôn là yếu tố, là điều kiện tiên quyết cho sự chọn lựa dấn thân đi hoặc rút khỏi con đường theo Đức Giêsu.
-   Ngay cả 12 môn đệ đầu tiên được Chúa yêu thương, tuyển chọn, nâng đỡ giữ gìn, ấp ủ, bao bọc, hướng dẫn và dậy dỗ, đã trở nên nghĩa thiết với Ngài, nhưng Chúa cũng đòi hỏi các ông phải nói lên sự chọn lựa và công khai tuyên xưng lòng tin vào Ngài.
-  Và Phero, đại diện cho nhóm mười hai đã mạnh dạn tuyên xưng:”Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.”
-    Phero đã nói lên câu đó trong một tình thế đang có, nghĩa là ông đã phải làm một sự chọn lựa quyết liệt. Chính trong hoàn cảnh này cho thấy lòng trung thành của ông. Lòng trung thành được căn cứ trên mối liên hệ cá nhân với Đức Giesu.
-    Có nhiều điều Phero không hiểu, ông cũng bối rối, lạc lõng như mọi người, nhưng nơi Đức Giesu có một cái gì khiến ông sẵn sàng hy sinh tính mạng mình.
-    Không phải vì ông và các bạn hiểu được lời Thầy, nhưng vì họ tin vào con người của Thầy, tin Thầy là Ðấng Thánh của Thiên Chúa,
-    Vì sự thật Kito giáo là một sự đáp ứng cá nhân với Đức Giesu, đó là lòng trung thành với tình yêu của một người hiến dâng.
-    Không phải là một triết lý buộc chấp nhận hoặc một lý thuyết buộc chúng ta phải trung thành.
-    Nhưng đời sống là như thế, mỗi ngày chúng ta đứng trước biết bao điều phải lựa chọn, giữa:
          .  lòng tham và sự công bằng,
          .  tính nóng nảy cục cằn và sự nhịn nhục thứ tha,
           những cám dỗ về xác thịt, kiêu hãnh, kỳ thị, danh vọng, đam mê và nếp sống tự chủ, công bằng, bác ái...
-    Các chọn lựa chung qui về sự chọn lựa gay gắt và duy nhất là buông thả theo xác thịt hay nghiêm chỉnh theo Chúa.
-    Nếu chọn Chúa, cuộc hành trình về quê trời của chúng ta dù có lao đao vất vả cũng đã có Ngài đồng hành, biết hướng lèo lái con thuyền của mình tới bến bờ bình an.
-    Tuy nhiên chọn Đức Giesu không phải là sự chọn lựa một lần, mà là sự thách thức hằng giờ, suốt ngày, tháng, năm…
-    Theo Đức Giesu là bước vào một cuộc mạo hiểm của tình yêu, của lòng tin, của sự phó thác.
-   Nên lời tuyên xưng đức tin của Phêrô cũng là lời tuyên tin của Hội Thánh và mọi Kitô hữu. Một lời tuyên xưng như thế làm nền tảng cho sự lựa chọn dấn thân vì Tin Mừng, vì phần rỗi của tha nhân và vì chính bản thân mình. Tin vào Lời Chúa là chấp nhận cuộc sống của Chúa, làm theo Chúa, hy sinh bản thân cho phần rỗi và hạnh phúc của con người.
-  Đoạn Tin Mừng hôm nay rất trang trọng, còn gợi cho nhân loại thấy cuộc phán xét của Đức Giêsu. Ở đây, Đức Giêsu bộc lộ sứ mạng của Ngài: Chúa nói lên sự có mặt của Ngài giữa con người ở trần gian. Ngài là của ăn duy nhất, là bánh trường sinh ban cho nhân loại, cho những ai tin và lãnh nhận.
-   Cũng nên nhớ trở nên môn đệ hay trở nên một Kitô hữu không phải là một bảo đảm chắc chắn mình sẽ trung tín mãi mãi với Ðức Kitô.
-   Trở nên môn đệ là bước vào cuộc phiêu lưu, là khám phá ra một Ðức Kitô luôn luôn mới, là để Ngài từ từ đưa chúng ta đi sâu vào mầu nhiệm.
-    Cuộc phiêu lưu nào cũng có chút rủi ro, cũng đòi chút liều lĩnh, đặc biệt cuộc phiêu lưu của tình yêu, của lòng tin.
-   Vậy để khỏi bỏ cuộc, cần bỏ mình!
Lạy Chúa, qua đọan Tin Mừng của Thánh Gioan hôm nay, như một phát giác kinh khủng đã đem lại cho chúng con, đó là dù đã là bạn Ngài, đã là người được tuyển chọn, điều đó cũng không bảo đảm cho chúng con khỏi lỗi phạm nếu không biết điều khiển cuộc chiến hằng ngày.
Lạy Chúa, Ngài qúa rõ tội lỗi của chúng con hôm qua là gì và còn qúa rõ tội lỗi chúng con ngày mai sẽ là gì nữa.
Xin đừng để cho qúa khứ của chúng con với những hèn nhát, hiện tại của chúng con, với những yếu đuối và tương lai của chúng con, với những mông lung, không lay chuyển về niềm tin mà chúng con đã trao gởi nơi Ngài, là bạn tám phúc của chúng con. Vì Đức Kito, Chúa chúng con. Amen (mượn lời)
Than men,
duyenky

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét