Tâm lý giáo dục
Cha mẹ cần đòi hỏi nhiều hơn nơi con cái
11
Tháng Sáu 2018-Tiến sỹ Bùi Hữu Thư
Tiến sỹ Bùi Hữu Thư
Một tin mừng cho nền giáo
dục Hoa Kỳ là Cơ Quan điều hành kỳ thi trắc nghiệm để tuyển sinh viên Đại Học
(SAT) cho biết con số các thí sinh có điểm A- hay cao hơn đã gia tăng nhiều so
với năm 2007 – từ 28 đến 32 %. Nhưng lại
có tin buồn là điểm trắc nghiệm SAT của các học sinh ưu tú nhất đã giảm bớt 12
điểm về Anh Ngữ và 6 điểm về toán. Dường
như các nhà trường đang cho học sinh những điểm số cao trong khi chúng lại có
thành tích thấp.
Tại một trường ở tiểu
bang Massachusett, ban giám đốc đề nghị thiết lập thêm những luật lệ về hành vi
của học sinh trong khi ở trong hội trường.
Khi các nghệ sĩ khách – hay các học sinh trình diễn, học sinh phải “yên
lặng bước vào, vỗ tay để tán thưởng cuộc trình diễn, và yên lặng đi ra.” Khi các luật lệ mới này được ban hành, học
sinh phản đối dữ dội. Bắt học sinh phải
vỗ tay trong một cuộc trình diễn là vi phạm quyền tự do diễn tả ý kiến của
chúng. Khi các giới chức nhà trường khám
phá rằng họ phải tốn phí quá nhiều thì giờ dễ giàn xếp vụ phản đối này, họ đã
rút lại các luật lệ đó.
Điều gì đã xẩy đến cho nước
Mỹ về phương diện những tiêu chuẩn được đề ra cho con trẻ? Cả ở trường lẫn ở nhà, người Hoa Kỳ càng ngày
càng đòi hỏi ít hơn nơi cơn cái, và càng ngày họ càng ít nhận được sự giúp đỡ của
con cái. Một cuộc trưng cầu ý kiến của
phụ huynh được thực hiện bởi Trung Tâm Hướng Dẫn Phụ Huynh ở Gastonia, North
Calrolina cho hay là chỉ có 50 % trong số 1250 phụ huynh cho biết là con cái họ
bằng lòng đóng góp trong công việc nhà mà không đòi hỏi thù lao. Còn khi được hỏi là họ có nhờ con cái làm việc
nhà không thì đã số đều trả lời rằng có.
Một số người tỏ vẻ hãnh diện vì con cái đã giúp ích được cha mẹ, trong
khi con cái họ dường như đã quên đi những gì được gọi là “trách nhiệm, bổn phận,
và việc đóng góp cho gia đình, và những đức tính này có ý nghĩa gì đối với
tương lai của con trẻ.” Thay vì bắt buộc
con cái phải có trách nhiệm phần nào về đời sống của chúng, họ lại sắp xếp
chương trình, lựa quần áo và thức đêm bất kể ngày giờ để làm bài dùm cho con
cái. Nhưng nếu không được thực tập tự lấy
quyết định, kể cả những quyết định sai lầm, con trẻ sẽ không bao giờ có thể tự
lập để đối phó với thế giới của người lớn.
Trẻ em Hoa Kỳ đang thua
kém trẻ em các nước tân tiền khác về nhiều phương diện. Với số trẻ vị thành
niên đang đi học có bầu hàng năm gia tăng, cùng với sự bạo động trên đường phố,
và súng ống trong trường học, chúng ta phải nghĩ rằng các bậc phụ huynh và giới
chức giáo dục phải đòi hỏi những tiêu chuẩn cứng rắn hơn ở nhà và ở trường học. Nhưng chúng ta không thấy có dấu hiệu nào chứng
tỏ điều này đang xảy ra.
Mười hai nằm về trước Ủy
Ban Quốc Gia về Giáo Dục Ưu Tú đã cho ấn hành một bản tường trình về hiện trạng
của nền giáo dục Hoa Kỳ có tên là “A Nation at Risk” (Một Quốc Gia Đang Lâm
Nguy). Bản tường trình này công bố “một
mức độ thấp kém càng gia tăng” và đề nghị những sự cải tiến toàn diện, kể cả
thêm nhiều bài làm ở nhà và một niên khóa dài hơn. Từ đó đến nay chưa thấy có dấu hiệu nào chứng
tỏ số bài vở làm ở nhà đã gia tăng cũng như niên học đã kéo dài hơn.
Vì không đòi hỏi những
tiêu chuẩn cao về học vấn, nhà trường đang bỏ phí năng lực của những bộ óc
thông minh nhất. Mặc dầu hai phần ba các
trường học có các chương trình cho các lớp thần đồng GT, AP, đa số học sinh chỉ
học có hai hay ba giờ một tuần trong các lớp này. Phần thì giờ còn lại được dành cho các lớp
thường lệ trong đó chúng không được thách đố và dễ bị chán nản.
So sánh học bạ của học sinh
Hoa Kỳ với học sinh Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan, một giáo sư về môn tâm lý
học ở Đại Học Michigan đã thấy rằng học sinh ở các quốc gia kia vượt hơn rất
xa. Ở lớp Năm chẳng hạn, số điểm của học
sinh Hoa Kỳ cao nhất chỉ bằng số điểm thấp nhất của học sinh Á Châu. Tuy nhiên
khi thăm dò ý kiến của phụ huynh thì trên 80% phụ huynh Hoa Kỳ cho là con cái của
họ được coi là từ “giỏi” đến “ưu hạng”.
Phụ huynh lại còn làm khó
dễ cho nhà trường khi họ hỗ trợ cho con cái bất kể hành vi và thành tích học vấn.
Trong khi đa số phụ huynh đã công nhận rằng
khi còn nhỏ, mỗi khi họ gặp phải vấn đề trọng trường thì về nhà họ không tránh
khỏi ăn đòn. Cha mẹ của họ còn mắng là:
“Đừng có đổ lỗi cho thầy cô, đừng có đổ tọi cho bạn bè, mày phải tự lo lấy thân
mình.” Ngày nay, mỗi khi con cái bị phạt,
là cha mẹ kéo ngay đến trường trong vòng 15 phút để bênh vực quyền lợi của con
cái – nếu cần thì đưa nhà trường ra tòa.
Tại sao nước Hoa Kỳ, một
quốc gia luôn luôn hãnh diện về việc đặt những mục tiêu cao và đạt được các mục
tiêu này, lại thay đổi nhiều như vậy? Điều
này đã xảy ra chỉ vì những ý định tốt đẹp lúc ban đầu. Trong các thập niên 1960 và 1970, các nhà tâm
lý học khuyến khích phụ huynh và giáo chức nhấn mạnh về sự phát triển tình cảm
của con trẻ, cũng như sự phát triển về trí tuệ.
Các nhà tâm lý học này cũng dậy rằng muốn trở thành những người lớn thành công, trẻ em
cần rất nhiều thứ để giúp cho chúng xây dựng được lòng tự tin và tự trọng.
Trẻ em cần được nhắc nhở
không ngừng rằng chúng rất “đặc biệt” và “tuyệt vời”, phải nhận được rất nhiều
sự thương yêu chiều chuộng, ngợi khen mỗi khi làm được một cái gì, và được tưởng
thưởng về học vấn, không phải bằng điểm tốt, mà bằng những “nhãn hiệu có hình bộ
mặt tươi cười” (stickers). Sau đó thì
chúng sẽ cảm thấy sung suớng, và được thúc đẩy để thành công tại nhà trường, để
hòa hợp với bạn bè, và thành công về mọi khía cạnh trong đời. Vấn đề này đối với nhiều phụ huynh có nghĩa
là “Bât cứ cái gì chúng làm cũng được coi là tốt đẹp”. Chính điều này đã tạo nên những đứa trẻ ích kỷ,
tự mãn không thể đối phó với những đòi hỏi của thế giới bên ngoài. Lòng tự tin và tự trọng không thể được gây dựng
vì những lời khen tốt đẹp của mọi người.
Chúng chỉ có thể có được lòng tự tin và tự trọng bằng cách đối diện với
những thử thách bằng sự kiên tâm và bền chí.
Song song với trào lưu “tự
tin và tự trọng” là niềm tin phổ quát rằng một số các đứa trẻ bẩm sinh đã thông
minh trong khi những đứa khác thì không được như vậy. Các trường bên Nhật và phụ huynh người Nhật
tin rằng thành tích học vấn tốt là do ở sự chuyên cần, thay vì trí thông minh bẩm
sinh. Điều này không đúng với các phụ
huynh và trường học Hoa Kỳ. Hệ thống
giáo dục của Hoa kỳ được dựa trên một số các ý kiến sai lầm. Cần phải nhấn mạnh rằng: “Thông minh không phải
là cái gì sẵn có. Thông minh là điều mọi
người có thể đạt tới được.”
Sắp xếp các học sinh kém
vào các lớp dạy bù với những sự đòi hỏi tối thiểu có vẻ hợp lý, nhưng lại có hậu
quả trái nghịch. Nếu một học sinh xuất sắc
có một số vốn ngữ vựng 1000 được chú trọng nhiều hơn, trong khi một học sinh
kém chỉ được học có 450 chữ, thì sự cách biệt chỉ gia tăng nhiều thêm. Một thí dụ về những gì học sinh có thể đạt được
khi được thách đố có thể được dẫn chứng ở thành quả của trường Trung học Đê Nhất
Cấp Burnett ở San Jose, California. Năm
2009, trường này là trường dành cho các học sinh học kém. Chẳng hạn, về toán, cứ năm học sinh thì có bốn
đứa học các lớp toán dậy bù, mà vẫn còn càng ngày càng bị thụt lùi thêm. Với khả năng chứa được 800 học sinh, năm ấy
Burnett chỉ có một sĩ số 500. Điểm thi
trắc nghiệm sắp hạng trường này thấp nhất trong tất cả các trường Trung Học Đê
Nhất Cấp ở San Jose.
Ngày nay, điểm trắc nghiệm
của Burnett về nhiều môn đứng trên trung bình của nha học chánh, và vẫn còn gia
tăng. Năm ngoài trường phải khóa sổ
không cho học sinh ghi danh thêm 45 ngày trước khi khai giảng, vì có quá nhiều
phụ huynh muốn cho con em theo học ở đây.
Điều gì đã thúc đẩy sự
thay đổi hoàn toàn này? Một yếu tố giản
dị là: thay vì chỉ chờ đợi rất ít ở học sinh và sắp chúng vào những lớp thật dễ,
nhà trường đòi hỏi nhiều hơn. “Đừng có học bù, hãy học gia tốc” (Accelerated
vs. Remedial) đã trở thành khẩu hiệu cho chương trình học cao cấp của trường. Chương
trình này đòi hỏi ở những học sinh kém những sự thử thách về các môn văn
chương, khoa học, giải quyết vấn đề và thảo luận phân tích, y như những học
sinh giỏi nhất. Tất cả mọi học sinh lớp
Tám đều phải học Đại Số; tất cả học sinh lớp Bảy học Tiền Đại Số; tất cả học
sinh lớp Sáu học Số Học Cao Cấp.
Họ đặt ra những tiêu chuẩn
cao và tổ chức nhà trường để cho học sinh có thể đạt được những tiêu chuẩn
này. Học sinh được khuyến khích và thúc
đẩy. Chúng thực sự đã đáp ứng được những thử thách khó khăn này. Ngày nay đã có trên 500 trường trên khắp lãnh
thổ Hoa Kỳ có các chương trình học cao cấp AP (Advanced Programs).
Một trình độ đòi hỏi cao
hơn đối với giới trẻ cần được thiết lập trong toàn thể xã hội. Sau đây là những
đề nghị về cách thức tạo dựng một bầu khí chờ đợi cao hơn, có lợi cho con cái của
chúng ta và chính chúng ta:
Hãy nhớ ai là người trách
nhiệm. Các tiêu chuẩn do phụ huynh, xã hội và nhà trường đặt ra, không phải là
do sự đầu phiếu của con trẻ. Phải nói rõ
sự mong đợi của chúng ta, không được mềm yếu, và đừng cho chúng thấy có sự mâu
thuẫn như: “Bố cũng gặp khó khăn với môn Toán ngày xưa.” Lắng nghe con cái, nhưng phải cho chúng biết
rằng cha mẹ luôn luôn là người ấn định những lề luật cuối cùng.
Đừng cho phép chúng bỏ cuộc.
Trẻ em thường bỏ cuộc quá nhanh, tại sân chơi, trong việc tranh tài thể thao và
các trò chơi khác. Nếu phải mất trên 10
phút để giải một bài toán là chúng bỏ cuộc và tìm người giúp đỡ. Phải dạy con cái kiên trì “cố gắng thử, và cố
gắng mãi.”
Trao các công việc nhà
cho chúng. Những công việc nhà đều đặn
và có ý nghĩa sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của bổn phận đối với người khác. Hơn nữa, các công việc nhà dạy chúng biết
chúng là những thành phần hữu dụng và quí giá trong gia đình. Những đứa trẻ biết lo việc nhà sẽ trở thành
những người lớn thành công và có hạnh phúc.
Một công việc trao cho đứa
trẻ có thể rất là giản dị, nhưng phải mang theo một trách nhiệm rõ ràng. Một đứa bé bảy tuổi được giao cho việc theo
rõi sự cung cấp sà bông và kem đánh răng.
Khi một trong hai món đã hết, nó có bổn phận phải tiếp tế thêm bằng cách
lấy ra từ cái tủ hay phải đi với mẹ nó ra chợ mua. Đây là một công việc tầm thường, nhưng lại là
một việc cả nhà phải trông cạy ở nó. Điều
này làm cho nó cảm thấy mình trở nên quan trọng.
Hãy xây dựng những nấc
thang. Con trẻ không thể nhảy một bước lên tới đỉnh, làm những bước thang giúp cho chúng có thể
leo lên từng bậc. Nếu có đứa trẻ hỏi:
“Nước Thái Lan nằm ở đâu?” một người phụ huynh biết dùng các bước thang sẽ bắt
đầu bằng cách nói: “Chúng ta thử cùng tìm với nhau xem.” Người phụ huynh này sẽ lợi dụng dịp này để dạy
cho con biết sử dụng những tài liệu tham khảo, và cho con có một dụng cụ để có
thể tự tiến cao hơn.
Đừng đưa cho chúng những
câu trả lời. Đừng có lý luận kiểu “nếu”
và “nhưng”: việc làm bài ở nhà là trách nhiệm của con trẻ. Hay kiểm xoát cho biết chúng có làm không,
nhưng đừng làm dùm cho chúng. Nếu chúng
ta giải dùm chúng bài toán hoặc nghiên cứu dùm nó bài phúc trình về môn sử ký,
nó sẽ không bao giờ biết làm một mình về phương diện học vấn cũng như các
phương diện khác. Làm dùm nó một dự án
khoa học không phải là phương thức để dạy khoa học cũng như dạy dỗ chúng về
tính ngay thẳng.
Khuyến khích những môn giải
trí lành mạnh. Con trẻ cần được hướng dẫn
về những môn giải trí sau giờ học có liên hệ đến việc dùng trí óc và dậy cho
chúng biết tự lập, như đọc sách, ráp các kiểu mẫu xe cộ, tàu bè, máy bay.., sưu
tầm con tem, và nấu nướng. Các trẻ em ít
gặp vấn đề nếu được theo rõi, kiểm xoát và phải theo những luật lệ về đi đâu,
giờ giấc, và làm gì sau giờ học.
Đừng giải quyết vấn đề
dùm cho chúng. Đứng ra, bắt tay vào để sửa
sai cho công việc của con trẻ rất dễ dàng, thí dụ: một cuộc tranh cãi với bạn
bè ở trường, đánh mất một cuốn sách mượn ở thư viện, tiêu quá số tiền được cho
phép. Và khó mà ngồi yên khi con em bị
phạt vì có hành vi xấu ở trường. Tuy
nhiên mỗi lúc khó khăn ấy là một bài học quan trọng cho chúng suốt đời – đó là
mỗi hành động đều có một hậu quả. Do đó,
cần bắt buộc con trẻ phải đối diện với các hậu quả. Và những sự thất bại này
cũng là những kinh nghiệm quý báu.
Chỉ cho chúng thấy con đường
đi tới đích. Cần nói rõ là chúng ta đòi
hỏi những gì tốt đẹp nhất cho con cái và giúp đỡ chúng đạt được những mục tiêu ấy. Yếu tố căn bản ở đây là sự trợ giúp của cha mẹ,
ông bà, thầy cô, và bạn bè, khi họ nói rằng: “Em làm được việc này”, mặc dù
chính đứa trẻ không tin là chúng có thể tự làm được.
Các gia đình Việt Nam
trên đất Hoa Kỳ con duy trì được truyền thống hiếu học, còn lo lắng dạy dỗ và
kèm cho con em học thêm. Chúng ta cũng
đòi hỏi nhiều ở con cái hơn các gia đình Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nếu chúng ta quá bận bịu về công
ăn việc làm và không bỏ thì giờ trông nom, dạy dỗ con cái, con cái chúng ta
cũng sẽ bị rơi vào tình trạng học kém và thiếu tinh thần trách nhiệm như đa số
các trẻ em Hoa Kỳ. Sự đòi hỏi quá ít của
nhà trường, của thầy cô, và ảnh hưởng của bạn bè sẽ làm cho con em chúng ta học
tà tà. Vì thấy học hành quá dễ mà vẫn đạt
được điểm tốt, chúng sẽ sinh ra lười biếng.
Chúng ta cần phải thúc dục con em ghi danh học các lớp học khó, như thần
đồng (GT), các lớp gia tốc (AP). Trẻ em
cần được thách đố từ khi còn nhỏ, nếu không khi chúng lên Đại Học, chúng sẽ
không thể nào đối phó được với những đòi hỏi quá cao của giáo trình, cũng như
không thể sống tự lập. Nên khuyến khích
con em làm thêm nhiều bài tập trong sách mặc dù thầy cô chỉ cho năm hay mười
bài. Chỉ có đọc sách nhiều mới giúp cho
chúng cơ số vốn ngữ vựng đầy đủ, và mới có thể viết tiếng Anh thông thạo và dễ
dàng. Học sinh Việt nam đa số vẫn còn được
lên bảng danh dự mỗi tam cá nguyệt tại các trường. Số học sinh Việt Nam ra trường đậu thủ khoa
và á khoa mỗi năm vẫn còn nhiều. Ước chỉ
tất cả các phụ huynh ý thức được việc này, là phải thúc đẩy và trông nom con
cái, có vậy chúng ta mới ngăn chận được những cảnh con cái bỏ nhà đi hoang,
đàng điếm, và gia nhập các băng đảng.
Tiến sỹ Bùi Hữu Thư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét