Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2018

Thỉnh thoảng nhịn ăn sẽ giúp chữa lành cơ thể


Thỉnh  thoảng  nhịn  ăn  sẽ  giúp  chữa  lành  cơ  thể
Thứ Hai, 18/06/2018



(ảnh: Getty) 

Nhiều người có thói quen nhịn ăn, để bụng đói trong một ngày hay một vài ngày vì lý do tâm linh hoặc sức khỏe. Một vài người thì cho rằng nhịn ăn giúp thải độc ra khỏi cơ thể, một số khác thì thích trải nghiệm sự tỉnh thức tinh thần mà cơn đói mang đến…

Trên thế giới, hàng chục triệu người Hồi giáo có tháng Ramadan, trong thời gian đó họ không ăn, không uống, không hút thuốc… vào ban ngày – cụ thể là từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn. Việc chịu khổ này giúp nâng cao sự cảm thông với những người đói nghèo hoặc thiếu nước, và để kiểm tra đức tin cũng như ý thức nhẫn nại của người theo đạo.

Giới khoa học cũng đưa ra một vài nghiên cứu cho thấy việc nhịn ăn có kiểm soát là tốt cho sức khỏe.

Cuối năm 2017, Đại học Ottawa báo cáo rằng thỉnh thoảng nhịn ăn giúp cơ thể chống lại béo phì và rối loạn chuyển hóa tốt hơn so với việc theo dõi lượng calo tiêu thụ. Trưởng nghiên cứu Kyoung-Han Kim viết:

Thỉnh thoảng nhịn ăn mà không giảm lượng calo tiêu thụ có thể là phương pháp ngăn ngừa, trị liệu béo phì và rối loạn chuyển hóa.

Nghiên cứu cho thấy có xảy ra sự thay đổi trong phản ứng đề kháng tại các tế bào mỡ. Trong tình hình bệnh béo phì và tiểu đường (một dạng rối loạn chuyển hóa mãn tính) vẫn đang tăng lên, đây có thể là tin tức tốt lành đối với những ai đang nỗ lực để kiểm soát sức khỏe của mình.

Đầu 2018, các nhà khoa học đã tiến hành so sánh hiệu quả của nhịn ăn so với việc ăn kiêng và theo dõi calo. Họ đã khám phá ra kết quả rất bất ngờ khi so sánh 2 chế độ ăn: một là chế độ 5:2, trong đó tình nguyện viên ăn bình thường trong 5 ngày và ăn cực ít trong 2 ngày còn lại của tuần; hai là chế độ tiêu chuẩn với 600 calo hoặc ít hơn mỗi ngày để giảm cân.

Kết quả là chế độ 5:2 cho hiệu quả tốt hơn, các tình nguyện viên đều đạt được mục tiêu giảm 5% trọng lượng trong 59 ngày. Còn đối với chế độ ăn theo calo là 73 ngày.

Điều đáng chú ý là khi phân tích quá trình chuyển hóa chất sau khi đã giảm cân, người theo chế độ 5:2 xử lý chất béo (triglycerides) trong máu nhanh hơn so với các nhóm khác. Người ta cũng nhận thấy một sự giảm huyết áp tâm thu lớn hơn ở những người nhịn ăn, và một số sự khác biệt chuyển hóa khác mà sẽ cần được nghiên cứu sâu thêm.

Trong một tin tức gần đây, các nhà nghiên cứu tại MIT đã cho thấy các tế bào gốc đang lão hóa có thể được tái tạo bằng cách nhịn ăn. Cụ thể, các con chuột nhịn ăn cho thấy tế bào gốc đã tăng gấp đôi khả năng phục hồi.

Việc cơ thể có thể biến các tế bào gốc thành tế bào thành ruột mới là tối quan trọng trong việc duy trì sức khỏe. Hãy thử suy nghĩ một chút, thành ruột phải chịu một môi trường rất khắc nghiệt nơi mọi thứ đều được xem là thức ăn và phải bị phân rã thành từng mẩu nhỏ. Do đó, các tế bào ở đây cần được thay mới sau mỗi 5 ngày.

Khi chúng ta già đi, năng lực biến thế bào gốc thành tế bào thành ruột mới sẽ yếu dần. Do đó, người già sẽ khó phục hồi nếu bị nhiễm trùng đường ruột hay trải qua hóa trị. Vậy nên phát hiện mới này đã rất thu hút sự chú ý trong việc điều trị bệnh nhân lớn tuổi. Nó cho thấy việc nhịn ăn có thể giúp tăng thêm sức mạnh cho các tế bào của chúng ta ở mức độ sinh học cơ bản nhất.

Nếu bạn muốn thử nhịn ăn nhưng còn ngần ngại các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi thực hành các thay đổi lớn trong khẩu phần ăn. Nếu sống ở các nước nơi có nhiều nghiên cứu về chủ đề này, bạn thậm chí có thể tham gia làm tình nguyện viên để giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về cơ chế sinh học thú vị đằng sau chế độ ăn và sức khỏe của chúng ta.

Theo TreeHugger,
Phong Trần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét