Dec 2, 2018 - Chúa nhật I Mùa Vọng năm C
Con đường chúng ta phải đi
Các Bạn thân mến,
Mùa
Vọng ngày xưa gọi là Mùa Áp, là thời gian đặc biệt trong năm Phụng Vụ để chuẩn
bị tâm hồn mừng ngày Chúa đến với thế gian lần thứ nhất. Nhưng Mùa Vọng cũng là
thời gian để nhớ tới ngày Chúa đến với chúng ta lần thứ hai vào ngày tận thế. Nên
Mùa Vọng là thời gian tĩnh tâm dài để cầu nguyện, suy nghĩ về ngày cuối cùng,
ngày chúng ta lìa bỏ đời này để bước sang cuộc sống vĩnh cửu đời sau.
Tin Mừng hôm nay nói đến ngày tận thế ấy, với các hiện tượng lạ lùng, kinh sợ sẽ
xảy ra. Rồi Con Người sẽ đến đầy quyền năng và uy quyền cao cả...Ngày Tận Thế đến
bất ngờ, nên Chúa dạy:"Chúng con hãy
giữ mình, kẻo lòng chúng con ra nặng nề, bởi chè chén say sưa, và quá lo lắng việc
đời, mà ngày đó thình lình đến với chúng con...Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu
nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt
Con Người."
Dù
mọi người đã quen thuộc với nội dung tiên báo này. Nhưng vẫn luôn lo lắng, rồi
đoán già đoán non về ngày ấy. Đặc biệt năm 2012, theo lịch của người Maya, đông chí
của năm đó sẽ đánh dấu sự kết thúc của một chu kỳ 144.000 ngày. Chu kỳ đó đã
lặp lại 12 lần trong lịch của người Maya. Lần thứ 13 sẽ chấm dứt vào ngày
21.12. 2012, khép lại một chu kỳ lịch kéo dài 5.126 năm. Nhưng rồi cũng không xẩy ra!
Và
những điều Nasa tiên đoán về trái đất âm u tối đen vào các ngày 23, 24 và 25
tháng 12.2012; sau đó như thế nào, không ai biết! Thế rồi thế giới vẫn tiếp tục
sống! Trước những điều tin đoán này, người ta lo chuẩn bị đủ điếu! Nghĩ mà buồn
cười vì nếu tận thế thì còn gì mà chuẩn bị?! Có lẽ người ta tưởng tận thế là một
tai họa, một thiên tai đến rồi sẽ qua đi, nên có thể đề phòng, có thể đối phó!
Nhưng điều rõ ràng là
một sự trùng hợp ý nghĩa khi Tin Mừng chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ
lại luôn cùng nội dung với chúa nhật đầu tiên của Mùa Vọng, thời điểm mà
mọi người nghĩ sắp tận thế.
Thánh Luca ghi
lại lời Đức Giesu nhắc nhở việc Ngài quang lâm. Bởi chúng ta đang
sống giữa khoảng thời gian hai lần Chúa đến thế gian. Lần thứ nhất cách đây hơn
hai ngàn năm, tại Belem, trong sự âm thầm khiêm hạ với thân phận yếu đuối của
con người trần gian. Lần thứ hai Ngài sẽ đến trong vinh quang uy quyền của một
vị Vua. Đó là ngày cánh chung, ngày cuối cùng của thế giới, để bước sang sự
sống vĩnh cửu. Nhưng chẳng ai biết được thời điểm ấy, nên mọi người vẫn bị cám
dỗ lôi cuốn vào vui chơi hưởng thụ, mê đắm trần gian mà lãng quên ngày mình
phải bỏ tất cả mà ra đi.
Lời báo trước đầy thách
đố, chứa nhiều đe dọa, thiên tai, hoạn nạn, khổ đau, làm con người kinh hoàng, chán
nản, lung lay niềm tin, không còn sẵn sàng chờ cuộc vượt qua nữa. Vì thế Đức
Giesu dạy chúng ta phải kiên trì, phải tỉnh thức cầu nguyện để đứng vững
khi gặp những dấu chỉ ấy. Bởi ngày đó sẽ mang lại niềm vui vô vàn cho
những ai sống theo tinh thần Tin Mừng của Ngài.
Cũng chỉ còn
vài tuần nữa chúng ta lại mừng Chúa Giáng Sinh, thế là một năm qua đi nhanh chóng
với bao nỗi lo sợ, và một năm mới lại đến. Mừng năm cũ qua, năm mới đến,
chúng ta lại bước gần tới điểm tận cùng của đời mình hơn! Có phải
là vòng luẩn quẩn không nhỉ? Nếu phải thì sao chúng ta không trở lại
được thời tuổi trẻ? Vậy có gì đó chưa đúng hay là nghịch lý? Suy nghĩ tận
tường, chúng ta sẽ hiểu ra.
1.
Vấn đề lịch sử:
Vẫn luôn là khúc mắc của
loài người, và khó thống nhất dù Đức Giesu đã xuống trần gian hơn hai ngàn năm
nay để giải thích và rao truyền chân lý, nhưng loài người vẫn
chưa thuần phục, vẫn cố tình bám theo quan niệm riêng:
a) Theo
quan niệm thông thường của người đời
thì lịch sử đi theo vòng tròn:
- hết
Xuân tới Hạ, rồi Thu, Đông và sau đó lại trở lại theo chu kỳ ấy;
-
cây cỏ hoa lá héo tàn rồi lại mọc xanh tươi tốt đẹp vào mùa sau, năm sau;
- mặt
trời mọc lên vào buổi sáng, lặn vào buổi chiều rồi sáng hôm sau lại mọc, chiều
lại lặn như vậy;
- năm này trôi qua rồi tới
năm khác, năm khác ấy qua đi thì lại tới năm sau đó;
- cùng
với những cảnh ấy, việc ấy, lao nhọc và khó khăn ấy…
- nghĩa
là mọi sự luôn tái diễn, bắt đầu rồi bị tiêu hủy, rồi lại bắt đầu lại, con
người cũng loanh quanh như vậy!
* Quan
niệm này thoạt nghe có vẻ hợp lý, vì nó đúng với thực tế chung quanh con người.
Nhưng suy nghĩ kỹ thì chẳng đi tới đâu, đơn giản như một bông hoa năm nay mọc
lại đâu phải là bông hoa năm ngoái đã chết mà năm nay sống lại! Và làm sao
giải thích được thời gian trên chính bản thân mình? Với nhiều điều cao trọng
hơn nữa như ý nghĩa cuộc
đời, may mắn, bất hạnh trong cuộc sống?
b) Theo quan niệm Thánh Kinh thì lịch sử đi theo một đường thẳng, nghĩa là
có cùng đích, và hướng tới tương lai càng ngày càng tốt đẹp hơn theo kế hoạch của
Thiên Chúa, tại đó Đức Giesu sẽ làm Vua chủ tể mọi sự, mọi loài.
- con người không
sống trong tình trạng bất biến, mà trong tình trạng mong đợi;
-
thời trẻ, tuổi xuân xanh của con người trôi qua, không bao giờ trở lại, mà càng
ngày càng đi đến gìa nua, rồi chết;
-
mỗi ngày qua đi là chúng ta tiến gần hơn tới đích hạnh phúc hay tới hố sâu thăm
thẳm tối đen,
-
mỗi người chỉ có duy nhất một cuộc đời, không có cuộc đời nào khác, cơ
hội khác, nên cuộc đời đang sống là món quà tặng vô cùng quí gía.
* Đây
là quan niệm đứng đắn, không chỉ con người, mà tất cả mọi sự mọi vật đều chỉ có
một cuộc đời, bông hoa này chết đi, bông hoa khác mọc lên. Không ai có thể tắm
hai lần trên cùng một dòng sống là vậy! Đó là sự thật, là chân lý chúng ta phải
nhớ mãi.
2.
Những điềm báo lạ:
- Theo
quan điểm nào thì tạo vật vẫn là tạo vật, chung số phận là phải đi đến điểm tận
cùng, không gì có thể bền vững mãi.
- Xưa
nay người ta thường cho rằng những thế lực vững chắc nhất trong vũ trụ là mặt
trời, mặt trăng, các tinh tú…
- Nhưng rồi
những quyền lực ấy cũng sẽ bị lay chuyển, gây tai họa thình lình giáng xuống
địa cầu, đó là điềm báo lạ.
- Dưới
đất thì những điềm báo ngày càng thể hiện rõ rệt: biển sóng gào thét, chiến
tranh, đói khát, lụt lội, dịch bệnh, tai họa, tội ác, đạo đức gỉa, ngôn sứ gỉa,
lòng người chai lì khô nguội…
- Trước những
tai ương lạ lùng đó làm con người lo sợ kinh hãi, đặc biệt những người
không có đức tin, những kẻ tội lỗi; còn các môn đệ, các người trung tín
với Chúa thì được căn dặn nhìn thấy điềm báo thì hãy vui mừng và ngẩng đầu lên
chờ Chúa đến ban thưởng.
- Tuy
nhiên ngày ấy đến như kẻ trộm, nghĩa là không ai biết cụ thể, không ai biết
trước. Về thời gian thì không biết thời điểm, về hình thức thì không biết sẽ
xẩy đến bằng cách nào, nghĩa là Chúa đến hoàn toàn bất ngờ, theo một cách khác
hẳn với suy nghĩ của mọi người.
- Thế
nên người ta đã đưa ra nhiều lý luận để suy đóan viển vông rằng khi nào những
điểm báo đó xẩy đến và xẩy đến như thế nào, trước khi lời hứa trở lại của Đức
Giesu được thực hiện.
- Tuy
nhiên điều khẳng định vẫn là vũ trụ này sẽ bị xáo trộn, đảo điên, rồi qua đi, nhưng
xáo trộn kinh khủng nhất vẫn là nơi tâm lòng con người.
3. Ngày Chúa đến:
- Lịch
sử loài người đang tiến dần đến cùng đích theo kế hoạch của Thiên Chúa.
- Và
Đức Giesu đến lần thứ hai, đưa lịch sử loài người tới cùng đích ấy hầu tất cả
mọi người đều phải trình diện trước Thiên Chúa.
-
Đó là ngày Thiên Chúa toàn thắng ma quỉ cùng những sự thuộc về chúng…nên là
ngày hết sức vui mừng cho những người sống tốt lành, những người được chọn.
-
Và là ngày khủng khiếp cho những kẻ tội lỗi gian ác, những thế lực xấu xa sẽ bị
trừng trị, bị tiêu diệt.
- Nên
Mùa Vọng mang đến lời kêu gọi tỉnh thức cấp bách cho mọi Kito hữu để chọn lựa
thái độ đúng đắn khôn ngoan cho mình:
a) Thái
dộ tỉnh thức:
- Chúa nói việc trở lại của Ngài hoàn toàn bất ngờ,
nhưng Ngài vẫn cho biết trước bằng những biến cố, những dấu chỉ, bằng sự khuyên
dạy phải tỉnh thức đón chờ với nhiều dụ ngôn nói lên sự vô cùng cần thiết phải
sẵn sàng.
- Vì
chắc chắn ngày ấy sẽ đến, chúng ta sẽ phải trình diện trước mặt Chúa.
- Tỉnh
thức đấy là một thái độ tinh thần, không ngăn cách với đời sống hiện tại, nhưng
mà là một phần của đời sống hằng ngày.
- Nó
không có gì khác thường, không phải từ bỏ các hoạt động hằng ngày để theo đuổi
một cái gì xa xôi.
- Tỉnh
thức là sống với ý nghĩa thật của cuộc sống mình, sống có chủ ý, có ý thức,
biết vì sao mình được sinh ra, sống và rồi sẽ ra sao, đi về đâu.
- Dù
đẹp xấu, khôn dại, giầu nghèo, sang hèn, khỏe yếu…cũng không ai thoát được cái
chết.
- Nó
luôn rình rập, bám sát, chờ thời cơ tóm bắt chúng ta, vì thế nhiều người đã chẳng qua
được tuổi gìa.
- Để
đối phó với sự chết, là sẵn sàng, bình tĩnh giáp mặt với nó bất kỳ lúc nào và
bất kỳ ở đâu. Đừng trốn tránh nó.
- Cần
sống sao cho thần chết không gặp chúng ta lúc chưa chuẩn bị, lúc mê mẩn chuyện
thế gian, lúc đang phạm tội.
- Vậy đừng coi thường, đừng chậm trễ, hãy
đề phòng, sẵn sàng ngay từ bây giờ, lo việc phải lo, làm việc phải làm, sống
thánh thiện, thương yêu hoà hợp với nhau, cảnh giác việc phải thận trọng, bất ngờ, đó là
ý nghĩa của tỉnh thức.
- Hãy
tập cho mình không sợ chết, bằng cách thường xuyên nghĩ đến nó, và liên tục cầu
nguyện, chúng ta sẽ được an tâm trước phút giây cám dỗ nguy hiểm nhất của cuộc
đời là giờ phút hấp hối.
- Tỉnh
thức để đón nhận những bất ngờ, thú vị, sung sướng hạnh phúc và cả bất ngờ làm đau
khổ day dứt.
-
Thái độ tỉnh thức quan trọng là chú ý tới việc đón Chúa đến, không để
mình bị ảnh hưởng bởi những xáo trộn bên ngoài, rồi chán nản chè chén say sưa,
hoặc chỉ lo chuyện sống chết, chuyện thế gian.
-
Cũng cần luôn bồi dưỡng tình thương để chia sẻ với anh em hầu cùng bền tâm nhất
chí trông chờ ngày Chúa quang lâm.
- Thái độ tỉnh thức sẵn sàng
không làm thiệt hại, mà giúp chúng ta sống khôn ngoan, an tâm hạnh phúc hơn.
- Cầu nguyện cũng không
chỉ là đọc kinh, mà còn là tâm trạng luôn hướng về Chúa, hợp nhất với Chúa,
trong ý hướng và hành động sẵn sàng làm bất cứ việc gì Ngài muốn.
b) Thái độ dại khờ:
- Nhiều người sống như
không bao giờ phải chết, như thế giới là vô tận, như thế gian là thiên đàng
vĩnh cửu, mà quên rằng cuộc đời này tạm bợ, con người chỉ là những lữ hành.
- Nhiều khi còn ru ngủ
mình bằng cách tìm đến những hoan lạc vật chất, để rồi chìm đắm trong những đam
mê danh vọng, quyền lực, giầu sang, lạc thú, tính toán làm ăn, lo toan tích trữ
cho cuộc sống hiện tại.
-
Bị cuốn hút theo những làn gió mới, những trào lưu tiến bộ cải cách, muốn ngang
hàng, muốn thay thế tạo hóa, mà quên đi ngay cả những bất ngờ đơn giản cũng có
thể thiêu đốt giang san sự nghiệp và cả con người họ.
-
Buông mình vào đời sống phóng đãng, say sưa, cư xử bất công, sống ngày nào hay
ngày ấy, không cần biết đến công lý, đến tương lai.
- Quên
hẳn thời gian ngày đêm đang gặm nhắm chính cuộc đời mình.
-
Quên cả tai nạn, sự tàn phá, thiên tai, bệnh tật …chẳng trừ một ai, mà bất cứ
lúc nào cũng có thể lấy đi mạng sống chúng ta cách dễ dàng nhanh chóng.
- Kinh
nghiệm đau thương nhất nói lên sự ngây ngô dại khờ của loài người và cả khoa
học, đó là tai nạn xẩy ra cho con tàu Titanic tự hào cao vút, đã chìm đắm năm
1912 mà nay người ta còn đang tìm kiếm báu vật nó mang theo!
- Vậy nếu con tàu đời
chúng ta đang chìm dần, liệu chúng ta có miệt mài kiếm sống, mải mê tranh giành
và xin Chúa chờ một chút bởi chúng ta đang bận bịu, chưa kịp chuẩn bị đến gặp
Ngài không?
Lạy Chúa, Mùa Vọng là mùa tỉnh thức, mong chờ kỷ niệm Chúa đến
lần thứ nhất và đặc biệt là lần thứ hai để khai mở một thời đại mới tốt đẹp
vĩnh cửu.
Xin cho những vất vả khổ đau của cuộc sống cũng như những
vẻ đẹp trần gian không làm chúng con quên đi sự luôn sẵn sàng, thanh thoát để
việc Chúa đến lúc nào cũng là niềm vui mừng hoan lạc cho chúng con.
Cùng cho chúng con biết tận dụng mọi cơ hội Chúa gởi tới, hầu
nhanh chóng đến được cuộc đời viên mãn hạnh phúc.
Giờ đây chúng con mới chỉ ở ngưỡng của của năm phụng vụ
mới, nhìn tương lai chúng con cũng băn khoăn lo lắng vì gian truân vất vả đang
chờ, nhưng nhớ Lời Chúa dạy:"Anh em hãy đứng thẳng, và ngẩng đầu lên vì anh
em sắp dược cứu rỗi” mà chúng con tin tưởng, lạc quan sống, hầu tỉnh thức chờ đợi
Ngài. Vì Đức Giesu Kito Chúa chúng con. Amen.
Than men,
duyenky