CHÚT TÂM TÌNH VỚI ĐỨC MẸ SẦU BI
Phụng
vụ dành ngày 15 tháng 9 để kính Đức Mẹ sầu bi.
1.
Phụng vụ dành ngày 15
tháng 9 để kính Đức Mẹ sầu bi.
Năm nay, hơn bao giờ hết,
tôi thấy Đức Mẹ đến với tôi với tâm tình sầu bi sâu đậm khác thường. Sầu bi là
một hình thức xót thương, cảm thương.
2.
Tôi thấy Đức Mẹ từ trời
cao lại rất sầu bi trước cảnh khổ đau của nhân loại hiện giờ, còn những con cái
Mẹ ở trần gian nếu lại dửng dưng, thì quả là đáng tội.
Cảnh khổ đau của con người
hiện nay, xét về mặt phần rỗi đời đời, thực là bi đát.
3.
Trong số những người đang
phải khổ, có những người dám nói ra, cũng có những người không dám nói ra, hoặc
không muốn nói ra, và cũng có những người không biết đến mức nghiêm trọng của
nó, nên coi thường. Tôi có bổn phận phải nói ra. Vậy tôi xin phép được nói ra.
4.
Nếu có những ai vô cảm
trước những khổ đau của bao người xa gần hiện nay, thì sự vô cảm vô tâm đó đang
là một sự kiện rất bi thảm, rất buồn đau, mà sớm muộn phải trả giá.
5.
Đức Mẹ cho tôi thấy sầu
bi trước những khổ đau của người khác, của đồng bào, của nhân loại, của Hội
thánh, là sầu bi đạo đức.
6.
Trái lại, trước cảnh khổ
đau đó, mà vô cảm, thì vô cảm đó là một thiết sót đáng tội.
Nếu vô cảm đó lại là một
chủ trương, thì thiết tưởng tội sẽ nặng.
7.
Do vậy, khi Đức Mẹ đến với
tôi dưới hình thức sầu bi, thì tôi coi đó là một nhắc nhở về bổn phận liên đới
với những người đau khổ, mà Chúa Giêsu xưa đã nhấn mạnh nhiều lần, nhiều cách.
Thí dụ:
8.
Trong dụ ngôn người
Samari tốt lành, Chúa kết án nặng nề thầy tư tế và thầy Lêvi về sự dửng dưng vô
cảm trước cảnh khổ đau của một kẻ nằm ở vệ đường. Trái lại Chúa khen người
Samari có lòng sầu bi đối với nạn nhân. (X. Lc 10, 29-37).
9.
Khi nói về ngày phán xét
chung, Chúa Giêsu cũng đã nói rất rõ về phần thưởng dành cho những ai biết tỏ
lòng sầu bi đối với những kẻ khổ đau. Còn những ai vô cảm sẽ bị phạt rất nặng.
(X. Mt 25, 31-46).
10.
Khi thấy tôi bối rối băn
khoan về sự tôi chẳng làm được gì, để bớt khổ cho những kẻ khổ đau, thì Đức Mẹ
dạy tôi là hãy cứ bắt đầu bằng tâm tình: Hãy sầu bi với họ. Nghĩa là hãy có tâm
tình liên đới, chia sẻ, cùng khổ đau với họ.
11.
Tâm tình sầu bi với những
kẻ khổ đau không có nghĩa là phải tạo ra những nét mặt buồn sầu, bi thảm, mà là
tâm tình bên trong tâm hồn tôi cần phải thực sự chia sẻ.
12.
Xin phép được chia sẻ một
tâm tình đã và đang phát triển trong tôi về tính cách sầu bi, vạch đường cho hướng
đi cả đời tôi.
Năm Ất Dậu đó, ngoài Bắc
gọi là năm đói, bấy giờ tôi còn là một chủng sinh nhỏ. Một hôm, trên đường từ
Tòa Giám Mục Thái Bình về nhà xứ Thượng Phúc theo lệnh cha xứ, tôi gặp một cảnh
sầu bi hết sức thê thảm.
Nằm bên vệ đường là một
gia đình ôm nhau nằm chết. Người đàn ông trẻ buộc trên lưng một cái chiếu rách
ôm người vợ trẻ. Người phụ nữ trẻ ôm đứa con nhỏ, cả hai đều chết. Đứa con nhỏ
miệng vẫn ngậm vú mẹ. Mẹ vẫn còn ôm chặt lấy đứa con. Họ chết đói.
Hình ảnh đó rất là sầu
bi. Hình ảnh đó luôn chập chờn trong tôi. Hình ảnh đó nay như một nguồn tâm
tình cuốn lấy tôi. Tôi đau cái đau của đồng bào yêu dấu của tôi.
13.
Sầu bi đang là con đường
dẫn tôi tới Chúa, tới những con người. Biết đi vào con đường đó một cách khiêm
nhường phó thác cũng là một niềm vui thiêng liêng sâu sắc.
14.
Tới đây, tôi thấy rõ: Con
đường Chúa đào tạo các con cái Chúa là rất mầu nhiệm. Có những niềm vui, có những
nỗi buồn. Có những việc làm, có những tâm tình. Có những chiều kích hữu hình,
có những chiều kích thiêng liêng vô hình.
15.
Riêng đôi với tôi, sầu bi
là một con đường đào tạo quan trọng.
Trước hết, tôi được Chúa
cho thấy: Có một thứ sầu bi có giá trị cứu độ. Đó là sầu bi nơi Đức Mẹ. Đức Mẹ
sầu bi, vì xót thương con người lầm lạc, khổ đau.
Xót thương của Đức Mẹ
không phải là tình cảm phản ứng bề ngoài, mà là tình cảm muốn chịu khổ thay.
16.
Rất nhiều lần, khi tôi
đang đau khổ, thì nghe Mẹ nói với tôi: “Con cho Mẹ xin”. Tôi hiểu Mẹ muốn tôi
nhường cho Mẹ sự đau khổ tôi đang chịu. Tôi xin vâng phó thác. Kết quả thấy rõ.
Tôi được vơi nhẹ đi khổ đau của mình.
17.
Từ những kinh nghiệm như
thế, tôi nhận ra Đức Mẹ sầu bi là người mẹ rất tỉnh thức, rất tế nhị, rất nhạy
bén. Để rồi, khi tôi sầu bi đối với ai, thì cũng phải tỉnh thức, tế nhị, bén nhạy.
Nhiều khi chỉ sớm một phút là cứu được họ. Nếu chậm chỉ một phút, thì sẽ là quá
muộn.
18.
Hình ảnh gia đình trẻ nằm
ôm nhau cùng chết đói trên vệ đường, mà tôi vừa nhắc tới đang đốt lên trong tôi
lửa sầu bi có sức cứu độ.
19.
Lửa sầu bi có sức cứu độ
cũng đang được đốt lên trong lòng nhiều người trên thế giới nói chung và tại Việt
Nam nói riêng.
Chúng ta hãy trân trọng lửa
thiêng liêng đó.
Lạy Mẹ sầu bi, xin Mẹ
luôn ở bên chúng con.
20.
Nói xong lời cầu trên
đây, tự nhiên tôi nhớ tới lời sầu bi Chúa đã nói xưa ở vườn Cây Dầu: “Linh hồn
Thầy buồn sầu đến chết được” (Mc 14,34). Tôi hiểu Chúa đang đón nhận lửa sầu bi
của chúng ta. Xin hết lòng cảm tạ Chúa.
Long xuyên, ngày
15.9.2019
ĐGM GB Bùi Tuần,
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét