Thứ Năm, 3 tháng 10, 2019

Ở đời có một tri kỷ thì không còn gì phải ân hận


Ở  đời  có  một  tri  kỷ  thì  không  còn  gì  phải  ân  hận
An Hòa•Thứ Năm, 11/10/2018 • trithucvn.net
Cổ nhân có câu: “Đắc nhất tri kỷ, khả dĩ bất hận”, nghĩa là “Ở đời có được một người tri kỷ thì không còn ân hận gì nữa”. Tuy nhiên, có dễ mấy ai sống hết một kiếp nhân sinh mà có thể tìm cho mình một người tri kỷ!

Thời Xuân Thu, nước Tề có vị tể tướng nổi tiếng Quản Di Ngô, tự là Trọng, phò tá Tề Hoàn Công, đã giúp cho nước Tề trở nên hùng bá một phương. Quản Trọng có một người bạn từ thuở hàn vi, tên là Bảo Thúc Nha.

Ở đời có một tri kỷ thì không còn gì phải ân hận

Ở đời có một tri kỷ thì không còn gì phải ân hận
Quản Trọng (Ảnh qua zhihu.com)


Gia đình Bảo Thúc Nha thời đó giàu có hơn nhà Quản Trọng, khi chưa ra làm quan, hai người cùng nhau buôn bán, mỗi lần chia tiền lãi, Quản Trọng thường lấy phần hơn. Bằng hữu của hai người đều bất bình nói rằng Quản Trọng thật tham lam. Nhưng Bảo Thúc Nha lại vui vẻ nói: “Các vị không hiểu rồi, gia cảnh nhà Quản Trọng đang lúc quẫn bách, huynh ấy còn có cha mẹ già cần phải phụng dưỡng, lấy nhiều tiền lãi hơn là điều đáng làm.” Việc này truyền đến tai Quản Trọng, Quản Trọng vô cùng cảm động.

Quản Trọng ở bên ngoài thường bị lắm kẻ nạt dọa, ức hiếp mà không một lời phản kháng. Mọi người cười chê, cho rằng Quản Trọng nhu nhược, hèn nhát. Nhưng Bảo Thúc Nha lại lên tiếng bênh vực bạn là người khoan dung.

Quản Trọng và Bảo Thúc Nha từng cùng nhau ra chiến trường, Quản Trọng thường lui về phía sau, biểu hiện tựa như không có chút dũng cảm nào. Thậm chí sau khi thu quân về thì Quản Trọng cũng thường đi trước. Mọi người lại thấy bất bình với Quản Trọng. Biết chuyện này, Bảo Thúc Nha đã nói với mọi người: “Quản Trọng có nguyên nhân khó nói, cha mẹ huynh ấy đã già rồi, chỉ có một người con trai là huynh ấy, vạn nhất huynh ấy có mệnh hệ gì, lấy ra ai phụng dưỡng cha mẹ già?”



Sau này Quản Trọng nhiều lần ra làm quan, nhưng cũng bị miễn chức nhiều lần vì biểu hiện không tốt. Bảo Thúc Nha khi biết việc này đã nói với mọi người: “Kỳ thực, Quản Trọng không phải người không có năng lực, chỉ vì vận khí không tốt, chưa gặp thời, chưa gặp vua hiền mà thôi. Những việc nhỏ đó không thích hợp để Quản Trọng làm, năng lực huynh ấy rất lớn, có thể làm nhiều chuyện đại sự hơn nữa.”

Sau này, Quản Trọng phò tá công tử Củ nước Lỗ nhưng bị thất bại, còn Bảo Thúc Nha phò tá công tử Tiểu Bạch lại tiếp quản chính quyền nước Tề, trở thành Tề Hoàn Công. Công tử Củ bị vua nước Lỗ giết chết. Vua Lỗ lại bắt Quản Trọng và Thiệu Hốt là người phò công tử Củ giao nộp cho Tề Hoàn Công. Thiệu Hốt tự tử. Còn Quản Trọng thì chịu tội với Tề Hoàn Công vì trước đây từng bắn cung tên vào Tề Hoàn Công.

Sau khi lên ngôi, Tề Hoàn Công gọi Bảo Thúc Nha đến và nói: “Nước ta trải qua biết bao hỗn loạn, nay cục diện đã định, ta muốn làm sao cho bách tính có thể sinh sống an vui, khanh hãy ra làm tể tướng, phò trợ ta an bang trị quốc.”

Ở đời có một tri kỷ thì không còn gì phải ân hận

Ở đời có một tri kỷ thì không còn gì phải ân hận
Bảo Thúc Nha tiến cử Quản Trọng. (Tranh qua Zhihu.com)


Không ngờ, Bảo Thúc Nha đã khảng khái từ chối, còn tiến cử Quản Trọng làm tể tướng, khẳng định rằng chỉ có Quản Trọng mới có tài năng giúp vua thực hiện đại nghiệp. Tề Hoàn Công nghe lời khuyên, đã bỏ qua thù hận, tổ chức nghi lễ long trọng mời Quản Trọng làm tể tướng. Quả nhiên về sau này, dưới sự phò tá của Quản Trọng, nước Tề ngày một cường đại và hưng thịnh hơn.

Người ta chê Quản Trọng không giữ được khí tiết như Thiệu Hốt. Nhưng Thúc Nha lại nói: “Quản Trọng nhẫn nhục thờ Tề Hoàn Công không phải vô sỉ, mà là người không câu chấp những tiểu tiết thường tình. Đó chính là bậc đại trí của thiên hạ.” Sau này, để Quản Trọng có thể tiến xa hơn nữa trong quan trường, Bảo Thúc Nha thậm chí còn xin lui về ở ẩn trồng rau. Tề Hoàn Công khi biết được tình bạn tri kỷ của hai người họ cũng hết sức cảm động.

Quản Trọng nghe được những lời Bảo Thúc Nha nói về mình, thường cảm thán: “Sinh ra ta, nuôi ta lớn là cha mẹ. Nhưng hiểu ta giúp ta, ở đời chỉ có một Bảo Thúc Nha mà thôi.”


Quả thực, ở đời này trăm năm tri kỷ khó tìm, tri âm khó gặp, bạn hiền khó quen. Người thật sự biết được mình, hiểu mình, đồng cảm với mình chính là tri kỷ. Bậc tri kỷ sẽ chẳng đợi mình phải tỏ bày mà đã hiểu hết nỗi lòng, chẳng đợi mình lên tiếng mà đã có thể mỉm cười tâm giao. Phàm là những bậc đại trí đại tài thì lại càng ít người hiểu họ, càng ít người tri kỷ, như Quản Trọng sau này nên nghiệp lớn, cũng đều là nhờ công của Bảo Thúc Nha.

An Hòa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét