Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2019

KHÍCH LỆ NHỮNG NGƯỜI DỊ TIẾN BƯỚC

Khích  Lệ  Những  Người  Li  Dị  Tiến  Bước

JM. Lam Thy ĐVD
Chủ đề mục vụ tháng 10/2019 là: LÀM THẾ NÀO ĐỂ KHÍCH LỆ NHỮNG NGƯỜI LI DỊ TIẾN BƯỚC TRÊN ĐƯỜNG HƯỚNG VỀ THAM DỰ TRỌN VẸN? Theo Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (số 1664), một bí tích hôn nhân thành sự chỉ được giải gỡ bởi cái chết của một người trong hai vợ chồng, và nếu không như vậy thì cuộc hôn nhân thứ hai sẽ không được công nhận. Chắc chắn sự ly dị và cuộc hôn nhân dân sự mới của những người đã cử hành thành sự bí tích hôn phối, phải được tính đến khi lượng giá sự kết ước vợ chồng của các tín hữu.

Vấn đề này đã được Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II phân giải: “Tôi nồng nhiệt kêu mời các chủ chăn và toàn thể cộng đoàn tín hữu hãy giúp đỡ những người ly dị đã tái hôn. Bằng một lòng bác ái rộng lớn, tất cả sẽ làm thế nào để họ không cảm thấy bị lìa xa Hội Thánh, vì là những người đã được rửa tội, không những họ có thể mà còn phải dự phần vào đời sống Hội Thánh. Người ta sẽ mời họ lắng nghe Lời Thiên Chúa, tham dự Hy tế thánh lễ, kiên trì cầu nguyện, góp phần vào các công cuộc bác ái và vào các sáng kiến của Hội Thánh để phụng sự công lý, giáo dục con cái họ trong đức tin Ki-tô giáo, vun trồng tinh thần đền tội và làm các việc đền tội để ngày qua ngày thành khẩn nài xin ơn thánh của Thiên Chúa. Ước gì Hội Thánh cầu nguyện cho họ, khích lệ họ và tỏ ra là một người mẹ nhân từ đối với họ, và nhờ đó giữ họ trong đức tin, đức cậy.” (Tông huấn Gia đình “Familiaris Consortio”, số 84).
Để khích lệ những người ly dị tiến bước, xin đề nghị các tiêu chí hướng dẫn, quy về hành động liên kết chặt chẽ, đó là: đồng hành, phân định và hội nhập:

1- Đồng hành: 
Trước hết, Giáo hội luôn mời gọi các chủ chăn và toàn thể cộng đoàn phải làm sao để những người ly dị tái hôn cảm thấy rằng họ vẫn là thành phần của Giáo hội, không bị rút phép thông công và không bị đối xử kỳ thị. Bằng một lòng bác ái rộng lớn, với sự đón nhận và đồng hành cách gần gũi, khôn ngoan và tôn trọng, cộng đồng Dân Chúa phải cho họ thấy rằng không những họ có thể mà còn phải dự phần vào đời sống Giáo hội nữa. Vì thế, cần phải tránh mọi kiểu nói và thái độ làm cho họ cảm thấy bị kỳ thị, tránh những hình thức xét đoán, lãnh đạm hoặc bỏ rơi hay chỉ giới hạn việc mục vụ của mình đối với họ vào vấn đề có nên cho lãnh nhận các bí tích hay không mà thôi; nhưng cần khuyến khích và hội nhập họ vào đời sống cộng đoàn.

Cộng đoàn Ki-tô hữu cần xem họ như thành phần của mình và đối xử với họ bằng tình mẫu tử, cầu nguyện cho họ, khuyến khích và hỗ trợ họ trong đức tin và đức cậy, soi sáng cho họ bằng Lời Chúa, thôi thúc họ đến một cuộc sống luân lý theo đức ái cao cả, mời gọi họ đến với sự hoán cải. Với tất cả sự tế nhị và với những cơ hội có được, như khi họ xin rửa tội cho con cái, gia đình họ có tang chế hoặc có người ốm đau, các mục tử và cộng đoàn nên gần gũi họ và bắt đầu việc đối thoại để có thể soi sáng cho họ biết về lập trường của Giáo hội đối với họ, không che giấu họ về sự thật của hoàn cảnh họ đang sống, đồng thời cũng làm chứng một tình bác ái chân thành. Nói cách cụ thể, cộng đồng Ki-tô hữu (cả tư tế thừa tác và tư tế cộng đồng) luôn đồng hành với họ, khích lệ họ tiến bước trên lộ trình Tin Mừng yêu thương đồng cảm.

2- Phân định: 
Sự phân định mục vụ của vị linh mục là để trợ giúp sự phân định cá nhân của các tín hữu ly dị tái hôn, ngõ hầu họ có thể ý thức về tình cảnh của họ trước mặt Thiên Chúa bằng cách phán đoán một cách đúng đắn những chướng ngại vật đang ngăn cản sự tham dự đầy đủ hơn của họ vào đời sống Giáo hội và các bước có thể giúp họ thực hiện và làm tăng triển sự tham dự đó. Sự phân định sẽ liên quan đến cuộc hôn nhân trước và đến sự kết hợp đôi lứa mới, bằng cách phân biệt thích đáng trách nhiệm cá nhân và điều tốt nhất có thể. Sự phân định này đòi hỏi phải chú ý đến các yếu tố giảm khinh trong phân định mục vụ cũng như các quy luật phân định.

Tông huấn Niềm Vui Yêu Thương “Amoris Laetitia” (số 301) giải thích: “Hội Thánh có một lối suy tư vững chắc về những điều kiện và những hoàn cảnh giảm khinh. Bởi thế, người ta không thể nói rằng tất cả những người đang ở trong một hoàn cảnh gọi là “trái qui tắc” là đang sống trong tình trạng tội trọng, mất đi ơn thánh hóa. Các giới hạn đó không chỉ tùy thuộc vào sự thiếu hiểu biết về luật. Một người, dù biết rõ luật, cũng có thể gặp khó khăn lớn trong việc hiểu biết “các giá trị hàm ẩn trong nguyên tắc luân lý”, hoặc có thể đương sự đang ở trong các điều kiện cụ thể không cho phép người ấy hành động khác đi và có những quyết định khác mà không mắc một tội mới.”

Phân định cũng phải luôn luôn dựa trên cơ sở đạo lý nhưng cũng cần tránh những phán đoán hời hợt không để ý đến sự phức tạp của những hoàn cảnh hay sự đau khổ vì hoàn cảnh. Cẩn trọng như thế mới có thể tìm ra được những phương cách đồng hành phù hợp và hiệu quả. Còn trường hợp có thể phục hồi hôn nhân trước là điều có thể thấy được, cộng đồng Ki-tô hữu cần mời gọi và giúp những người ly dị tái hôn chấm dứt tình trạng “trái quy tắc” hiện tại mà tái hợp hôn nhân đã thành sự trước đó, nhờ vậy, được sống sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội và với ân sủng Chúa ban trong hôn nhân. Có những trường hợp cần giúp họ chọn lối sống diễn tả được tính duy nhất và bất khả phân ly của hôn nhân Ki-tô giáo. Còn nếu có nghi ngờ việc thành sự của dây hôn phối đã ký kết, cộng đoàn cần giúp họ tiến hành thủ tục điều tra để có thể đi đến tuyên bố hôn nhân vô hiệu theo hướng dẫn của Giáo hội.

3- Hội nhập: 
Hướng đến lý tưởng toàn vẹn của hôn nhân và ý thức về tình cảnh và trách nhiệm của mình trước mặt Thiên Chúa và đối với Giáo hội, các tín hữu ly dị tái hôn phải được hội nhập vào đời sống Giáo hội. Vì mục tiêu ấy, cần nhắc lại rằng đức ái huynh đệ đòi hỏi bất kỳ sự lựa chọn cá nhân nào cũng phải tránh tất cả cớ vấp phạm đối với đức tin của người khác. Trợ giúp các tín hữu ly dị tái hôn tìm cách riêng của họ để tham gia vào đời sống Giáo hội. Đôn đốc các thành viên của cộng đoàn Giáo hội cư xử với họ theo lòng thương xót. Một sự hội nhập như thế là chìa khóa cho việc đồng hành mục vụ, để giúp họ không những biết mình thuộc về Thân thể Chúa Ki-tô mà còn có thể có một kinh nghiệm thuộc về Giáo hội tràn đầy niềm vui và sinh nhiều hoa trái.

Họ là những người đã được rửa tội, là anh chị em, những người Chúa Thánh Thần đổ xuống muôn vàn ơn huệ và đặc sủng vì thiện ích của mọi người. Họ có thể tham gia vào nhiều việc phục vụ khác nhau trong Giáo hội. Do đó, cần phân định xem có thể vượt qua những hình thức loại trừ nào đang được thi hành trong lãnh vực phụng vụ, mục vụ, giáo dục và cơ chế. Không những không được làm cho họ cảm thấy bị xa lìa Giáo hội, mà còn phải làm cho họ cảm thấy có thể sống và trưởng thành như những thành viên sống động của Giáo hội, cảm thấy Giáo hội như một người Mẹ luôn đón nhận họ, ân cần trìu mến chăm sóc họ và khích lệ họ trên hành trình cuộc sống. Việc hội nhập này cũng cần thiết cho việc chăm sóc và giáo dục đức tin Ki-tô giáo cho con cái họ, là những đối tượng phải được xem là quan trọng nhất.

Như vậy, trong mọi trường hợp, các mục tử và cộng đoàn Ki-tô hữu được mời gọi ân cần tiếp đón, đồng hành khôn ngoan, phân định cẩn trọng từng trường hợp của những người ly dị tái hôn. Cần giúp cho những đối tượng này hiểu được ý nghĩa sâu xa về thái độ của Giáo hội đối với họ không phải là việc phân biệt đối xử, nhưng là thái độ tôn trọng mọi người và mọi giá trị liên hệ, nhất là lòng trung thành của Giáo hội với Tin Mừng. Kế đến, cần đồng hành với họ để xét xem họ có hội đủ những điều kiện để được xưng tội và qua đó được hiệp thông Thánh Thể như luật buộc hay không (xc “Bí tích Hôn phối” trong Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 1601-1666).

Tông huấn Gia Đình “Familiaris Consortio” (số 84) đã khẳng định: “Quả vậy, được thiết lập để đưa dẫn mọi người tới ơn cứu độ, cách riêng những người đã chịu phép rửa tội, Hội Thánh không thể bỏ mặc những người, đã được kết hợp trong dây bí tích hôn phối, nay lại muốn cưới người khác. Nên Hội Thánh phải cố gắng không biết mỏi mệt để đem các phương tiện cứu rỗi của mình cho họ sử dụng… Tôi nồng nhiệt kêu mời các chủ chăn và toàn thể cộng đoàn tín hữu hãy giúp đỡ những người ly dị đã tái hôn. Bằng một lòng bác ái rộng lớn, tất cả sẽ làm thế nào để họ không cảm thấy bị lìa xa Hội Thánh, vì là những người đã được rửa tội, không những họ có thể mà còn phải dự phần vào đời sống Hội Thánh... Khi hội đủ điều kiện, cần giúp họ được xưng tội và rước lễ như nguyện vọng của họ, trong khi cũng xét đến những lợi ích mục vụ khác nữa.”

Giáo huấn của Giáo hội mời gọi các mục tử và các tín hữu tiếp cận các gia đình cách đa diện hơn, hiện sinh hơn khi biết chú ý đến các hoàn cảnh đầy khó khăn của những con người cụ thể trong hành trình tiệm tiến đến sự hoàn thiện Ki-tô giáo. Khi hành động như thế, Hội Thánh tuyên xưng rằng mình trung thành với Đức Ki-tô và với bản chất đích thực của mình; đồng thời, với một lòng từ mẫu, Hội Thánh cúi mình lo cho con cái, cách riêng là những người con đã bị người phối ngẫu hợp pháp của họ từ bỏ mà không do lỗi của họ. Với một lòng tin tưởng mãnh liệt, Hội Thánh tin rằng ngay cả những người đã lìa xa lệnh truyền của Chúa và đang tiếp tục sống trong tình trạng ấy, cũng có thể nhận được ơn hoán cải và cứu rỗi nơi Thiên Chúa, nếu họ kiên trì trong kinh nguyện, thống hối và bác ái. Cộng đoàn phải biết đồng hành và phân định để giúp họ không phải chọn điểm đến cho bằng chọn lối đi, chọn con đường tiến bước.

Kết luận:

Tóm lại, Giáo hội không ngừng nhìn nhận và tái khẳng định rằng việc ly dị tái hôn là ngược với Tin Mừng, với đòi hỏi của hôn nhân là duy nhất và bất khả phân ly; sự kết hợp mới của họ không thể cắt đứt dây hôn phối thứ nhất, và tự mình đi ngược lại với giáo huấn của Chúa (Lc 16,18; Mc 10,11-12; 1 Cr 7,10-11). Tuy nhiên, với ý thức mình được thiết lập để đưa dẫn mọi người đến ơn cứu độ, cách riêng những người đã chịu phép Rửa Tội, Giáo hội cũng không thể bỏ mặc những người đã được kết hợp trong dây hôn phối, nay lại kết hôn với người khác. Vì thế, Giáo hội – người thầy mang trong mình tâm hồn của người mẹ – luôn luôn cảm thương, tìm kiếm điều tốt lành và ơn cứu độ cho con cái, luôn cố gắng không biết mệt mỏi để đem các phương tiện cứu rỗi của mình cho họ sử dụng.

Trong mọi hoàn cảnh, Giáo hội – mà cụ thể là các vị mục tử và cộng đoàn tín hữu – được mời gọi đồng hành với các tín hữu ly dị tái hôn, phân định hành trình dành cho họ, hội nhập họ nhiều hơn vào đời sống Hội Thánh. Cũng bởi vì chăm sóc các gia đình, vốn là tế bào, là nền tảng của Giáo hội và xã hội; nhiệm vụ này không thể giới hạn vào một vài gia đình cụ thể nhưng là với mọi gia đình trong mọi trạng huống của nó. Sẽ là ảo tưởng nếu chúng ta mong đợi một giải pháp chung và dứt khoát để áp dụng cho mọi hoàn cảnh cũng như mọi trạng huống của gia đình. Vì thế, trong việc đồng hành với các gia đình, luôn luôn cần đến một sự phân định, để với từng trạng huống, từng hoàn cảnh, cộng đoàn có được một giải pháp mục vụ khả dĩ nhất.
Ước được như vậy. Amen.

JM. Lam Thy ĐVD.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét