“Không có tâm kính sợ”
là điều đáng sợ nhất trên thế gian
An
Hòa•Thứ Năm, 31/10/2019 • trithucvn.net
(Hình minh họa: Qua keithberr.com)
Cổ nhân cho rằng, làm người
phải biết kính sợ. Người biết kính sợ mới có thể chỉnh tề, thuần nhất, mới
không tùy tiện phóng túng. Khi trong tâm một người có kính sợ thì người ấy mới
có thể tự ước thúc bản thân, chú trọng tu tâm dưỡng tính, không làm ra những sự
tình thương thiên hại lý. Trên thế gian, không có tâm kính sợ là điều đáng sợ
nhất.
Làm người
không thể không có tâm kính sợ
Thời xưa, cổ nhân giảng rất
nhiều về tâm kính sợ. Có thể thấy, tâm kính sợ là đạo làm người, cũng là một truyền
thống tốt đẹp của con người từ xưa đến nay.
Trong sách “Lễ Ký” viết:
“Nếu không bất kính thì dung mạo sẽ nghiêm cẩn, lời nói sẽ an định và trị an được
dân chúng”.
Trong“Kinh thi” viết:
“Con người không biết sợ tai họa thì trời sẽ giáng tai nạn xuống cho
con người”.
Danh y Tôn Tư Mạo cũng
cho rằng làm người phải biết sợ mới không gặp tai họa. Ông nói: “Cái sợ quan trọng
nhất là phải biết sợ Đạo, sau đó sợ Trời, kế tiếp đến là vật, sợ người,
cuối cùng là sợ chính bản thân mình.”
“Luận ngữ” viết: “Người
quân tử có ba điều cần kính úy: kính sợ luật lệ của trời đất, kính cẩn với người
đức cao vọng trọng, và nghiêm kính tuân theo lời nói của bậc thánh nhân”. Chính
vì biết “kính sợ” nên người quân tử luôn cố gắng tu dưỡng và phát triển bản
thân để đạt đến cảnh giới cao hơn. Cái gọi là “úy” ở đây chính là tôn kính,
kính trọng, kính sợ. Người mà không biết “kính sợ” ai, “kính sợ” điều gì thì thực
sự rất nguy hiểm. Đằng sau sự “kính nể, kính sợ” này còn là tâm thái khiêm tốn,
nhún nhường.
Khổng Tử cũng viết: “Tiểu
nhân, người vô minh không hiểu mệnh trời nên không biết sợ, khinh mạn bậc đại
nhân, coi thường lời nói của Thánh nhân”. Kẻ tiểu nhân, vô minh mặc dù tri thức
hạn hẹp nhưng lại cho mình là tài giỏi hơn người, chỉ trích lời nói của bậc
thánh hiền, thật sự là vô cùng nguy hiểm.
Dân gian cũng lưu truyền
nhiều câu nói để khuyên răn người đời như: “Người đang làm Trời đang nhìn”,
“Trên đầu ba thước có Thần linh”, “Không làm việc trái thiên lý, nửa đêm không
sợ quỷ thần gõ cửa”… Đây đều là bởi vì người xưa tin rằng Thần linh là có tồn tại.
Thần linh là nhân từ, là công chính, là trừng ác dương thiện, con người phải biết
kính sợ để không dám làm những sự tình xấu.
Con người một khi không
có tâm kính sợ thì thông thường sẽ trở nên không kiêng nể gì, muốn làm gì liền
làm nấy, coi trời bằng vung, ngang ngược làm càn. Kết cục cuối cùng mà người ấy
nhận được chính là sự hủy hoại bản thân mình, làm hại đến người khác.
Người biết kính sợ làm gì
cũng suy xét
Tâm kính sợ xuất phát từ
tín ngưỡng của con người. Trong tâm một người biết kính sợ, kiêng nể thì mới có
thể tự quy phạm và ước thúc ngôn hành cử chỉ của bản thân mình. Người có tâm
kính sợ sẽ có dáng vẻ khiêm tốn, cung kính. Bởi vì có tâm kính sợ nên trước khi
làm việc gì họ cũng đều cân nhắc, suy xét, nếu là việc ác thì nhất định sẽ
không làm.
Dương Chấn sống vào thời
Đông Hán là một người như vậy. Ông là người vô cùng công chính liêm khiết,
không mưu cầu tư lợi, là vị quan liêm khiết hiếm thấy trong lịch sử. Một lần,
trên đường Dương Chấn đến nhậm chức Đông Lai Thái Thú có đi qua Xương Ấp. Lúc ấy,
huyện lệnh của Xương Ấp là Vương Mật – là người mà Dương Chấn đề bạt khi ông
đang làm Thứ Sử Kinh Châu. Vương Mật nghe nói Dương Chấn đi ngang qua địa
phương, vì để báo đáp ân tình của Dương Chấn năm xưa đã đề bạt mình nên đã đến
gặp Dương Chấn.
Vương Mật có mang theo
năm cân bạc trắng, đợi đến nửa đêm lấy ra để báo đáp Dương Chấn. Dương Chấn
nói: “Chúng ta là bạn cũ, ta rất hiểu thái độ làm người của ông, ông cũng hiểu
biết ta, vì sao lại làm thế?”
Vương Mật nói: “Bây giờ
là đêm khuya khoắt vắng người, không có ai biết cả”.
Dương Chấn nói: “Trời biết,
Thần biết, ta biết, ngươi biết, sao có thể nói là không ai biết được?” Vương Mật
nghe xong, hổ thẹn mà rời đi.
Con người phải biết kính
sợ lương tâm của mình. Một người chỉ khi có tâm kính sợ, mới giữ được lương
tâm, mới ý thức được nghĩa vụ, mới hình thành được ý thức trách nhiệm, mới duy
hộ được đạo đức. Đây cũng là cảnh giới cao nhất của làm người.
Không có
tâm kính sợ là điều đáng sợ nhất
Trong ‘Hồng Lâu Mộng‘ của
tác giả Tào Tuyết Cần, Vương Hy Phượng được miêu tả là một người phụ nữ có dung
nhan lộng lẫy, vô cùng quý phái, thông minh và có tài đối đáp. Nhưng cái chết của
Vương Hy Phượng lại bởi vì cái “thông minh quá” này mà ra.
Kỳ thực, Vương Hy Phượng
thông minh không phải điều sai, mà cái sai của Vương Hy Phượng chính là không
biết sợ, gan lớn đến mức không biết sợ điều gì, sống hai mặt, xu nịnh bề trên, ức
hiếp kẻ yếu. Cô là người nắm trong tay quyền lực dòng tộc, nhưng sẵn sàng ra
tay sát phạt mà không nể tình, chẳng sợ bị người đời oán hận mà nguyền rủa. Một
con người mà thủ đoạn nào cũng chẳng chừa, có thể dồn người khác tới bước đường
cùng, lời nói sắc tựa dao cắt xẻ tâm can của người.
Đương nhiên, tính cách
này của Hy Phượng chịu ảnh hưởng nhiều từ việc giáo dục của gia đình. Đường đường
là tiểu thư của vương gia, vậy mà cô không biết chữ. Hy Phượng chưa từng đọc
qua sách thánh hiền, lời giáo huấn của thánh nhân, cách đối nhân xử thế cũng
không biết. Có thể nói, Hy Phượng khuyết thiếu chuẩn tắc đạo đức căn bản của
làm người.
Khi một người không có
chuẩn tắc đạo đức, lại không nguyện ý tu dưỡng, không ước thúc được bản thân
thì dần dần sẽ trở nên đáng sợ, giống như mãnh hổ ra khỏi lồng, ngỗ ngược khó
thuần phục.
Con người một khi không
có tín ngưỡng thì sẽ không có tâm kính sợ, khi không có tâm kính sợ thì việc gì
họ cũng dám làm. Thậm chí cả giết người hại mệnh, họ cũng không từ. Một người
chỉ có biết kính sợ mới có thể thận trọng làm người, mới có ý niệm dè chừng, mới
có ranh giới thiện ác, mới có thể ở trong xã hội phức tạp mà không bị tạp niệm
quấy nhiễu, không vì danh lợi cá nhân mà mệt mỏi, không vì sự hấp dẫn của danh
lợi tình mà bất chấp, cuối cùng rước họa vào thân.
An Hòa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét