ned (Ps. 51) – God bless ! Deo Gratias !
Monday, November 11, 2019
TẦM NHÌN
Thấy Thời Tiết Biết Mưa Hay Nắng
Nhìn Sự Đời Suy Trước Đoán Sau
Theo kinh nghiệm, người ta có kết luận: “Giàu
hai con mắt, khó hai bàn tay.” Điều đó cho thấy rằng con mắt và đôi tay rất
cần thiết trong sinh hoạt hằng ngày. Đặc biệt là con mắt, khác một chút thôi
cũng thấy khổ sở lắm rồi – như bụi vô mắt hoặc đau mắt.
Con mắt cần có thị lực mạnh để thấy rõ ràng,
thấy để biết, biết để hiểu, hiểu rồi hành động. Thị lực càng mạnh thì tầm nhìn
càng xa và rộng, về tầm nhìn tinh thần hoặc tâm linh cũng tương tự.
Rất quan trọng về khả năng nhìn – thể lý,
tinh thần và tâm linh. Khả năng nhìn về thể lý là “thị lực” của đôi mắt. Cần
thiết lắm! Tầm nhìn về tinh thần và tâm linh là sự nhận xét tinh tế đối với sự
kiện hoặc tình huống nào đó. Càng quan trọng hơn!
Hellen Keller (1880–1968, văn sĩ người Mỹ) so
sánh: “Sự ích kỷ và sự phàn nàn khiến tha hóa tâm hồn, tình yêu và niềm vui
làm cho tầm nhìn trở nên rõ ràng và sắc nét.” Robertson Davies (1913–1995,
tiểu thuyết gia, ký giả, kịch tác gia, nhà phê bình văn học người Canada) xác
định: “Mắt chỉ nhìn thấy những gì trí óc sẵn sàng lĩnh hội.” Phẩm chất
của người lãnh đạo tùy vào tầm nhìn, năng lực và kiên cường.
Điều đó được Kinh Thánh nói rõ: “Thủ lãnh
khôn ngoan thì giáo dục dân mình, và uy thế của người thông minh thật là vững
chắc. Thủ lãnh dân thế nào, các viên chức thừa hành cũng thế, người đứng đầu
một thành làm sao, toàn thể dân cư cũng vậy. Một ông vua dốt nát làm cho dân
nước phải suy vong, một thành hưng thịnh là nhờ trí thông minh của các nhà cầm quyền.”
(Hc 10:1-3) Còn Thánh Phêrô cho biết: “Tin Mừng đã được loan báo ngay cho cả
những kẻ chết, để tuy bị phán xét về phần xác theo cách nhìn của loài người, họ
được sống về phần hồn theo ý định của Thiên Chúa.” (1 Pr 4:6)
Con mắt có thể thấy nhiều thứ, một trong các điều
quan trọng là điềm báo – điềm lành hoặc điềm gở (xấu, xui). Có khi điềm báo
xuất hiện trong giấc chiêm bao, cũng có khi xảy ra ở ngoài đời, thậm chí có thể
qua linh tính. Người ta cho rằng “gương vỡ” là điềm gở về sự chia ly nào đó.
Liệu chúng ta có thể thay đổi hoặc “giải” nó? Hay đó là “số mệnh” mà chúng ta
không thể làm gì, chỉ biết thụ động, miễn cưỡng? Cụ Nguyễn Du nói: “Có trời
mà cũng có ta.” Ý nói chúng ta phải cố gắng “vượt qua chính mình” để vươn
lên không ngừng. Thiên Chúa chỉ muốn điều tốt lành cho chúng ta, nếu có gì xấu
xa là do con người mà thôi. Lời cầu nguyện và lòng sám hối có thể thay đổi số
phận.
Thật vậy, cổ nhân đã từng trải nghiệm và xác
định: “Đức năng thắng số” – phúc đức có thể vượt lên số mệnh, hoặc “Nhân
lực thắng Thiên” – khả năng con người có thể cải mệnh Trời. Và tiền nhân
cũng dạy: “Tiên tích đức, hậu tầm long” – phải lo tích đức rồi mới lo
tìm đất (ý nói về “phong thủy”). Hoặc như tục ngữ nói: “Tiên học lễ, hậu học
văn.” Quả thật, cái ĐỨC rất quan trọng, hơn hẳn mọi thứ khác (tài năng, của
cải, địa vị, chức tước, danh vọng,...), như chúng ta vẫn thường nói: “Sống
để đức cho con cháu.” Tại sao phải để “đức” mà không cần để “của” lại cho
chúng? Rõ ràng người ta duy tâm chứ chẳng duy vật hoặc vô thần, nhưng vì tự ái
mà muốn loại bỏ Thiên Chúa mà thôi.
Cách tin cũng quan trọng. Điềm báo có thể do
mê tín dị đoan, có thể do quan niệm, nhưng cũng có thể là dấu lạ điềm thiêng. Dân
gian có kinh nghiệm này: “Quầng cạn, tán mưa,” hoặc “Vàng gió, đỏ mưa.”
Nông dân biết rõ điều đó. Xưa nay đều có điềm báo, dù người ta có tin hay không
tin. Trong Cựu Ước, ông Ghít-ôn đã “dùng lông cừu để nhận biết điềm báo,” (Tl
6:36-40) và ông cũng nhận biết “điềm báo thắng trận” qua giấc mơ. (Tl 7:9-15) Nhiều
chỗ trong Phúc Âm cũng ghi lại các điềm báo. Đặc biệt nhất, Thập Giá là điềm
báo hoặc biểu tượng của đau khổ, nhưng cũng là điềm báo hoặc biểu tượng của
hạnh phúc: Ơn Cứu Độ. Đó là cái họa hóa cái phúc.
Các điềm báo có thể dễ nhận thấy hoặc khó
nhận biết, dự đoán có thể đúng một chút hoặc sai hoàn toàn, đôi khi lại chỉ là…
đoán mò! Khi dự báo thời tiết, người ta thường nói chung chung: “Ít nắng,
nhiều mưa,… Vùng này hoặc miền nọ có thể có mưa giông… Bão (hoặc áp thấp) biến
chuyển rất phức tạp.” Cụ thể là đầu tháng 11-2013, người ta dự báo cơn bão
số 13 sẽ dữ dội đổ bộ vào Saigon, thế nhưng rốt cuộc lại không hề có bão. Dự đoán
sai có thể do “trình độ” của con người yếu kém, nhưng cũng có thể tại con người
đã “làm rối” thiên nhiên nên thời tiết biến động thất thường, và con người
không còn biết đường nào mà dự đoán “kế hoạch” của Trời như trước đây nữa. Con
người thật nhỏ bé trước thiên nhiên mà lại dám “chống thiên tai” hoặc “chống lũ
lụt” thì đúng là uống “thuốc liều” quá mức. Liệu có “chống” được không mà dám
có động thái xấc xược và hỗn láo với Tạo Hóa? Rõ ràng là nhân tai mà cứ bảo là
thiên tai. Cái gì tốt thì vội vã vơ vét vào, cái gì xấu thì đổ lỗi cho Ông Trời.
Ích kỷ như vậy là khôn hay khốn?
Về thời điểm Đức Giêsu Kitô quang lâm, tức là
Ngày Tận Thế, có những “điềm báo” rất đặc biệt. Các điềm báo đó đã và đang xảy
ra đúng như Chúa Giêsu đã tiên báo. Do đó, chính Ngài đã khuyến cáo: “Hãy
tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và
đứng vững trước mặt Con Người.” (Lc 21:36) Thánh Bede nhận xét: “Mọi
phương cách của trần gian này thất thường và bất trắc như một cơn giông tố giữa
biển khơi.” Vì thế, rất cần tỉnh thức để nhận biết những gì xảy ra là ý
Chúa hay chỉ là mưu ma chước quỷ.
Tất nhiên không phải là chuyện dễ, nhưng nếu
cứ nhẹ dạ cả tin thì chắc là không ổn chút nào, không chỉ nguy hiểm cho mình mà
còn “liên lụy” người khác. Chính Thiên Chúa đã tuyên phán: “Ngày Ấy đến, đốt
cháy như hoả lò. Mọi kẻ kiêu ngạo và mọi kẻ làm điều gian ác sẽ như rơm rạ. Ngày
Ấy đến sẽ thiêu rụi chúng, không còn chừa lại cho chúng một rễ hay cành nào.”
(Ml 3:19) Thế là coi như “trắng tay” vào lúc cuối cùng đó. Một cách ví von rất
bình dân và thực tế, Chúa chẳng hề bóng gió bao giờ, và ai cũng có thể hiểu. Hình
ảnh tiếp theo hoàn toàn tương phản: “Nhưng đối với các ngươi là những kẻ
kính sợ Danh Ta, mặt trời công chính sẽ mọc lên, mang theo các tia sáng chữa
lành bệnh. Các ngươi sẽ đi ra và nhảy chồm lên như bê xổng chuồng.” (Ml
3:19-20) Rất rõ ràng và chính xác với các động từ MỌC, NHẢY CHỒM và XỔNG
CHUỒNG. Đó là niềm vui tột đỉnh của những người công chính.
Họ là người-của-Chúa, họ sẽ vui mừng rộn rã, và
họ lớn tiếng bảo nhau: “Đàn lên mừng Chúa khúc hạc cầm dìu dặt, nương khúc
hạc cầm réo rắt giọng ca. Kèn thổi vang xen tiếng tù và, tung hô mừng Chúa, vị
Quân Vương!” (Tv 98:5-6) Thậm chí họ còn mời gọi cả muôn vật cùng chung lời
chúc tụng: “Gầm vang lên, hỡi biển cả cùng muôn hải vật, địa cầu với toàn
thể dân cư! Sông lạch ơi, vỗ tay đi nào, đồi núi hỡi, reo mừng trước tôn nhan
Chúa.” (Tv 98:7-8) Tại sao như vậy? Lý do không phức tạp, dễ hiểu: “Vì
Người ngự đến xét xử trần gian, Người xét xử địa cầu theo đường công chính, xét
xử muôn dân theo lẽ công bình.” (Tv 98:9) Tất cả những người đau khổ đã chịu
đựng suốt đời, nay được Thiên Chúa đòi lại công lý, lấy lại nhân vị, phục hồi
nhân phẩm và nhân quyền. Thế thì không thể trì hoãn sự vui mừng đó.
Chân thành và nghiêm túc cảnh báo, Thánh
Phaolô nói: “Chính anh em thừa biết là anh em phải bắt chước chúng tôi thế
nào. Khi ở giữa anh em, chúng tôi đã không sống vô kỷ luật.” (2 Tx 3:7) Và
rồi ông tự bạch: “Chúng tôi đã chẳng ăn bám ai, trái lại đêm ngày đã làm
lụng khó nhọc vất vả, để khỏi nên gánh nặng cho người nào trong anh em. Không
phải là vì chúng tôi không có quyền hưởng sự giúp đỡ, nhưng là để nêu gương cho
anh em bắt chước. Thật vậy, khi còn ở với anh em, chúng tôi đã chỉ thị cho anh
em: ai không chịu làm thì cũng đừng ăn! Thế mà chúng tôi nghe nói: trong anh em
có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào.”
(2 Tx 3:8-11) Rất thẳng thắn và rạch ròi. Có sự thật minh nhiên: thùng rỗng kêu
to, người dốt ưa chảnh, kẻ ngu thích được nổi bật, kẻ lười biếng chỉ muốn “ngồi
mát ăn bát vàng”. Đó là một thực-tế-buồn trong thời gian đầu của Tân Ước, thế nhưng
chính những điều đó vẫn đang tiếp tục xảy ra trong xã hội ngày nay, đã hơn hai
ngàn năm qua mà vẫn chẳng “tiến bộ” gì. Đó là dạng “điềm gở”, chứng tỏ tầm nhìn
thiển cận, có vẻ như không xa hơn cái bóng của chính mình.
Lời khuyên cuối cùng của Thánh Phaolô như một
mệnh lệnh: “Nhân danh Chúa Giêsu Kitô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ
những người ấy hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân.” (2 Tx 3:12)
Sách Huấn Ca thẳng thắn nói: “Phải thúc nó làm việc kẻo nó ra lười biếng, vì
nhàn cư vi bất thiện.” (Hc 33:28)
Một hôm, nhân dịp có mấy người nói về Đền Thờ
được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giêsu bảo: “Những
gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào
trên tảng đá nào.” (Lc 21:6) Có lẽ họ ngạc nhiên nên liền hỏi Ngài: “Thưa
Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra thì có điềm gì
báo trước?” (Lc 21:7) Hỏi vậy cũng có nghĩa là họ quan ngại với lời cảnh
báo của Ngài, thế nhưng lại đòi “điềm báo” thì họ mới tin. Đúng là “hết thuốc
chữa” đối với những người cứng lòng. Hầu như không thể giải thoát người ta ra
khỏi cái ngu xuẩn thâm căn cố đế của họ. Thật đáng sợ!
Tuy nhiên, có thể chính chúng ta cũng ở trong
cái vòng lẩn quẩn đó, thậm chí cũng chẳng hơn gì các kinh sư và Nhóm Biệt Phái.
Họ cũng đã từng “xin đểu” với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy
Thầy làm một dấu lạ.” (Mt 12:38) Vẫn ra vẻ hợm hĩnh, đểu cáng. Thế nhưng
Chúa Giêsu nói thẳng: “Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng
chúng sẽ KHÔNG ĐƯỢC dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giôna.” (Mt 12:39) Sống
khôn không dễ, vì phải có “tầm nhìn” vừa xa rộng vừa thâm sâu để có thể kịp
chấn chỉnh chính mình, kẻo rồi “dân thành Ninivê sẽ trỗi dậy” và “nữ hoàng
Phương Nam sẽ đứng lên” mà lên tiếng tố cáo những kẻ cứng lòng – có thể có chúng
ta trong số đó. Nếu như vậy thì rất đáng quan ngại!
Khi nghe họ đặt vấn đề như vậy, Chúa Giêsu căn
dặn những người tin theo Ngài: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ
có nhiều người MẠO DANH Thầy đến nói rằng: ‘Chính ta đây’ và ‘Thời kỳ đã đến
gần’, anh em chớ có theo họ.” (Lc 21:8) Ngày nay cũng có một số người
“tuyên bố” theo kiểu cách như vậy: Giáo chủ, thánh nhân, siêu nhân, nhà ngoại
cảm,... hoặc vỗ ngực nhận mình là đạo đức, thánh thiện, tốt bụng,... rồi chê
người này, trách người nọ. Ngày nay thấy cái gì cũng giả, ngay cả con người
cũng giả đủ kiểu. Thật khó phân biệt vì quá tinh vi!
Tuy nhiên, Chúa Giêsu động viên: “Khi anh
em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra
trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu. Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia,
nước này chống nước nọ. Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn
dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời
xuất hiện.” (Lc 21:9-11) Chắc hẳn ai cũng nhận ra rằng tất cả những điều đó
vẫn đang xảy ra từng ngày ở khắp nơi. Người ta cảm thấy run sợ hoặc rúng động, và
rồi lại đâu vào đấy. Thế thì vô ích!
Rất chi tiết và cụ thể, Chúa Giêsu cho biết: “Trước
khi tất cả các sự ấy xảy ra, người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp
anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan
quyền vì danh Thầy. Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. Vậy anh em
hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì
chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh
em không tài nào chống chọi hay cãi lại được. Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh
chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. Vì
danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh
em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.”
(Lc 21:12-19)
Chúa Giêsu luôn thẳng thắn, nói rõ ràng và
chính xác. Lời Ngài không hề sai lệch, mà ứng nghiệm đến từng dấu chấm, dấu
phẩy, (Mt 5:18) dù cho trời đất này có tan biết đi. (Mt 24:35; Mc 13:31; Lc 21:33)
Ngày 17-11-2019 là Ngày Người Nghèo – được ấn định vào CN XXXIII Thường Niên hằng năm, như
lời nhắc nhở mọi người mở rộng tầm nhìn để biết thương xót những người kém may
mắn hơn mình, yêu thương cụ thể bằng hành động, và biết cầu nguyện cho họ. Bởi
vì Chúa Giêsu đã cho biết rằng mọi nơi và mọi lúc đều cò người nghèo ở ngay bên
mình. (Mt 26:11; Mc 14:7; Ga 12:8) Cũng nên biết rằng Ngày Người Nghèo đã được
ĐGH Phanxicô tổ chức lần đầu tiên ngày 13-11-2016, nhân dịp Năm Thánh Lòng
Thương Xót.
Lạy Thiên Chúa, xin mở rộng tầm nhìn để chúng
con nhận biết Ý Chúa qua các điềm báo hằng ngày – cả tự nhiên và tâm linh. Xin hướng
dẫn chúng con biết cách hành động theo linh hứng của Thần Khí, đủ khôn ngoan để
suy trước đoán sau, biết sống đúng bổn phận và trở nên con người mà Ngài muốn. Xin
Chúa ban thêm đức tin và sức mạnh cho những người nghèo khổ để họ là nhân chứng
sống động của Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy
nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét