Viết cho thần lo âu
10/4/2019
Bài viết dưới đây được
khai triển trong ánh sáng của: Tông Huấn “Chúa Kitô sống” số 142-143
Thần thân mến,
Lo âu, khắc khoải là thân
phận của con người. Các triết gia cũng viết nhiều về thần [1]. Vì không chắc chắn
ở tương lai, vì kinh nghiệm thất bại ê chề, v.v. nên con người thường lo lắng đến
sầu buồn. Ai trong chúng tôi cũng từng trải nghiệm lo âu đến quên ăn, mất ngủ.
Thực tế, có nhiều người lo lắng đến nỗi không dám làm gì! Lúc ấy, thần hả hê
trong chiến thắng, vì đã quyến rũ được người ta chết dần chết mòn trong lo âu
thái quá.
Trong tâm lý, lo lắng có
thể phần nào giúp người ta phải đề phòng những bất trắc xảy ra. Tôi lo lắng về
bài thi sắp tới, nên tôi cố gắng học để được kết quả tốt. Tiếc là thần lo âu đến
quá nhiều, chất đầy trong người ta những vật cản đến nỗi khiến họ băn khoăn, hoảng
sợ và chẳng dám làm gì. Đó là sở trường và là mục đích của thần lo âu. Trước
tình cảnh đó, người ta thường khuyến khích nhau: “Don’t worry! Đừng lo!”
Tuổi trẻ luôn đong đầy những
ước mơ. Họ thực sự muốn làm điều gì đó thật tốt lành cho chính họ, gia đình và
xã hội. Trên con đường ấy, có người thành công, có người thất bại. Thành công
chỉ dành cho những ai kiên trì trên con đường thực hiện ước mơ. Ngược lại, thất
bại sẽ đến với những ai run rẩy, lo âu và sầu não. Đó là cám dỗ người trẻ thường
phải đương đầu. Đơn giản, người trẻ muốn thấy kết quả tức thì, phải nhanh chóng
thực hiện điều mình muốn. Điều ấy lại thường ngược lại. Do đó, họ lo lắng không
biết mình có làm được không, có thành công không? Họ quên mất mọi ước mơ chỉ đạt
được bằng hy vọng, kiên nhẫn, quyết tâm và không vội vàng.
Thực tế, thần lo âu thường
xuất hiện trong những lúc ta cảm thấy không an toàn. Những dự tính vừa đưa ra,
thần lo âu liền xuất hiện. Chỉ ai đủ can đảm mới dám “say good bye” với thần. Bởi
hễ thần xuất hiện là, y như rằng, người ta sẽ mất đi niềm bình an, hạnh phúc để
bước tiếp. Trong khi đó, những người thành công chỉ ra rằng: không thể ngừng lại
vì thiếu an toàn, chúng ta không được sợ rủi ro hoặc sai lầm. Tuổi trẻ là thời
gian được quyền sai lầm[2] và phải được làm lại. Những ai không làm được điều
này, có lẽ vì thần lo âu đã chiếm trọn tâm trí họ.Vì lo âu, họ sống tê liệt như
kẻ không hồn, thu mình lại trong vỏ bọc an toàn giả tạo mà không dám mạo hiểm.
Lo âu và sợ sai lầm cứ bám thấy họ, phải không thần?
Là người Công giáo, dĩ
nhiên lo âu không thể là thái độ sống tốt lành. Thầy Giêsu nhắc chúng ta biết
bao lần: “Vậy anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo.
Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.” (Mt 6,34). Vả lại, đi theo và tin tưởng vào
Thiên Chúa, người ta không thể lo âu phiền não. Thiên Chúa là tình yêu và là niềm
vui. Chỉ khi nào ở gần bên Chúa, người ta mới thấy rõ chân tướng của thần lo
âu, một kẻ đáng tránh xa. Tắt một lời: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng
nơi Người, Người sẽ ra tay.” (Tv 37,5).
Tiếc là trong xã hội hiện
đại, thần lo âu luôn hoành hành. Lo âu có mặt ở mọi nơi, khiến người ta ngục
ngã, có khi đưa người ta đến cái chết. Bởi, thần lo âu sẽ luôn đánh cắp mọi hy
vọng, năng lượng và ước mơ của con người. Nhất là người trẻ, thần lo âu hay xuất
hiện, khiến họ không dám lên đường, đứng lên và bắt đầu lại.
Bạn thấy ai lo âu, sầu muộn
đến nỗi chẳng dám làm gì chưa? Thực tế, xã hội không thiếu người như thế. Họ chỉ
co ro vào những chỗ an toàn giả tạo. Trước hiện trạng ấy, Giáo Hội chỉ ra cho
người trẻ những cách thoát ra:
“Hỡi những người trẻ, đừng
bỏ mất những năm tốt nhất của tuổi trẻ, đừng ngắm nhìn cuộc sống từ ban công. Đừng
lầm lẫn hạnh phúc với một chiếc ghế bành và đừng sống cả cuộc đời trước màn ảnh.
Đừng trở nên cảnh tượng đau lòng của một chiếc xe phế thải. Đừng trở thành những
chiếc xe đang đậu; thay vào đó, hãy để cho những giấc mơ nở hoa và hãy có những
quyết định tốt. Hãy mạo hiểm, ngay cả khi các con thất bại. Đừng sống sót với
tâm hồn tê mê và đừng nhìn thế giới như thể các con là du khách.” (Tông huấn Đức
Kitô sống, số 143).
Ước gì tuổi trẻ sống tròn
đầy với lứa tuổi của ước mơ và lòng can đảm. Họ dám nhận trách nhiệm và cam kết
với những dự tính tốt lành. Họ không muốn kết bạn với thần lo âu. Họ biết có
quá nhiều nguy hiểm nếu đi theo thần ấy. Họ hiểu được: nếu để thần lo âu chiếm
ngự, họ sẽ cảm thấy bực mình, bồn chồn, và căng thẳng (stress). Là người trẻ
công giáo, họ có Thầy Giêsu là Đấng hiền lành và khiêm nhường, là nguồn hạnh
phúc để họ thực hiện những ước mơ.
Chia tay thần lo âu,
chúng tôi muốn thiết tha cầu nguyện với Thiên Chúa:
Lạy Chúa Giêsu, sau khi
phục sinh, lời đầu tiên Chúa nói với các môn đệ: “Bình an cho các con! ”(Ga
20,19). Lời đó xua tan mọi lo âu, buồn phiền và sợ hãi của các môn đệ. Nhờ đó,
họ, có nhiều người chạc tuổi như chúng con, dám lên đường loan báo Tin Mừng. Họ
thực hiện những điều vĩ đại với nhiều thành công. Xin ở lại với chúng con. Nhất
là, khi thần lo âu xuất hiện, xin Chúa mau đến để chúng con được bình an. Được
như thế, chúng con hy vọng viết tiếp trang sử đời mình với nhiều can đảm. Amen.
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
(dongten.net 03.10.2019)
[1] – Thánh Augustinô viết:
lòng chúng con khắc khoải cho đến khi nghỉ yên trong Chúa.
– Theo lối giải thích của
Kierkegaard, cái lo âu sợ hãi là kinh nghiệm cơ bản của con người khi đối diện
với cái tuyệt đối.
– Heidegger mô tả hữu thể
(Da-sein) luôn bị ảnh hưởng bởi sợ hãi, lo âu, chết chóc, hữu hạn, hy vọng….
– Pascal cũng được biết với
câu nói nổi tiếng: “Con người là cây sậy biết suy tư”. Tính hiện sinh của ông
được thể hiện qua việc ông nhìn con người như một hữu thể luôn thao thức suy tư
khi đứng giữa hai thế giới vĩ mô và vi mô. Khi đó, con người như cây sậy mỏng
manh trước gió với nhiều lo âu khắc khoải.
[2] Albert Einstein có lần
nói rằng: “Kẻ nào chưa từng mắc lỗi lầm, cũng là kẻ chưa bao giờ thử làm việc
gì cả!"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét