Sống gần nơi có nước – bí mật của hạnh phúc
Hạ
Chi•Thứ Ba, 12/11/2019 • trithucvn.Net
Tại sao sống gần nơi có
nước lại là bí quyết đem tới hạnh phúc cho chúng ta?
Sau cái chết đột ngột của
mẹ, Catherine Kelly lại nghe thấy tiếng gọi của biển đang vang lên trong tâm khảm
mình. Lúc ấy cô mới hơn 20 tuổi và đang làm công tác của một nhà địa lý ở thành
phố London cách xa quê hương Ireland của mình. Cô quyết định về nước sống 1 năm
ở thủ phủ Dublin cùng với gia đình, sau đó chấp nhận một công việc học thuật tại
bờ biển phía tây, gần cảng Westport của Hạt Mayo, Ireland. Cô nghĩ: ‘Mình cần
phải đi và giải tỏa đầu óc ở nơi này, để hòa mình với gió và thiên nhiên.’
Kelly mua một căn nhà nhỏ
tại một vùng hẻo lánh rồi đi lướt sóng, đi bơi và đi bộ trên bãi biển dài 5 cây
số hai lần một ngày. “Tôi cảm thấy 5-6 năm sống ở đó, bên bờ biển Đại Tây
Dương, nắng gió đã chữa lành cho tôi.”
Cô không hiểu rõ tại sao
lại như vậy, cho đến tận vài năm sau, khi cô bắt đầu tiếp xúc với những nghiên
cứu khoa học chứng minh rằng cảm xúc bản năng ấy của cô là chính xác: cảm thấy
khỏe hơn khi sống gần biển. Thế là, suốt 8 năm qua, Kelly đã tới Brighton,
nghiên cứu về “niềm hạnh phúc ngoài trời” và hiệu quả trị liệu của thiên nhiên
– đặc biệt là những nơi có nước.
Hiệu quả kỳ
diệu của những không gian màu xanh dương
Những năm gần đây, những
người sống trong các đô thị chật chội đua nhau tìm kiếm sự giải thoát ở các
không gian màu lục, và giới khoa học cũng đã chứng minh được các tác động tích
cực đối với sức khỏe tinh thần và thể chất của các công viên và thảm thực vật
xanh tươi trong thành phố. Tuy vậy, lợi ích của “các không gian màu xanh nước
biển” – như đại dương và các vùng duyên hải, kể cả sông ngòi, hồ ao, kênh rạch,
thác nước, đài phun nước… thì chưa xuất hiện nhiều trước công chúng, mặc dù
khoa học luôn khẳng định từ ít nhất một thập kỷ trước rằng: sống cạnh nguồn nước
rất tốt cho thân và tâm con người.
Được sống gần các nguồn
nước – đặc biệt là biển – có liên hệ tới rất nhiều những tác động tích cực đến
thể chất và tinh thần – từ lượng vitamin D cao hơn tới những mối quan hệ xã hội
tốt đẹp hơn.
Tiến sĩ Mathew White, một
giảng viên cấp cao tại Đại học Exeter kiêm nhà tâm lý học môi trường tại
BlueHealth, một chương trình nghiên cứu lợi ích sức khỏe và hạnh phúc của các
không gian màu xanh nước biển tại 18 nước (chủ yếu là châu Âu), cho biết:
“Rất nhiều quá trình sản
sinh lợi ích [khi sống gần nơi có nước] đều giống hệt như khi sống gần các khoảng
không màu lục – thậm chí còn có nhiều lợi ích hơn.”
Một cuộc khảo sát chi tiết
tiến hành năm 2013 đo lường sự hạnh phúc khi sống trong các môi trường thiên
nhiên – mà theo tiến sĩ White, là nghiên cứu tốt nhất từ trước tới nay – đã yêu
cầu 20.000 người dùng điện thoại thông minh ghi lại cảm giác hạnh phúc của họ
và môi trường họ đang sống trong những khoảng thời gian ngẫu nhiên. Môi trường
đại dương và gần bờ biển hóa ra lại là những nơi hạnh phúc nhất, với tỷ lệ phản
hồi cao hơn 6 điểm so với các môi trường đô thị.
Các nhà nghiên cứu ví von
điều đó như “sự khác biệt giữa được tham dự một buổi triển lãm và phải ngồi làm
bài tập về nhà.”
Mặc dù sống cách bờ biển
khoảng 1km – hay rộng hơn là 5km – đều có liên hệ với cải thiện sức khỏe tinh
thần nói riêng và sức khỏe tổng thể nói chung, nhưng việc trực tiếp đến thăm biển
mới là chìa khóa.
Tiến sĩ Lewis Elliot, một
nhà nghiên cứu khác tại Đại học Exeter và Bluehealth cho biết: “Chúng tôi phát
hiện ra những người đến thăm bờ biển, ví như ít nhất 2 lần một tuần thường có
xu hướng có sức khỏe tinh thần và sức khỏe tổng thể tốt hơn. Một số nghiên cứu
của chúng tôi cho thấy việc tiếp xúc khoảng 2 tiếng một tuần rất có thể mang đến
lợi ích, đối với nhiều giai tầng của xã hội.” Thậm chí chỉ việc được ngắm biển
thôi cũng có liên hệ với cải thiện sức khỏe tinh thần.
Cụ thể, sống gần
nơi có nước giúp chúng ta như thế nào?
Tiến sĩ White cho biết,
có ba cách:
Thứ nhất,
môi trường nước thường có ít không khí ô nhiễm hơn và nhiều ánh nắng Mặt Trời
hơn.
Thứ hai,
những người sống gần nơi có nước thường năng động về thể chất hơn – đây không
chỉ nói đến các môn thể thao với nước, mà còn cả các hoạt động như đi bộ và đi
xe đạp.
Tiến sĩ White nói: “Chúng
tôi phát hiện ra khi dành thời gian đi bộ trên bờ biển, có một sự chuyển dịch
suy nghĩ của bạn ra ngoài về hướng môi trường thiên nhiên, khiến bạn suy nghĩ về
[sự lên xuống của thủy triều, và không còn tập trung vào các suy nghĩ tiêu cực
khiến bạn bị buồn bực trầm cảm nữa]”
Vậy khi lái thuyền, lướt
sóng hay bơi thì sao? TS. White nói: “Bạn thực sự hòa mình cùng nhịp điệu với
các lực lượng của tự nhiên – bạn phải hiểu chuyển động của gió, chuyển động của
nước.” Khi buộc phải tập trung vào các thay đổi của môi trường, chúng ta tiến
nhập vào trạng thái bản năng của con người hàng nghìn năm qua. “Chúng ta giống
như thể quay trở về tiếp xúc với di sản lịch sử của mình vậy.”
Thứ ba,
các không gian màu xanh nước biển dường như có phần nổi trội hơn các không gian
tự nhiên khác – nước có năng lực hồi phục tinh thần cho con người. TS. White
nói rằng dành thời gian ở dưới nước và sống gần nơi có nước sẽ khiến người ta
có cảm xúc tích cực hơn, giảm thiểu cảm giác tiêu cực và căng thẳng, hơn cả khi
họ sống gần các không gian màu lục.
Mọi người từ tất cả các
giai tầng trong xã hội đều đến bờ biển để vui chơi cùng bạn bè và gia đình. Dường
như bờ biển là “môi trường có mức độ tập trung các giai tầng xã hội cao nhất”,
trong khi các khu rừng thường là điểm đến của những người có thu nhập cao hơn một
chút.
Cải thiện đô thị với những không gian của nước
Không chỉ mỗi biển là có
tác dụng tích cực như vậy. Ngay cả một đài phun nước trong thành phố cũng có thể
giúp bạn khỏe hơn. Một nghiên cứu tiến hành năm 2012 cũng do Tiến sĩ White chủ
biên đã phát hiện ra những khu vực do con người xây dựng có chứa nước cũng được
mọi người đánh giá tích cực ngang với các khu vực có cây xanh. Giới nghiên cứu
cho rằng chỉ tiếng nước chảy và ánh sáng lung linh trên mặt nước cũng đủ để đem
đến hiệu quả hồi phục.
Mặc dù những người tham
gia khảo sát cho rằng những bể nước lớn có nhiều tác dụng hơn là những nguồn nước
nhỏ, và đặc biệt “các khu vực đầm lầy” là kém hiệu quả nhất, nhưng nghiên cứu
cho thấy rằng có nước vẫn tốt hơn không – điều này cho thấy những ích lợi tiềm
năng của việc đưa những không gian xanh của nước vào quy hoạch đô thị.
“Anh không thể thay đổi vị
trí các bờ biển, nhưng chúng ta có thể đem những ích lợi của nó tới các không
gian sống khác, chẳng gì có thể ngăn được việc thiết kế các đài phun nước tốt
trong đô thị,” Elliott nói.
Tiềm năng của
trị liệu bằng không gian xanh nước biển
Không chỉ là một học giả,
Kelly còn là một giảng viên của các lớp học “Tỉnh thức cùng biển”. Cô nói rằng
biển có năng lực khiến chúng ta trầm tư – dù đang dữ dội hay dịu êm, dù bạn
đang ở dưới biển hay quan sát từ trên bờ. “Bạn có thể hòa mình vào trong nó, điều
mà bạn không thể làm với một không gian màu lục… Dù chỉ là 2 phút hay nửa tiếng,
nó sẽ đem lại cho bạn những hiệu quả tích cực trong khoảnh khắc đó.”
Cô tin rằng trong tương
lai, xu hướng tìm đến các không gian màu xanh của nước sẽ là chủ đạo. “Khủng hoảng
sức khỏe tinh thần sẽ vẫn ở đó,” cô nói.
Trong công tác của mình,
tổ chức BlueHealth đang cố gắng phân loại và định lượng những hiệu quả tích cực
của các “cơ sở hạ tầng màu xanh dương” như bờ biển, sông ngòi, hồ. Họ cho rằng
chúng có thể giúp giải quyết các thách thức sức khỏe cộng đồng hiện nay như béo
phì, thiếu vận động và rối loạn sức khỏe tinh thần. Một nghiên cứu năm 2016 do
tiến sĩ White đồng tác giả đã ước lượng giá trị sức khỏe của môi trường biển là
khoảng 176 triệu bảng Anh.
Không gian
xanh còn có thể xoa dịu bất công xã hội
“Theo một nghiên cứu gần
đây của chúng tôi, những tác động tích cực của việc sống gần bờ biển là mạnh nhất
với những người sống ở khu vực nghèo khổ nhất.” Elliott cho biết.
Vì lý do đó, việc tạo cho
mọi người có cơ hội tiếp cận với biển là điều rất quan trọng. Tuy nhiên, giá
nhà đất ở các khu vực gần biển thường có xu hướng cao hơn những khu vực trong bờ.
Vậy nên, thách thức ở đây là: những người được hưởng lợi nhiều nhất lại là những
người ít được tiếp cận nhất.
Bên cạnh đó, một thách thức
khác là những lợi ích sức khỏe của môi trường biển thường gắn liền với chính sức
khỏe của môi trường đó. Vậy nên, bảo vệ các môi trường nước lại càng trở nên
quan trọng hơn với chúng ta. Nghiên cứu của Kelly phát hiện ra một mối liên hệ
giữa việc kết nối với biển và thói quen cư xử thân thiện với môi trường. Các
nhà nghiên cứu hy vọng rằng chúng ta sẽ càng có cơ sở để bảo vệ các môi trường
nước hơn nếu các lợi ích sức khỏe của chúng được chứng minh và phổ biến nhiều
hơn.
“Đến với biển cũng đồng
nghĩa với việc để mặc mọi chuyện diễn ra một cách tự nhiên. Đó có thể là nằm
dài trên bãi biển hoặc ai đó đưa cho bạn một ly cocktail. Với người khác, đó có
thể là một bờ biển trống trải, hoang vu. Nhưng con người có cùng một bản năng:
‘Ồ, nhìn xem, biển kìa’ và rồi bờ vai họ tự nhiên thả lỏng ra.”
Theo The Guardian,
Hạ Chi tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét