Nov 10, 2019-Chúa nhật 32 thường năm C
Đối với Thiên Chúa, tất cả đều đang sống.
Các Bạn thân mến,
Những năm gần đây, các bác sĩ người Đức và Mỹ đã rất chú ý đến hiện tượng một số người vì tai nạn hay lý do nào đó bị ngất đi một thời gian ngắn rồi tỉnh lại, kể về những gì họ đã thấy trong thời gian ấy, gọi là"kinh nghiệm cận tử.” Cảm nghiệm của họ là thấy:
- rời khỏi thân xác mình, đồng thời được nhẹ nhàng dễ chịu.
- mình đi trong một đường hầm rất dài. Khi đi hết đường hầm thì tới một vùng ánh sáng và gặp một Đấng tỏa ra ánh sáng. Ánh sáng này sáng hơn mọi thứ ánh sáng họ đã từng thấy ở trần gian nhưng không chói mắt, rất dễ chịu, đến nỗi họ muốn được ở mãi trong ánh sáng đó và bên cạnh Đấng tỏa ánh sáng đó.
- Đấng sáng láng cho nhìn lại cuộc đời của họ, giống như xem một cuốn phim ghi tất cả những lời nói việc làm và suy nghĩ của họ từ hồi có trí khôn đến lúc chết. Khi xem lại cuốn phim cuộc đời ấy, nếu thấy một việc xấu thì tự nhiên lòng họ cảm thấy buồn và bứt rứt khó chịu, đồng thời Đấng ấy cho họ biết đó là một việc làm không tốt. Ngược lại khi thấy một việc tốt thì họ cảm thấy vui, dễ chịu và hạnh phúc, đồng thời Đấng ấy khen thưởng. Những việc tốt là những việc đã làm vì lòng yêu thương, còn việc xấu là những việc họ đã làm do động cơ không yêu thương.
- Được ở trong ánh sáng huyền diệu ấy và ở gần Đấng sáng láng ấy, ai cũng cảm thấy vô cùng hạnh phúc, muốn ở lại mãi, nhưng Đấng ấy bảo:"Bây giờ con chưa được ở lại, vì con còn nhiều việc bổn phận phải làm ở trần gian. Vậy con phải về". Và đó là lúc họ tỉnh lại.
Rồi những người sống lại ấy đều thay đổi cách sống: họ không sợ chết nữa; không coi trọng việc tìm kiếm danh lợi thú, mà chỉ lo chu toàn bổn phận và đối xử với mọi người bằng tình thương.
Linh mục Hoài Nam tại Chicago khi còn sống, cũng đã có kinh nghiệm cận tử như vậy khi cơn đau tim làm Ngài ngất đi tưởng chết và đã được xức dầu thánh. Tỉnh dạy, Ngài cũng kể về cuốn phim cuộc đời của ngài như thế!
“Kinh nghiệm cận tử” đáng quí, rất đúng với những điều tín hữu chúng ta tin. Thật vậy, chúng ta vừa mừng kính lễ các thánh nam nữ, là những người đã chết đang được hưởng hạnh phúc thiên đàng, và lễ cầu cho các linh hồn, những người cũng đã chết nhưng còn bị giam nơi luyện ngục. Hai lễ này khẳng định mọi người sống ở trần gian đều phải chết, và chết không phải là hết, mà chuyển sang một cuộc sống khác, vinh hiển hay tạm chờ đền hết tội, và tất nhiên cũng có những người không được ở trong hai diện này, phải ở nơi khác, đau khổ, trầm luân là hỏa ngục. Cả ba trạng thái ấy đều vĩnh viễn, không thể chuyển hóa, không thể đổi thay.
Không chỉ Kito hữu chúng ta, mà những người ngoài cũng tin rằng vẫn có cuộc sống nào đó sau cái chết ở trần gian. Để người tốt lành được thưởng, người gian ác phải phạt. Như thế cuộc đời mới công bằng, cuộc sống mới ý nghĩa.
Lời Chúa hôm nay một lần nữa bảo đảm cho chúng ta như thế và ở đó “không thể chết nữa, vì ngang hàng với các thiên thần”.
Đây là niềm vui mừng hy vọng, chúng ta sẽ không còn sợ bất công, bất hạnh, thiệt thòi nơi dương thế, mà coi cuộc đời chỉ như một chặng hành trình đầy thử thách. Tuy nhiên cũng có những người, những nhóm không tin, như:
1. Nhóm Xadoc:
- Là những người thuộc một đảng có thế lực trong hàng các thuợng tế.
- Họ không tin vào sự bất tử của linh hồn, không tin sự sống lại của người chết, không tin có các thiên sứ và các thần linh.
- Về Kinh Thánh, họ chỉ công nhận bộ luật thành văn Cựu Ước, và trong Cựu Ước, họ chỉ coi trọng luật Mose.
- Trong đó có luật hôn nhân kế tục của Levi mà chỉ còn nhóm này tuân giữ.
- Họ tìm đến Đức Giesu với câu hỏi rằng ai sẽ là người chồng ở đời sau của người vợ đã được gả cho cả 7 anh em.
- Họ cho đó là một câu hỏi làm cho niềm tin vào sự sống lại thành ra lố bịch.
- Hy vọng làm Chúa lúng túng giữa tín lý cổ truyền về sự sống lại và luật Mose với hôn nhân kế tục.
- Mặc dù nhóm Xadoc không tin vào cuộc sống đời sau, nhưng qua lời lẽ của họ, chúng ta thấy họ có một quan niệm hết sức vật chất về cuộc sống ấy nghiã là cũng cưới vợ lấy chồng, sinh con và hưởng thụ tất cả lạc thú như đời này.
- Nhưng Chúa đã thức tỉnh để họ phải tin nhận ra cuộc sống đời sau, không phải như cuộc sống này. Đó là chân lý vĩnh cửu!
- Ở đời này chúng ta có linh hồn trong thể xác, nên cần lương thực thực phẩm nuôi sống, cần làm việc để tồn tại, cần tranh đấu để bảo vệ, cần sáng tạo để duy trì phát triển cũng như hôn nhân cần thiết để lưu truyền dòng giống.
- Những nhu cầu ấy làm phát sinh nhiều ngộ nhận, sai lầm, dẫn đến mất đoàn kết, chiến tranh, ích kỷ, bảo vệ, chiếm đoạt làm cho con người trần gian chịu nhiều bất hạnh: nghèo khổ, bệnh tật, tang tóc, chia ly…
- Sau khi chết thì tất cả những thứ ấy không còn ý nghĩa, vì thế chuyện vợ chồng, sinh còn đẻ cái cũng không tồn tại.
- Đời sau con người bất tử, không cần lưu truyền nòi giống, nên không cần cưới vợ lấy chồng.
- Hạnh phúc duy nhất và cũng là quan tâm duy nhất của người sống đời sau là được ở gần Chúa, để phụng thờ Ngài như các thiên thần.
- Con người cổ kim phần nào cũng hiểu được như vậy, nhưng không phân định rõ ràng chính xác mà thôi.
- Hiện nay vẫn còn nhiều người có chủ trương ít nhiều như nhóm Xadoc, họ thoải mái suy nghĩ, hành động, hưởng thụ, chiếm đoạt, tích trữ như thể trên trời dưới đất không ai nhìn thấy những tư tưởng hành động của họ, vì quan niệm chết là hết!
- Còn chúng ta, đừng dại khờ, hãy thức tỉnh để tránh những giây phút mềm yếu, thất vọng, sung sướng, thành công quá mức mà mất niềm tin là cơ hội để tinh thần Xadoc thâm nhập.
2. Cuộc sống đời sau:
- Để chứng minh rằng sống lại là điều hợp lý, Đức Giêsu lập luận rồi khẳng định kẻ chết sẽ được sống lại vì Thiên Chúa là Chúa của kẻ sống.
- Do đó phải cho kẻ chết sống lại để họ hưởng được tình thương Chúa mãi mãi và để được hưởng vinh hiển, là phần thưởng cho những bất hạnh phải chịu ở trần gian.
- Người Do thái thời đó, vốn rất quen với quan niệm"Thiên Chúa là Chúa của kẻ sống", nên họ hiểu và chấp nhận.
- Phần chúng ta, phải biết đánh giá những biến cố xảy ra ở đời này bằng cặp mắt đức tin, nếu không sẽ sợ đủ thứ: chết, bệnh tật, mất mát, đau khổ… Sợ như vậy là đúng, vì họ không tin có đời sau. Chỉ có mỗi đời này mà lại bệnh tật, mất mát, khổ sở và chết nữa thì quá bất công, vô nghĩa.
- Thứ hai, để thể hiện niềm tin của mình vào sự sống lại, chúng ta phải có kế hoạch quan tâm chăm lo mọi mặt của thời gian mà:
. lo làm ăn sinh sống,
. lo làm ăn sinh sống,
. gần gũi con cái, giáo dục gia đình,
. xây dựng tương quan xã hội,
. lo việc đạo, việc đời sau…
- " Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đang hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa vì được ngang hàng với thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại"
- Đó là lời Đức Giesu trả lời cho nhóm Xadoc cũng như những ai băn khoăn thắc mắc về thực tại cùng các sinh hoạt của đời sau.
- Vì thế chúng ta không nên hiểu về cõi trời theo cách dưới đất này, bởi ở đó hoàn toàn khác, chính chúng ta cũng khác, chúng ta trở nên bất diệt về linh hồn cùng thể xác, với đầy đủ phước hạnh vinh hiển, không còn đau khổ, chẳng còn ham muốn tình yêu, cũng chẳng cần nối dõi tông đường nên chẳng cần hôn nhân, sinh con để cái nữa.
- Nên nhớ, chúng ta sẽ tránh được nhiều sai lầm nếu ngừng tưởng tượng về một cõi trời, ngừng suy diễn theo chủ quan mình.
- Chúa còn đi xa hơn nữa về kẻ chết chổi dạy, Ngài nhắc họ trên căn cứ sách thánh:" chính ông Mose cũng đã gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Apraham, tồ phụ Isaac, và tổ phụ Giacop. Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống."
- Ngài muốn xác định Apraham, Isaac, Giacop vẫn đang sống, đây chính là sự trường tồn của kẻ chết, là sự sống lại của kẻ chết.
- Chữ " kẻ sống " của Chúa đúng là chỉ những kẻ sống một cuộc sống thường, không phải của những sinh linh không có thân thể, mà của những linh hồn bất tử được khoác bằng một thân thể bất tử.
- Hiển nhiên các kẻ dữ cũng sẽ sống lại, để chịu cực hình trừng phạt cho những tội lỗi của họ đã làm khi sống ở trần gian.
- Sự sống lại không chỉ là tín lý của chúng ta, mà còn là điều được coi là công bằng, hợp lý, tất yếu phải có, mới có thể lý giải được những may rủi, giàu nghèo, bất hạnh, bất công ở đời này.
- Vì thế không chỉ các tôn giáo tin rằng có điều gì đó sau cái chết ở trần gian, mà cả nhân loại đã, đang và sẽ còn suy nghĩ tìm hiểu về một Đấng Linh Thiêng có thẩm quyền tối cao xét xử công bằng cho mọi người.
- Phần chúng ta nhỏ bé, thì điều quan trọng cần quan tâm không phải là băn khoăn thắc mắc về những sự cao siêu vượt khả năng, mà là suy nghĩ về niềm tin của mình. Là thực tế chúng ta tin có sự sống lại.
3. Tương quan giữa sự sống hiện tại và sự sống đời sau:
- Mỗi người chỉ có một lần sinh ra, chỉ có một cuộc sống, cuộc sống đời này sẽ quyết định số phận cho cuộc sống đời sau. Việc thiện hôm nay sẽ bảo đảm cho hạnh phúc ngày mai.
- Thánh ý Thiên Chúa không thể mãi mãi bị ngăn chặn bởi quỷ ma, con người phải tìm lại được quyền bất tử của mình. Đó là sự sống lại của những người công chính.
- Suy nghĩ về sự chết không khiến chúng ta bi quan sợ hãi, trái lại nó đem đến những giá trị tích cực: yêu quý sự sống; đón nhận từng ngày sống như một món quà; để yêu Chúa thương người hơn.
- Chết chỉ là bước chuyển tiếp, sự vượt qua, chứng tỏ mình thực sự tin vào cuộc sống đời sau, như khi chúng ta:
- Suy nghĩ về sự chết không khiến chúng ta bi quan sợ hãi, trái lại nó đem đến những giá trị tích cực: yêu quý sự sống; đón nhận từng ngày sống như một món quà; để yêu Chúa thương người hơn.
- Chết chỉ là bước chuyển tiếp, sự vượt qua, chứng tỏ mình thực sự tin vào cuộc sống đời sau, như khi chúng ta:
- sinh ra là chúng ta chuyển từ cuộc sống trong bụng mẹ ra cuộc sống bên ngoài.
- đến trường là chuyển từ cuộc sống chỉ biết vui chơi trong gia đình nhỏ bé sang cuộc sống biết học tập, rèn luyện cùng với những người chung quanh.
- lập gia đình là chuyển từ cuộc sống độc thân sang cuộc sống lứa đôi.
- đến tuổi hưu dưỡng là chuyển từ cuộc sống làm việc sang cuộc sống nghỉ ngơi…
- Mỗi bước đi qua dẫn đến tình trạng giống như chết nhưng đồng thời cũng là một cách sống mới. Thì ngày chết cũng vậy: là một bước đi qua từ cuộc sống đời này sang cuộc sống đời sau. Là chúng ta:
- dám từ bỏ những thứ mà cuộc sống đời này cần.
- không quá sợ khổ, sợ chết.
- khi còn sống, không chỉ tìm kiếm những giá trị vật chất để bảo đảm cho đời này, mà còn tìm kiếm cách hăng say hơn những giá trị tinh thần và đạo đức, bảo đảm cho cuộc sống đời sau.
- Trong thời gian rao truyền Tin Mừng, Đức Giesu đã nhiều lần nói đến sự sống sau khi chết, và thiên đàng, hỏa ngục.
- Lần này Ngài công khai trả lời nhóm người Xadoc để khẳng định một lần nữa sự sống lại của cả nhân loại.
- Niềm tin con người sống lại sau khi chết sẽ dẫn dắt chúng ta hiểu được giữa hai cuộc sống phải có mối tương quan mật thiết chặt chẽ.
- Nghĩa là cuộc sống hôm nay quyết định cho số phận mai sau của chúng ta.
- Niềm tin ấy còn có những giá trị tinh thần quý báu là: công bằng - hợp lý, trách nhiệm - quyền lợi, hy vọng - an ủi, lý tưởng - cứu cánh.
- Khi sinh hoạt trong cuộc sống, mọi người vẫn hiểu và nhận như nhau rằng: Làm lành thì được phúc, có tội thì phải đền, ăn mặn thì khát nước, có nhân thì có quá, gieo gió thì gặt bão, vay thì phải trả…
- Nghĩa là con người tin rằng có đời sau, tức là có sự sống lại, nên Đông Tây Nam Bắc đều thể hiện niềm tin ấy bằng cách sống đạo đức, làm lành tránh dữ, tu thân tích đức.
- Riêng Tín Hữu chúng ta còn phải:
. Nhìn mọi sự bằng con mắt đức tin để sẵn sàng chấp nhận mọi biến cố may rủi, kể cả sự chết, và từ bỏ những điều ngược lại đức tin.
. Chăm lo đều mọi mặt: sinh sống, giáo dục học tập, tương quan.
. Ưu tiên chăm lo phần hồn của mình để bảo đảm được sống lại trong vinh hiển.
- Hơn thế nữa, nếu chúng ta thật là dân của Thiên Chúa thì sự sống trần gian cũng như sự chết sẽ không làm hại gì được chúng ta, một ngày kia chúng ta sẽ đạt đến sự bất tử vinh quang linh hồn và thân thể.
- Qua sự cho sống lại, Thiên Chúa hoàn tất việc cứu độ chúng ta.
- Thế nên sự sống lại là niềm hy vọng vui mừng, vì sự sống trần gian của chúng ta không phải là cùng tận, chỉ như một chặng của hành trình tiến về cõi vĩnh hằng, một thời gian ngắn để thử thách, một môi trường để lập công...
Lạy Chúa, chúng con biết rằng vấn đề kẻ chết sống lại là một tín điều không phải do trí óc con người lý luận ra, mà do Thiên Chúa đã mặc khải cho nhân loại và việc Chúa Phục sinh từ cõi chết là đảm bảo cho tín điều ấy.
Xin thắp lên trong lòng chúng con niềm hy vọng vào cuộc sống đời sau để chúng con biết noi gương Ngài, can đảm vượt qua tất cả, từ sự nhỏ mọn ích kỷ, đam mê, khổ đau, nhục nhã, cô đơn, sợ hãi... đến cả sự chết, hầu chúng con luôn vui sướng và can đảm tin tưởng nơi Ngài dù bị thua thiệt, mất mát mọi sự. Vì chính Đức Giesu Kito Chúa chúng con đã sống lại thật. Amen.
Thân mến,
duyenky
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét