Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2019

THÁNG CÁC LINH HỒN: NHỮNG NGÔI NHÀ


THÁNG  CÁC  LINH  HỒN:
NHỮNG  NGÔI  NHÀ   
Jos. Hoàng Mạnh Hùng


Ngôi nhà gợi lên trong lòng chúng ta bao nhiêu hình ảnh, bao nhiêu kỉ niệm.
Có những ngôi nhà to lớn sang trọng với đầy đủ tiện nghi nhưng những người sống trong đó vẫn cảm thấy cô đơn và thiếu vắng tình thương yêu. Có những ngôi nhà bé nhỏ tuềnh toàng nhưng tình yêu thương chan hòa giữa những người thân đã khiến ngôi nhà trở nên một mái ấm.

Thông thường một đời người từ khi sinh ra đến khi nhắm mắt lìa đời có thể sống trong nhiều ngôi nhà: nhà thừa kế, nhà “tình thương - tình nghĩa”, nhà sở hữu “chính chủ” hay nhà thuê trọ, ở mướn .... Tất cả đều là bến đỗ bình yên, là vỏ bọc an toàn cho con người. Nhưng vẫn có những người vì hoàn cảnh nào đó không có được một chỗ nương thân hay phải rứt ruột từ bỏ ngôi nhà của mình.

39 người tị nạn với cái chết kinh hoàng tại Anh vừa qua đã khiến toàn thế giới phải nao lòng. Họ không những phải từ bỏ cha mẹ, người thân, nhà cửa, ruộng vườn để mong có một cuộc sống tốt đẹp hơn mà còn bị tước mất quyền thuộc về cộng đoàn, quốc gia nơi họ đã “chôn nhau, cắt rốn”.

Chắc hẳn họ rất đau đớn vật vã trong không gian tối đen và lạnh lẽo của chiếc container được ví như “ngôi mộ di động” đang dần dần thiếu đi dưỡng khí của sự sống. Những người khỏe hơn thì ra sức dùng tay trần cào cấu đến tóe máu để hi vọng mở được cánh cửa của sự sống. Những người yếu hơn đã cảm thấy cái chết gần kề nên gởi lời trăn trối “xin lỗi ba mẹ” trước khi chết “vì không thở được” và vì “con đường đi nước ngoài không thành”…

Nhưng cả những người được coi là “vô gia cư” cũng có được ngôi nhà đầu tiên do Thiên Chúa an bài trong lòng mẹ. Tuy nhỏ hẹp, nhưng rất ấm áp và đầy đủ nghĩa tình. Nơi đó mỗi người không phải lo lắng đói no, ấm lạnh. Đó là nơi trú ngụ an toàn nhất, đầy đủ nhất trước khi bước vào những ngôi nhà khác trong cuộc trần gian buồn vui - sướng khổ.

Ai cũng có những kỷ niệm trong kí ức lúc thì đẹp lấp lánh như pha lê, lúc lại long lanh gợn buồn như những giọt nước mắt về ngôi nhà gắn bó suốt cuộc đời mình. Nơi đã từng nghe những tiếng khóc đầu đời, chứng kiến tuổi ấu thơ rồi trưởng thành bước vào đời; nụ cười hạnh phúc của ngày tân hôn hay những giọt nước mắt tiễn đưa người thân lần cuối.

Ngôi nhà là tổ ấm thân thương, nơi không có chỗ cho sự sợ hãi. Nơi mỗi người thật sự thoải mái, không phài bận tâm lo lắng vì mọi căng thẳng, áp lực của cuộc sống. Nơi mỗi người có thể sống thật với chính mình để trao đổi tình cảm chân tình với nhau và cũng là nơi người đi trước chuyển giao kinh nghiệm từng trải và khôn ngoan cho những người đi sau.

Ngôi nhà còn là cung thánh sống động, nơi đó người ta học biết những tương quan mang nghĩa “thánh thiêng”. Đẹp thay khi có những nghi thức nho nhỏ trước bữa ăn, giờ kinh nguyện khi đi ngủ và thức dậy. Chính những thói quen đơn sơ này đã trở thành những dấu ấn mà khi vượt ra khỏi hàng rào nhỏ bé của gia đình, mọi người lại cùng nhau hướng về ngôi nhà chung lớn hơn trong những tiếng chuông reo vui rộn rã.

Đó là Thánh đường giáo xứ, nơi mà khi mới chào đời tôi đã được người thân đưa đến nhận bí tích thanh tẩy. Cũng tại đây tôi đã được vỡ lòng về giáo lý, được nghe những tiếng cầu kinh, tiếng hát cùng tiếng đàn phong cầm trầm bổng; được cùng tham dự Thánh lễ, nhận lãnh các bí tích khai tâm. Nơi những người yêu nhau tìm đến kết giao trước mặt Thiên Chúa, nơi con người chào từ biệt lần cuối trước chuyến lữ hành miên viễn...

Ngôi nhà lớn nhất tuy không có hình tượng rõ rệt nhưng lại bao bọc toàn thể nhân loại chính là hành tinh xanh – trái đất của chúng ta. Đức giáo hoàng Phanxicô trong thông điệp Laudato si’ đã kêu gọi tất cả và từng người - cá nhân, gia đình, tập thể địa phương, quốc gia và cộng đồng quốc tế - hãy đón nhận vẻ đẹp của “chị đất, mẹ đất” và có trách nhiệm dấn thân để “săn sóc ngôi nhà chung”. Ngài muốn gửi đến tất cả mọi người một sứ điệp rõ ràng và đầy hy vọng: ”Nhân loại còn có khả năng cộng tác để xây dựng một ngôi nhà chung”.

Chung cuộc, ai cũng sẽ phải chọn cho mình một ngôi nhà riêng. Có người chọn vài mét vuông đất tại nghĩa trang để ký gởi thân xác của mình. Có người dùng lửa để hóa thân trở lại kiếp tro bụi với hũ hài cốt bé nhỏ chỉ chiếm không gian vài chục xen-ti-mét trong nhà hài cốt, hoặc muốn được rải tro than mình hòa vào thiên nhiên trên núi hay dòng sông, biển cả.

Nhưng không ai biết được ngôi nhà cuối cùng đã lựa chọn trước có bảo bọc cho mình mãi mãi được không? “Nhất điền thiên vạn chủ”, nơi này hôm nay đang là nghĩa trang đìu hiu quạnh quẽ của người chết nhưng sau nhiều lần qui hoạch lại trở thành phố phường đông vui cho người sống. Hoặc thiên tai có thể quét sạch, san bằng những kiến trúc có kết cấu bền vững nhất huống chi là những nấm mồ liêu xiêu, bất ổn.

”Sinh ký tử quy – sống gửi thác về”, đời sống người Ki-tô hữu như một hành trình “hướng về nhà” và cái chết là được “về đến nhà”. Ngôi nhà này mới thực sự là ngôi nhà cuối cùng, là đích đến cho con người trong cuộc lữ hành trần thế. Vâng, chúng ta đang lữ hành đến ngày Sabbát vĩnh cửu, đến Giêrusalem mới, ngôi nhà chung ở trên trời.(Laudato si’)

Vậy ngay khi còn sống tạm ở cõi vật đổi sao dời này, hãy chuẩn bị cho ngày trở về nhà. Hãy chuẩn bị sẵn cho mình một chỗ trong ngôi nhà vĩnh cửu được xây dựng trên nền móng vững chắc không gì có thể lay chuyển nổi như lời Thánh Phao-lô đã xác tín: "không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Đức Giê-su Ki-tô." (1Cr 3,11).

   Jos. Hoàng Mạnh Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét