Thứ hai, 25/11/2019, VnExpress.net
Ba kỹ năng cần học trước khi vào đại học
Ảnh: Theodysseyonline
GS Margaret Dwyer, trường Kỹ thuật Milwaukee (bang Wisconsin,
Mỹ) nhận thấy hầu hết sinh viên thiếu ba kỹ năng cần thiết trong học tập và
công việc.
Tôi nhận thấy trong những năm trung
học của con, hầu hết phụ huynh tập trung vào kết quả học tập, hoạt động ngoại
khóa, những điều giúp học sinh có hồ sơ đẹp để nộp vào các đại học. Nhiều người
tiến thêm một bước, là dạy các con về cuộc sống tự lập như giặt giũ, nấu ăn hay
làm việc nhà.
Tuy nhiên, trong hơn một thập kỷ
giảng dạy, tôi phát hiện sinh viên còn thiếu một số kỹ năng sống vô cùng quan
trọng, những điều không chỉ giúp các em độc lập mà còn cho phép thành công hơn
trong trường học và xã hội.
1. Giao tiếp với người hơn tuổi
Email là hình thức giao tiếp bằng
văn bản phổ biến giữa các giáo sư và sinh viên. Mỗi năm, khi dạy sinh viên năm
nhất, tôi đều phải hướng dẫn các em cách viết email cho giáo sư. Đó là hãy bắt
đầu bằng "Kính gửi" chứ không phải là "Hey" hay bất kỳ từ
ngữ tuổi teen nào.
Sinh viên năm nhất thường có sự
tương tác rất hạn chế với người lớn, không chỉ giảng viên mà còn cha mẹ của bạn
bè hay quản lý tại nơi làm thêm. Nhiều sinh viên của tôi tỏ ra lo lắng trong
công việc và học tập chỉ vì không thể giao tiếp thoải mái với những người lớn
tuổi hoặc những người có chức vị cao. Đây không chỉ là vấn đề lịch sự khi giao
tiếp mà còn bao gồm việc sử dụng ngôn ngữ cơ thể thoải mái, linh hoạt như tay
chân, ánh mắt.
Giống như hầu hết giáo sư tại trường
đại học, tôi khuyến khích sinh viên trò chuyện cùng sau giờ học hoặc bằng
email, nhưng không nhiều em làm điều này. Những sinh viên chủ động nói chuyện
với tôi thừa nhận cảm thấy sợ hãi, lo lắng khi phải nói chuyện với giáo sư mà
không có mặt cha mẹ. Tuy nhiên, sau khi thử nói chuyện lần đầu tiên, các em
thấy nhẹ nhõm và tự tin hơn. Trong giao tiếp với người hơn tuổi, sinh viên nên
có thái độ tôn trọng, bình tĩnh, tự tin và đi thẳng vào vấn đề.
Trước đây, một phụ huynh từng gọi
điện đến trường tôi và nhờ giáo viên đánh thức con trai dậy vì em không thể tự
dậy sớm. Chúng tôi đã bảo với phụ huynh rằng con trai của bà cần tự thực hiện
điều này mới có thể xây dựng cuộc sống riêng. Tin tốt là sau vài tuần thử
nghiệm và thất bại, cuối cùng em đó đã có thể dậy sớm mà không cần ai đánh
thức.
Một phụ huynh khác chia sẻ với tôi
về cách giúp con quản lý lịch trình. Con trai cô không thể sắp xếp thời gian
khoa học và thường xuyên đến muộn. Mỗi khi đợi con đến muộn, phụ huynh sẽ tính
từng phút, sau đó nhân năm lần lên. Số thời gian nhân lên này sẽ trừ vào thời
gian giải trí, vui chơi của em đó. Ví dụ, bình thường chàng trai này chơi game
60 phút nhưng vì đi muộn 5 phút, em sẽ bị trừ đi 25 phút chơi game và chỉ được
phép chơi 35 phút còn lại.
Phụ huynh nên hướng dẫn con cách lên
lịch trình và quản lý thời gian của bản thân, sau đó hãy để con tự thực hành.
Các em chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong thời gian đầu, nhưng đây sẽ là những
viên gạch đầu tiên giúp con bạn hình thành kỹ năng quản lý lịch trình cá nhân
khoa học.
2. Tham gia giao thông
Có bao nhiêu học sinh trung học biết
cách quản lý phương tiện cá nhân hay tham gia phương tiện công cộng? Trường
chúng tôi nằm ở thành phố lớn nên sinh viên thường lựa chọn đi xe bus
đến nhưng nhiều em chia sẻ không thích đi xe bus hoặc không muốn đi một
mình.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi sinh
viên nông thôn không quen với việc sử dụng giao thông công cộng, nhưng nếu biết
rằng phải tự di chuyển đến trường đại học, các em nên học về giao thông hay an
toàn giao thông từ trước đó.
Trước khi vào năm học, các em nên
theo dõi lịch trình các tuyến xe bus đến trường, thử khám phá một số tuyến
đường để nắm được tình hình giao thông cơ bản xung quanh trường. Vào năm học,
khi đã làm quen và thân thiết hơn với bạn bè, sinh viên có thể đi theo nhóm, đi
nhờ phương tiện của nhau.
3.Làm thế nào để tân sinh viên không lo lắng về môi trường đại
học?
Cho dù con bạn thông minh đến đâu,
nếu phải học về kỹ năng sống cùng lúc với việc làm quen môi trường đại học, các
em chắc chắn sẽ gặp áp lực và ở thế bất lợi. Khi các em không thể đến lớp đúng
giờ vì dậy muộn, không hoàn thành bài tập về nhà vì không biết quản lý thời
gian hay nói chuyện bất lịch sự với người hơn tuổi, tất cả sẽ ảnh hưởng đến
điểm số và cách giảng viên đánh giá về các em.
Vì vậy, bài viết này tôi muốn dành
cho phụ huynh có con đang học phổ thông. Hãy tự hỏi con bạn sẽ xoay sở thế nào
khi lên đại học ngay hôm nay. Nếu bạn nhìn thấy những điểm yếu, những bất lợi
của con, hãy dành thời gian từ bây giờ để hướng dẫn và thay đổi các em.
Phụ huynh có thể để học sinh tự lên
lịch sinh hoạt ngoài giờ học. Hãy để các em tự gánh chịu hậu quả nếu không biết
phân bổ thời gian, dành quá nhiều sự chú ý cho các thiết bị công nghệ. Bạn cũng
có thể để con tự đến trường, tự sử dụng phương tiện công cộng hoặc phương tiện
cá nhân, nhưng đừng quên hướng dẫn về luật an toàn giao thông.
Có thể khi đọc bài viết này, nhiều
phụ huynh sẽ nghĩ rằng: "Con tôi không có những kỹ năng trên đây nhưng tôi
hiểu con tôi, đó là đứa trẻ thông minh, cháu sẽ sớm hiểu những điều đó".
Nhưng khi gặp rắc rối ở đại học, các em sẽ nhận ra bản thân không thông minh và
tự ti về chính mình. Khi bị điểm kém, khi không thể chia sẻ với giáo sư, các em
sẽ mất nhiều thời gian để lo lắng, căng thẳng, khoảng thời gian lẽ ra nên dành
cho việc trau dồi và khám phá bản thân.
Tú Anh (Theo The Washington Post)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét