Dạy con trong gia đình 3 thế hệ thật đau đầu!
Nhiều bậc cha mẹ cho biết dạy con trong gia đình có 3 thế hệ rất khó-Shutterstock
'Tôi vừa yêu cầu con ngồi vào bàn học thì bà
nội bảo bắt con học làm gì nhiều để mắt bị cận. Có lần bị ông nội đánh, tôi rất
bất bình nhưng không làm thế nào để góp ý được'.
Đó là lời tâm sự của chị Lương Thị Hồng, đang
sống tại lô B, chung cư Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM, khi kể về những mâu thuẫn
trong phương pháp dạy con của gia
đình mình.
Có ông bà “bảo kê”,
con không sợ bố mẹ
Chị Hồng kể: “Vợ chồng tôi sống với ba mẹ
chồng từ sau khi cưới. Sinh con đến nay đã được 13 năm, thì trong suốt 13 năm
này, con tôi phải chịu “áp lực” từ 2 phía là ông bà và cha mẹ. Vợ chồng tôi
muốn dạy con theo kiểu hiện đại, làm bạn với con nhưng không chiều chuộng, dùng
lý lẽ nhẹ nhàng phân tích để giúp con nhận thức mọi chuyện chứ không chọn cách
la mắng, đánh đập. Thế nhưng ông bà thì ngược lại. Có những chuyện ông bà rất
nuông chiều, nhưng khi con mà có phản ứng gì trái ngược là ông la mắng, đánh đòn
chứ không cần tìm hiểu nguyên nhân, không cần thấu hiểu tâm lý con đang ở tuổi
mới lớn. Nhiều lúc tôi ức chế chỉ muốn bỏ nhà đi đâu một thời gian”.
Theo chị Hồng, con gái chị 13 tuổi nhưng vẫn
được ông bà nuông chiều, không cho đụng vào việc nấu cơm, rửa chén. Nhưng khi
con chị xem điện thoại nhiều, ông bà lại la mắng, ném bỏ điện thoại của con.
Khi con chị phản ứng “sao ông ném điện thoại con, sao ông lại quá đáng vậy”,
thì lập tức bị ông tát cho một cái như trời giáng. “Cháu ôm mặt khóc và bỏ chạy
xuống đường, khiến tôi phải đuổi theo, dỗ dành mãi mới đưa con trở lại nhà
được. Trong khi đó, những lúc vợ chồng tôi nghiêm khắc với con, yêu cầu con phải
giữ vệ sinh sạch sẽ, học bài làm bài nghiêm túc, không được ngủ trễ… thì ông bà
lại nói ngay trước mặt con là 'ba mẹ con Na không cần phải nghiêm khắc như thế,
cho con nó thoải mái một chút có sao đâu'. Được ông bà 'bật đèn xanh', con gái
tôi tiếp tục coi phim đến khuya. Nhà có 3 thế hệ, việc dạy con thật đau đầu vậy
đó!”, chị Hồng cho biết.
Hậu quả là đến giờ, con gái chị Hồng không sợ
ông bà, cũng không sợ ba mẹ, vì khi ba mẹ la đã có ông bà là "đồng
minh", và khi bị ông bà la hay đánh, đã có mẹ an ủi.
Chia sẻ về vấn đề này, anh Dương Quang Hùng,
(đang làm việc tại Công ty thang máy Hyundai Thành Công), nhìn nhận: “Bản thân
gia đình tôi cũng đang sống 3 thế hệ, tôi biết có những tình huống mâu thuẫn
trong việc dạy con khiến cả nhà giận nhau. Ông bà thường có cách nghĩ truyền thống, không cần biết xã hội ngày nay
đã rất khác rồi, trẻ em cũng khác xưa rồi, không thể dạy theo cách áp đặt và
dùng cảm tính. Đó là chưa kể ông bà thương xót cháu theo kiểu chiều chuộng thái
quá, hay phản ứng mỗi khi vợ chồng tôi dạy con, khiến con không nghe lời vì đã
có ông bà “che chở”. Có lần giận quá tôi nói “con của con bố mẹ hãy để con dạy,
đừng can thiệp mà cháu thành hư”, thế là mẹ tôi giận bỏ về quê cả tháng trời”.
Cần bàn bạc, thống
nhất để tránh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phan, Trưởng bộ môn Tâm
lý giáo
dục, khoa Giáo dục, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM,
nhận định: “Ngày nay, không hiếm những gia đình sống quây quần 3 thế hệ một
nhà, nhất là ở các vùng quê. Thành phố cũng có. Chắc chắn sẽ nảy sinh mâu thuẫn
về các giá trị trong phương pháp dạy con. Ông bà sẽ hướng đến một giá trị khác,
truyền thống hơn, và cách dạy cũng thiên về cảm xúc hơn, trong khi cha mẹ lại
có một mục tiêu khác. Thông thường cha mẹ hiện đại sẽ muốn dạy con nghiêm khắc
theo kiểu “lý”, dùng lý lẽ để dạy con chứ không nuông chiều thái quá hoặc
nghiêm khắc theo kiểu bạo lực. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn tới trẻ”.
Theo tiến sĩ Phan, trong một môi trường như
vậy, trẻ sẽ bị rối loạn về nhận thức, không hiểu cái nào đúng, cái nào sai và
nên theo cha mẹ hay ông bà. Từ đó dẫn đến thái độ và hành vi bị mâu thuẫn nhau.
Đối với trẻ có thần kinh yếu thì dẫn đến tự ti, trẻ cá tính thì dễ nổi loạn và
tự theo một cách riêng của mình.
“Theo tôi, nếu gia đình 3 thế hệ thì ông bà,
cha mẹ cần ngồi lại trao đổi với nhau để cùng thống nhất phương pháp dạy con,
cháu. Không nên để xảy ra tình huống 'trống đánh xuôi, kèn thổi ngược' như cha
mẹ nghiêm khắc dạy dỗ nhưng trẻ lại được ông bà 'bảo kê', dặn dò những điều
ngược lại, thì trẻ sẽ cứ làm theo những điều mà chúng được khuyến khích, trong
khi những điều đó có thể không tốt cho trẻ. Hai thế hệ cha mẹ - ông bà cần
thống nhất mục đích, giá trị mà cả nhà hướng tới, nhưng giá trị này phải tương
quan, phù hợp với xã hội”, tiến sĩ Phan đưa ra lời khuyên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét