Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2019

XUNG ĐỘT GIỮA TUỔI GIÀ VÀ TUỔI TRẺ



XUNG  ĐỘT  GIỮA  TUỔI  GIÀ  VÀ  TUỔI  TRẺ

Trần Mỹ Duyệt


 Nhiều người trẻ gần đây tỏ dấu không hài lòng với lớp người lớn tuổi mà điển hình là ông bà, cha mẹ, các bác, các cô và các chú thím.
Lý do thì nhiều, nhưng tựu trung lại là những người “lớn” thường hay xen vào cuộc sống riêng tư của họ. Trong khi các bạn trẻ muốn có một mái nhà riêng, một gia đình riêng, và hài lòng với cuộc sống, với lối giáo dục con cái, thì ngược lại, những người lớn tuổi lại hay tỏ ra lo lắng, sợ hãi và cảm thấy như bị xúc phạm, bị bỏ rơi vì không được can dự vào đời sống riêng tư và cuộc sống gia đình của con cháu.

Những câu chuyện đổ vỡ gây ra cho các gia đình trẻ do sự can thiệp của ông bà, cha mẹ, cô chú thím kể ra cũng nhiều và những câu chuyện con cháu đưa người lớn tuổi vào các viện dưỡng lão, hoặc bỏ bê không chăm sóc tại nhà cũng lắm, mỗi trường hợp đều có những lý do đặc thù. Sau đây là câu truyện mà tác giả mới nghe trong lúc gặp gỡ, tâm sự với một bạn trẻ:

Em rất buồn khi thấy gia đình chú em của em sắp sửa đi tới đổ vỡ.
Em lấy làm tiếc cho em trai của em và hai đứa con tuổi teen của nó. Tất cả là những nạn nhân đáng thương của người mẹ vợ! Em thật không ngờ lại có một người mẹ khuyên con mình bỏ chồng để mong chia được nửa gia tài. Mà thực sự gia tài của hai đứa thì cũng chẳng nhiều gì, theo em ước tính cũng chỉ trên dưới 500.000 là cùng, đó là sau khi đã bán căn nhà và tổng cộng mọi cái mà hai đứa có được. Nhưng thử hỏi, với từng ấy số tiền khi kết thúc ly dị luật sư hai bên sẽ ăn bao nhiêu và còn lại bao nhiêu? Đối với em, tiền bạc cũng không thành vấn đề lắm vì em biết em của em giỏi và có tay nghề cao, sau khi ly dị thì nó cũng có thể vươn lên được. Điều mà em buồn là thương cho hai đứa cháu ở tuổi teentuổi đang cần sự săn sóc, quan tâm của cả cha lẫn mẹ trong bầu khí một gia đình hạnh phúc. Sau khi cha mẹ ly dị, chúng sẽ sống với ai, mẹ hay bố, và tương lai sẽ ra như thế nào. Cái oái oăm ở đây là bà mẹ vợ của đứa em đã bằng mọi giá ngăn cản không cho vợ chồng nó đi đến một giải pháp làm hòa giải nào. Hễ ai giới thiệu một giải pháp làm hòa nào thì đều bị bà ngăn cản hoặc gạt qua một bên. Nhiều lần em tự hỏi không biết em dâu của em lấy chồng hay bà mẹ nó lấy chồng. Tại sao lại cưỡng bức và làm mọi cách để chia lìa hạnh phúc con cái. Điều này em thật không hiểu. Do tự ái, ích kỷ, hay một lý do nào khác.
Theo tâm lý phải giải thích như thế nào trong trường hợp này?

Câu chuyện chỉ nghe một phía thì cũng rất khó phân tích, nhưng nói chung sự khác biệt giữa người già, người lớn tuổi với người trẻ, người nhỏ tuổi là một sự khác biệt rất tự nhiên. Trong hoàn cảnh của những người Việt đang sinh sống tại hải ngoại, nhất là tại Hoa Kỳ hiện nay, sự khác biệt ấy có thể nhìn thấy qua những khía cạnh như sau:
Do tâm lý khác biệt (psychological differences).
Do cách biệt của hai thế hệ (generation gap). 
Do cách biệt về hai nền văn hóa (cultural gap). 

Tâm lý khác biệt (psychological differences):
Có nhiều điều khác nhau giữa tâm lý người già và tâm lý người trẻ. Nhưng điển hình nhất là tuổi già sống với quá khứ còn tuổi trẻ sống với tương lai.
Giữa quá khứ và tương lai tự nó đã không có điểm trùng hợp, trong khi chỉ một giây phút hiện tại là tồn tại và phù hợp với cả lớp tuổi nhưng cả hai lại cũng có những cái nhìn khác nhau trong tương quan hằng ngày, và đó là lý do mà ngay cả những người trong gia đình, giữa cha mẹ và con cái nhiều lúc đã xảy ra những hiểu lầm gây tranh cãi. Có thể người mẹ trong câu chuyện trên đã hành xử theo tâm lý này?
Bà sống với ký ức hoài cổ khi nghĩ rằng mình là mẹ thì khôn hơn con“Áo mặc không qua khỏi đầu”, và với kinh nghiệm quá khứ bà đem ra phê phán hiện tại. Rồi từ đó muốn có một tình thương áp đặt lên con gái bà. Bà muốn trong gia đình mọi người phải dành cho bà quyền ưu tiên tuyệt đối, ngay cả con rể bà là người phải có trách nhiệm với gia đình của anh ấy.
Bà muốn hạnh phúc hôn nhân con gái bà phải theo suy nghĩ và tính tóan của bà.

Cách biệt của hai thế hệ (generation gap):
Phản ảnh tâm lý sống trên cũng đến từ sự khác biệt giữa hai thế hệ. Thế hệ cha ông và thế hệ con cháu.
Đây là điều mà hầu hết những người cao niên thường phủ nhận, trong khi tuổi trẻ thì nhìn ra sự khác biệt này rất rõ. Người già, người cao niên bao giờ cũng nói: “Ngày xưa tao như tuổi mày. Tao như thế này, thế này. Ngày xưa ông bà mình không chấp nhận cái này, không đồng ý cái khác…” Ngày xưa và ngày nay. Phụ huynh cao tuổi Việt Nam hầu như không mấy ai ý thức được sự khác biệt giữa hai thế hệ. Con cái dù bây giờ là gì đi nữa, học hành sao đi nữa thì trước mắt họ vẫn chỉ là thằng Tèo, cái Mận, mặc dù Tèo nay đã là luật sư, bác sỹ, kỹ sư, và cái Mận nay cũng đã là tiến sỹ, giáo sư… Nếu không áp đặt được những tư tưởng “ngày xưa” lên cuộc sống con cháu, thì đa số xử dụng đến hai chữ “hiếu thảo”.

Nhưng vì hiểu và ứng dụng sai về giá trị của đạo hiếu mà nhiều thanh niên đã sẵn sàng “mất vợ” thay vì “mất mẹ”. Luận điệu “Mất vợ, mất chồng thì lấy vợ khác, chồng khác nhưng mất cha, mất mẹ thì không có cha mẹ nào khác,” hoặc “Trẻ nhờ cha, già nhờ con” là những gì luôn luôn đúng, đáng phải lưu tâm, nhưng cách diễn dịch và ứng dụng thì không thể như nhau giữa hai thế hệ. Không thể đem áp dụng một cách máy móc hoặc cố chấp đối với cái nhìn, lề lối suy nghĩ và cách sống cho giới trẻ ngày nay.
Cô vợ trẻ trên nếu nghe lời mẹ mà ly dị chồng, bỏ qua tương lai và hạnh phúc con cái là một quyết định hoàn toàn sai lầm.
Người mẹ nếu vì một lý do nào đó mà nhất định xui hoặc ép con phải bỏ chồng lại càng sai lầm hơn nữa.
Người mẹ thương con thật sự là phải biết vun trồng cho con, phải biết dùng ảnh hưởng của mình để hàn gắn và nối kết hạnh phúc gia đình của con.
 Phải coi hạnh phúc của con là hạnh phúc của mình.

Tình và hiếu là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.
Dĩ nhiên không ai để “mất mẹ”, nhưng càng không khôn ngoan và trưởng thành tí nào khi vì sự hiểu biết sai lầm ấy mà phải hy sinh “vợ”, hoặc “mất chồng”.
Đề tài này tác giả đã phân tích trong loạt bài về tình yêu, hôn nhân, và đạo hiếu.
Và chỉ xin được nhắc lại ở đây cái nguyên tắc căn bản của hạnh phúc hôn nhân, đó là hạnh phúc được xây dựng giữa hai người, giữa chồng và vợ. Hạnh phúc ấy không hề làm phai nhạt hay giảm giá tinh thần hiếu thảo.
Một người con trai hay một người con gái với cái nhìn và ý thức trưởng thành cần phải biết so sánh và nhìn vào sự khác biệt ấy để sống và để xây dựng hạnh phúc lứa đôi.       

Cách biệt về hai nền văn hóa (cultural gap):
Khác biệt văn hóa trực tiếp đụng chạm đến lối suy nghĩ, hành động và quan niệm sống của những phụ huynh cao niên và con cái trẻ tuổi đang sống tại các nước Âu Mỹ.
Đây là một định luật tự nhiên, không chỉ xảy ra đối với tuổi già Việt Nam mà cho mọi sắc dân, mọi thành phần văn hóa khi phải đến và tháp nhập vào một nền văn hóa khác. 
Nhưng văn hóa là gì?
Một cách đơn giản, văn hóa là những gì làm cho anh là người Mỹ, hoặc cho tôi trở thành một người Việt Nam. Như vậy, văn hóa là cơm ăn, áo mặc, là tập tục, là phong tục, tập quán, là tiếng nói, là lịch sử, và ảnh hưởng xã hội mà một người sinh ra, lớn lên chịu ảnh hưởng…làm nên nhân sinh quan và triết lý sống của người ấy và dân tộc ấy. Do đó mà khi một người cao niên Việt Nam qua sống bên Hoa Kỳ khó khăn đầu tiên của họ là sự khác biệt về văn hóa.
Nếu ý thức được sự khó khăn này mà chia sẻ với con cái, cháu chắt thì cuộc sống của họ sẽ trở nên dễ dàng, và con cháu họ cũng cảm thấy dễ chịu. Ngược lại sẽ tạo nên những lục đục, phiền muộn không chỉ riêng đối với người cao niên mà còn cho cả con cháu nữa.
Tuy không nói ra những khác biệt về văn hóa trong quan niệm và nếp sống, suy tư của người mẹ trong câu chuyện, nhưng việc xui con bỏ chồng, việc ngăn cản mọi nỗi lực hàn gắn của người mẹ này đã cho thấy có những hiểu lầm, hoặc quan niệm sai lầm về hai lối sống, hai quan niệm sống mà nó chính là ảnh hưởng khác nhau của hai nền văn hóa.

Tóm lại, phải nói rất thật là việc cha mẹ sống chung với con cái, với dâu, rể là một việc hết sức tế nhị và phức tạp.
Cái đẹp của đại gia đình trong đó ông bà, cha mẹ, con cháu, anh, chị, em sống chung với nhau bây giờ chỉ là quá khứ.
Nếp sống đại gia đình đã trở nên lỗi thời trong thế giới hiện nay khi mà gia đình được thành hình dưới hình thức tiểu gia đình bao gồm vợ chồng và con cái.
Chính vì điểm này, không chỉ các bậc phụ huynh mà cả thế hệ trẻ ngày nay cũng cần phải định nghĩa lại  chữ “hiếu” và chữ “tình” khi muốn duy trì được hạnh phúc cho tuổi già cha mẹ cũng như hạnh phúc của con cái.
(Mời vào thăm trang nhà www.giadinhnazareth.org để tham khảo thêm những bài viết giá trị.)     

Cảm nghĩ của Vuisong

Đây là bài viết cho các gia đình đang sống bên Mỹ với những khác biệt khá gay gắt..

Ở Việt nam, phần đông các công nhân lập gia đình với nhau..thường ra riêng ngay từ đầu…
Một số khác vẫn còn phải sống chung trong một thời gian trước khi có đủ điều kiện tài chánh để ra riêng (thường phải mượn ngân hàng 20, 30 năm)
Trong thời gian sống trong đại gia đình, có 2 hoàn cảnh
-  Phần đông, không hiểu nhau, và phải chịu đựng rất khốn khổ
-  Một số rất ít cha mẹ đã biết quan tâm với con cái ngay khi chúng còn nhỏ thường xuyên tâm sự...khi lớn lên dễ bắt được ý của nhau hơn…
Khi có biến cố gì xảy ra, cha mẹ và con cái cùng nhau giải quyết..
Cha mẹ chỉ nên đưa ra những gợi ý rồi tôn trọng quyết định cuối cùng của con…
Còn nếu muốn lèo lái theo sự khôn ngoan chủ quan của mình thì cũng phải hết sức tế nhị…nhẹ nhàng…
Nếu có thể, cha mẹ và con cái nên dùng mail để trao đổi với nhau… Nhờ đó, có đủ bình tĩnh để ‘lắng nghe’ và ‘thông cảm’… hơn là những lời nói trong cơn nóng giận, vượt khỏi tầm kiểm soát.. rất tai hại…!!!!

Tóm lại dù ở Mỹ hay ở Việt Nam..chừng nào cái tôi to tổ bố của mình đứng lên đòi phải được tôn trọng :
ý cha mẹ mới khôn ngoan hơn..
ý con cái mới hợp thời đại tân tiến hơn..
thì sóng gió tất  nhiên phải xảy ra ..
Và cuốn theo bao nhiêu hệ quả đau buồn, tang thương, khốn khổ cho mọi người…


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét