Cha mẹ thế thì thương em quá
Sun,
22/12/2019 - Lm Hương Quất
1. Tớ tạt vào quán cơm
bình dân, khá vắng khách.
Cô chủ quán còn khá trẻ,
dễ thương và cô em trẻ hơn, dễ thương hơn (tớ đoán vì có nét giống) đang dọn
lau những bàn trống.
Quá trưa thế này, khách vắng
cũng đúng, nếu ngày ‘trúng mánh’ có khi phải dẹp quán nghỉ lâu rồi.
Khi làm phần cơm cho vị
khách thuộc diện … cuối mùa là tớ, hai chị em cô chủ cũng lấy phần ăn trưa cho
mình, ngồi ăn…
Một ‘chú nhóc’ xem ra láu
lỉnh cỡ 7-8 tuổi đang cầm tô nhựa ăn cơm, lượng cơm còn tớ đoán chỉ vạt khoảng
thêm bốn, năm thìa nữa là hết.
Tớ cố tình ra ngồi gần
‘chú nhóc’, làm quen
- Chào con trai…
Lời tớ chào rơi đúng ‘hắn’
đang lấy thìa vạt cơm, miệng đầy cơm,,, nên hắn lịch sự chỉ gật chào.
Đợi hắn ăn hết cơm dự trữ trong miệng, tớ làm
quen tiếp.
- Con trai học lớp mấy rồi?
Bạn nhỏ tiếp vạt cơm, tay
giơ ba ngón, thay câu trả lời.
- Tốt, trông con trai
thông minh, nhanh nhẹn, học chắc chắn phải khá giỏi. Thế năm nay con có được giấy
khen không?
Cậu bé lắc đầu (có lẽ bận
nhai nốt cơm dở).
- Thế thì thật tiếc, mà
không sao. Năm nay cố gắng sẽ được mang về khoe cha mẹ nhé… Thế con có thích đọc
truyện tranh không?
- Dạ, con chưa đọc được
chữ. Câu bé ngay thật.
(Tớ bất ngờ, với gương mặt
sáng sủa này, lẽ thường đọc làu làu xong lớp 1, nếu không muốn nói- như đứa
cháu gái đứa bạn khoe dọc chữ thông thạo dù năm nay mới hết mầm non, sang năm
vào lớp 1 (tớ kiểm tra, đúng thật. Bé biết nhanh chữ cũng nhớ những trò chơi
đánh vần)…)
- Chú rất thích con ở cái
tính nói thật, đấy là điều quan trọng nhất… Đọc được chữ cũng không khó mấy, ta
chỉ cần bớt chơi đi một chút, chịu khó học một chút là xem chữ được, dễ mà. Khi
mình biết đọc chữ thích lắm, này nhé mình đọc được truyện tranh, đọc được chữ
chạy trên tivi, đọc được báo…
Người mẹ bỗng ngang qua…
phang một câu:
- Mày ngu, lớn đầu không
biết đọc còn khoe…
Và nhìn tớ, ‘phang’ thêm’
- Nó học dốt lắm bác ơi,
chỉ ham chơi thôi… Làm bài toàn hai, ba điểm, lâu lâu được điểm bốn…
Cậu bé bất ngờ bị mẹ
‘phang’ thế, vội cầm tô vạt vội hết cơm, chạy ra chậu rửa để tô bẩn rồi chạy tọt
vào nhà.
(Thú thực trước phản ứng
‘chửi con ngu’ tớ nổi giận… Bao nhiêu nét dễ thương của cô chủ trôi tuột hết
trong cơn ‘cuồng giận’… Tớ lấy bình tĩnh, tự mỉm cười vài ba lần để… hạ hỏa, lại
cầm ly nước đá uống vài ngụm… thêm hỏa hạ).
Tớ nhá câu bâng quơ:
- Trông cậu con trai nhà
chị thuộc dạng năng động- thông minh đấy…
- Bác nói đúng, học thì dốt
nhưng nghịch thì giỏi… Chơi trò xếp chữ xếp hình em làm mãi không được, nó ngồi
vài tiếng lần mò là ra.
- Thế thì cháu thông minh
thật… nhưng rất tiếc cho cháu.
- Tiếc sao bác?
- Tiếc cho cháu, có thể cả
tương lai cháu… và cũng tiếc cho anh chị vì cha mẹ chỉ thấy cháu dốt, toàn chửi
cháu ngu… Thế thì sao cháu phát huy được tiềm năng thông minh.
Bỗng nhiên mẹ và cô em
đang ngồi ăn cơm nhìn tớ có chút bỡ ngỡ, có chút… tâm lặng.
Tớ để ‘khoảng lặng’ kéo
dài chừng 60 giây, rồi nói:
- Trẻ em rất cần được tôn
trọng, khích lệ, tin tưởng… Giáo dục trẻ cần nhìn mặt tốt để khơi dậy nỗ lực sửa
cái chưa tốt. Chẳng hạn cháu làm bài chỉ 2, 3 điểm, sao khi cháu đạt điểm 4 sao
chị không khen. Đại loại “con đạt điểm bốn, có tiến bộ đáng khen… nhưng nói thật
mẹ vẫn chưa vui mấy, bởi khả năng của con có thể đạt điểm cao hơn nhiều… Rồi chị
khích lệ bằng phần thưởng: Lần sau bằng thực lực của mình, nếu con đạt điểm 6-
7 mẹ sẽ thưởng…
Thấy hai chị em đang lắng
nghe, và có vẻ đang thấm, được đà tớ đi tiếp.
- Nói thật chị đừng buồn,
vừa rồi cháu có những đức tính rất tốt đáng ra chị phải trân trọng, phải khích
lệ… đàng này chị chửi cháu, làm cháu ngại phải chạy vào trong. Chẳng hạn khi
cháu nói thật ‘chưa đọc được chữ’, hay tính ngăn nắp ăn xong biết bỏ tô bẩn vào
chậu rửa… sao mình không khen cháu một câu như cách tôn trọng con cái. Cha mẹ
giáo dục theo kiểu chửi mắng, đánh đập… nếu Chúa ban cho con cái tiềm năng
thiên tài cũng bị thôi chột…
Bất ngờ có một ngã đàn
ông từ trong nhà đi ra, râu quai nón (đã cạo), đẹp trai phong độ (chỉ dị mặc quần
đùi, cởi trần) đi ra hỏi vợ:
- Em đang nói chuyện gì đấy?
- Bác này hỏi về thằng
con mình học hành…
- Ôi giời, nó học dốt bỏ
mẹ, nói làm gì cho phí thời gian.
Tớ sững người trước phản ứng
‘cùng giuộc’ với vợ.
Và tránh cơn giận- xem ra
sóng giận dữ dội hơn, tớ liền kêu tính tiền, rồi đứng đậy định về... Cô em cố
tình ra tớ, thăm dò:
- Hình như chú là thầy
giáo?
- Sao cô nói thế?
- Con nghe thấy chú nói
năng nhỏ nhẹ, có lý có tình dễ lọt tai, quan tâm đến giáo dục…
Tớ trả lời bằng… mỉm chi,
tạo thêm khoảng lặng... chân không cho suy tư với nỗi đau … ôi chao!
2. Tớ nhớ đến thiên tài
Thomas Edison (1847-1931), một vĩ nhân cả nhân loại phải biết ơn, kính nể. Ông
đã để lại cho hậu thế hàng ngàn phát minh, thiết thực cho đến hôm nay như máy
quay đĩa, máy chiếu phim, máy ghi âm… trong đó đáng kể nhất bóng đèn có tóc…
Ông được coi như ‘mặt trời thứ hai’ (x. Wilipedia tiếng Việt)…
Con người tuyệt vời ấy đã
từng bị nhà trường coi ‘thiểu năng trí tuệ’, cứng đầu. khó dạy và… trả về nhà.
Ông bị coi là ‘đồ bỏ’ đối
với trường lớp.
May…
Thomas Edison có một gia
đình tuyệt vời, một Người Mẹ truyệt vời. Bà quyết tâm dạy dỗ con trong kiên nhẫn,
chịu đựng… như cách cụ thể biểu lộ thương yêu, tôn trọng Trẻ Em- quyền Trẻ Em.
Nếu không có gia đình, nhất
là Người Mẹ tuyệt vời thì chắc chắn nhân loại không có thiên tài và thụ hưởng
hàng ngàn phát minh hữu dụng cho cuộc sống.
Nhân loại biết ơn ông một
thì phải biết ơn cha mẹ, nhất là Người Mẹ gấp nhiều lần hơn nữa
…
Nhà khoa học vĩ đại nhất
thế kỷ XX, người tạo ra bước nhảy vọt, thậm chi bước ngoặc khoa học- Albert
Einstein (1879-1955).
Ông vốn thuộc loại trẻ chậm
phát triển, 3 tuổi chưa biết nói…
Có lẽ do chậm nói Albert
Einstein khi đến trường học chắc vất vả lắm vì ăn nói ngọng ngịu…
Học trò ‘xem ra’ khiếm
khuyết như Albert Einstein có lẽ hôm nay dễ bị liệt trẻ… ngố, chậm phát triển,
chẳng hy vọng giáo dục. Và ‘phán xét’ thế nên chẳng quan tâm giáo dục, cha mẹ
xem ra ơ hờ, kệ mặc…,
May cho Albert Einstein
sinh ra thuộc dòng tộc Do Thái- Dân riêng Chúa chọn, nghĩa là Trẻ Albert
Einstein có được môi trường tuyệt vời với những bậc cha mẹ tuyệt vời trong việc
giáo dục…
…
Và rất nhiều Trẻ Em trên
thế giới- sau này trở thành người tài đức vốn bị xem là ‘đồ bỏ’ và thực chúng sẽ
thành ‘rác rưởi’, thành của nợ- gánh nặng cho xã hội nếu không có gia đình- cha
mẹ tuyệt vời, biết cách giáo dục con cái.
Tớ giật mình…
Cách giáo dục ‘chửi mắng’
con cái như ‘chú nhóc’ ở trên xem ra rất thông dụng trong xã hội Việt Nam.
Và như thế, chính cha mẹ
đã ‘giết’ chết bao hiền tài đất nước.
Đất nước mà không có hay
thiếu Hiền tài- vốn được xem nguyên khí quốc gia thì bao giờ đất nước ta mới
thoát mãi lú- ngu dốt, mới trưởng thành, mới ngẩng đầu đứng thẳng đồng bước với
thế giới văn minh.
Ở góc ‘giật mình’ khác…
Xã hội thời ‘rực rỡ nhất’
với nền giáo dục đang bước sâu vào khủng hoảng nghiêm trọng, môi trường ‘gắng
làm người tử tế’ đang bếch bênh… quyền Trẻ Em đang bị xâm hại nặng nề, mức SOS…
Nghĩa là Trẻ Em đang rất
thiếu môi trường lành mạnh, được tôn trọng, được sống ngay thật…
Môi trường xã hội nguy hiểm
như thế, nhẽ ra gia đình- trong đó vai trò cha mẹ quan trọng hàng đầu- phải là
môi trường, diểm tựa cho Trẻ được sống, được vui chơi, được tôn trọng… giúp trẻ
được phát triển bình thường.
Thế mà…!
Ôi chao...!
Lm. Đaminh Hương Quất
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét