Thứ Năm, 12 tháng 12, 2019

Dec 15, 2019 - Chúa nhật thứ III mùa Vọng năm A

Dec  15,  2019 Chúa  nhật  thứ  III  mùa  Vọng  năm  A 

Dung  Mạo  Đấng  Cứu  Thế.


                                                  
Các Bạn thân mến,
Gioan Tiền Hô là một vị tiên tri cương trực. Ông không khiếp sợ trước thế lực, cường quyền nào, chỉ quan tâm làm chứng cho chân lý. Khi Hêrôđê Antipas cướp vợ của người anh, ông đã không ngần ngại lên tiếng công kích. Vì thế ông bị bắt giam trong ngục, nhưng vẫn theo dõi hoạt động của Đức Giêsu. Hôm nay ông sai môn đệ đến hỏi Ngài:“Thưa Thầy, Thầy có đúng là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi phải đợi ai khác?”
Một câu hỏi táo bạo, ngỡ ngàng, lạ lùng đến khó hiểu, nhưng Đức Giêsu không trả lời trực tiếp. Ngài yêu cầu họ về thuật cho Gioan những việc Ngài làm:“Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng…” Ðó là những chi tiết mà ngôn sứ Isaia đã dùng để mô tả Ðấng Messia, một Ðấng Messia chữa lành tất cả.
Với câu trả lời ấy, Đức Giêsu nhắc Gioan nhớ lại lời của Isaia về Đấng Cứu Thế. Đồng thời cũng thanh luyện cái nhìn của ông về dung mạo của Ngài.
 Đây là câu trả lời rất tuyệt vời, bởi cách tranh biện của Đức Giêsu là không dùng lý lẽ tri thức, nhưng đưa ra kinh nghiệm về quyền năng biến cải của Ngài.
 Ngài còn như muốn cảnh giác rằng chắc chắn Ngài đã đến và sẽ còn đến, nhưng Ngài không đến trong một biến cố kinh thiên động địa, không có những pha biểu diễn ngoạn mục, không đến trong những thành công rực rỡ, trong uy tín hay quyền lực. Mà Ngài đến rất âm thầm, bé nhỏ mà đầm ấm an lành. Nơi nào có dấu hiệu của tình thương, nơi đó biểu hiện dung nhan của Ngài.

1. Một câu hỏi phàm trần?
-  Gioan là một ngôn sứ và còn là vị Tiền hô, nhưng câu hỏi của ông gần như lại rất "phàm trần": ông không hiểu hết, không tin đủ vào Đấng ông rao giảng hay vì lý do nào mà ông nghĩ tới "một Ðấng nào khác”?!
-  Thế nên dù ý nghĩa của câu hỏi thật rõ ràng, nhưng các thần học gia cũng như các nhà chú giải Kinh Thánh đã vất vả tìm động cơ chính xác nhất cho nó, bởi câu hỏi đó có thể là:
     a)   Cho các môn đệ của Gioan:
-   Gioan Tẩy Giả là người sống đời chay tịnh, khắc khổ, đạo hạnh, ông không có thói quen gia giảm chân lý cho vừa ý người nghe, cũng không hề thấy điều ác mà không quở trách. Vì thế ông đã bị vua Herode cường quyền bạo lực bỏ tù, rồi xử trảm.
-  Ông cũng biết được những nguy hiểm mình sẽ phải chịu, cùng sự băn khoăn bối rối của các môn đệ ông, nên ông đã lo tương lai cho họ. Ông muốn cho các môn đệ mình trực tiếp biết rõ sự thật về Đức Giesu, biết thật chắc chắn Ngài là Đấng phải đến, Đấng Cứu Thế mà dân Do Thái mong đợi, để không phải băn khoăn, hồ nghi chờ đợi nữa.
-   Giải thích này có thể đúng, vì khi Gioan ngồi trong tù, hẳn các môn đệ ông rất hoang mang lo lắng, không chỉ về sinh mạng của Gioan, mà còn v lý tưởng mà các ông đã trao phó khi quyết định làm môn đệ Gioan.
-   Rồi họ đã được sai đi, đã được trả lời và hiển nhiên họ đã vững tin Đức Giesu chính là Đấng Messia phải đến.
 -   Ngài trả lời các môn đệ Gioan với giọng đầy tin tưởng: đừng thuật lại những lời Ta nói, Ta cao rao…nhưng hãy thuật lại cho Gioan những điều đã xẩy ra.
-   Là những trắc nghiệm gay go nhưng xác thực nhất, trắc nghiệm về hành động và hiệu quả.
    b)   Cho chính Gioan:
-  Gioan xác tín Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, và rao giảng về Người nên khi Đức Giêsu đến xin ông làm phép rửa cho thì ông một mực can Người và nói: "Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” (Mt 3,14)
- Vậy thì tại sao ông lại sai môn đệ đến hỏi Đức Giêsu“Thầy có thật là Đấng phải đến không”? Khi sai môn đệ đến hỏi Chúa về điều mà ông đã xác tín, Gioan muốn gửi một sứ điệp đến môn đệ ông và chúng ta, để tất cả ý thức rằng tin không là việc chạy theo số đông, mà là dấn thân một cách ý thức cho một chọn lựa riêng tư và quan trọng nhất của đời mình;
Cuộc dấn thân đó là hết sức quan trọng vì người ta chỉ có một cuộc đời để sống, và không có chỗ để thử.
-  Như mọi người, Gioan cũng mong đợi Đấng Messia. Sau khi làm phép rửa cho Đức Giesu, ông biết rằng Ngài chính là Ðấng Messia ấy.
-  Chỉ có điều Gioan lại quan niệm Ðấng Messia là một vị Thẩm phán nghiêm minh. Ngài đến để trừng trị những người gian ác. Vì thế khi thấy Ðức Giêsu chưa làm gì để trừng phạt kẻ dữ, thậm chí bản thân Gioan đang bị kẻ xấu giam giữ trong ngục tù, bị ngược đãi, cảm thấy mình thất bại, gặp bất công, mà sao Đấng Cứu Thế cũng không đến giải thoát mình như lời tiên tri Isaia? Mối nghi ngờ thiêu đốt tâm hồn ông. Nên ông liền sai môn đệ đến hỏi thẳng Đức Giêsu.
-  Bởi sứ điệp của Gioan là sứ điệp loan báo về sự phán xét: việc sàng sẩy đã bắt đầu, sự phán xét của Thiên Chúa sẽ khởi sự.
-  Nhưng Đức Giêsu có những việc làm khác với lời của Gioan: ông rao giảng về một Đấng Cứu Thế uy nghiêm, đến để trừng phạt nhân loại. Tuần trước, ông đã răn đe người Do Thái: búa rìu đã để sẵn ở gốc cây, cây nào không sinh trái sẽ bị đốn cho vào lò lửa. 
-  Sứ điệp quả thật là dữ dội, lời loan báo ấy đã gây sợ hãi xôn xao. Thế mà nhìn vào Đức Giêsu, Ngài lại hành động trái ngược, tỏ ra là Đấng Cứu Thế tràn đầy lòng nhân từ, chỉ cứu chữa, tha thứ và phục vụ.
-  Cũng có th Gioan nóng vội, do chờ đợi đã qúa lâu mà Đức Giesu vẫn im lặng; ông mất kiên nhẫn khi thấy Ngài không hành động như ông rao giảng, mong đợi. Nên ông mơ tưởng đến một Đấng Messia khác.
-  Đây là tâm lý chung của những người đạo đức nóng nảy, bị chờ đợi lâu, mong muốn Chúa đáp ứng và mau chóng giáng cơn thịnh nộ, tiêu diệt kẻ tội lỗi cho rồi!
- Ngày nay, mọi người đã biết rõ, biết chính xác Đức Giesu là Đấng Messia mà Thiên Chúa sai đến, nhưng họ vẫn không tin, hoặc yếu tin, nên đã mơ tưởng đến nhiều“vị thần” khác như âm binh, bùa ngải, tiền bạc, danh vọng, quyền lực, lạc thú, sắc đẹp…
-  Chúng ta phải tỉnh thức và rèn luyện sự kiên nhẫn, để khi làm vệc có thể tìm hiểu kỹ vấn đề, suy nghĩ cách giải quyết thỏa đáng nhất, chọn điều kiện thuận lợi nhất để chấn chỉnh từng mặt của đời sống, rèn luyện con người và canh tân đổi mới xã hội.
-  Với những ai kiên nhẫn tin tưởng tìm kiếm tình yêu nơi Thiên Chúa, sẽ hiểu và không bao giờ bị thất vọng.
    c)  Phát xuất từ niềm tin và hy vọng:
-  Gioan dọn đường cho Chúa, đó là ông giúp người ta cảm nghiệm được tình Chúa xót thương hay tha thứ, nên ông giảng về tội lỗi, như ăn năn sám hối, chừa cải, đền lỗi, rửa tội.
-  Ông biết rõ rằng để được ơn tha tội, con người cần có niềm tin, hy vọng, là những động cơ chính đáng dẫn đến việc xem xét tội lỗi mình và sám hối, chắc chắn Chúa sẽ động lòng khoan dung.
-  Hơn nữa, niềm vui của Chúa là đi tìm người tội lỗi, để tha thứ cho họ. Nên chỉ cần họ biết đón nhận ơn thứ tha của Ngài là đủ.
-  Gioan đã làm phép rửa cho Đức Giesu, ông đã chứng kiến hiện tượng Chúa Cha giới thiệu và xác nhận Đức Giesu chính là Con yêu dấu của Ngài, đã được sai đến thế gian.
-  Ông đã sáng mắt sáng lòng trong hy vọng, nên hỏi để xác chứng hy vọng của mình.
-   Và là điều căn bản chắc chắn để ông xây dựng niềm tin và hy vọng cho các môn đệ cùng rao truyền về Đấng phải đến.
-   Những điều Đức Giesu đã làm khi xưa ở xứ Galile, thì ngày nay Ngài vẫn làm và còn làm mãi mãi ở khắp mọi nơi trên tòan thế giới.
-   Vì Ngài không nói hãy nghe những gì Ta phán dạy, mà nói:“Hãy nhìn xem những gì Ta có thể làm cho các ngươi cũng như những điều Ta đã làm cho nhiều người khác.”

2. “Phúc thay người nào không vấp ngã vì Tôi.”
-  Đấng Cứu Thế đã đến, với những dấu chỉ đã được tiên tri Isaia tiên báo:“Người mù xem thấy, kẻ què bước đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được …”
-  Nhưng sự cứng lòng của dân chúng mới thực sự là vấn đề phải quan tâm. Cái trở ngại đáng kể cho việc đón nhận Đấng Cứu Thế là người ta chỉ ao ước và tìm kiếm một ơn cứu độ đậm màu trần tục, mà không nhận ra và từ chối, còn chống đối chính Đấng Cứu Thế.
-    Câu trả lời của Đức Giesu cho thấy quan niệm của Ngài quả là quá xa lạ với suy nghĩ của Gioan. Vì thế, Ngài nhắn với ông:“Phúc thay người nào không vấp ngã vì Tôi” như một lời cnh cáo cho Gioan. Vì ông chỉ nắm có phân nửa chân lý.
-  Mặc dù Đức Giesu đã giới thiệu về Gioan như một vị ngôn sứ cao trọng mà Thánh Kinh nói tới, và trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa tùng có ai cao trọng hơn Gioan.
-  Nhưng Gioan quan niệm Đấng Messia là một thẩm phán nghiêm minh. Nên Gioan rao giảng Tin Mừng về sự thánh thiện với sự hủy diệt. từ trời.
 -   Còn Đức Giesu rao giảng Tin Mừng về sự thánh thiện với sự yêu thương từ trời.
-  Rõ ràng Chúa muốn nói với Gioan rằng:“Có thể Ta không làm điều ngươi trông đợi Ta, nhưng những quyền năng đang bị đánh bại, bị đánh bại không phải bởi sức mạnh vô địch mà bởi tình yêu vô hạn!”
-   Đức Giesu đã trả lời cho Gioan rằng Ngài chính là Đấng Messia, đồng thời cũng muốn điều chỉnh quan niệm của Gioan về Đấng Messia.
-  Vậy những ai đã biết Đức Giesu là Ðấng Messia nhưng không hết lòng tin tưởng vào Ngài là "vấp ngã"; những kẻ chạy theo, hướng về nhiều"Messia khác”cũng là "vấp ngã".
-  Từ đó đến nay đã rất nhiều người bị vấp phạm về Đức Giesu, bởi Ngài cắt ngang quan niệm của họ theo lẽ sống thường, về vật chất, về đạo đức, về tôn giáo, Ngài không làm theo đúng như suy diễn của họ.
-  Tuy nhiên con người vẫn phải cần Thiên Chúa, vì không gì có thể làm con người thỏa mãn những điều thiếu vắng, những khoảng trống sâu rộng không thể lấp đầy trong thâm sâu tâm lòng mọi người.
-  Đúng vậy, người ta thấy con người ngày nay gần như đạt được mọi sự tốt đẹp: hoàn mỹ, hoàn thiện, toàn năng…vì được đầy đủ dư thừa mọi thứ vật chất, danh vọng, quyền lực, tình yêu…chẳng còn thiếu thốn, thèm khát điều chi.
-  Nhưng thật ra những thứ đó không trung thành, cũng chẳng chung thủy, mà sẵn sàng phản bội, bỏ con người mà đi, bởi con người cũng không thể bảo vệ được chúng.
-  Nên con người vẫn không an phận, không hài lòng, không thỏa mãn với chúng. Luôn cảm thấy thiếu thốn, khao khát, mong muốn, ước mơ nắm giữ, vươn tới một điều gì đó làm no thoả khát vọng hạnh phúc vĩnh viễn của mình.
-  Vì thế nhân loại đã nhanh chóng nhận ra rằng họ có thể làm được mọi thứ, vượt ra ngoài thế giới địa cầu, chu du trong vũ trụ bao la, kể cả khả năng tạo ra hay trao đổi mầm sống, nhưng con ngưi vẫn bó tay trước những khát vọng thâm sâu của riêng mình.
-  Hơn lúc nào hết, nhân lọai đang cần Thiên Chúa, đang trông chờ một Đấng Messia như tiên tri Isaia loan báo, đến để không ai bị vấp ngã, không ai bị lọai, mà tất cả được sống trong an lành, hạnh phúc ngay ở  đời này và viên mãn trong đời sau.

Lạy Chúa, khi xưa nhìn chung quanh, ngôn sứ Isaia thấy những cảnh bất hạnh: nhiều người mệt mỏi chán chường với"những bàn tay rời rã, những đầu gối mỏi mòn"; nhiều người khác bi quan sợ hãi trước những áp bức, bất công; nhiều người khác nữa đau buồn rên siết trong biển khổ cuộc đời...Ngôn sứ Isaia đã an ủi và khích lệ họ: mọi bất hạnh sẽ biến mất khi Thiên Chúa đến:"Chính Thiên Chúa sẽ đến và cứu độ các ngươi.”
Vâng, xin cho chúng con kiên nhẫn, tin tưởng vào lời Chúa phán qua miệng ngôn sứ Isaia. Vì chúng con đang rất cần Ngài đến, đến đ minh oan cho người bị áp bức, nâng đỡ người yếu đuối, chở che người cô thế cô thân, lấp đầy nhng khoảng trống mênh mông rất cần được lấp đầy...Vì Đức Giesu Chúa chúng con. Amen.

Thân mến,

duyenky

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét