Thứ Hai, 23 tháng 12, 2019

CHUYỆN GIÁNG SINH


CHUYỆN  GIÁNG  SINH

Thu, 05/12/2019 - Trầm Thiên Thu



CON CHÚA LÀM NGƯỜI GIAO HÒA TRỜI ĐẤT


TỘI NHÂN HẠNH PHÚC ĐỔI MỚI XÁC HỒN



Lễ Giáng sinh có thể gọi chính xác là ngày nghỉ của các giác quan. Đây là mùa của đèn nến và kim tuyến, thánh ca và ca đoàn, hương vị của cây thông và hạt dẻ nướng. Giáng Sinh đến với chúng ta với những bữa ăn ngon, những tiếng cười vui vẻ, và những nụ hôn dưới cây tầm gửi. Khung cảnh Giáng Sinh được trang trí lộng lẫy khắp nơi, từ thôn quê tới thành thị, vô số những tấm thiệp được gởi để chúc mừng nhau. Hơn 2.000 năm qua, thế giới đánh dấu việc giáng sinh của Chúa Giêsu là lễ hội vui mừng nhất. Không có ngày nào trong năm vui mừng như vậy.



Chưa một Công đồng nào hoặc một Giáo hoàng nào công bố như vậy. Nhưng mỗi năm, Giáng Sinh đến như làn gió Đông bất ngờ thổi vào Tháng Mười Hai, như ánh nắng lấp lánh phản chiếu trên tuyết trắng xóa. Cảm giác rất lạ, đang từ mùa Đông cằn cỗi tới mùa ánh sáng vui mừng.



Giáng Sinh đầu tiên – ngày Chúa Giêsu giáng trần – là “cú sốc” đối với lịch sử nhân loại.



Trải qua nhiều thế kỷ, nhân loại đã sống và đã chết trong tội mà không biết, cảnh khốn khổ của thế gian này không thể tránh khỏi và niềm vui quá ít mà mau qua. Giáng Sinh tới, lịch sử được chia làm đôi: Trước ngày đó (trước Công nguyên), và sau ngày đó (sau công nguyên). Thế giới hoàn toàn thay đổi. Vì Ơn Cứu Độ khởi đầu từ khi Thiên Chúa hóa thành nhục thể, khi Thiên Chúa hạ sinh tại Belem.



Thiên Chúa đến ở với chúng ta trên thế gian này. Thánh Gioan khởi đầu Phúc Âm bằng cách diễn tả một Thiên Chúa rất quyền năng, rất xa xôi, nhưng Ngài đã vượt qua tất cả vì yêu thương nhân loại:



“Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga 1:1-5).



Đó là Thiên Chúa mà chính các triết gia ngoại giáo cũng biết, họ gọi Ngài là Động Lực Đầu Tiên, Tạo Hóa, Thượng Đế. Kịch bản của Thánh Gioan lên tới đỉnh điểm: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1:14).



Đây là tin “giật gân”. Từ trời cao xa, từ thời điểm xa nhất, chính Thiên Chúa đã hóa thành nhục thể và “cắm lều” ở giữa Dân Ngài. Từ đời đời, Thiên Chúa là Ngôi Lời, nhưng không ai nắm bắt được Ngôi Lời. Bây giờ Ngài hóa thành Hài Nhi, và người ta có thể bồng bế hoặc ôm ấp Hài Nhi.



Theo sự thật lạ lùng của Kitô giáo, không gì táo bạo như điều này: Ngôi lời sinh ra tại một ngôi làng nhỏ, trong một hang đầy thú vật, vào một đêm vừa lạnh giá vừa tăm tối. Ngôi Lời đã làm người và đã thay đổi mọi thứ. Điều này làm cho lễ Giáng Sinh trở thành lễ gây sốc nhất trong lịch.



Ý nghĩa lễ Giáng Sinh được gom lại trong điều này. Thiên Chúa đã sống trong một gia đình như chúng ta. Ngài cũng run người vì lạnh như chúng ta. Ngôi-Lời-mặc-xác-phàm cũng đã bú sữa mẹ như các em bé khác, cũng khóc lóc khi cơ thể bất an. Hoàn toàn như chúng ta, chỉ trừ tội lỗi.



Truyền thống cho chúng ta biết rằng Thánh Gioan viết đoạn mở đầu cho Phúc Âm của ngài khi được linh hứng cao độ. Bạn bè của ngài đã bảo ngài viết chuyện đời Chúa Giêsu, thế nên ngài bảo họ ủng hộ ngài bằng cách ăn chay và cầu nguyện. Khi ăn chay xong, Thần Khí ngự xuống trên Thánh Gioan, và ngài như không còn là chính mình. Ngôn từ cứ tuôn trào – có thể chính là những từ mà ngài cố gắng tìm mà chưa bao giờ tìm được.



Chúng ta có thể thấy lạ trong giọng điệu khi ngài nói với chúng ta rằng Ngôi Lời trở nên người phàm. Khi ngài viết, hẳn là ngài cũng cảm thấy rất hưng phấn, như lần đầu đến nhà của thợ mộc Giêsu ở làng Nadarét, Đấng Được Xức Dầu, Con Thiên Chúa.



Sự ngạc nhiên này cũng có trong thư thứ nhất của Thánh Gioan. Theo truyền thống, Thánh Gioan viết lá thư đó 66 năm sau khi Chúa Giêsu về trời, nhưng vẫn có sự ngạc nhiên trong lối hành văn của ngài. Ngài vẫn như thể không tin được rằng “điều đó là từ khởi đầu” cũng là “điều mà chúng ta nghe, thấy và sờ được”.



* * *



Trong thời Giáo hội sơ khai, lễ Giáng Sinh không là lễ quan trọng. Cuộc đời Chúa Giêsu vẫn là ký ức sống, và sự phục sinh của Ngài vẫn chiếm vị trí trung tâm trong lịch. Nhưng theo thời gian, các thầy dạy giả mạo bắt đầu không chịu nhận nhân tính nơi Chúa Giêsu. Họ cho rằng cơ thể Chúa Giêsu là cách cải trang tinh vi, chứ Thiên Chúa không bao giờ hạ giá chính Ngài bằng cách “mặc lấy xác phàm”. Sau đó, các tà thuyết từ chối việc Đức Mẹ sinh ra Ngôi Lời. Họ nói rằng Đức Mẹ sinh ra “thùng” chứa đựng Ngôi Lời. Các tà thuyết vẫn cho rằng Chúa Con là phần phụ, như thần thánh, chứ không đồng bản thể và vĩnh hằng với Chúa Cha.



Các tà thuyết này có một điểm chung: Không chấp nhận việc làm người của Con Thiên Chúa. Arius là người lập ra tà thuyết Arian, ông là người giỏi về luận lý. Ông từ chối tín điều Tam Vị Nhất Thể (Chúa Ba Ngôi), ông cho rằng ba không thể là một, đó là số học sơ đẳng. Thiên Chúa vô hạn không thể làm người hữu hạn, đó là triết học sơ đẳng. Do đó không thể có việc Thiên Chúa làm người.



Những người lạc giáo như Arius muốn dành cho Thiên Chúa sự sỉ nhục không thể lý giải của sự lệch lạc vì kết hợp quá sát với bản tính nhân loại. Đó cũng là vấn đề tương tự mà nhóm Pharisêu không thể vượt qua: Nếu Ông Giêsu này quá tốt, tại sao Ngài thân thiết với người tội lỗi và người thu thuế? Thật vậy, mặc dù những người theo tà thuyết khăng khăng cho rằng họ bảo vệ sự hoàn hảo của Thần tính, họ vẫn thực sự từ khước sự hoàn hảo của tình yêu Thiên Chúa. Cuối cùng, tình yêu có thể có vẻ bất khả lý luận. Bất kỳ ai đánh giá người khác như chính mình đều có vẻ hoàn toàn thái quá.



Hầu như không thể trùng khớp việc kỷ niệm ngày sinh của Chúa Giêsu theo lịch sử và theo nghĩa đen, Ngài là con bác thợ mộc bắt đầu đảm trách việc quan trọng hơn khi đức tin đích thực bị choán bởi các sai lầm rất nguy hiểm là từ chối việc hóa thành nhục thể. Mừng Con Thiên Chúa giáng sinh là tách điều chính thống với tà thuyết. Mừng Chúa Giáng Sinh đưa Giáo hội tới nguyên tắc rõ ràng.



* * *



Từ đầu, không có sự thống nhất về ngày lễ Giáng Sinh. Giáo hội ở Ai Cập đặt ngày Đức Kitô giáng sinh vào tháng Tư hoặc tháng Năm. Các Giáo hội khác đặt vào tháng Ba, hoặc bất kỳ tháng nào mà họ thích. Điều cũng phổ biến là kết hợp lễ Giáng Sinh với lễ Hiển Linh (Ba Vua), đặt cả hai lễ này vào ngày 6 tháng 1. Nhưng khoảng thập niên 400, lễ Giáng Sinh được ấn định ngày 25 tháng 12 cho tới ngày nay.



Có ít nhất ba giả thuyết về lễ Giáng Sinh được mừng vào ngày 25 tháng 12. Cả ba đều hợp lý.



Giả thuyết thứ nhất đơn giản nhất. Chuyện xưa kể rằng, khoảng năm 350, ĐGH Julius I tìm ngày Chúa Giêsu giáng sinh trong hồ sơ điều tra dân số. Không thấy trong hồ sơ có thông tin về 350 năm sau đó. Chúng ta biết qua Phúc Âm theo Thánh Luca rằng Chúa Giêsu sinh ra trong thời gian điều tra dân số. Người Rôma, với sự tôn trọng mệnh lệnh, có thể đã giữ hồ sơ quá kỹ ở nơi nào đó tại Rôma nên không thể phát hiện.



Giả thuyết thứ nhì cho rằng các Kitô hữu không thể bỏ lễ kỷ niệm giữa mùa Đông của người ngoại giáo, nên dùng ngày đó luôn. Xuyên suốt lịch sử, người ta đã bỏ qua những ngày ngắn trong năm như ngày Đông chí hoặc Hạ chí. Khi ngày bắt đầu dài trở lại, nghĩa là mùa Đông cũng qua, và thế giới sẽ tái sinh vào mùa Xuân.



Nguồn gốc ngoại giáo của ngày này không làm chúng ta thành xấu xa. Thật vậy, nhiều truyền thống Kitô giáo đã có nguồn gốc từ ngoại giáo. Chẳng hạn cây Giáng Sinh không liên quan gì tới ngày Chúa Giêsu giáng sinh, nhưng chắc chắn mang ý nghĩa là nghi lễ giữa mùa Đông của ngoại giáo: Nhờ sự thông cảm, chúng ta đem tinh thần này vào ngày lễ bằng một cây xanh – cây này vẫn sống khi các cây khác đã chết khô. Và đó cũng là biểu tượng xứng hợp đối với các Kitô hữu. Cây xanh là phép ẩn dụ minh nhiên về niềm hy vọng của cuộc sống mới mà Đức Kitô mang lại cho chúng ta.



Còn nữa, đèn nến mà chúng ta thắp sáng khắp nơi trong lễ Giáng Sinh có thể là sự sống còn của nghi lễ ngoại giáo – một lần nữa lại là dạng thông cảm, lửa thắp sáng để làm mặt trời chết sống lại. Nhưng ánh sáng luôn là biểu tượng ưa thích của Kitô giáo.



Chúng ta biết rằng Giáo hội thời sơ khai thường lợi dụng niềm tin hoặc tục lệ của dân địa phương để loan truyền Phúc Âm. Chính Thánh Phaolô đã có một câu nổi tiếng được khắc trên bàn thờ dâng kính một vị thần ở A-thê-na (Athens): “Thưa quý vị người A-thê-na, tôi thấy rằng, về mọi mặt, quý vị là người sùng đạo hơn ai hết. Thật vậy, khi rảo qua thành phố và nhìn lên những nơi thờ phượng của quý vị, tôi đã thấy có cả một bàn thờ, trên đó khắc chữ: Kính thần vô danh. Vậy Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị” (Cv 17:23). Tinh thần của Thánh Phaolô có rất nhiều trong Giáo hội trong việc phát triển cách hiểu của Kitô giáo về các lễ hội được ưa thích của người ngoại giáo, giải thích cho những người chuyển đạo rằng họ thực sự tôn thờ không chỉ Thần ánh sáng mà là Chúa Nguồn Sáng.



Giả thuyết thứ ba giải thích về ngày 25 tháng 12 là nó thích hợp với khái niệm của Giáo hội sơ khai về sự sống hoàn hảo của Chúa Giêsu. Truyền thống nói rằng Chúa Giêsu chết ngày 25 tháng 3. Các thần học gia lý luận rằng, để sự sống của Ngài hoàn hảo, Ngài cũng phải được thụ thai vào ngày 25 tháng 3, rồi sinh ra 9 tháng sau đó.



Ý tưởng về sự sống của Chúa Giêsu có sự hoàn hảo về mỹ học phải làm thỏa mãn thời đại cho tới thời triết học tân Platon. Điều đó đã làm thỏa mãn các nhà thông thái cũng như lễ hội giữa mùa Đông làm thỏa mãn tình cảm của dân chúng.



Các giả thuyết này đều có thể là thật. Chẳng hạn, người ta tưởng tượng rằng Đức giáo hoàng đã khám phá ngày tháng trong cuộc điều tra dân số, và Giáo hội lợi dụng sự thích hợp đó với ngày tháng của lễ hội ưa thích của người ngoại giáo, cũng như các Kitô hữu lợi dụng tính cân xứng với ngày chết của Chúa Giêsu. Các Kitô hữu đã tới các quốc gia theo cách mà các quốc gia đã được chuẩn bị để nghe biết. Nhờ đưa ra cách hiểu về Kitô giáo đối với phong tục địa phương hoặc ý tưởng triết học hợp lý, Giáo hội đã cho những người mới theo đạo cách hiểu lịch sử của việc Chúa giáng sinh theo cách mà họ có thể hiểu.



* * *



Khi lễ hội này lan tràn khắp các nước mới gia nhập Kitô giáo ở Âu châu và Đông phương, người ta gom các phong tục ngoại giáo cổ xưa hơn và tạo cách hiểu mới. Lễ Giáng Sinh lan truyền tới đâu thì đều có vẻ mới nhưng vẫn quen thuộc với những người mới theo đạo. Có thể chính sự quen thuộc đó đã làm cho lễ Giáng Sinh được người ta yêu thích.



Khoảng năm 1100, lễ Giáng Sinh đã trở nên lễ quan trọng nhất trong năm. Suốt thời Trung cổ, lễ Giáng Sinh được cử hành ở khắp nơi với những cảnh đẹp lộng lẫy và niềm vui mừng. Người ta hát những bài ca giáng sinh mà họ thích; những đám rước nhộn nhịp qua các con đường nhỏ ở các thành phố thời Trung cổ; và bất kỳ nơi nào cũng tỏa mùi thơm từ những món ăn mừng lễ Giáng Sinh.



Tuy nhiên, với cuộc Cải cách Tin Lành, có những thay đổi về văn hóa. Họ hăng hái chống lại mọi sự lạm dụng trong Giáo hội, nhiều nhà cải cách đã nhắm vào lễ Giáng Sinh chỉ là một trong các lễ hội ngoại giáo. Theo nghĩa nào đó, dĩ nhiên họ đúng: Nhiều truyền thống có nguồn gốc ngoại giáo. Nhưng các phe chống lễ Giáng Sinh đã chỉ phê phán bằng “cái gốc” đáng lẽ họ phải phê bình bằng “hoa trái”.



Khi những người theo Thanh giáo chiếm lĩnh ở Anh quốc, họ đã cấm lễ Giáng Sinh. Các cửa tiệm phải mở toang ra. Bất kỳ ai bị phát hiện một miếng bánh nào sẽ gặp rắc rối. Người Thanh giáo cho rằng các loại bánh khúc cây, bánh mận, và những bài hát giáng sinh tạo nên lễ Giáng Sinh truyền thống Anh quốc đều không là gì khác ngoài việc tôn sùng ngẫu tượng ngoại giáo, thế thì phải dẹp bỏ. Có một số người phản đối, thậm chí một số người còn sẵn sàng chết vì bảo vệ lễ Giáng Sinh, nên dân chúng vẫn theo truyền thống dùng lễ Giáng Sinh là ngày nghỉ – nhưng người Thanh giáo vẫn chiếm ưu thế, dù chỉ trong một thời gian ngắn.



Để phản kháng, người Thanh giáo ra lệnh rằng lễ Giáng Sinh phải là ngày ăn chay. Truyền thống này không bao giờ được tiếp nối. Dễ dàng nói rằng việc ăn chay không bao giờ được theo vì tính yếu đuối nhân loại – cuối cùng, người ta thích ăn mừng lễ hơn ăn chay vì tự nhiên như người ta thích vui hơn thích buồn. Nhưng Mùa Chay không bao giờ bị bỏ ra ngoài lịch. Các Kitô hữu tốt lành sẵn sàng chịu đựng sự từ bỏ mình khi thích hợp. Nhưng điều đó có vẻ không thích hợp với lễ Giáng Sinh.



Có điều người Thanh giáo không hiểu, và có điều nhiều người tốt vẫn không hiểu, đó là không có sự mâu thuẫn giữa việc tôn thờ Thiên Chúa và tận hưởng sự sáng tạo của Thiên Chúa. Không gì xấu để tận hưởng những điều tốt lành mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta. Phép lạ thứ nhất của Chúa Giêsu là hóa nước thành rượu – mà không chỉ là rượu thường, thánh Gioan tỉ mỉ cho biết đó là loại rượu hảo hạng. Rõ ràng Con Người có vị giác rất tốt theo nhân tính.



Một số các Kitô hữu sai lầm như Thanh giáo đều xấu hổ vì hiểu đức tin với niềm vui trần tục. Nhưng mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh là mầu nhiệm Ngôi Lời làm người. Thánh Athanasiô nói rằng chữ “nhục thể” (xác thịt) là sự chính thống anh hùng vô địch khi những đám mây tà thuyết có vẻ đen tối nhất, “nhục thể không loại bỏ vinh quang của Ngôi Lời, tư tưởng còn xa hơn. Ngược lại, nhục thể được Thiên Chúa làm cho vinh quang”.



Một số các Giáo phụ gọi lễ Giáng Sinh là lễ Hóa Thân, theo nghĩa gốc tiếng Latin. Khi Thiên Chúa mặc xác phàm, chính nhục thể trở thành vật thánh, là điều được cử hành bằng hình ảnh, tượng và thiệp giáng sinh.



Thế kỷ VIII, một bè rối nổi lên trong Giáo hội và tự nhận là “Iconoclasts”, tiếng Hy Lạp nghĩa là “những người đập nát hình ảnh” (tức là phá ngẫu tượng). Họ cố gắng “thanh lọc” và “tâm linh hóa” đời sống Kitô giáo bằng cách xóa bỏ mọi biểu tượng về Chúa Giêsu, Đức Mẹ, và các thánh. Họ phá hủy mọi hình ảnh tôn giáo trong thời Đế quốc La Mã Đông phương, và họ chặt tay các Kitô hữu nào không loại bỏ các ảnh tượng. Họ nói rằng Thiên Chúa không thể được thể hiện qua ảnh tượng; ai làm vậy là thờ ngẫu tượng. Nhưng đây là cách mà Thánh Gioan thành Damascô trả lời họ: “Thời xưa, Thiên Chúa không được thể hiện bằng bất kỳ cách nào. Nhưng ngày nay, vì Thiên Chúa đã mặc xác phàm và sống giữa chúng ta, tôi có thể biểu hiện điều nhìn thấy ở Thiên Chúa. Tôi không tôn thờ chất liệu, mà tôi tôn thờ Đấng tạo nên chất liệu và trở nên chất liệu vì tôi… Qua chất liệu, Ngài hoàn tất ơn cứu độ cho tôi”.



Nói cách khác, sự “hóa thân” làm thành nghệ thuật, và cũng là đồ thánh, cũng như điều đó làm cho cơ thể thành vật thánh. Các họa sĩ đã vẽ tranh giáng sinh qua nhiều thế kỷ mà không tạo ra ngẫu tượng. Cách thể hiện của họ là những bài Thánh Thi (hymns) ca tụng Thiên Chúa vô hình được làm thành hữu hình.



Nhìn vào bất kỳ tranh giáng sinh cổ điển nào đều có thể cảm nhận Thiên Chúa. Mỗi con vật trong hang đá là một thụ tạo; mỗi cọng rơm trong máng cỏ đều được rút ra bằng sự cẩn thận vô cùng. Trong các cảnh của Kinh thánh, các họa sĩ đã yêu quý vẽ ra từ nhiều thế kỷ qua, lễ Giáng Sinh gợi nhớ sự vui mừng nhất trong niềm vui vẽ tranh, và Thiên Chúa hiện hữu trong từng chi tiết đó.



* * *



Câu chuyện giáng sinh của mọi người là câu chuyện trong Phúc Âm theo Thánh sử Luca. Điều làm cho câu chuyện đó được yêu mến là sự thân thiện. Thánh Luca có vẻ như viết cho dân ngoại, cố gắng tới đúng chỗ Chúa Giêsu sinh ra về phương diện lịch sử và địa lý. Chúa Giêsu giáng sinh không là một ẩn dụ hoặc ngụ ngôn như những câu chuyện thời Trung cổ, mà đó là sự kiện thật ở nơi thật mà lịch sử có thể chứng minh.



Thánh Luca tiếp tục cho chúng ta thấy kỹ năng viết của một sử gia, chính xác các chi tiết mà chúng ta cần biết về sự giáng sinh của Chúa Giêsu. Chúng ta biết Thánh Giuse và Mẹ Maria cảm thấy thế nào khi không có chỗ trọ, và các ngài vui thế nào khi tìm được cái hang chiên lừa, và khiến chúng ta cũng cảm thấy như Thánh Giuse và Mẹ Maria. Rất chi tiết. Còn các tác giả Phúc Âm khác không cho chúng ta biết chi tiết như vậy, mà chỉ nói các điểm chính.



* * *



Ngôi Lời hóa thành nhục thể không chỉ là sự kiện một lần trên Thập giá hoặc Thăng thiên. Đức Giêsu Kitô không chỉ đến trong thế gian ở một nơi đặc biệt và vào thời điểm đặc biệt, mà Ngài còn thiết lập Giáo hội là Nhiệm Thể Ngài trên thế gian này. Các cộng đoàn tín hữu sinh sống ở mọi nơi trên hành tinh này – họ là các chi thể của Đức Kitô. Nếu bạn muốn biết Chúa Giêsu như thế nào, hãy vào nhà thờ và nhìn xung quanh bạn.



Hơn nữa, chúng ta còn gặp Đức Kitô hiện thân trong Bí tích Thánh Thể, vì Ngài nói: “Thịt Tôi thật là của ăn, và Máu Tôi thật là của uống” (Ga 6:55). “Hóa thân” không là điều trừu tượng – đó là điều “cụ thể kỳ diệu” trong đời sống thường nhật của chúng ta. Điều đó không chỉ xảy ra hơn hai ngàn năm trước mà vẫn đang xảy ra từng ngày trong thời đại chúng ta ngày nay.



“Hóa thân” là “hiện thân” của tình yêu hiện hữu trong những điều thực tế mà Chúa Giêsu trao ban cho chúng ta. Đó không chỉ vì sự hiểu biết của phàm nhân yếu đuối mà các bí tích đều được cử hành bằng các dấu bề ngoài. Chúa Con đã hóa điều đó nên sự thánh.



Chính trong Thánh Thể, chúng ta thấy sự nuôi dưỡng dành cho tinh thần được mô tả trong dạng sơ đẳng nhất của sự nuôi dưỡng dành cho thân xác. Thiên Chúa vĩnh hằng hiện ra với chúng ta trong dạng tạm thời của bánh và rượu: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy. Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26:26-28). Khi cử hành Bí tích Thánh Thể, chúng ta được gợi nhớ rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa đã trở nên xác thịt thực sự để xẻ ra và máu thực sự để đổ ra.



Sự hóa thân đó cho chúng ta cảm thấy niềm vui thực sự thích hợp với lễ Giáng Sinh. Qua sứ vụ của Ngài, Chúa Giêsu thành Nadarét đã chữa lành các bệnh nhân và làm no thỏa những người đói khát. Ngài yêu thương chúng ta không chỉ để đưa chúng ta về Thiên đàng với Ngài, mà Ngài còn muốn chúng ta tận hưởng hạnh phúc ngay khi chúng ta còn sống trên thế gian này. Ngài chỉ yêu cầu chúng ta một điều duy nhất là yêu mến Ngài, đồng thời yêu thương tha nhân như Ngài đã yêu thương chúng ta.



Người ta vẫn thấy dấu vết của tình yêu Kitô trong các phong tục cổ và thói quen tặng quà giáng sinh. Việc mua thiệp giáng sinh cũng là sự thôi thúc của Kitô giáo là “trao tặng”, như Chúa Giêsu đã dạy: “CHO thì có phúc hơn là NHẬN” (Cv 20:35).



Chúa Giêsu luôn thấy điều tốt nơi chúng ta và tha thứ lỗi lầm cho chúng ta, Ngài cũng muốn chúng ta phải làm cho người khác hạnh phúc. Chúng ta hãy cầu nguyện cho điều đó hiện thực nơi mỗi chúng ta.



Đây là điều Chúa Giêsu dạy chúng ta: Chúng ta có thể xác để dùng nó mà thờ lạy Thiên Chúa, như Đức Giêsu thành Nadarét đã làm. Chúng ta có thể xác để dùng nó mà phục vụ tha nhân, như Đức Giêsu thành Nadarét đã làm. Chúng ta có thể xác để dùng nó mà đem lại sự thuận lợi, an ủi và chữa lành, như Đức Giêsu thành Nadarét đã làm. Chúng ta có thể xác vì mục đích làm vinh danh Thiên Chúa.



Lễ Giáng Sinh chan hòa niềm vui: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2:14). Chúa Giêsu sinh ra nơi hang bò lừa hôi tanh cho những gia đình lao động nghèo. Đó là điều vinh dự đích thực. Không gì lý tưởng bằng việc Chúa Giêsu giáng sinh làm người. Con Thiên Chúa sinh ra theo cách rất ư bình thường, thậm chí còn tệ hơn bình thường. Những người đầu tiên biết Tin Vui này là những mục đồng chăn chiên nghèo khổ, chứ không phải những người cao sang quyền thế hoặc hoàng đế Augustô tại dinh thự ở Rôma, cũng chẳng phải bạo chúa Hêrôđê. Đó là sự kỳ diệu của Ngôi-Lời-Làm-Người: Ngôi Lời thực sự là người như chúng ta.



Câu chuyện giáng sinh là câu chuyện kể về cách mà xác thịt hóa thành thánh thiêng, thân xác được thánh hóa, và niềm vui trần tục trở nên thánh ca chúc tụng Thiên Chúa. Như vậy, lễ Giáng Sinh là lễ dành cho ngũ quan. Chúng ta thích nghe đi nghe lại câu chuyện Chúa Giêsu giáng sinh mà không chán, và câu chuyện đó vẫn ở mãi trong chúng ta.



TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ FathersOfTheChurch.com)
[Đăng báo ĐMHCG số 400, tháng 12-2019, DCCT xuất bản tại Hoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét